Điều trị Hội chứng Tourette

Bài viết bởi Bác sĩ Ma Văn Thấm - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Hội chứng Tourette (còn được gọi là hội chứng Gilles de la Tourette) là một bệnh lý hệ thần kinh khiến bệnh nhân bị co giật. Bệnh thường gặp ở trẻ em, thanh thiếu niên và cả người trưởng thành.

1. Biểu hiện Hội chứng Tourette

Biểu hiện Hội chứng Tourette được thể hiện qua các “Tic” (Tic là những vận động hoặc âm thanh xuất hiện đột ngột, nhanh, tái diễn, không nhịp điệu, định hình).

  • Rối loạn tic vận động một hoặc nhiều loại tic âm thanh cùng xuất hiện trong một khoảng thời gian của bệnh, mặc dù không nhất thiết phải xuất hiện đồng thời.
  • Các rối loạn tic xuất hiện nhiều lần trong ngày (thường thành từng đợt), gần như hàng ngày hoặc không liên tục trong suốt giai đoạn hơn một năm, và trong thời gian đó không có giai đoạn nào dài quá 3 tháng không có biểu hiện tic.
  • Khởi phát trước 18 tuổi.
  • Rối loạn không gây ra bởi ảnh hưởng về cơ thể của một chất nào đó (ví dụ: chất kích thích) hoặc một trạng thái bệnh lý cơ thể (bệnh Huntington, sau viêm não do virus).

Bệnh thường khởi phát trước năm 18 tuổi
Bệnh thường khởi phát trước năm 18 tuổi

2. Hội chứng Tourette có cần điều trị không?

Phần lớn trẻ mắc tic vận động đơn giản nhất thời không cần phải điều trị. Quyết định bắt đầu điều trị dựa vào mức độ trầm trọng của triệu chứng tic như biểu hiện tic ít nhất từ mức độ trung bình trở lên và tic gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, sự tự tin, các mối quan hệ cá nhân với các thành viên trong gia đình, bạn bè và các thầy cô giáo) và khả năng thực hiện các nhiệm vụ của trẻ ở trường học.

Nhiều trường hợp mắc hội chứng Tourette gây ảnh hưởng nhiều đến các thành viên trong gia đình hơn là ảnh hưởng đến cá nhân người bệnh cũng có thể điều trị thành công với các phương pháp khác nhau mà không nhất thiết sử dụng thuốc. Thêm vào đó, vì triệu chứng tic thay đổi lúc giảm đi, lúc tăng lên, nên tốt nhất là bắt đầu quá trình điều trị bằng liệu pháp tâm lý giáo dục và thích ứng cuộc sống trước khi quyết định sử dụng thuốc.

Với những trường hợp mắc bệnh phối hợp với tăng động giảm chú ý, rối loạn ám ảnh cưỡng bức, trầm cảm, lo âu...nên chọn lựa đầu tiên là điều trị các rối loạn phối hợp, bởi vì sau khi điều trị các rối loạn này biểu hiện tic có thể thuyên giảm.

3. Các phương pháp điều trị Hội chứng Tourette

3.1. Can thiệp giáo dục

Đối với tic nhất thời và hội chứng Tourette đơn thuần ảnh hưởng mức nhẹ, nhiều bệnh nhân chỉ cần đánh giá, giải thích về bệnh và thực hiện liệu pháp tâm lý giáo dục phối hợp hỗ trợ ở trường học. Các chương trình giáo dục cho gia đình, giáo viên, bạn bè nhằm nâng cao sự hiểu biết về bệnh và chấp nhận người bệnh, có thể mang lại những ảnh hưởng tích cực đối với tất cả các giai đoạn của bệnh. Sự kết hợp tích cực với nhà trường tạo điều kiện thuận lợi, cho phép những hành vi cố gắng hạn chế sự khởi phát tic và chấp nhận hành vi tic.

3.2. Chế độ ăn và lối sống

Các stress cấp và mạn tính đều có thể làm tăng tic, bởi vậy cần giáo dục về vai trò quan trọng của stress với tic. Các liệu pháp tâm lý có thể cải thiện về đánh giá bản thân, kỹ năng ứng phó, căng thẳng trong gia đình và sự thích ứng ở trường học, nhưng không có hiệu quả rõ ràng trực tiếp đến các hành vi tic ở mức độ trầm trọng. Không có chế độ ăn đặc biệt nào có hiệu quả cho tic, nhưng một chế độ ăn cân đối, nâng cao sức khỏe có thể góp phần tạo sự thoải mái và giảm được stress. Các chất kích thích như Caffeine nên được hạn chế tối đa vì có thể làm tăng tic ở một số trẻ. Tác động của tập thể dục đến các triệu chứng Tic cũng chưa được nghiên cứu có hệ thống, mặc dù các chương trình thể dục đều đặn hàng ngày có thể có hiệu quả như một biện pháp để đối phó với stress, giúp trẻ bị tic có cảm giác chủ động, nhanh nhẹn góp phần tạo nên sự thoải mái, khỏe mạnh.


Caffeine là thức uống bị hạn chế đối với bệnh nhân Hội chứng Tourette
Caffeine là thức uống bị hạn chế đối với bệnh nhân Hội chứng Tourette

3.3 Liệu pháp hành vi

Hàng loạt các can thiệp hành vi được nghiên cứu trong điều trị Hội chứng Tourette nhưng hiệu quả chưa thuyết phục. Tuy nhiên, trị liệu nhận thức hành vi đã được ghi nhận có đáp ứng và duy trì mang tính chất dự phòng trong điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng bức, do đó có thể áp dụng trong điều trị hội chứng Tourette có phối hợp với rối loạn ám ảnh cưỡng bức. Tập huấn cho cha mẹ, kiểm soát sự tức giận đối với hành vi bất thường của trẻ bị tic và hội chứng Tourette đã được xác định là có hiệu quả hỗ trợ. Mặc dù chưa được chứng minh chính xác là có hiệu quả với rối loạn tic trong các nghiên cứu có so sánh đối chứng, nhưng các biện pháp hỗ trợ tâm lý hoặc khuyến khích sự năng động cá nhân, có thể tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển mối quan hệ bạn bè, tăng thích ứng với trường học, xây dựng nhân cách gắn kết và kiểm soát stress hàng ngày.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe