Điều trị sỏi túi mật bằng mổ cắt nội soi

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thắng - Bác sĩ Ngoại tiêu hóa - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

So với phương pháp mổ mở, điều trị sỏi túi mật bằng mổ nội soi có nhiều ưu điểm, như ít xâm lấn, thời gian nằm viện ngắn, thời gian phục hồi nhanh hơn. Đặc biệt, mổ nội soi sẽ lại vết sẹo nhỏ, tính thẩm mỹ cao, ít đau sau mổ so với phương pháp mổ hở.

1. Chức năng của túi mật

Túi mật bình thường là một cơ quan hình túi nhỏ, có dung tích 30-60 ml, dính vào phía dưới thùy gan phải, thông nối với ống mật chủ qua ống túi mật. Túi mật nằm ở vùng bụng trên phải, ngay phía dưới bờ sườn phải.

Túi mật có nhiệm vụ cô đặc và lưu trữ dịch mật (được gan tiết ra). Khi chúng ta ăn, đặc biệt là thức ăn có dầu mỡ, túi mật sẽ co bóp để đẩy dịch mật chứa trong đó xuống tá tràng để trộn lẫn với thức ăn giúp tiêu hóa chất béo.

2. Sỏi túi mật là gì?

Sỏi túi mật rất phổ biến ở phương Tây. Tỉ lệ dân số có sỏi túi mật tăng lên theo tuổi. Tại Mỹ, khoảng 25% phụ nữ và 12% nam giới ở đội tuổi 60 có sỏi túi mật. Hiện nay, tại Việt Nam, với việc áp dụng phổ biến siêu âm bụng vào chẩn đoán, tỉ lệ sỏi túi mật đơn thuần được phát hiện chiếm 58-71% sỏi đường mật nói chung.

Sỏi túi mật được chia làm 2 loại chính là sỏi cholesterol và sỏi sắc tố:

  • Sỏi cholesterol :

Được tạo ra chủ yếu từ thành phần cholesterol có trong dịch mật. Loại sỏi này thường gặp ở các nước phương Tây, chiếm 80-85%. Các nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy, tỉ lệ sỏi cholesterol chỉ chiếm 30-50% các trường hợp. Loại sỏi này thường gặp ở người béo phì, phụ nữ (nhiều gấp hai nam giới), người dùng chế độ ăn của người phương Tây, dùng thuốc tránh thai estrogen.

  • Sỏi sắc tố :

Thường do nguyên nhân nhiễm khuẩn đường mật, các bệnh gây tán huyết, xơ gan, viêm hoặc đã cắt đoạn hồi tràng (phần cuối của ruột non).


Sỏi cholesterol được tạo ra chủ yếu từ thành phần cholesterol có trong dịch mật
Sỏi cholesterol được tạo ra chủ yếu từ thành phần cholesterol có trong dịch mật

3. Triệu chứng của sỏi túi mật

Khoảng 30% trường hợp sỏi túi mật là có triệu chứng. Triệu chứng thường gặp nhất là cơn đau quặn mật (86%), với các đặc điểm sau:

  • Tính chu kỳ: Những cơn đau riêng biệt kéo dài từ 30 phút đến vài giờ.
  • Vị trí: Đau xảy ra ở thượng vị hoặc vùng bụng trên phải, với các trường hợp đau nhiều nhất ở vùng thượng vị, khiến dễ lầm với bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng.
  • Mức độ: Đau nhiều và liên tục, cơn đau có thể làm cho bệnh nhân ngưng thở.
  • Thời điểm: Đau xảy ra trong vòng vài giờ sau khi ăn, hoặc đau về đêm thường làm cho bệnh nhân thức giấc.

Các triệu chứng khác bao gồm đau lưng, đau bụng trên trái, buồn nôn và nôn, đầy bụng (khó tiêu với thức ăn mỡ).

4. Chẩn đoán sỏi túi mật

Các phương pháp chẩn đoán sỏi túi mật bao gồm:

  • Siêu âm bụng: Hiện nay siêu âm bụng được xem là phương tiện đầu tay để chẩn đoán sỏi túi mật, khả năng chẩn đoán đúng sỏi túi mật của phương pháp này là 90-95%.
  • Chụp cắt lớp điện toán (CT) và cộng hưởng từ (MRI): Có thể được sử dụng trong việc chẩn đoán các trường hợp nghi ngờ sỏi mật mà siêu âm không thể khẳng định được.

Siêu âm bụng được xem là phương tiện đầu tay để chẩn đoán sỏi túi mật
Siêu âm bụng được xem là phương tiện đầu tay để chẩn đoán sỏi túi mật

5. Phẫu thuật nội soi điều trị sỏi túi mật

Tất cả các trường hợp sỏi túi mật có triệu chứng đều có chỉ định điều trị bất kể kích thước và số lượng sỏi. Với sỏi túi mật không triệu chứng thì vai trò của cắt túi mật và các phương pháp điều trị khác là không rõ ràng. Từ các nghiên cứu theo dõi diễn tiến tự nhiên của sỏi túi mật cho thấy, không cần thiết phải cắt túi mật phòng ngừa, ngoại trừ trường hợp bệnh nhân có nguy cơ cao ung thư túi mật như túi mật sứ, sỏi kết hợp với polyp túi mật lớn hơn 10 mm, sỏi lớn hơn 25 mm...

Hiện nay, phẫu thuật cắt túi mật bằng nội soi được xem là một phương pháp ưu việt nhất trong điều trị ngoại khoa sỏi túi mật. Mổ nội soi giúp cho bệnh nhân dễ chịu hơn so với mổ mở, thời gian phục hồi nhanh hơn, tính thẩm mỹ cao hơn vì để lại vết sẹo nhỏ.

Phương pháp mổ nội soi điều trị sỏi túi mật được chỉ định cho các trường hợp sỏi túi mật có triệu chứng hoặc biến chứng. Ngoài ra, người ta còn tranh luận về chỉ định cho các trường hợp sỏi túi mật chưa gây triệu chứng, chưa gây tổn thương cho túi mật.

Sau mổ bệnh nhân vẫn ăn uống bình thường vì vẫn đầy đủ dịch mật từ gan qua ống mật đi xuống ruột giúp tiêu hóa, sinh hoạt làm việc bình thường, quan hệ tình dục không bị ảnh hưởng, không làm giảm tuổi thọ và không cần dùng thuốc hỗ trợ tiêu hóa khác.

Hàng năm, chỉ có 1- 2% bệnh nhân có sỏi túi mật không triệu chứng tiến triển thành có triệu chứng. Có một số (< 0,5% mỗi năm) diễn tiến từ sỏi túi mật không triệu chứng đến giai đoạn biến chứng mà không trải qua giai đoạn có triệu chứng.

Điều trị sỏi túi mật bằng phương pháp nội soi giúp cho thời gian nằm viện của bệnh nhân được rút ngắn, thời gian phục hồi nhanh hơn, ít đau và tính thẩm mỹ cao do để lại sẹo nhỏ.

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có thực hiện kỹ thuật Cắt túi mật nội soi trong điều trị các trường hợp túi mật mất chức năng như viêm túi mật, sỏi mật, polyp túi mật,... Kỹ thuật nàyđang được triển khai trên toàn hệ thống Vinmec.

Bên cạnh đội ngũ bác sĩ phẫu thuật chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, Vinmec cung cấp đầy đủ các dịch vụ nội soi chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân nội, ngoại trú. Phòng bệnh được trang bị đầy đủ các phương tiện cho phép nội soi chẩn đoán, được thiết kế để đáp ứng tính riêng tư, tiện nghi, an toàn và chống lây nhiễm mầm bệnh qua nội soi cho người bệnh.

Thạc sĩ. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thắng có kinh nghiệm 17 năm trong lĩnh vực phẫu thuật tiêu hóa gan mật, đồng thời có trên 09 năm kinh nghiệm nội soi can thiệp, đặc biệt là kỹ thuật lấy sỏi đường mật qua nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) với số lượng trên 800 ca.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe