Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Đỗ Văn Mạnh - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Loại ma tuý thường dùng là loại ma tuý thuộc nhóm opi, trong đó phổ biến nhất là heroin. Ngộ độc cấp ma túy nhóm opi có thể gây tử vong nhanh chóng do ngừng thở gây suy hô hấp, tụt huyết áp.
1. Khái niệm về ma tuý nhóm opi
Loại ma tuý thường được sử dụng hiện nay là loại ma tuý thuộc nhóm opi, phổ biến nhất là heroin. Người sử dụng những chất gây nghiện này sẽ tăng dần liều thì mới đáp ứng được cảm giác “thoả mãn”. Chính vì lý do này mà dễ dẫn đến việc bị ngộ độc và dẫn đến tử vong.
Nhóm opi được phân làm 2 loại đó là:
- Opiat: Đây là các chất có nguồn gốc từ nhựa cây thuốc phiện (Opium poppy);
- Opioid: Đây là các hợp chất mà tất cả các tác dụng trực tiếp từ nó đều bị naloxon đối kháng. Opioid được phân loại thành dạng tự nhiên, bán tổng hợp và tổng hợp.
2. Ngộ độc ma tuý nhóm opi
Để chẩn đoán một người có bị ngộ độc ma tuý hay không sẽ dựa vào các dấu hiệu sau:
2.1 Lâm sàng
- Ức chế thần kinh trung ương: Người sử dụng ma tuý nhóm opi khi bị ngộ độc sẽ có dấu hiệu thay đổi từ lơ mơ, ngủ gà, bồn chồn, loạn thần do tác dụng kích thích thụ thể sigma, co giật hoặc thậm chí hôn mê.
- Đồng tử co: Khi bị ngộ độc opioid, các tác động trên thần kinh phó giao cảm tới đồng tử dẫn tới việc bị co đồng tử.
- Suy hô hấp: Dấu hiệu đầu tiên là tần số thở của người bệnh giảm nhưng chưa giảm biên độ thở và khi tình trạng ngộ độc trở nên nặng hơn thì cơ thể người ngộ độc ma tuý sẽ trở nên tím tái, tần số thở là rất chậm.
- Tim mạch: Opi là tăng dung tích hệ tĩnh mạch gây giảm huyết áp tâm thu và tâm trương; sốc, truỵ tim mạch; loạn nhịp tim.
- Hệ tiêu hoá: Xuất hiện cảm giác buồn nôn và nôn.
Dấu hiệu khác: Dấu hiệu nước tiểu bị ứ đọng, suy thận cấp, hạ đường máu và hạ thân nhiệt.
2.2 Cận lâm sàng
Bệnh nhân ngộ độc ma tuý nhóm opi khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu, việc đầu tiên cần thực hiện là lấy mẫu máu làm công thức máu, khí máu động mạch, glucose, urê, creatinin, GPT, GOT, CK, điện giải, barbiturat, các thuốc an thần khác, kháng nguyên và kháng thể của virus viêm gan. Các xét nghiệm cần thực hiện tiếp theo là lấy mẫu nước tiểu để xét nghiệm opiat.
Nếu bệnh nhân bị tắc mạch phổi nhiễm trùng hoặc viêm nội tâm mạc thì sẽ thực hiện cấy máu hệ thống, soi và cấy vi khuẩn đờm, cấy vết loét da. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu bị chấn thương sọ não thì cần thực hiện chụp X-quang sọ não, chụp CT scan sọ não và làm điện não đồ.
3. Điều trị ngộ độc ma tuý nhóm opi
Bệnh nhân khi có các dấu hiệu bị ngộ độc ma tuý nhóm opi, khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu các bác sĩ sẽ cần chuẩn bị các dụng cụ y tế, máy móc hỗ trợ và tiến hành điều trị như sau:
3.1 Dụng cụ y tế, máy móc hỗ trợ
- Dụng cụ tiêm truyền đã vô khuẩn.
- Bảo hộ cá nhân cho bác sĩ: mũ, khẩu trang.
- Dụng cụ rửa tay sát khuẩn.
- Máy móc hỗ trợ: Nội khí quản, bóng ambu, máy thở, màn hình monitor theo dõi.
3.2 Điều trị cụ thể
Bệnh nhân có các biểu hiện loạn thần, khi nhập viện cần để bệnh nhân nằm cố định trên giường bệnh. Bác sĩ sẽ đánh giá ý thức của bệnh nhân thông qua điểm glasgow, nhịp thở, mạch, chỉ số huyết áp, độ co giãn đồng tử.
- Hồi sức:
Sử dụng bóng oxy, đặt nội khí quản thở máy khi bệnh nhân có dấu hiệu bị suy hô hấp. Dùng vận mạch cho bệnh nhân bị tụt huyết áp. Bệnh nhân sau khi ổn định có thể tiến hành chụp phim X-quang ngực.
- Điều trị phù phổi cấp:
Chỉ định đặt nội khí quản khi cần thiết. Sử dụng naloxon TM 0,8 - 1,2mg, tiêm nhắc lại sau mỗi 5 phút cho tới khi bệnh nhân tỉnh lại và thở tốt. Bệnh nhân phù phổi sẽ không được truyền nhiều dịch. Tình trạng bệnh nhân trở lại ổn định tiến hành chụp X-quang phổi và làm khí máu để theo dõi. Điện tim cũng cần theo dõi liên tục.
- Sử dụng naloxon để ức chế 4 loại receptor opi. Nhanh chóng sử dụng naloxon thường cứu được người ngộ độc ma tuý opi.
XEM THÊM: