Đo thể tích ký thân nhằm mục đích gì?

Đo thể tích ký thân là một phương pháp đo dung tích toàn phổi có sử dụng buồng đo thể tích ký thân. Đo thể tích ký thân với mục đích khẳng định rối loạn thông khí hạn chế và phân biệt những trường hợp rối loạn thông khí.

1. Đo thể tích ký thân là gì?

Đo thể tích ký thân hay còn gọi là phế thân ký là phương pháp đo dung tích toàn phổi có sử dụng buồng đo thể tích ký thân, với mục đích thăm dò thông khí phổi.

Những ưu điểm của phương pháp phế thân ký đem lại bao gồm:

  • Thời gian đo nhanh
  • Cho ra kết quả không bị ảnh hưởng bởi thông khí
  • Bệnh nhân không phải hít khí hay bị phơi nhiễm phóng xạ

Để tiến hành đo thể tích ký thân, người bệnh sẽ được yêu cầu ngậm kín ống thổi, và làm theo yêu cầu của nhân viên y tế như thở đều, hít vào chậm hết sức sau đó thở ra chậm và cuối cùng là thở ra hết sức. Nếu người bệnh có rối loạn thông khí hạn chế sẽ cho ra kết quả:

  • Dung tích toàn phổi (TLC) <80%
  • Rối loạn thông khí hạn chế nhẹ: TLC 65-80%
  • Rối loạn thông khí hạn chế trung bình: TLC 50-64%
  • Rối loạn thông khí hạn chế nặng: TLC <50%

Người bệnh đo thể tích ký thân bằng máy theo hướng dẫn của kỹ thuật viên
Người bệnh đo thể tích ký thân bằng máy theo hướng dẫn của kỹ thuật viên

Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả như uống rượu trong vòng 4 giờ trước đó, ăn quá no trong vòng 2 giờ trước, mặc quần áo chật, sử dụng thuốc điều trị tim, đau thắt ngực, tăng huyết áp, có gắng sức mạnh 30 phút trước,...

2. Mục đích đo thể tích ký thân

Đo thể tích ký thân là phương pháp đo thể tích khí toàn phổi được chỉ định khi có hô hấp bất thường. Mục đích đo thể tích ký thân bao gồm:

  • Chẩn đoán bệnh phổi hạn chế
  • Phân biệt hội chứng tắc nghẽn và hạn chế
  • Lượng giá những bệnh hô hấp như: Bệnh phổi tắc nghẽn, sức cản đường dẫn khí,...
  • Theo dõi tiến trình bệnh và đáp ứng với điều trị
  • Lượng giá sau phẫu thuật cắt phổi

Bệnh nhân được chỉ định đo thể tích ký thân khi có bất thường về hô hấp
Bệnh nhân được chỉ định đo thể tích ký thân khi có bất thường về hô hấp

3. Đo thể tích ký thân được chỉ định, chống chỉ định trong những trường hợp nào?

3.1 Chỉ định

Đo thể tích ký thân được chỉ định trong những trường hợp sau đây:

  • Khi người bệnh có triệu chứng ho, khó thở, khò khè, ho kéo dài điều trị kháng sinh không kết quả.
  • Khi khám người bệnh nhận thấy lồng ngực hình thùng hay biến dạng lồng ngực, ran ngáy, ran nổ.
  • Xét nghiệm: Tăng CO2 máu, có giảm oxy máu, đa hồng cầu. Xquang có hình ảnh khí phế thũng
  • Theo dõi bệnh thần kinh: Nhược cơ, H/c Guillain-Barre, viêm tủy lan lên.
  • Ảnh hưởng của các bệnh lý khác lên đường hô hấp: Lupus ban đỏ, xơ cứng bì, tim mạch, viêm đa khớp dạng thấp..
  • Theo dõi hiệu quả của các phương pháp dự phòng và điều trị bệnh (vật lý trị liệu, phục hồi chức năng).
  • Giám định thương tật, suy giảm chức năng hô hấp.
  • Theo dõi ảnh hưởng của môi trường gây bệnh phổi nghề nghiệp, của xạ trị hay của thuốc độc đến đường hô hấp.
  • Đánh giá chức năng hô hấp trước phẫu thuật ngực, bụng và lượng giá kết quả sau khi phẫu thuật đường hô hấp.
  • Tầm soát các đối tượng có nguy cơ cao: hút thuốc, tiếp xúc với không khí ô nhiễm.

Những người thường xuyên hút thuốc cần được tầm soát định kỳ
Những người thường xuyên hút thuốc cần được tầm soát định kỳ

3.2 Chống chỉ định

Chống chỉ định trong những trường hợp:

  • Nhiễm trùng đường hô hấp: Lao, viêm phổi.
  • Ho máu không rõ nguyên nhân.
  • Tràn khí màng phổi.
  • Tình trạng tim mạch không ổn định.
  • Nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não.

Tóm lại, đo thể tích ký thân là phương pháp đo dung tích khí toàn phổi, với mục đích chẩn đoán, phân biệt và lượng giá các bệnh về đường hô hấp như: Bệnh phổi tắc nghẽn, hạn chế hay hỗn hợp, hội chứng tắc nghẽn và hạn chế, sức cản đường dẫn khí,... Ngoài ra, nó còn có vai trò trong việc lượng giá sau phẫu thuật cắt phổi và giám định y khoa.

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe