Điều trị gai cột sống tại nhà: 12 phương pháp dễ thực hiện

Điều trị gai cột sống tại nhà là lựa chọn phổ biến cho những người mắc phải tình trạng này, nhằm giảm đau và cải thiện chất lượng cuộc sống mà không cần phải can thiệp y tế phức tạp. Gai cột sống thường gây ra do thoái hóa hoặc tổn thương, có thể dẫn đến các triệu chứng như đau lưng, cứng khớp và khó khăn trong vận động.  

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Tổng quan về gai cột sống  

Gai cột sống là những mảnh xương thừa phát triển dọc theo các khớp xương, đặc biệt là ở các đốt sống. Mặc dù bản thân các gai này không trực tiếp gây đau nhưng có thể giảm không gian trong cột sống, ảnh hưởng đến các mô và dây thần kinh lân cận, từ đó dẫn đến cơn đau. Điều này đặc biệt đúng khi người bệnh nằm xuống hoặc khi cột sống ở tư thế cong.

Những gai xương sẽ gây chèn ép dây thần kinh, gây ra đau nhức.
Những gai xương sẽ gây chèn ép dây thần kinh, gây ra đau nhức.

Các gai cột sống có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cột sống, từ cổ đến lưng giữa và lưng dưới. Chúng thường phát triển tại các vị trí có nhiều áp lực hoặc mài mòn như tại các điểm nối giữa các đốt sống.

Các triệu chứng phổ biến của gai cột sống, bao gồm:  

  • Cơn đau có thể lan từ cột sống đến mông hoặc vai.
  • Đau âm ỉ, đặc biệt là khi đứng hoặc đi lại trong thời gian dài.
  • Cảm giác nóng rát hoặc ngứa ngáy ở bàn tay hoặc bàn chân.
  • Cơ bị co thắt và chuột rút.
  • Yếu hoặc tê ở các cơ quanh vùng bị ảnh hưởng.
  • Các gai xương có thể làm hạn chế khả năng duỗi hoặc cử động chân tay.
  • Khó kiểm soát bàng quang hoặc ruột.

2. Các phương pháp điều trị gai cột sống tại nhà  

Gần 40% người lớn tuổi mắc các triệu chứng do gai cột sống. Đa số trường hợp có mức độ chèn ép nhẹ đến trung bình có thể quản lý triệu chứng mà không cần đến phẫu thuật. Dưới đây là một số phương pháp điều trị gai cột sống tại nhà hiệu quả mà người bệnh có thể áp dụng để giảm bớt các triệu chứng mà không cần phẫu thuật.

2.1 Điều trị bằng thuốc

Thuốc chống viêm không Steroid (NSAID) và thuốc giãn cơ có thể được bác sĩ kê đơn để sử dụng tại nhà. Những loại thuốc này giúp giảm đau và viêm. Tuy nhiên, người bệnh cần tuân theo chỉ định của bác sĩ và không tự ý sử dụng để tránh nguy cơ tác dụng phụ.

2.2 Nghỉ ngơi và thư giãn cột sống

Trong lúc làm việc dù đứng hay ngồi, cột sống chịu nhiều áp lực từ trọng lượng cơ thể. Vì vậy, người bệnh nên tranh thủ thời gian nghỉ trưa để nằm ngửa để cột sống được thư giãn.  

2.3 Sử dụng gối để hỗ trợ khi ngủ

Nếu có thói quen ngủ nghiêng, hãy đặt một chiếc gối giữa hai đầu gối để cân bằng hông, giảm áp lực lên cột sống. Người thực hiện nên thử nghiệm với các loại gối khác nhau để tìm ra loại gối thoải mái nhất để điều trị gai cột sống tại nhà tốt nhất.

2.4 Bổ sung dưỡng chất cho xương khớp

Để duy trì sức khỏe xương khớp, việc bổ sung các dưỡng chất cần thiết là rất quan trọng. Các dưỡng chất này không chỉ giúp cải thiện cấu trúc xương mà còn hỗ trợ quá trình phục hồi và giảm thiểu cơn đau do các vấn đề về xương khớp.  

2.5 Chườm nóng và chườm lạnh

Gai cột sống lưng là một tình trạng thoái hóa có thể gây đau và cứng khớp, thậm chí trở thành mạn tính. Người bệnh có thể áp dụng kết hợp liệu pháp chườm lạnh và chườm nóng để giảm đau. Chườm đá có tác dụng giảm viêm và làm dịu cơn đau khi đau nhức bùng phát, trong khi chườm nóng giúp cải thiện lưu lượng máu và thư giãn cơ bắp.  

Hãy chườm lạnh trong 15-20 phút mỗi lần vài lần trong ngày và chườm nóng ở mức thấp trong 10-15 phút, cách nhau ít nhất hai giờ. Người bệnh cũng nên sử dụng khăn bọc nhằm bảo vệ da và tránh bỏng.

2.6 Điều chỉnh tư thế làm việc  

Các triệu chứng gai cột sống có thể xuất hiện do duy trì tư thế ngồi và làm việc không đúng trong thời gian dài.

Giữ lưng thẳng, vai thả lỏng, màn hình máy tính ngang tầm mắt và khuỷu tay cong 90 độ là phương pháp điều trị gai cột sống tại nhà hiệu quả.
Giữ lưng thẳng, vai thả lỏng, màn hình máy tính ngang tầm mắt và khuỷu tay cong 90 độ là phương pháp điều trị gai cột sống tại nhà hiệu quả.

Để tránh bị sai tư thế khi làm việc, hãy điều chỉnh lại cơ sở vật chất nơi làm việc như chọn bàn và ghế phù hợp với chiều cao, giữ cột sống thẳng khi ngồi học tập hoặc làm việc.

2.7 Massage và xoa bóp cột sống

Massage nhẹ nhàng có thể tăng cường lưu lượng máu, giúp nới lỏng các cơ và mô liên kết, tạo cảm giác thư giãn cho cột sống.

Massage giúp kích thích các mạch máu, thúc đẩy lưu thông máu đến các cơ và mô liên kết xung quanh cột sống.
Massage giúp kích thích các mạch máu, thúc đẩy lưu thông máu đến các cơ và mô liên kết xung quanh cột sống.

Phương pháp này dù chỉ là những tác động nhẹ nhàng, đã được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích và là một phương pháp điều trị gai cột sống tại nhà hiệu quả.

2.8 Cân bằng chế độ dinh dưỡng

Duy trì một chế độ ăn uống cân bằng giúp người bệnh tránh tăng cân quá mức, từ đó góp phần giảm áp lực lên cột sống và đau lưng. Hãy ăn nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, thịt nạc và rau tươi, đồng thời hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhiều chất béo bão hòa, muối, đường.

2.9 Vật lý trị liệu

Được thực hiện bởi bác sĩ chỉnh hình hoặc nắn xương, vật lý trị liệu có thể giúp làm giảm các cơn đau liên quan đến gai cột sống. Các phương pháp này giúp phục hồi tính linh hoạt và sức mạnh của cột sống, cải thiện tư thế, giảm áp lực lên rễ thần kinh.

2.10 Mang giày phù hợp

Lựa chọn giày vừa vặn không gây kích ứng chân, có đệm và phần vòm hỗ trợ cũng như khả năng hấp thụ sốc để giảm đau lưng khi di chuyển.

2.11 Giữ cân nặng phù hợp

Giảm cân và duy trì trọng lượng cơ thể ở mức hợp lý không chỉ giảm bớt gánh nặng cho cột sống mà còn cải thiện đáng kể sức khỏe tổng thể.

2.12 Bưng vác đúng tư thế  

Điều chỉnh thói quen sinh hoạt hàng ngày và sử dụng kỹ thuật nâng đúng cách như ngồi xổm để nâng vật nặng thay vì cúi người, tránh gây đau viêm liên quan đến gai cột sống.

Gai cột sống là một tình trạng bệnh lý mãn tính, nơi các gai xương có thể tái phát sau cả khi đã được phẫu thuật loại bỏ. Điều này khiến nhiều người bệnh lựa chọn phương án sử dụng thuốc giảm đau và thay đổi lối sống nhằm hòa hợp, sống chung với bệnh.

Bệnh nhân cần thường xuyên theo dõi và kiểm tra sức khỏe bằng cách đến các cơ sở y tế để kiểm tra tình trạng gai xương. Nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường như đau nhức dữ dội, cảm giác tê hoặc yếu ở các chi, hoặc sưng ở cột sống, bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc giảm đau mà nên tìm đến sự cấp cứu tại bệnh viện hoặc trung tâm y tế gần nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe