Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tống Dịu Hường - Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Chảy máu mũi liên tục trong thời gian dài sẽ gây mất máu cấp mức độ nặng, khó đáp ứng với các phương pháp điều trị cầm máu thông thường. Can thiệp nút mạch chảy máu mũi để cầm máu là phương pháp điều trị hữu hiệu trong trường hợp này.
1. Vì sao cần nút mạch điều trị chảy máu mũi dưới hướng dẫn chụp số hóa xóa nền?
Chảy máu mũi là hiện tượng thường gặp, do nhiều nguyên nhân như tự phát, chấn thương hoặc bẩm sinh. Bệnh lý giãn mao mạch xuất huyết di truyền là nguyên nhân phổ biến gây chảy máu mũi tái phát. Những yếu tố khác làm tăng nguy cơ chảy máu mũi bao gồm hút thuốc lá, tình trạng tăng huyết áp, sử dụng thuốc chống đông máu hoặc sau xạ trị,...
Tình trạng chảy máu mũi nặng, liên tục kéo dài sẽ gây mất máu cấp mức độ nặng. Bệnh nhân có biểu hiện lơ mơ, niêm mạc nhợt nhạt, tụt huyết áp. Khi các biện pháp điều trị cầm máu thông thường và nhét mesh mũi (miếng gạc nhét mũi) không hiệu quả, bệnh nhân có thể được chỉ định can thiệp nút mạch điều trị chảy máu mũi. Đây là phương pháp xuyên vào lòng mạch máu, làm bít tắc mạch máu đang chảy để cầm máu.
Biện pháp can thiệp nút mạch dưới hướng dẫn của máy chụp mạch máu số hóa xóa nền (chụp DSA) được áp dụng rộng rãi vì tính an toàn, tỉ lệ thành công cao, ít xâm lấn. Chụp mạch máu số hóa xóa nền là kỹ thuật nội soi sử dụng ánh sáng huỳnh quang và tia X để chụp hình mạch máu ở vị trí cần kiểm tra trước và sau khi bơm thuốc cản quang vào mạch. Máy tính sẽ xóa mờ hình ảnh nền, làm rõ hệ thống mạch máu, giúp bác sĩ can thiệp nút mạch thực hiện kỹ thuật thuận lợi hơn, hạn chế các rủi ro có thể xảy ra.
2. Quy trình chụp số hóa xóa nền và nút mạch điều trị chảy máu mũi
Chụp mạch máu số hóa xóa nền giúp làm rõ hình ảnh mạch máu để bác sĩ phát hiện các bất thường mạch máu gây chảy máu mũi. Sau đó, bác sĩ tiến hành nút tắc các cuống mạch qua đường can thiệp nội mạch, từ đó là giảm hoặc ngừng chảy máu mũi.
2.1 Chỉ định và chống chỉ định
Chỉ định
- Chảy máu mũi do khối u nằm trong vùng mũi - hàm;
- Chảy máu mũi do dị dạng mạch như: Thông động tĩnh mạch, giả phình mạch;
- Chảy máu mũi tái phát trong trường hợp tăng huyết áp;
- Chảy máu mũi do chấn thương;
- Khối u ác tính xâm lấn mạch máu hoặc gây chảy máu.
Chống chỉ định
- Không có chống chỉ định tuyệt đối;
- Chống chỉ định tương đối cho các trường hợp suy thận, rối loạn đông máu, phụ nữ có thai hoặc có tiền sử dị ứng với thuốc đối quang iod.
2.2 Chuẩn bị thực hiện
- Nhân sự thực hiện: Bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ phụ, điều dưỡng, bác sĩ gây mê, kỹ thuật viên điện quang;
- Thuốc: Thuốc gây tê tại chỗ hoặc thuốc gây mê toàn thân (nếu có chỉ định), thuốc đối quang iod tan trong nước, thuốc chống đông và thuốc trung hòa thuốc chống đông, dung dịch sát khuẩn da và niêm mạc;
- Vật tư y tế thông thường: Bơm tiêm, bơm tiêm cho máy bơm điện, nước muối sinh lý (hoặc nước cất), khẩu trang, găng tay, áo, mũ phẫu thuật, bộ dụng cụ can thiệp vô trùng (dao, kẹp, kéo, bát kim loại, khay dụng cụ, khay quả đậu), bông, gạc, băng dính phẫu thuật, hộp thuốc, dụng cụ cấp cứu tai biến thuốc đối quang iod;
- Vật tư y tế đặc biệt: Bộ dây nối chữ Y, bộ ống đặt mạch 5 - 6F, ống thông dẫn đường 6F, ống thông chụp mạch 5 - 5F, vi ống thông 1.9 - 3F, kim chọc động mạch, dây dẫn tiêu chuẩn 0.035 inch, vi dây dẫn 0.010 - 0.014 inch;
- Phương tiện kỹ thuật: Máy bơm điện chuyên dụng; máy chụp mạch máu số hóa xóa nền; phim, máy in phim và hệ thống lưu trữ hình ảnh; bộ áo chì, tạp dề, che chắn tia X;
- Vật liệu gây tắc mạch: Hạt nhựa tổng hợp, keo sinh học, xốp sinh học, vòng xoắn kim loại các cỡ;
- Bệnh nhân: Được giải thích kỹ về thủ thuật; nhịn ăn, uống trước khi thực hiện thủ thuật 6 giờ, có thể uống dưới 50ml nước; tại phòng can thiệp nội mạch, bệnh nhân nằm ngửa, lắp thiết bị theo dõi nhịp thở, huyết áp, mạch, điện tâm đồ, SpO2, được sát trùng da, phủ khăn vô khuẩn có lỗ; bệnh nhân không nằm yên có thể được cho sử dụng thuốc an thần;
- Phiếu xét nghiệm: Hồ sơ bệnh án đúng quy định, có phiếu chỉ định thực hiện thủ thuật can thiệp nội mạch, phim chụp X-quang, cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ nếu có.
2.3 Tiến hành thủ thuật
- Vô cảm: Gây tê tại chỗ đối với người trưởng thành, tâm lý ổn định. Gây mê toàn thân cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi chưa kiểm soát được hành vi hoặc người lớn có tâm lý quá kích động, sợ hãi;
- Chọn kỹ thuật và đường vào ống thông: Chọn kỹ thuật Seldinger, đường vào ống thông từ động mạch đùi. Nếu không vào được qua động mạch đùi có thể đi vào qua động mạch nách, động mạch cảnh gốc, động mạch cánh tay hoặc động mạch quay;
- Chụp động mạch chẩn đoán: Thực hiện sát khuẩn, gây tê vị trí chọc mạch, sau đó chọc kim và đặt ống vào lòng mạch. Tiếp theo, thực hiện chụp chọn lọc động mạch cảnh trong, chụp chọn lọc động mạch cảnh ngoài hoặc chụp chọn lọc động mạch đốt sống theo kỹ thuật chuẩn. Có thể thực hiện chụp 3D nếu có chỉ định;
- Nút mạch: Đặt ống thông dẫn đường vào mạch mang (thường vào động mạch cảnh ngoài - hàm trong). Sau đó, luồn vi ống thông tới mạch máu dị dạng hoặc động mạch gây chảy máu. Tiếp theo, thực hiện bơm vật liệu tắc mạch (có thể chọn vật liệu nút mạch tạm thời hoặc vật liệu nút mạch vĩnh viễn tùy đặc điểm và vị trí tổn thương). Sau khi chụp đạt yêu cầu thì rút ống thông và ống đặt lòng mạch, ép tay trực tiếp lên vị trí chọc kim khoảng 15 phút để cầm máu rồi băng ép trong 8 giờ.
Thủ thuật thành công khi:
- Nhánh động mạch chảy máu được bít tắc hoàn toàn và không có hiện tượng chảy máu tiến triển;
- Các động mạch cung cấp máu cho các cơ quan khác vẫn bình thường, không bị tắc.
2.4 Một số tai biến và cách xử trí
Trong khi thực hiện thủ thuật:
- Co thắt mạch: Tùy mức độ co thắt mạch có thể xử trí bằng cách tiến hành bơm thuốc giãn mạch chọn lọc;
- Do thuốc đối quang: Bao gồm các phản ứng cấp tính như buồn nôn, nổi mề đay, phù nề thanh quản, tụt huyết áp, co thắt phế quản; sốc phản vệ; tai biến do thoát mạch thuốc đối quang. Cách xử trí theo đúng phác đồ tùy từng trường hợp cụ thể;
- Do thủ thuật: Bóc tách động mạch hoặc rách động mạch gây chảy máu. Nên xử trí bằng cách ngừng thủ thuật, đè ép bằng tay và băng lại theo dõi. Trong trường hợp bệnh nhân ngưng chảy máu thì có thể thực hiện lại thủ thuật sau đó 1 - 2 tuần.
Sau khi thực hiện thủ thuật:
- Vị trí đặt ống thông bị chảy máu hoặc có máu tụ: Xử trí bằng cách băng ép lại, cho bệnh nhân nằm bất động tới khi ngừng chảy máu;
- Nhiễm trùng sau khi làm thủ thuật: Điều trị bằng kháng sinh;
- Nghi tắc động mạch do huyết khối hoặc thuyên tắc động mạch do bong các mảng xơ vữa: Nên kiểm tra ngay để xử trí đúng phác đồ;
- Phồng hoặc thông động tĩnh mạch, đứt ống thông hoặc dây dẫn: Có thể xử trí bằng các can thiệp ngoại khoa;
- Tai biến khác: Liệt, mù mắt, suy răng, di chuyển vật liệu nút mạch, hoại tử hầu - họng,...: Cần được hội chẩn chuyên khoa để có biện pháp xử trí phù hợp.
Thủ thuật chụp số hóa xóa nền và can thiệp nút mạch giúp điều trị chảy máu mũi nhanh, hiệu quả, ít tai biến. Trong quá trình thực hiện thủ thuật, bác sĩ cần bệnh nhân phối hợp để đạt hiệu quả điều trị.
XEM THÊM
- U xương là bệnh gì? Các loại u lành tính ở xương
- Ứng dụng của chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) trong lĩnh vực thần kinh
- Chụp số hóa nền và nút mạch điều trị u xơ tử cung