Ung thư buồng trứng là bệnh lý gặp ở nhiều độ tuổi nhưng chủ yếu là phụ nữ 50 tuổi trở lên. Đây là bệnh lý nguy hiểm, diễn biến âm thầm, gây tử vong cao nhưng lại rất khó nhận biết. Điều trị ung thư buồng trứng chủ yếu có 3 phương pháp là phẫu thuật, hóa trị liệu và xạ trị. Tuy nhiên, nhờ sự phát triển của y học, điều trị căn bệnh này đã có nhiều bước tiến mới, trong đó đáng chú ý nhất là liệu pháp nhắm trúng đích (Targeted Therapy).
Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hà, Bác sĩ Xạ trị, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City
1. Tìm hiểu về ung thư buồng trứng
Như chúng ta đã biết, ung thư buồng trứng được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” vì diễn tiến âm thầm, lặng lẽ, triệu chứng không rõ rệt và thường bị chị em phụ nữ bỏ qua. Bệnh ung thư buồng trứng hiện nay vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây bệnh. Nhưng các nghiên cứu cho thấy sự liên quan giữa các yếu tố sau làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng:
- Tuổi lớn hơn. Ung thư buồng trứng có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở phụ nữ từ 50 đến 60 tuổi.
- Di truyền đột biến gen (Các yếu tố liên quan tới di truyền, bao gồm): Đột biến gen di truyền: Các gen được xác nhận làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng bao gồm gen ung thư vú 1 (BRCA1) và gen ung thư vú 2 (BRCA2). Đột biến của những gen này cũng đồng thời làm tăng nguy cơ ung thư vú. Các đột biến gen khác, bao gồm cả những đột biến liên quan đến hội chứng Lynch, được biết đến làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư, trong đó có ung thư buồng trứng.
- Tiền sử gia đình bị ung thư buồng trứng. Những người có hai hoặc nhiều người thân bị ung thư buồng trứng có nguy cơ cao hơn mắc căn bệnh này
- Liệu pháp thay thế hormone estrogen, đặc biệt khi sử dụng lâu dài và với liều lượng cao.
- Tuổi bắt đầu và kết thúc kinh nguyệt. Bắt đầu hành kinh khi còn quá trẻ hoặc bắt đầu mãn kinh ở độ tuổi lớn hơn, hoặc cả hai, có thể làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng.
Bên cạnh các phương pháp điều trị truyền thống, liệu pháp nhắm trúng đích là một phương pháp điều trị mới, mang lại hiệu quả điều trị cao hơn cho người bệnh. Vậy liệu pháp nhắm trúng đích hoạt động như thế nào?
2. Phương pháp điều trị nhắm trúng đích ung thư buồng trứng
Liệu pháp nhắm trúng đích trong điều trị ung thư là một phương pháp điều trị ung thư bằng thuốc, trong đó các loại thuốc được dùng có khả năng nhận diện và tấn công đặc hiệu các tế bào ung thư, trong khi không hoặc rất ít ảnh hưởng tới các tế bào khác của cơ thể.
Một hình thức khác của liệu pháp trúng đích là việc sử dụng các enzyme ứng dụng công nghệ nano để gắn vào tế bào khối u, khởi phát quá trình thoái hoá tế bào tự nhiên của cơ thể, từ đó cơ thể có thể tiêu hóa, loại bỏ tế bào ung thư một cách hiệu quả.
Bệnh ung thư thường bắt đầu khi có thay đổi gen ở các tế bào khỏe mạnh. Trong cơ thể, gen có khả năng “ra lệnh" cho các tế bào sản xuất protein. Do vậy khi gen bị biến đổi, các protein sản phẩm này cũng có thể thay đổi và làm cho quá trình nhân lên bất thường hoặc tế bào sống quá lâu. Những biến đổi bất thường này, nếu không thể kiểm soát sẽ dần dần tạo nên khối u.
Các nhà nghiên cứu đã và đang tìm ra những thay đổi gen cụ thể cho từng loại ung thư và qua đó phát triển các loại thuốc để có thể nhắm vào những thay đổi đó. Các loại thuốc này có thể:
● Ngăn chặn hoặc tắt các tín hiệu phân bào của các tế bào ung thư
● Ngăn chặn việc tế bào sống lâu hơn bình thường
● Phá huỷ các tế bào ung thư
Đối với ung thư buồng trứng, đã có nhiều biện pháp nhắm trúng đích đã được chứng minh có hiệu quả trong điều trị căn bệnh này. Dưới đây, chúng tôi xin được liệt kê những phương pháp nhắm trúng đích trong ung thư buồng trứng:
- Bevacizumab: Đây là thuốc thuộc nhóm kháng tân tạo mạch máu. Đế phát triển và lan rộng, tế bào ung thư cần tạo ra các mạch máu mới để tự nuôi dưỡng chính mình (quá trình này được gọi là tân tạo mạch máu). Thuốc Bevacizumab có khả năng ức chế một protein có tên VEGF (có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành mạch máu mới) nhờ đó, thuốc có khả năng làm chậm hoặc dừng lại sự phát triển của khối u. Thuốc này có thể được sử dụng độc lập hoặc kết hợp với hóa trị liệu, hoặc thuốc Olaparib.
- Thuốc ức chế PARP: nhóm thuốc này bao gồm các thuốc Olaparib, Rucaparib và Niraparib. Enzyme PARP, ở người bình thường, đóng vai trò quan trọng trong một con đường sửa chữa các DNA bị lỗi. Các gen BRCA (BRCA1 và BRCA2) là một con đường song song với PARP trong việc sửa chữa những DNA lỗi này. Bằng cách ức chế con đường PARP, các thuốc PARP khiến các tế bào u ở người có đột biến BRCA không thể sửa chữa các DNA lỗi, kết quả thường là các tế bào này bị chết.
Như đã chia sẻ, ung thư buồng trứng là bệnh lý nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao, dó đó việc chủ động thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ và sàng lọc ung thư là điều rất cần thiết.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.