Điều trị vật lý trị liệu cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm ngày càng được nhiều bệnh nhân quan tâm bởi phương pháp này không chỉ làm giảm tình trạng khó chịu của các cơn đau nhức mà còn hỗ trợ tích cực quá trình phục hồi bệnh.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Hoàng Xuân Hùng - Bác sỹ Ngoại Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

1. Tìm hiểu về thoát vị đĩa đệm

1.1 Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm là hệ quả của quá trình thoái hóa sinh học, ảnh hưởng chủ yếu bởi tuổi tác cùng với các yếu tố thoái hóa bệnh lý như chấn thương, rối loạn chuyển hóa và thói quen sinh hoạt. Do tình trạng thoái hóa của nhân nhầy và biến đổi của vòng sụn xơ, đĩa đệm bị mất đi tính đàn hồi vốn có. Dưới tác động cơ học, đĩa đệm bị thoát ra ngoài gây thoát vị đĩa đệm.

1.1.1 Tuổi tác

Khi tuổi tăng lên, đĩa đệm ngày càng suy yếu và thoái hóa dần. Trong giai đoạn này, độ đàn hồi của đĩa đệm thường giảm đi, đồng thời tính dẻo dai cũng giảm, dẫn đến nguy cơ tổn thương tăng lên khi có tác động cơ học như mang vác nặng vật hoặc chấn thương.  

1.1.2 Chấn thương

Đĩa đệm chịu trách nhiệm phân tán lực và nâng đỡ trọng lượng cơ thể. Khi chịu tác động cơ học mạnh mẽ, lớp bao xơ có khả năng bị nứt, rách, dẫn đến tình trạng nhân nhầy thoát ra bên ngoài.

Những chấn thương thường gặp từ hoạt động nâng vật nặng, té ngã, hoặc tác động mạnh lên cột sống gây tổn thương cho đĩa đệm, làm suy yếu và nứt rách trong lớp bao xơ.

1.1.3 Thói quen sinh hoạt, làm việc

Cách mọi người sinh hoạt và làm việc hàng ngày cũng góp phần gây ra tình trạng thoát vị đĩa đệm. Thói quen vận động không khoa học và tư thế không đúng trong sinh hoạt hàng ngày cũng làm tăng áp lực lên cột sống, gây đè nén lên đĩa đệm và xơ hóa.

Tình trạng này dần dần làm giảm độ đàn hồi của đĩa đệm, gây ra các vấn đề như thoát vị đĩa đệm và các bệnh lý cột sống khác.

1.1.4 Các bệnh xương khớp

Các bệnh như viêm khớp dạng thấp, lao cột sống, thoái hóa cột sống, tiểu đường, gout, gai đôi cột sốngloãng xương cũng có khả năng gây ra thoái hóa đĩa đệm và dẫn đến thoát vị đĩa đệm.  

Những bệnh lý này làm cho cấu trúc của cột sống mất cân bằng, tạo ra áp lực tăng lên đĩa đệm trong quá trình vận động, gây hư tổn và thoái hóa cơ quan này.

1.1.5 Một số nguyên nhân khác

  • Cấu trúc cột sống không bình thường.
  • Thừa cân béo phì.
  • Ít hoạt động thể chất.
  • Thiếu hụt dưỡng chất, đặc biệt là canxi, vitamin D và Omega 3.
  • Lạm dụng rượu và thuốc lá. 

Những động tác sai tư thế có thể gây thoát vị đĩa đệm. Để giảm đau, người bệnh nên luyện tập các bài tập vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm.
Những động tác sai tư thế có thể gây thoát vị đĩa đệm. Để giảm đau, người bệnh nên luyện tập các bài tập vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm.

1.2 Triệu chứng thoát vị đĩa đệm

Các triệu chứng thường gặp của bệnh thoát vị đĩa đệm bao gồm:

  • Cảm giác đau âm ỉ, dai dẳng ở vùng lưng, đặc biệt là ở đốt sống thắt lưng.
  • Cơn đau thường tăng khi xoay người, cúi gập, hoạt động mạnh, đi lại hoặc ngồi lâu.
  • Nếu người bệnh nghỉ ngơi, cơn đau có thể giảm đi đáng kể.
  • Vùng thắt lưng bị mỏi, tê bì, nóng rát và giảm trương lực.
  • Cảm giác cứng hoặc đau lưng sau khi thức dậy.
  • Đau ở lưng thường lan rộng từ thắt lưng đến hông, đùi, đầu gối và thậm chí là gót chân đi kèm với tê chân.
  • Trong những trường hợp nặng có thể xuất hiện tình trạng yếu chân.

Thoát vị đĩa đệm được chẩn đoán chủ yếu dựa vào thăm khám lâm sàng của bác sĩ, các cận lâm sàng như X-quang, CT-scanner và MRI cột sống thắt lưng


Chụp MRI giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh thoát vị đĩa đệm
Chụp MRI giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh thoát vị đĩa đệm

2. Điều trị thoát vị đĩa đệm

2.1 Nghỉ ngơi

Trong giai đoạn đau nhiều:

  • Nên nằm giường phẳng, kê gối thấp và nằm ngửa để giảm áp lực lên đĩa đệm và dây thần kinh. Phương pháp này cũng hỗ trợ ổn định cấu trúc của cột sống và kiểm soát cơn đau.  
  • Không nằm trên võng hoặc ghế.  
  • Tuyệt đối không nâng vác nặng, ngồi xổm hoặc làm việc cường độ cao và cần điều chỉnh các tư thế không đúng.  
  • Đi lại nhẹ nhàng giúp phục hồi và cải thiện khả năng vận động.

2.2 Thuốc

Thuốc chống thoái hoá được sử dụng để giảm đau và chống viêm cũng như làm giảm triệu chứng đau thần kinh, giãn cơ.

2.3 Vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm

Một số phương pháp điều trị vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm phổ biến bao gồm:

  • Các phương pháp nhiệt nóng như hồng ngoại, Paraffin hoặc túi chườm nhiệt giúp cơ thư giãn, tăng cường tuần hoàn máu và chuyển hóa vùng đau, từ đó giảm đau nhanh chóng. Trong trường hợp đau cấp, phương pháp nhiệt lạnh cũng mang lại hiệu quả.
  • Các phương pháp chống viêm như siêu âm, điện xung, sóng ngắn giúp kháng viêm, đồng thời giảm đau hiệu quả hơn.
  • Kéo cột sống bằng máy giúp kéo dãn cột sống ở vùng thắt lưng, giảm áp lực lên đĩa đệm bị thoát vị và giảm chèn ép lên rễ thần kinh vùng thoát vị.

Đối với những người mắc bệnh, đeo đai lưng cũng là phương pháp khá hiệu quả giúp giảm đau khi đang trải qua giai đoạn đau nhiều, phải ngồi lâu hoặc khi di chuyển xa. 


Mang đai lưng được lựa chọn trong điều trị vật lý trị liệu ở bệnh nhân thoát vị đĩa đệm thắt lưng.
Mang đai lưng được lựa chọn trong điều trị vật lý trị liệu ở bệnh nhân thoát vị đĩa đệm thắt lưng.

3. Những lưu ý khi tập vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm

Khi thực hiện các phương pháp vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm, người bệnh cần tuân theo một số nguyên tắc sau đây để đảm bảo quá trình điều trị diễn ra hiệu quả và tránh những tổn thương không mong muốn:

  • Luôn tuân thủ liệu trình vật lý trị liệu được bác sĩ thiết kế riêng cho bệnh nhân.
  • Theo dõi và tuân theo hướng dẫn cũng như lời khuyên của bác sĩ để đạt được hiệu quả giảm đau và cải thiện tình trạng sức khỏe một cách nhanh chóng và tránh bị thương.
  • Chọn lựa quần áo thoải mái và giày dép phù hợp.
  • Nếu sau quá trình vật lý trị liệu, cảm giác đau không giảm hoặc tăng lên, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ ngay lập tức để được tư vấn và điều chỉnh liệu trình phù hợp. 
Nếu sau quá trình vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm cảm giác đau không giảm hoặc tăng lên, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ ngay lập tức.
Nếu sau quá trình vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm cảm giác đau không giảm hoặc tăng lên, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ ngay lập tức.

Thoát vị đĩa đệm là một bệnh xương khớp mãn tính khá khó điều trị hoàn toàn. Do đó, người bệnh chỉ dựa vào các phương pháp y tế như thuốc, vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm là chưa đủ để điều trị.  

Điều chỉnh chế độ sinh hoạt và ăn uống cũng là một phần quan trọng không thể bỏ qua. Đồng thời, người bệnh cũng nên thực hiện các biện pháp hỗ trợ song song để tác động toàn diện đến quá trình tiến triển của bệnh.

Chính vì thế, người bệnh nên phối hợp giữa các phương pháp y tế với chế độ luyện tập, ăn uống và sinh hoạt khoa học để hỗ trợ quá trình điều trị.

  • Ngoài sử dụng thuốc, người bệnh cũng có thể kết hợp các biện pháp chườm nóng/lạnh và xoa bóp để giảm đau nhức, tê bì, ê mỏi, đồng thời góp phần hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc.
  • Nếu thừa cân hoặc béo phì, người bệnh nên giảm cân để giảm áp lực lên cột sống, làm giảm tốc độ lão hóa và ngăn chặn tình trạng bao xơ bị nứt rách.
  • Người bệnh cần điều chỉnh chế độ tập thể dục phù hợp với tình trạng tổn thương.  Yoga và bơi lội có khả năng cải thiện cấu trúc của cột sống, giảm đau và tăng tính dẻo dai, từ đó làm chậm quá trình thoái hóa. Bên cạnh đó, tập mạnh các nhóm cơ bụng và lưng cũng hỗ trợ ngăn ngừa cơn đau và tái phát tổn thương.
  • Các thói quen xấu như hút thuốc, sử dụng rượu bia, nâng vật nặng, lao động cường độ cao và không nằm hoặc ngồi sai tư thế để bảo vệ cột sống.  
  • Cẩn thận khi tham gia các hoạt động sinh hoạt, thể thao, và giao thông cũng giúp giảm thiểu nguy cơ chấn thương cột sống. 

Tập luyện yoga đúng cách giúp cải thiện cấu trúc cột sống, giảm đau nhức.
Tập luyện yoga đúng cách giúp cải thiện cấu trúc cột sống, giảm đau nhức.

Thoát vị đĩa đệm là một trong những vấn đề thường gặp liên quan đến cột sống. Mặc dù không gây nguy hiểm đến sức khỏe, nhưng tình trạng này có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động, giảm hiệu suất làm việc và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống và giấc ngủ.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế chuyên thăm khám và điều trị các bệnh lý về cơ xương khớp như viêm khớp, thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm và các cơn đau nhức liên quan đến xương khớp.  

Tại đây, các phương pháp y học hiện đại được áp dụng để chẩn đoán và điều trị các bệnh lý này, mang lại hiệu quả cao và giảm thiểu tối đa nguy cơ tái phát. Thành công này có được nhờ vào việc Vinmec luôn đầu tư vào cơ sở vật chất tiên tiến và các quy trình khám chữa bệnh được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm dày dặn, đảm bảo mang lại kết quả điều trị tối ưu cho bệnh nhân. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe