Diễn biến nồng độ Procalcitonin có thể được sử dụng như một thông số để chẩn đoán phân biệt và đánh giá sớm tình trạng nhiễm khuẩn và nhiễm khuẩn huyết. Định lượng PCT cần được thực hiện và theo dõi hàng ngày. Đối với những trường hợp đặc biệt cần định lượng trong những khoảng thời gian ngắn từ 8 đến 12 giờ.
1. Định lượng Procalcitonin
Procalcitonin gọi tắt là PCT được sản xuất bởi các tế bào C trong tuyến giáp hoặc các tế bào khác trong cơ thể như tế bào gan, phổi, monocyte... khi bị kích thích bởi một tổn thương nặng, nhất là trong nhiễm khuẩn toàn thân. PCT được cấu tạo từ 116 acid amin là tiền chất của hormon calcitonin.
Nội độc tố vi khuẩn, cytokin tiền viêm, IL-6 và TNF-α là những dẫn chất chính trong cơ chế tăng sinh PCT, tuy vậy gan vẫn là nơi tổng hợp và giải phóng PCT chủ yếu. Thời gian bán hủy của PCT trong huyết tương từ 19-24 giờ.
2. Chỉ định xét nghiệm PCT
- Xét nghiệm Procalcitonin là xét nghiệm tương đối mới nhưng nó dần được sử dụng nhiều hơn. Các nghiên cứu gần đây đã cho thấy vai trò của PCT trong việc đánh giá nguy cơ nhiễm khuẩn hệ thống ở những bệnh nhân nặng. Nó được chỉ định chủ yếu ở những bệnh nhân vào khoa cấp cứu, điều trị tích cực hoặc những bệnh nhân nghi ngờ có nhiễm khuẩn huyết.
Xét nghiệm Procalcitonin đã được FDA công nhận vai trò hỗ trợ đánh giá nguy cơ nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn ở những bệnh nhân nặng. PCT thường được định lượng trong những ngày đầu của bệnh để chẩn đoán. Nó có thể được làm sau đó để theo dõi đáp ứng điều trị.
- Procalcitonin có thể được làm cùng với các xét nghiệm khác như CRP, công thức máu, cấy máu, chọc dịch não tủy để phát hiện hoặc loại trừ nhiễm khuẩn cấp, để phân biệt viêm màng não do vi khuẩn với virus, hoặc để phát hiện, loại trừ viêm phổi do viêm khuẩn ở những bệnh nhân nặng và ở trẻ em sốt không rõ nguyên nhân.
- Procalcitonin cũng được chỉ định khi có tổn thương mô do các nguyên nhân như chấn thương, phẫu thuật, hoặc phát hiện bội nhiễm viêm khuẩn ở những bệnh nhân có viêm phổi do virus
- Procalcitonin cũng được làm để theo dõi hiệu quả điều trị tình trạng nhiễm khuẩn.
3. Chẩn đoán nhiễm khuẩn
Giá trị bình thường của PCT huyết tương người là < 0,046 ng/mL (hay < 0,046 μg/L). Giá trị cắt có ý nghĩa lâm sàng (clinical cut-off) là: < 0,5 ng/mL: nguy cơ thấp đối với nhiễm khuẩn nặng hoặc shock nhiễm khuẩn; > 2,0 ng/mL: nguy cơ cao đối với nhiễm khuẩn nặng hoặc sốc nhiễm khuẩn.
PCT là một thông số đặc biệt của viêm do vi khuẩn nặng, các nhiễm khuẩn do nấm và là một chỉ dẫn thật sự cho sự hoạt động viêm liên quan đến nhiễm khuẩn và suy đa cơ quan. Do vậy, diễn biến nồng độ PCT có thể được sử dụng như một thông số để chẩn đoán phân biệt sự nhiễm khuẩn cấp và theo dõi mức độ viêm do nhiễm khuẩn. Định lượng PCT cần được thực hiện và theo dõi hàng ngày. Đối với những trường hợp đặc biệt cần định lượng trong những khoảng thời gian ngắn từ 8 đến 12 giờ.
Sự tăng mức độ PCT huyết tương trong các bệnh khác nhau:
- Viêm mạn, rối loạn tự miễn, nhiễm virus (ví dụ: nhiễm HBV), nhiễm khuẩn nhẹ hoặc cục bộ: PCT < 0,5 ng/mL
- Viêm phổi: PCT 0,5-10 ng/mL
- Hội chứng đáp ứng viêm hệ thống, đa chấn thương, bỏng: PCT 0,5-2 ng/mL
- Nhiễm khuẩn nặng, nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan: PCT> 2 (thường là 10-100 ng/mL). Trong các bệnh viêm do nhiễm khuẩn nặng và hội chứng suy chức năng đa cơ quan, mức độ tăng của PCT phản ánh mức độ viêm. Lợi thế của PCT so với các dấu ấn viêm khác là các nhiễm khuẩn nặng làm tăng mạnh của PCT (với các mức độ > 10 ng/mL), trái lại các nhiễm khuẩn nhẹ hoặc các thời kỳ nhẹ hơn của nhiễm khuẩn chỉ làm tăng vừa phải mức độ của PCT máu. CRP đạt mức độ tối đa ở các nhiễm khuẩn vừa. Nếu tác nhân kích thích mất đi, nghĩa là sau khi điều trị thành công, mức độ PCT trở về bình thường trong vài ngày.
Trong nhiễm trùng phúc mạc, sự giảm mức độ PCT trong 3 ngày đầu là một chỉ dẫn tốt cho sự sống sót với độ nhạy là 84% và độ đặc hiệu là 91%. Tương tự như vậy, ở các bệnh nhân bị hội chứng suy đa cơ quan hoặc nhiễm khuẩn, mức độ PCT tăng dai dẳng và kéo dài biểu hiện một sự viêm dai dẳng và thực sự là một dấu hiệu tiên lượng kém. Ở các bệnh nhân hấp hối, mức độ PCT tăng liên tục.
4. Nhiễm khuẩn huyết
Nhiễm khuẩn huyết xảy ra do vi khuẩn hay virus, nấm giải phóng những hóa chất vào máu để chống lại các phản ứng viêm của cơ thể, là tình trạng nhiễm trùng rất nghiêm trọng. Vi sinh vật gây bệnh không cư trú tại một cơ quan bị tổn thương ban đầu, mà theo đường máu lan đi khắp cơ thể.
Những phản ứng này tạo ra hàng loạt các thay đổi bên trong dẫn đến tổn thương các cơ quan như: Gan, thận và khiến cơ thể suy yếu nhanh. PCT có nhiều ưu điểm hơn hẳn so với các marker khác CRP, Interlekin. Đây là một marker đặc hiệu cho nhiễm khuẩn và nhiễm khuẩn huyết. Nó được sản sinh chuyên biệt bởi nhiễm trùng không do virus, không bị ảnh hưởng bởi nhiễm virus hoặc các đáp ứng tự miễn khác, nồng độ PCT trong máu độc lập với chức năng thận. Nồng độ PCT thấp có giá trị tiên lượng âm tính cao để loại trừ nhiễm khuẩn huyết và ngược lại, nồng độ PCT cao khẳng định chẩn đoán nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn nhất là khi có rối loạn chức năng các cơ quan, hậu quả của quá trình viêm toàn thân, suy đa tạng...
Nói chung, những bệnh nhân nghi ngờ nhiễm khuẩn hoặc nhiễm khuẩn huyết, bệnh nhân đang có nguy cơ đặc biệt (sau phẫu thuật, trung hoà miễn dịch...) là những bệnh nhân nên được định lượng PCT theo dõi và các nhà nghiên cứu khuyên rằng trong trường hợp nghi ngờ nhiễm khuẩn huyết nên xét nghiệm PCT ngay, nếu âm tính nên lặp lại 6 giờ một lần để bắt được đáp ứng chẩn đoán sớm nhất. Để theo dõi diễn biến của bệnh và hiệu quả của điều trị nên thực hiện xét nghiệm PCT một ngày một lần. Nhiễm khuẩn đã được kiểm soát nếu nồng độ PCT giảm từ 30-50% theo ngày.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.
XEM THÊM: