Điều trị đau dạ dày như thế nào?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Em bị đau thượng vị nóng rát, kèm theo đau tức ngực. Một năm nay có uống thuốc dạ dày chỉ đỡ, mỗi lần stress triệu chứng càng nặng, nên em đã đi khám nội soi dạ dày, siêu âm ổ bụng siêu thì nhận được kết quả âm tính. Bác sĩ bảo do đau dạ dày, sau đó cho em uống Pantoprazol với gói dạ dày chữ Y nhưng không đỡ. Mong bác sĩ tư vấn điều trị đau dạ dày như thế nào? Em cảm ơn ạ.

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tạ Quế Phương - Bác sĩ Tiêu hóa - Nội soi - Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Điều trị đau dạ dày như thế nào?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Đau dạ dày là bệnh lý chỉ tình trạng tổn thương, viêm nhiễm bên trong dạ dày. Điểm đặc trưng của bệnh là sự xuất hiện của những cơn đau ở khu vực thượng vị kèm theo tình trạng chán ăn, ợ chua, buồn nôn,... Bạn đã đi thăm khám và được điều trị nhưng không đỡ, tuy nhiên, cần xác định được nguyên nhân gây đau dạ dày. Có nhiều nguyên nhân đau dạ dày nhưng phổ biến nhất là do viêm loét dạ dày, nhiễm khuẩn HP, lạm dụng thuốc,... đôi khi có thể kết hợp nhiều yếu tố:

  • Chế độ ăn thiếu khoa học: Bỏ ăn sáng, ăn uống không đúng giờ giấc, ăn quá khuya, nhai nuốt vội vàng, sử dụng thực phẩm chưa được nấu chín kỹ... là những thói quen khiến nhiều người bị đau dạ dày.
  • Lạm dụng rượu bia, thuốc lá: Thuốc lá và rượu bia đều chứa chất kích thích độc hại cho sức khỏe, đặc biệt là dạ dày. Đây là những thủ phạm hàng đầu gây đau dạ dày ở nam giới.
  • Không dung nạp với gluten: Gluten là một loại protein thường được tìm thấy trong lúa mì. Một số người không có khả năng dung nạp chất này dẫn đến tình trạng rối loạn dạ dày. Các cơn đau từ mức độ nhẹ tới nặng có thể xuất hiện kèm theo tình trạng chướng hơi, đầy bụng, mệt mỏi trong người.
  • Ảnh hưởng của sử dụng thuốc: Sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid... bừa bãi, không đúng cách hoặc kéo dài có thể khiến bạn gặp nhiều tác dụng phụ. Đau dạ dày là một trong những tác hại thường gặp nhất.
  • Đau dạ dày do các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp: Trong cơ thể, tuyến giáp sản xuất ra một loại hormone chi phối đến chức năng hoạt động của đường tiêu hóa. Khi hormone được sản xuất ra quá ít, chức năng tiêu hóa sẽ bị ảnh hưởng đáng kể và cơn đau dạ dày cũng có thể xuất hiện từ đây.
  • Nhiễm khuẩn, nấm và ký sinh trùng: Những tác nhân gây bệnh này có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua đường miệng từ nguồn nước hay thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày. Chúng tấn công vào dạ dày dẫn đến viêm loét, sưng đau niêm mạc dạ dày. Thực tế có khoảng 80% trường hợp người bị đau dạ dày được xác định là do vi khuẩn Hp (Helicobacter pylori) gây ra.
  • Căng thẳng quá mức trong thời gian dài: Stress gây tác động tiêu cực đến các dây thần kinh ở đường tiêu hóa, từ đó ảnh hưởng không tốt đến dạ dày. Đặc biệt khi bạn bị căng thẳng quá mức, dạ dày rất dễ lên cơn đau. Sau một thời gian, sẽ gây ra các bệnh lý về dạ dày và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Các triệu chứng của bạn cũng diễn ra 1 thời gian, bạn nên đến khám và tư vấn chuyên khoa tiêu hóa để tìm nguyên nhân và điều trị.

Nếu bạn còn thắc mắc về điều trị đau dạ dày, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để được kiểm tra và tư vấn thêm bạn nhé. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe