Các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là thoát vị đĩa đệm đang chiếm từ 45-60% trường hợp điều trị nội trú tại các khoa thần kinh. Bệnh thường gặp ở độ tuổi 20-50 tuổi và có xu hướng gia tăng ở người trẻ. Điều trị thoát vị đĩa đệm qua da dưới X quang tăng sáng là phương pháp hiệu quả được sử dụng phổ biến hiện nay.
1. Tổng quan về bệnh thoát vị đĩa đệm
Đĩa đệm là một tấm lót có vai trò giảm sốc nằm giữa 2 thân đốt sống. Bên trong đĩa đệm là những tế bào sống và luôn sản sinh ra những tế bào mới. Những tế bào này nhận được oxy, chất dinh dưỡng, đường và protein từ xương giúp tái tạo và giữ cho tế bào khỏe mạnh. Khi đĩa đệm được liên tục vận động và rách ra, chất lỏng sẽ thoát ra đi vào trong và đi ra bên ngoài gây ra hiện tượng thoát vị đĩa đệm. Chất dịch này có thể đè lên rễ thần kinh, tủy sống gây nên tình trạng đau nhức đốt sống lưng.
1.1 Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm
Ngoài nguyên nhân do thoái hoá tự nhiên, do chấn thương, tai nạn té ngã thì người bị thoát vị đĩa đệm phần nhiều mắc bệnh do tư thế sinh hoạt, lao động sai cách. Ví dụ: ngồi cong vẹo cột sống, thay đổi tư thế đột ngột, mang vác đồ nặng sai cách...dẫn đến chấn thương đốt sống lưng, thoát vị đĩa đệm.
1.2 Triệu chứng thoát vị đĩa đệm
Bệnh nhân nên đến thăm khám khi thấy có những dấu hiệu thoát vị đĩa đệm như:
- Đau xuất phát từ cột sống, lan xuống 2 tay, vai hoặc 2 chân (tùy theo vị trí thoát vị ở lưng hay cổ). Thường cảm giác đau sau các chấn thương, tai nạn, té ngã...v.v.
- Yếu cơ: Cảm giác nhức mỏi, yếu nhược các cơ do dây thần kinh bị chặn dẫn truyền những xung động từ não bộ truyền xuống.
- Cảm giác kiến bò hay tê bì: Tại một số vùng da mà rễ thần kinh đó chi phối.
Phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm qua da dưới X quang tăng sáng có những ưu điểm như:
- Làm giảm thể tích nhân thoát vị bằng cách tiêu nhân nhầy bằng nhiệt hoặc hóa chất.
- X quang tăng sáng truyền hình giúp hướng dẫn và theo dõi đường chọc kim qua da vào đĩa đệm trực tiếp và liên tục, đảm bảo tính an toàn và chính xác cao của thủ thuật.
2. Điều trị thoát vị đĩa đệm qua da dưới X quang tăng sáng
2.1 Chuẩn bị trước thủ thuật
Để thực hiện điều trị thoát vị đĩa đệm qua da dưới X quang tăng sáng cần chuẩn bị:
Ekip thực hiện:
- Bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ phụ trợ;
- Điều dưỡng;
- Kỹ thuật viên điện quang.
Phương tiện sử dụng:
- Máy X quang tăng sáng truyền hình (Fluoroscopy);
- Máy tạo sóng cao tần (nếu cần sử dụng sóng cao tần);
- Bộ áo chì, tạp dề giúp che chắn khỏi tia X;
- Phim, máy in phim và hệ thống lưu trữ hình ảnh.
Thuốc: Gồm thuốc gây tê tại chỗ, gây mê toàn thân, thuốc đối quang iod tan trong nước, dung dịch sát khuẩn da và niêm mạc.
Vật tư y tế thông thường: Bơm tiêm 5,10ml, nước cất (nước muối sinh lý), trang phục phẫu thuật; bộ can thiệp vô trùng (dao, kéo, kẹp, khay đựng dụng cụ..v.v), bông gạc, băng dính phẫu thuật; hộp thuốc và hộp cấp cứu tai biến.
Vật tư y tế đặc biệt:
- Kim chọc đĩa đệm 17G, kim gây tê;
- Kim đốt sóng cao tần (nếu điều trị bằng sóng cao tần);
- Bơm tiêm 10ml, 20ml;
- Bộ truyền dịch.
Người bệnh cần chuẩn bị:
- Được giải thích cụ thể về thủ thuật để phối hợp với bác sĩ.
- Thực hiện khám lâm sàng trước thủ thuật.
- Nhịn ăn, uống trước 6 giờ. Không uống quá 50ml nước.
- Tại phòng can thiệp: Bệnh nhân nằm sấp hoặc nằm nghiêng tùy theo hướng dẫn của bác sĩ. Bác sĩ lắp máy theo dõi nhịp thở, mạch, điện tâm đồ, huyết áp, độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi. Sát trùng và phủ khăn phủ vô trùng có lỗ.
2.2 Quy trình điều trị thoát vị đĩa đệm qua da
Các bước thực hiện điều trị thoát vị đĩa đệm qua da dưới X quang tăng sáng:
- Bước 1: Gây tê bệnh nhân tại chỗ bằng Lidocain 2% (2-10ml).
- Bước 2: Đặt người bệnh lên bàn tăng sáng, đặt đường truyền tĩnh mạch.
- Bước 3: Định vị đĩa đệm cần điều trị dưới màn tăng sáng.
- Bước 4: Bác sĩ sát khuẩn vùng tổn thương, trải toan vô khuẩn có lỗ lên vị trí cần sinh thiết.
- Bước 5: Tiến hành gây tê tại chỗ theo từng lớp
- Bước 6: Chọc kim qua da vào đĩa đệm cần điều trị, tận dụng màn tăng sáng để kiểm soát đường chọc.
- Bước 7: Khi kim chọc vào trung tâm nhân nhầy đĩa đệm, tùy theo mục đích điều trị mà có thể bơm hóa chất hoặc đốt nhân nhầy đĩa đệm bằng sóng cao tần.
- Bước 8: Rút kim và băng vị trí chọc.
3. Tai biến sau thủ thuật và hướng xử lý
Một số tai biến thường gặp sau thủ thuật bao gồm:
- Chảy máu tại vị trí chọc kim: Tiến hành băng ép tại vị trí chọc.
- Tụ máu tại phần mềm cạnh vị trí chọc kim: Theo dõi thêm.
- Vô tình chọc vào các cơ quan, cấu trúc nguy hiểm: Cân nhắc xử lý theo từng trường hợp cụ thể.
- Không có hiệu quả điều trị: Đánh giá cẩn thận và xem xét điều trị lần 2 hoặc hội chẩn ngoại khoa.