Dinh dưỡng ở phụ nữ cho con bú

Bài viết bởi Dược sĩ Nguyễn Thị Bích Phượng - Dược sĩ lâm sàng - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Phụ nữ cho con bú cần duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đầy đủ để đảm bảo chất lượng sữa, đồng thời phục hồi cơ thể sau sinh nhanh chóng. Vậy dinh dưỡng cho mẹ cho con bú cần đảm bảo những yếu tố gì?

1. Tổng quan về dinh dưỡng ở phụ nữ cho con bú

Phụ nữ cho con bú gia tăng nhu cầu sử dụng calo và chất dinh dưỡng để duy trì dinh dưỡng cho bản thân trong quá trình giảm cân sau khi tăng cân ở thời kỳ mang thai. Theo đó, những phụ nữ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ cần thêm 500 calo/ngày để tạo sữa cho con cũng như đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho mẹ.

Đối với phụ nữ không nhận được số calo và dinh dưỡng theo khuyến cáo hàng ngày, cũng có thể không ảnh hưởng đến lượng sữa sản xuất ra hàng ngày. Tuy nhiên, chất lượng sữa sẽ bị ảnh hưởng do không đủ một số thành phần vitamin và khoáng chất như vitamin A, thiamin (vitamin B1), riboflavin (vitamin B2), vitamin B6, Selen, Iod). Phụ nữ không bổ sung đủ vitamin và khoáng chất thông qua chế độ ăn có thể cần bổ sung thêm bằng các loại thực phẩm chức năng.

Dinh dưỡng cần bổ sung thêm ở phụ nữ trong các giai đoạn như sau:

  • Từ khi mới sinh đến 6 tháng: Nhiều hơn 330 calo/ngày so với phụ nữ không cho con bú.
  • Từ 6 tháng đến 12 tháng sau khi sinh: Nhiều hơn 400 calo/ngày so với phụ nữ không cho con bú.

Đối với phụ nữ có chỉ số khối cơ thể (BMI) khỏe mạnh và chiều cao trung bình tổng năng lượng cần thiết là 2100-2700 calo/ngày trong 6 tháng đầu sau sinh và 2200-2800 calo/ngày trong thời gian sau đó, tùy thuộc vào độ tuổi, cân nặng, mức độ hoạt động của bạn.

Lượng nước đưa vào cơ thể: Trung bình phụ nữ cho con bú sản xuất khoảng 750ml sữa/ngày. Rất nhiều phụ nữ lăn tăn không biết bổ sung bao nhiêu nước để bù lại. Nhìn chung, bạn cần uống theo nhu cầu hàng ngày khi khát, để ý các triệu chứng thiếu nước quá mức như khô miệng, nước tiểu sẫm màu, tiểu ít.

XEM THÊM: Chế độ dinh dưỡng sau sinh cho bà mẹ cho con bú


Chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và cho con bú
Chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và cho con bú

2. Giảm cân ở phụ nữ cho con bú

Sau khi sinh, phụ nữ có xu hướng giảm dần cân nặng mà họ đã đạt được khi mang thai. Giảm cân vừa phải bằng cách ăn ít hơn và tăng cường tập luyện, vận động thường xuyên sẽ ít ảnh hưởng đến lượng sữa mẹ sản xuất ra.

XEM THÊM: Ăn gì để sữa mẹ đặc, mát, con tăng cân?

3. Vitamin và khoáng chất ở phụ nữ cho con bú

Nếu bạn là người khỏe mạnh và ăn uống với chế độ dinh dưỡng cân bằng bao gồm thịt, cá thì có thể không cần bổ sung thêm vitamin trong quá trình cho con bú. Tuy nhiên, nếu chế độ ăn uống không cân bằng, không bổ sung đủ các vitamin và khoáng chất thiết yếu, bạn có thể bổ sung thêm vitamin tổng hợp. Các chuyên gia khuyến cáo, dù có cho con bú hay không thì bạn vẫn cần đảm bảo lượng calci và vitamin D đưa vào cơ thể.

Một số loại dưỡng chất phụ nữ cho con bú cần bổ sung như sau:

  • Canxi: Mang thai và cho con bú làm giảm mật độ xương tạm thời, tuy nhiên sẽ hồi phục khi bạn dừng cho con bú. Một phụ nữ sẽ tiêu thụ tối thiểu 1000 mg calci/ngày trước, trong quá trình mang thai và trong quá trình cho con bú. Các nguồn thực phẩm chứa calci phụ nữ cho con bú cần bổ sung bao gồm sữa, sữa chua, phô mai, rau lá xanh, trứng...
  • Vitamin D: Hấp thu calci phụ thuộc vào lượng vitamin D thích hợp. Cả phụ nữ bình thường và phụ nữ cho con bú đều cần bổ sung 600 đơn vị vitamin D/ngày. Học viện trẻ em Hoa Kỳ (APP) khuyến cáo tất cả các trẻ bú mẹ cần bổ sung 400 đơn vị vitamin D/ngày sớm sau khi sinh do lượng vitamin D bài tiết vào sữa mẹ khá thấp, mặc dù mẹ đã bổ sung 600 đơn vị vitamin D/ngày. Thực tế, vitamin D có thể hình thành khi da bé tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nhưng các chuyên gia khuyến cáo không nên cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời để giảm nguy cơ ung thư da về lâu dài.
  • Sắt: Thiếu sắt là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến thiếu máu. Phụ nữ không bị thiếu máu sau sinh có thể không cần bổ sung sắt. Tránh việc bổ sung lượng sắt quá mức cần thiết dẫn đến táo bón, khó chịu. Phụ nữ bị thiếu máu sau sinh thường cần bổ sung sắt (có thể chế phẩm chứa sắt riêng biệt hoặc vitamin tổng hợp trong đó chứa lượng sắt cần thiết).
  • Iod: Hiệp hội tuyến giáp Hoa Kỳ (AIP) khuyến cáo phụ nữ cho con bú nên bổ sung vitamin tổng hợp có chứa 150mcg iod hàng ngày ngoài việc sử dụng muối ăn có iod. Khuyến cáo này dựa trên chế độ iod cần bổ sung hàng ngày ở phụ nữ cho con bú là 290mcg/ngày. Các nguy cơ chính của thiếu iod là chế độ ăn không có muối iod hoặc các sản phẩm từ sữa.
  • Omega-3: AAP khuyến cáo phụ nữ cho con bú bổ sung 200-300mg axit béo omega-3 mỗi ngày. Bạn có thể đáp ứng nhu cầu này bằng cách ăn một đến hai khẩu phần cá mỗi tuần như: cá trích, cá ngừ đóng hộp, cá hồi. Để giảm thiểu tiếp xúc với thủy ngân, các bà mẹ nên tránh các loại cá như: cá mập, cá kiếm, cá thu, cá ngói vì có hàm lượng thủy ngân cao.

Omega-3 trong chế độ dinh dưỡng cho mẹ cho con bú
Omega-3 trong chế độ dinh dưỡng cho mẹ cho con bú

Ngoài những dưỡng chất được khuyến khích bổ sung thì phụ nữ cho con bú cũng cần hạn chế một số loại thực phẩm, đồ uống như: Rượu, caffeine, thuốc lá. Bên cạnh đó, khi sử dụng bất kỳ thuốc nào khi đang cho con bú, bạn cần nêu rõ tình trạng bệnh, lý do dùng thuốc cũng như hỏi ý kiến bác sĩ để tránh ảnh hưởng đến trẻ và lượng sữa tiết ra. Nếu còn băn khoăn về chế độ dinh dưỡng trong giai đoạn này, bạn có thể tìm hiểu về tháp dinh dưỡng cho bà mẹ sau sinh, đang cho con bú để vừa giúp cho cơ thể khỏe mạnh, vừa đảm bảo chất lượng sữa cho con.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Patient education: Maternal health and nutrition during breastfeeding, Uptodate truy cập ngày 27/02/2021
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe