Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Sỹ Quyền Năng - Trưởng khoa Phẫu thuật khớp gối và cổ chân - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Phù chân nói chung, mu bàn chân bị sưng phù nói riêng là tình trạng tương đối phổ biến nhưng ít được quan tâm. Đôi khi, mu bàn chân bị sưng phù ngứa có thể là biểu hiện của một bệnh lý cần được thăm khám và điều trị. Vậy điều trị mu bàn chân bị sưng phù như thế nào?
Phù chân, mu bàn chân bị sưng phù là tình trạng phù ngoại biên, do dịch trong cơ thể bị tích tụ lại trong các cơ quan, mô ở chân. Mặc dù không gây đau nhưng đây có thể là biểu hiện của một bệnh lý nghiêm trọng. Tình trạng này thường tăng lên vào buổi tối, đây là kết quả của một ngày đứng hoặc đi lại nhiều hoặc khi cơ thể phải tiêu thụ quá một lượng lớn chất lỏng.
1. Tại sao mu bàn chân bị sưng phù?
1.1 Mu bàn chân bị sưng phù do tác động từ bên ngoài
Các yếu tố tác động từ bên ngoài có thể gây sưng phù ở chân gồm có:
- Chấn thương: Tập luyện hoặc chơi thể thao, tai nạn trong lao động, sinh hoạt hoặc tham gia giao thông có thể gây ra những tổn thương ở chân và làm mu bàn chân bị sưng phù như trật khớp, bong gân, gãy xương, ...
- Mu bàn chân bị chèn ép: Mang giày cao gót, mang giày chật có thể khiến mu bàn chân bị chèn ép hoặc kéo căng và gây sưng đau ở mu bàn chân.
1.2 Mu bàn chân bị sưng phù do mắc phải một số bệnh lý khác
Đôi khi tình trạng sưng phù ở chân không phải do tác động bên ngoài gây ra mà do mắc phải một số bệnh lý như:
- Bệnh xương khớp: Thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, ... là những bệnh lý xương khớp thường gặp và có thể gây sưng đau ở mu bàn chân.
- Bệnh đau dây thần kinh tọa thường được xem là nguyên nhân chính khiến mu bàn chân bị sưng phù. Ngoài triệu chứng này, người bệnh có thể bị tê nhức, mất cảm giác ở chân.
- Bệnh tim mạch: Co mạch, tắc mạch, viêm động mạch, ... làm cản trở máu lưu thông, khi xương khớp cơ không nhận đủ máu để nuôi dưỡng có thể sưng lên, đau nhức.
- Bệnh gout: Có thể thấy, tình trạng sưng phù ở chân đôi khi là do bệnh gout gây ra. Ban đầu, chỉ có ngón chân cái sưng đau, nóng đỏ, sau đó lan ra cả mu bàn chân với mức độ nặng hơn khiến người bệnh gặp khó khăn khi đi lại. Bệnh gout mãn tính nếu không được điều trị có thể làm biến dạng khớp, khối u mọc ở ngay khớp ngón chân cái gây đau nhức dữ dội.
Sưng phù chân do chấn thương hay bệnh lý đều có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, tuy nhiên tình trạng này thường gặp ở những người lớn tuổi, phụ nữ đang trong giai đoạn nội tiết tố thay đổi, bị huyết khối tĩnh mạch chân, tắc nghẽn bạch huyết, viêm màng ngoài tim, chấn thương hoặc nhiễm trùng ở chân, phụ nữ đang mang thai bị tiền sản giật, huyết áp cao.
2. Điều trị mu bàn chân bị sưng phù
Trước tiên, cần chẩn đoán xác định nguyên nhân gây sưng phù ở chân, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Các kỹ thuật chẩn đoán tình trạng này gồm có: xét nghiệm máu, siêu âm, điện tâm đồ, có thể thực hiện một hoặc kết hợp các phương pháp với nhau.
Nếu mu bàn chân bị sưng phù nhẹ và nguyên nhân là do chấn thương nhỏ, thói quen sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày thì bác sĩ có thể chỉ định điều trị tại nhà bằng cách dùng tất, vớ, đồng thời thay đổi lối sống. Việc dùng tất, vớ có thể giúp máu lưu thông tốt hơn ở các vùng thân trên, làm giảm tình trạng tích tụ dịch ở chân do trọng lực gây ra.
Bác sĩ có thể chỉ định dùng một số loại thuốc để giảm sưng tấy ở mu bàn chân, tuy nhiên bạn rất dễ gặp tác dụng phụ. Cách điều trị này thường chỉ được áp dụng khi các cách điều trị khác không thuyên giảm. Riêng trường hợp sưng phù chân do bệnh lý khác, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp.
3. Chăm sóc mu bàn chân bị sưng phù tại nhà
Bên cạnh việc điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, người bệnh cũng cần thay đổi lối sống và thực hiện theo một số biện pháp sau để khắc phục tình trạng mu bàn chân bị sưng phù:
- Kê chân lên gối, để chân cao hơn khi nằm nghỉ ngơi hoặc ngủ.
- Tập các bài tập giãn cơ và vận động để máu ở chân được lưu thông, di chuyển.
- Cắt giảm muối trong chế độ ăn hàng ngày để giảm nguy cơ tích tụ chất lỏng, dịch ở chân. Đồng thời bổ sung các loại thực phẩm giàu magie vào các bữa ăn như ngũ cốc, các loại đậu, hạt, ...
- Đi giày vừa vặn, tránh mang giày dép quá chật cũng như mặc áo quần quá bó sát vào chân, đùi.
- Tập luyện thể dục thể thao để duy trì cân nặng, cơ thể có trọng lượng phù hợp và khỏe mạnh, tránh bị thừa cân gây áp lực lên chân và làm phù chân.
- Sau một thời gian ngồi hoặc đứng quá lâu, cần vận động chân để máu được lưu thông, tối thiểu là sau 30 - 60 phút đứng hoặc ngồi một chỗ.
- Ngâm chân với nước muối ấm và gừng để thư giãn, giảm đau, đồng thời đào thải các độc tố trong cơ thể. Chú ý, đây chỉ là biện pháp hỗ trợ chứ không phải điều trị chân bị sưng phù.
4. Mu bàn chân bị sưng phù như thế nào thì thăm khám bác sĩ?
Sưng phù ở chân đôi khi không phải là vấn đề nghiêm trọng, tuy nhiên nếu kèm theo những biểu hiện sau đây thì người bệnh nên thăm khám bác sĩ để điều trị kịp thời:
- Mắc bệnh thận, gan, tim và mu bàn chân bị sưng phù
- Chạm vào chỗ mu bàn chân bị sưng đỏ thấy ấm nóng
- Bị sốt
- Đang mang thai
- Mu bàn chân bị sưng phù nặng
- Sau khi thực hiện điều trị bằng các biện pháp khác nhưng không thuyên giảm
Tùy vào nguyên nhân khiến mu bàn chân bị sưng phù sẽ có cách điều trị phù hợp. Việc điều trị có thể đơn giản tại nhà bằng cách mang vớ, tất và chăm sóc sức khỏe thông qua chế độ ăn, thói quen sinh hoạt. Tuy nhiên, nếu kèm theo tình trạng bệnh lý khác thì người bệnh cần được thăm khám kỹ lưỡng để chữa trị đúng bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.