Răng vẩu hàm dưới là một trong những tình trạng răng miệng khá thường gặp, gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng tới sự tự tin của bệnh nhân. Vì vậy, việc can thiệp điều trị sớm cho tình trạng vẩu hàm dưới là điều cần thiết.
1. Nguyên nhân gây răng vẩu hàm dưới là gì?
Vẩu hàm dưới còn gọi là móm. Đây là 1 dạng sai lệch khớp cắn khi các răng hoặc xương hàm dưới bị đưa ra phía trước, phủ ra ngoài hàm trên và dẫn tới tình trạng khớp cắn ngược. Khi bệnh nhân ngậm miệng lại thì hàm dưới vẫn nằm ngoài hàm trên - ngược lại so với những người có cung hàm bình thường.
Vẩu hàm dưới không chỉ gây ảnh hưởng tới yếu tố thẩm mỹ mà còn khiến bệnh nhân gặp khó khăn khi ăn uống, phát âm, vệ sinh răng miệng,... Có tới 70% trường hợp bị vẩu hàm dưới là do di truyền. Còn lại là do những thói quen xấu như trượt cằm, tật đẩy lưỡi, tật chống cằm,... Khi còn nhỏ, vì xương và răng đang trên đà phát triển nên chỉ cần một tác động nhẹ trong thời gian dài cũng dẫn tới tình trạng răng vẩu hàm dưới.
Có 3 nguyên nhân gây vẩu hàm dưới là:
- Vẩu hàm dưới do răng: Là tình trạng hàm vẫn có kích thước bình thường nhưng răng mọc lệch. Có thể là do các răng hàm dưới mọc chìa ra ngoài hoặc răng hàm trên mọc cụp vào trong. Một số trường hợp xảy ra cả 2 nguyên nhân kể trên;
- Vẩu hàm dưới do xương: Do xương hàm của hàm dưới phát triển quá mức, đưa ra ngoài nhiều so với hàm trên, tạo sự bất cân xứng về khớp cắn giữa 2 hàm;
- Vẩu hàm dưới do cả xương và răng: Là tình trạng gồm cả răng mọc lệch lạc vừa do xương hàm dưới phát triển quá mức. Hướng điều trị trong trường hợp này thường phức tạp, mất nhiều thời gian nhất.
2. Cách điều trị răng vẩu hàm dưới
Dù gặp dạng vẩu hàm dưới do nguyên nhân nào thì người bệnh cũng nên đi khám nha khoa để được chẩn đoán, điều chỉnh đúng cách, sớm lấy lại hình dáng cân đối cho hệ xương hàm và tự tin hơn khi giao tiếp. Với sự phát triển của y học hiện nay, hầu hết các trường hợp vẩu hàm dưới đều có thể khắc phục triệt để.
Các phương pháp điều trị răng vẩu hàm dưới tùy thuộc vào nguyên nhân. Cụ thể là:
2.1 Vẩu hàm dưới do răng
Phương pháp điều trị mang lại hiệu quả cao, ít xâm lấn và được áp dụng rộng rãi nhất là niềng răng. Người bệnh cần niềng răng trong một vài năm để đưa răng trở về đúng vị trí. Đôi khi nếu răng kích thước quá lớn thì bác sĩ có thể xem xét mài bớt răng hay nhổ răng trước khi niềng.
Việc niềng răng cần một thời gian dài để răng có thể ổn định tại vị trí mới nhưng sẽ giúp răng cân đối với khuôn hàm hơn.
2.2 Vẩu hàm dưới do xương hàm
Với tình trạng này, việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Việc chỉnh nắn răng lúc này thường không đem lại hiệu quả. Bác sĩ sẽ cần can thiệp phẫu thuật vẩu hàm dưới để chỉnh lại cấu trúc xương hàm bằng cách gọt bớt một phần xương hàm dưới theo tỷ lệ nhất định sao cho 2 hàm trên - dưới trở nên cân xứng với nhau. Đây không phải là phương pháp phẫu thuật khó hoặc gây xâm lấn nhiều. Người bệnh sẽ nhanh chóng phục hồi, có cấu trúc răng xương hàm cân đối như bình thường.
2.3 Vẩu hàm dưới do cả răng và xương hàm
Đây là trường hợp phức tạp nhất, cần kết hợp điều trị giữa niềng răng và phẫu thuật chỉnh xương hàm. Thời gian điều trị cho tình trạng này thường kéo dài và chi phí cao hơn. Nếu điều trị từ sớm cho trẻ nhỏ, trẻ vị thành niên thì sẽ đạt hiệu quả tốt hơn và có thời gian ngắn hơn so với người bình thường.
Răng vẩu hàm dưới gây ảnh hưởng rất lớn tới vẻ ngoài, sự tự tin và hoạt động ăn nhai của bệnh nhân. Do đó, người bệnh nên đi thăm khám để điều trị sớm. Khi thăm khám, bác sĩ sẽ kiểm tra trực tiếp, chỉ định chụp phim đo sọ mặt nghiêng để phân tích nguyên nhân chính xác và lên phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân. Mục tiêu cao nhất của việc điều trị là giúp các răng đều đẹp trên cung hàm, khớp cắn cân xứng, cải thiện được thẩm mỹ gương mặt cả góc thẳng và góc nghiêng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.