Bài viết được viết bởi Thạc sĩ. Bác sĩ Nội trú. Trần Đức Tuấn - Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Vinmec Central Park.
Điều trị đau thắt lưng – đau thần kinh tọa do TVĐĐ hiện nay có nhiều phương pháp. Điều trị nội khoa đơn thuần hoặc kết hợp vật lý trị liệu và châm cứu. Điều trị phẫu thuật giúp giải quyết được nguyên nhân, giảm đau nhanh tuy nhiên phương pháp này có thể gây tổn thương nhiều cấu trúc giải phẫu, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, đồng thời vẫn có các tỷ lệ biến chứng nhất định.
1. Cột sống thắt lưng và đĩa đệm
Cột sống là cột trụ chính của thân người đi từ mặt dưới xương chẩm đến đỉnh xương cụt. Cột sống gồm 33 – 35 đốt sống chồng lên nhau, được chia làm 5 đoạn, mỗi đoạn có một chiều cong và các đặc điểm riêng thích ứng với chức năng của đoạn đó. Từ trên xuống dưới: 7 đốt sống cổ, 12 đốt sống ngực, 5 đốt sống thắt lưng, 5 đốt sống cùng và 4-6 đốt sống cuối cùng dính với nhau tạo thành xương cụt.
Cột sống thắt lưng cùng với xương chậu tạo sự liên tục với các chi dưới giúp tham gia vào sự vận động. Cột sống thắt lưng (CSTL) gồm nhiều đơn vị chức năng gọi là đoạn vận động. Đoạn vận động gồm: 1 đĩa đệm, 2 thân đốt sống trên dưới và 1 ống sống.
Mỗi đĩa đệm được cấu tạo bởi một nhân trung tâm chứa gelatin, ngoại vi gồm nhiều vòng xơ sụn đồng tâm. Nhân nhầy của đĩa đệm rất dễ vỡ so với vòng xơ. Nó không có cấu trúc xơ để định vị tốt và ngày càng trở nên đặc dần khi người càng lớn tuổi gây Thoát vị đĩa đệm (TVĐĐ).
Ở đoạn CSTL, phần sau và sau bên được cấu tạo bởi một ít các sợi mảnh, nên ở đây bề dày của vòng sợi mỏng hơn chỗ khác. Đây là điểm yếu nhất của vòng sợi, dễ bị phá vỡ gây thoát vị sau bên.
2. Cơ chế bệnh sinh của thoát vị đĩa đệm cột sống
Về mặt chức năng, đĩa đệm đảm bảo sự liên kết chặt chẽ giữa các thân đốt sống, đóng vai trò hấp thụ chấn động và nâng đỡ trọng lượng của cơ thể theo trục dọc của cột sống. Ngoài ra nó còn tham gia vào chức năng vận động cột sống.
Khi đĩa đệm bình thường nếu có một tải trọng tác động lên cột sống theo trục dọc thì nhân nhầy bẹt xuống, các vòng sợi phình ra. Tải trọng đó được chia đều theo tất cả các hướng tạo ra các áp lực bằng nhau trên các vòng sợi và các tấm sụn trong, do đó tải trọng truyền xuống đốt sống bên dưới đã giảm đi nhiều. TVĐĐ là hậu quả của quá trình thoái hóa, xảy ra ở các thành phần của cột sống, trước hết ở đĩa đệm tiếp đến các mặt khớp, thân đốt sống, dây chằng. Quá trình thoái hóa tiến triển theo tuổi và thường phát triển ở nhiều khoang gian đốt.
Trong bệnh lý thoát vị đĩa đệm, nhân nhầy đĩa đệm thoái hóa di lệch khỏi vị trí sinh lý. Nếu sự căng phồng của nhân nhầy còn được duy trì ở mức độ nào đó mà các vòng sợi đã đứt rách nhiều thì thoát vị nhân nhầy sẽ xảy ra. Nếu nhân nhầy đã thoái hóa nặng thì vòng sợi bị đè ép bẹt ra, vượt quá giới hạn của thân xương và chiều cao của đĩa đệm giảm xuống. Từ đó sẽ gây ra xung đột đĩa – rễ trên đường đi của dây thần kinh hoặc gây nên chèn ép cơ học và hiện tượng viêm vô khuẩn ngoài màng cứng làm cho dây, rễ thần kinh bị viêm dẫn đến bệnh đau thần kinh.
3. Điều trị đau thắt lưng – đau thần kinh tọa
Tiêm thẩm phân CSTL bằng Corticoid là một trong các biện pháp điều trị bảo tồn đã được đề cập tới trong y văn thế giới và có nhiều báo cáo khẳng định về hiệu quả lâm sàng cũng như tính an toàn của phương pháp.
Phương pháp có nhiều ưu điểm như: có thể giảm đau nhanh, kỹ thuật xâm lấn mức độ tối thiểu, thuốc được tập trung khu trú tại vị trí đau giúp giảm được liều lượng thuốc tương đương qua đường uống cũng như hạn chế được các tác dụng toàn thân, ....
Hiện nay có 3 phương pháp tiêm chính hay được sử dụng là: tiêm ngoài màng cứng, tiêm chọn lọc rễ thần kinh và tiêm khớp mấu sau. Trong đó tiêm ngoài màng cứng được chỉ định cho đau thắt lưng thứ phát do hẹp ống sống, thoát vị đĩa đệm có hoặc không có triệu chứng đau kiểu rễ hoặc đau thắt lưng không rõ nguyên nhân. Tiêm khớp mấu sau được dùng trong trường hợp đau lưng do thoái hoá khớp mấu sau hoặc do chấn thương. Tiêm thẩm phân chọn lọc rễ thần kinh được chỉ định rộng rãi trong điều trị và chẩn đoán đau lưng, thắt lưng cấp hoặc mãn tính kiểu rễ.
Các nguy cơ từ bản thân thuốc steroid rất hiếm và ít hơn nhiều so với so với các tác dụng phụ của steroid đường uống.
4. Các bước tiến hành kỹ thuật
Bệnh nhân được tiến hành thủ thuật can thiệp dưới hướng dẫn của máy Cắt lớp vi tính (CLVT) do bác sỹ và kỹ thuật viên khoa Chẩn đoán hình ảnh thực hiện. Kỹ thuật được tiến hành theo một quy trình cơ bản sau:
Bước 1: Chuẩn bị bệnh nhân và dụng cụ can thiệp
- Giải thích cho bệnh nhân và người nhà hiểu rõ mục tiêu điều trị, quá trình tiến hành và các tai biến có thể xảy ra trong quá trình làm thủ thuật.
- Người nhà bệnh nhân viết giấy cam đoan đồng ý tiến hành thủ thuật.
- Bệnh nhân nằm sấp trên bàn chụp cắt lớp vi tính.
- Đặt đường truyền tĩnh mạch.
- Sát khuẩn vị trí tiến hành thủ thuật, trải săng vô khuẩn.
- Chuẩn bị bộ dụng cụ tiến hành làm thủ thuật.
Bước 2: Định vị vị trí tiêm thẩm phân
- Chụp định vị tầng đốt sống can thiệp dưới CLVT, chụp các lát cắt qua tầng đốt sống – đĩa đệm tổn thương, tuỳ vị trí cần tiêm mà sẽ chọn lát cắt mong muốn
- Xác định điểm vào và đường vào trên da
Hình 5. Định vị tầng đốt sống – đĩa đệm tiến hành thủ thuật trên CLVT
Bước 3: Chọc kim siêu nhỏ qua da
Đưa một kim rất bé vào vị trí mong muốn tiếp cận dưới hướng dẫn của CLVT.
Hình 6: Đi kim tiêm dưới hướng dẫn của CLVT
Bước 4: Bơm thuốc
Hút kim chậm trước bơm thuốc xem có chọc vào mạch máu hay không.
- Bơm thuốc cản quang để kiểm tra chính xác khoảng tiêm mong muốn và loại trừ mạch máu.
- Nếu đúng vị trí thực hiện bơm hỗn hợp Corticosteroid pha với Lidocain.
Hình 7: Bơm thuốc vào vị trí mong muốn
Bước 5: Rút kim chọc, kết thúc thủ thật
- Rút kim.
- Sau khi rút kim: sát trùng lại và băng vị trí tiêm bằng băng dính y tế.
- Thu dọn dụng cụ.
Bước 6: Theo dõi và đánh giá sau điều trị
- Sau khi làm thủ thuật: bệnh nhân có thể ngồi dậy và đi lại nhẹ nhàng, theo dõi tình trạng chảy máu và phản ứng của bệnh nhân trong ít nhất 30 phút sau tiêm.
- Dặn dò bệnh nhân sau khi làm thủ thuật: không được để nước thấm vào, không xoa thuốc. Sau 24 giờ, tháo băng và tắm rửa bình thường. Có thể xuất hiện đau tại chỗ tiêm trong vòng 12 – 24 giờ đầu, sẽ thuyên giảm trong vòng 48 giờ sau tiêm.
- Khi ra viện, bệnh nhân sẽ được theo dõi sau 2 tuần, 1 tháng, 3 tháng để đánh giá hiệu quả điều trị.
Với xu hướng mới của y học đang nghiêng về các can thiệp qua da không phẫu thuật thì tiêm thẩm phân giảm đau cột sống thắt lưng – đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm là một phương pháp ngày càng được áp dụng nhiều hơn với ưu điểm cho giảm đau nhanh chóng ngay sau tiêm, hạn chế tác dụng của thuốc qua đường toàn thân và mức độ xâm lấn tối thiểu cũng như thời gian can thiệp ngắn, không phải lưu viện.
Tại Bệnh viện Vinmec Central Park, chúng tôi cũng thực hiện nhiều can thiệp giảm đau khác như giảm đau trong Zona cấp/ mạn tính, phong bế hạch sinh ba (Gasserian) trong đau liên quan thần kinh mặt, phong bế đám rối tạng trong đau do ung thư, đau sau phẫu thuật ... Để được tư vấn về thăm khám và điều trị, xin liên hệ qua số hotline của Bệnh viện Vinmec Central Park.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline để được hỗ trợ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.