Điều trị vô sinh: 7 câu hỏi về tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI)

Mặc dù đã tồn tại hơn hai thập kỷ, phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) vẫn được coi là một quy trình đột phá để điều trị vô sinh nam. Trong điều trị ICSI, sẽ chỉ có một tinh trùng được tiêm trực tiếp vào một trứng. Dưới đây là một số câu hỏi thắc mắc liên quan đến phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương noãn.

1. ICSI có dành cho đối tượng nào?

ICSI thường được chỉ định trong trường hợp:

  • Người chồng không có tinh trùng trong tinh dịch
  • Số lượng tinh trùng thấp
  • Tinh trùng di chuyển chậm
  • Tinh trùng có hình dạng bất thường
  • Ống dẫn tinh bị hỏng hoặc bị thiếu
  • Đã thắt ống dẫn tinh
  • Đã thử thụ tinh ống nghiệm nhưng có vấn đề trong quá trình thụ tinh

Bác sĩ có thể đề xuất ICSI nếu bạn đã sử dụng trứng đông lạnh từ chu kỳ IVF trước đó hoặc bạn đã chọn để phôi của mình được kiểm tra về mặt di truyền trước khi đặt vào buồng tử cung.


Phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương noãn là một quy trình đột phá để điều trị vô sinh nam
Phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương noãn là một quy trình đột phá để điều trị vô sinh nam

2. ICSI hoạt động như thế nào?

Quy trình điều trị ICSI thường diễn ra như sau:

Thu thập mẫu tinh trùng: Người chồng cần cung cấp một mẫu tinh dịch. Một chuyên gia thai học sẽ lấy tinh trùng từ mẫu. Bác sĩ có thể hẹn để lấy tinh trùng cùng với việc lấy trứng, hoặc bác sĩ có thể lấy tinh trùng trước và đông lạnh cho đến khi trứng của bạn tình sẵn sàng được thụ tinh.

Vi phẫu: Khi ít hoặc không có tinh trùng trong mẫu, hoặc không thể xuất tinh, bác sĩ có thể tiến hành vi phẫu lấy tinh trùng từ tinh hoàn hoặc từ các ống dẫn tinh.

Lấy mẫu mô: Nếu vi phẫu không hiệu quả, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô từ bên trong tinh hoàn có thể chứa tinh trùng.

Thu thập trứng: Người vợ sẽ được tiêm gonadotropin, một loại thuốc hỗ trợ sinh sản để kích thích buồng trứng. Bác sĩ sẽ tiến hành gây mê và đưa một đầu dò siêu âm qua âm đạo để kiểm tra buồng trứng và tìm nang trứng. Sau đó, bác sĩ sẽ dùng một cây kim mỏng đưa vào thành âm đạo để lấy trứng ra khỏi nang, lấy ra từ 8 đến 15 quả trứng.

Sự thụ tinh: bác sĩ sẽ tiêm trực tiếp tinh trùng vào từng quả trứng. Ba ngày sau, mỗi quả trứng được thụ tinh thành công sẽ trở thành phôi thai.

Chuyển phôi: Tùy thuộc vào tuổi và các yếu tố khác của người vợ, bác sĩ sẽ dùng ống thông mỏng đưa qua cổ tử cung để đưa từ 1 đến 5 phôi vào tử cung .

Sự phát triển của phôi thai: Nếu thủ thuật thành công, một phôi thai sẽ làm tổ trong thành tử cung và phát triển thành em bé. Các phôi thừa có thể được đông lạnh và sử dụng trong các chu kỳ thụ tinh trong tương lai. Nếu nhiều phôi được chuyển, cơ hội mang thai sẽ cao hơn nhưng phụ nữ cũng có nguy cơ mang đa thai. Theo thống kê khoảng 20% ​​trẻ sinh ra qua ICSI là sinh đôi, sinh ba hoặc nhiều hơn

Thử thai: Thông thường người vợ sẽ được kiểm tra kết quả sau khoảng hai tuần sau khi phôi được đặt vào tử cung.


Có thể kiểm tra kết quả thụ tinh sau khoảng hai tuần sau khi phôi được đặt vào tử cung
Có thể kiểm tra kết quả thụ tinh sau khoảng hai tuần sau khi phôi được đặt vào tử cung

3. Hoàn thành ICSI trong bao lâu?

Cần khoảng 4 đến 6 tuần để hoàn thành một lần thụ tinh ICSI.

Người vợ cần phải đợi buồng trứng đáp ứng với thuốc và để trứng trưởng thành. Trong khi dùng thuốc, người vợ nên hẹn khám bác sĩ hai hoặc ba ngày một lần để làm các nghiệm máu và siêu âm. Vào ngày lấy trứng, cả vợ và chồng cần dành vài giờ tại phòng khám để lấy trứng và tinh trùng.

Sau khoảng 3 đến 5 ngày, người vợ cần tái khám để đặt phôi thai vào trong tử cung, cần khoảng một giờ để làm thủ thuật. Người vợ sẽ được thử thai khoảng hai tuần sau đó.

4. Tỷ lệ thành công của phương pháp ICSI là bao nhiêu?

Tỷ lệ thành công của phương pháp ICSI tùy thuộc vào vấn đề sinh sản của cặp vợ chồng và tuổi tác. Theo một số thống kê, tỷ lệ phần trăm của các chu kỳ ICSI dẫn đến một ca sinh sống (có ít nhất một em bé được sinh ra) là khoảng:

  • 40% đối với phụ nữ từ 34 tuổi trở xuống
  • 31% đối với phụ nữ từ 35 đến 37 tuổi
  • 21% đối với phụ nữ từ 38 đến 40 tuổi
  • 11% đối với phụ nữ từ 41 đến 42 tuổi
  • 5% đối với phụ nữ từ 43 tuổi trở lên

Tỷ lệ thành công của phương pháp ICSI phụ thuộc vào tình trạng từng cặp vợ chồng
Tỷ lệ thành công của phương pháp ICSI phụ thuộc vào tình trạng từng cặp vợ chồng

5. Ưu điểm của ICSI là gì?

Ưu điểm của ICSI bao gồm:

ICSI rất hiệu quả trong việc điều trị bệnh vô sinh ở nam giới: Phương pháp này giúp những người đàn ông không sản xuất được tinh trùng hoặc có số lượng tinh trùng rất ít được làm bố.

Tăng khả năng thụ tinh: Nếu bạn không thành công với IVF do các vấn đề trong việc thụ tinh với trứng, thì sử dụng phương pháp ICSI trong lần điều trị tiếp theo có thể cải thiện cơ hội thụ tinh.

Có thể sử dụng trứng đông lạnh: các bác sĩ tin rằng kỹ thuật ICSI sẽ giúp việc thụ tinh đạt hiệu quả cao hơn nếu sử dụng trứng đông lạnh.

6. Nhược điểm của ICSI là gì?

Tốn kém chi phí và thời gian: Phương pháp ICSI cần thực hiện trong phòng thí nghiệm và kết hợp nhiều loại thuốc có chi phí cao. Ngoài ra, người vợ cần được theo dõi các phản ứng với thuốc hỗ trợ sinh sản, cần thường xuyên làm xét nghiệm máu và siêu âm.

Một rối loạn di truyền có thể được truyền sang con: Nếu người bố có các gen di truyền các vấn đề về khả năng sinh sản như số lượng tinh trùng thấp hoặc thiếu ống dẫn tinh thì một đứa trẻ nam khi sinh ra có thể bị di truyền giống như bố. Vì thế cần sàng lọc các rối loạn di truyền và tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi thực hiện ICSI.

Các biến chứng tiềm ẩn cho trẻ: Một số nghiên cứu cho thấy rằng ICSI có thể làm tăng nhẹ tỷ lệ dị tật bẩm sinh như hội chứng Angelman và dị tật lỗ tiểu thấp . Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm vì không có đủ dữ liệu để đưa ra kết luận chắc chắn.

Nguy cơ mang đa thai: Bởi vì bác sĩ có thể đặt hơn một phôi thai vào buồng trứng của người vợ trong quá trình điều trị, cơ hội sinh đôi hoặc mang đa thai là khoảng 20%. Một số người có thể coi đây là điều may mắn, nhưng mang đa thai sẽ làm tăng nguy cơ sẩy thai và các biến chứng khác như chuyển dạ sinh non...


Phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương noãn làm tăng cơ hội mang đa thai
Phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương noãn làm tăng cơ hội mang đa thai

Các rủi ro trong quá trình sử dụng thuốc: Khoảng 10 đến 20% phụ nữ sử dụng gonadotropins để kích thích buồng trứng có thể xuất hiện hội chứng quá kích buồng trứng (OHSS) gây tăng cân và đầy hơi.

7. Điều trị ICSI có giá là bao nhiêu?

Phương pháp ICSI là một phương pháp tiên tiến, có nhiều ưu điểm vượt trội trong việc điều trị hiếm muộn vì thế chi phí cho mỗi lần điều trị cũng rất cao.

Tại Hoa Kỳ, chi phí trung bình cho một lần điều trị là 12.400 đô la (gần 300 triệu đồng). Số tiền này khác nhau, tùy thuộc vào tình hình sức khỏe của cả hai vợ chồng, lượng thuốc cần dùng, các xét nghiệm kèm theo. Vì thế cách hiệu quả nhất là các cặp vợ chồng nên đến khám và nghe tư vấn từ các cơ sở điều trị uy tín.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe