Sống chung với bệnh động kinh ở trẻ em

Động kinh là một bệnh lý thần kinh mạn tính hay gặp ở trẻ. Bệnh có thể diễn tiến nguy kịch nếu không được xử trí kịp thời và chính xác. Trẻ bị động kinh có thể sống chung với bệnh nếu được chăm sóc và điều trị hợp lý.

1. Bệnh động kinh ở trẻ em là bệnh gì?

Bệnh động kinh còn được biết đến trong dân gian với tên gọi kinh phong, kinh giật, phong xù, với tỉ lệ mắc bệnh chiếm 0.5 - 0.7% dân số. Đây là bệnh lý thần kinh mạn tính có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng thường gặp nhất ở trẻ nhỏ. Trẻ bị động kinh chiếm một số lượng lớn tại các phòng khám chuyên khoa nhi thần kinh.

Động kinh xảy ra thành cơn do sự phóng điện kịch phát đột ngột và đồng bộ của các tế bào thần kinh ở vỏ não, gây nên sự rối loạn chức năng của não về ý thức, vận động, thần kinh thực vật, tâm thần, cảm giác, giác quan. Bệnh động kinh ở trẻ nhỏ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ, làm trở ngại đến học tập, làm việc sau này. Trẻ bị bệnh động kinh có thể trở thành gánh nặng cho gia đình và cộng đồng nếu không xử trí đúng và kịp thời.

2. Nguyên nhân động kinh ở trẻ

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng động kinh ở trẻ, các nguyên nhân thường gặp là:

  • Dị tật bẩm sinh của hệ thần kinh trung ương: Các dị tật thần kinh xuất hiện trong thời kỳ mang thai của người mẹ là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ bị động kinh.
  • Biến cố trong lúc sinh: Trẻ bị ngạt lúc vừa lọt lòng dẫn đến thiếu oxy, suy hô hấp cần thở máy có thể gây nên tình trạng động kinh ở trẻ sơ sinh. Động kinh ở trẻ cũng có thể liên quan với chấn thương sản khoa mà người mẹ gặp phải trong lúc sinh đẻ.
  • Nhiễm trùng thần kinh: Viêm não, viêm màng não do vi khuẩn hay ký sinh trùng làm tổn thương hệ thống thần kinh trung ương cũng có thể là nguyên nhân gây nên bệnh động kinh thứ phát ở trẻ em.
  • Các bệnh lý khác ở não: Bệnh động kinh có thể xảy ra ở những trẻ bại não hoặc xuất hiện sau chấn thương sọ não, xuất huyết não, u não hay tổn thương khác ở sọ.
  • Rối loạn điện giải: Các tình trạng rối loạn điện giải nặng ở trẻ như hạ calci máu, hạ magie máu, hạ natri máu nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến bệnh động kinh.
  • Hạ đường huyết: Trẻ hạ đường huyết nặng không được phát hiện và cấp cứu kịp thời có thể làm tổn thương hệ thần kinh trung ương và gây nên tình trạng động kinh.
  • Bệnh chuyển hóa - di truyền: Bệnh động kinh ở trẻ em có thể liên quan đến các vấn đề chuyển hóa hay di truyền.
  • Ngộ độc: Ngộ độc chì hay ngộ độc một số loại thuốc cũng có thể dẫn đến bệnh động kinh ở trẻ.
  • Động kinh nguyên phát: Động kinh có thể xảy ra ở trẻ em mà không tìm được nguyên nhân, đó được gọi là động kinh nguyên phát.

3. Trẻ bị động kinh có triệu chứng gì?

Biểu hiện lâm sàng của bệnh động kinh rất đa dạng và các cơn động kinh thường lặp đi lặp lại. Việc chẩn đoán động kinh từ lần đầu tiên thường khó khăn bởi các cơn động kinh có thể kết thúc quá nhanh trước khi trẻ được đưa đến bệnh viện, điều này khiến bác sĩ đôi khi không chứng kiến hết được triệu chứng của trẻ để chẩn đoán bệnh. Do đó, sự mô tả của bố mẹ hay những người chứng kiến cơn động kinh của trẻ có ý nghĩa quan trọng giúp bác sĩ định hướng chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Động kinh ở trẻ có thể được chia làm nhiều thể với các triệu chứng khác nhau.

3.1. Động kinh toàn thể

Cơn động kinh toàn thể điển hình ở trẻ thường trải qua ba giai đoạn:

  • Giai đoạn co cứng: Trẻ co cứng toàn bộ các chi với biểu hiện tay co - chân duỗi, và co các cơ ở thân, ngực dẫn đến tím tái, ngưng thở, có thể cắn vào lưỡi. Giai đoạn này kéo dài khoảng 1 phút
  • Giai đoạn co giật cơ: Trẻ bắt đầu trợn mắt, giật cơ từng đợt đều đặn, sủi bọt mép có thể lẫn máu, kéo dài khoảng 1 phút.
  • Giai đoạn hôn mê, lú lẫn: Trẻ có thể rơi vào trạng thái hôn mê sâu, tiểu tiện không tự chủ sau khi qua giai đoạn co giật. Khi tỉnh lại, trẻ thấy mệt mỏi, đau đầu.

Cũng có một số trẻ lên cơn động kinh toàn thể không điển hình chỉ với biểu hiện mất ý thức, té ngã.

3.2. Động kinh vắng ý thức

Trẻ có thể đột ngột mất ý thức và ngừng các hoạt động trong một khoảng thời gian rất ngắn, chỉ khoảng vài chục giây. Biểu hiện cụ thể của trẻ lúc đó là: Đờ đẫn, mắt vô hồn, đánh rơi đồ vật đang cầm như bút, đồ chơi,... hoặc nếu đang viết thì nét chữ bỗng trở nên nguệch ngoạc. Với những đặc điểm, tính chất động kinh như vậy thì bố mẹ hoặc người nuôi dạy trẻ rất dễ bỏ sót tình trạng này, khiến cho việc phát hiện động kinh ở trẻ bị chậm trễ.

3.3. Động kinh cục bộ

Trẻ bị động kinh cũng có thể xuất hiện các cơn co giật cục bộ ở mặt hay tay, chân,...

3.4. Động kinh thái dương (động kinh tâm thần)

Trẻ bị động kinh thái dương có biểu hiện giống với rối loạn tâm thần, nên việc chẩn đoán thường đòi hỏi bác sĩ có nhiều kinh nghiệm.

4. Hệ lụy của động kinh nếu không được kiểm soát

Bệnh động kinh ở trẻ em có thể để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị đúng.

  • Biến đổi nhân cách, tính tình: Bệnh nhân động kinh có thể trở nên dễ cáu gắt, giận dữ, ích kỷ, có tính thù vặt,... nếu kéo dài có thể sa sút tâm thần.
  • Ảnh hưởng học tập, trí tuệ: Trẻ lên cơn động kinh làm ảnh hưởng đến việc học tập, lâu dần khiến trẻ học hành sa sút, giảm trí tuệ.
  • Ảnh hướng đến sinh hoạt hàng ngày: Động kinh còn khiến trẻ kiểm soát hành động kém, hạn chế giao tiếp xã hội,... điều này ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Động kinh khởi phát khi trẻ đang vui chơi có thể gây ra các tai nạn đuối nước, bỏng,... đe dọa tính mạng. Động kinh kéo dài đến độ tuổi lao động có thể gây nguy hiểm đối với những người làm người làm nghề trên cao, làm việc dưới nước,...
  • Suy hô hấp: Trẻ lên những cơn co giật kéo dài nếu không được kiểm soát và điều trị đúng có thể dẫn đến suy hô hấp, thiếu oxy não,... và có thể diễn tiến nặng đến tử vong, mặc dù rất hiếm. Nguy cơ tử vong ở trẻ động kinh tăng lên khi: cơn động kinh kéo dài hơn 60 phút, chấn thương hoặc ngạt nước trong cơn động kinh.

5. Trẻ bị động kinh phải làm sao?

Cơn động kinh ở trẻ thường xảy ra đột ngột, khó lường khiến trẻ cắn vào lưỡi, ngạt thở, ngã,... thậm chí có thể dẫn đến hôn mê, đe dọa tính mạng của trẻ. Khi thấy trẻ có biểu hiện co giật hay các dấu hiệu khác của động kinh, bố mẹ cần hết sức bình tĩnh và có xử trí đúng đắn, kịp thời để hạn chế tối đa các thương tổn do co giật gây ra.

  • Cần đặt trẻ nghiêng sang trái ở nơi an toàn, lau sạch nước bọt, đờm dãi, chất nôn (nếu có).
  • Nới rộng quần áo để trẻ dễ thở hơn. Tạo không gian thoáng khí, tránh tập trung quá đông người.
  • Lót chăn hoặc gối dưới đầu trẻ để giảm chấn thương khi co giật. Di chuyển các đồ vật xung quanh có thể gây sang chấn cho trẻ như bàn ghế, vật dụng sắc nhọn.
  • Theo dõi thời gian cơn động kinh, thường trẻ sẽ hết động kinh sau khoảng 2 - 4 phút. Sau khi trẻ qua khỏi cơn động kinh, luôn có người ở bên cạnh trẻ để đề phòng các hành vi vô ý thức, lú lẫn có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

Một số điều cần tránh khi trẻ lên cơn động kinh:

  • Không đưa bất kỳ đồ vật nào vào miệng trẻ.
  • Không được nhỏ chanh hay cho trẻ ăn, uống bất cứ loại thức ăn nào khi trẻ chưa tỉnh táo hoàn toàn.
  • Không đè giữ, kìm chặt hay cố gắng khống chế cử động của trẻ.
  • Không di chuyển trẻ trong cơn co giật.
  • Không nghe theo những lời đồn không có căn cứ với hy vọng chữa bệnh động kinh cho trẻ.

Những cơn động kinh ngắn có thể tự hết sau vài phút. Tuy nhiên, trong một số trường hợp như: Cơn co giật lần đầu chưa rõ nguyên nhân, cơn động kinh kéo dài, động kinh tái diễn ngay sau cơn đầu tiên, trẻ có biểu hiện khó thở, suy hô hấp, phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, tránh để lại hệ lụy nghiêm trọng.

Điều trị động kinh ở trẻ em

Đối với động kinh mức độ nhẹ: Trẻ bị động kinh mức độ nhẹ nếu được điều trị đúng thì sẽ làm tăng cơ hội chữa khỏi và ổn định bệnh. Bệnh nhân thường được điều trị với các thuốc chống động kinh đường uống. Trẻ cần uống thuốc đúng chỉ định của bác sĩ: Đúng liều, đúng thời gian, không tự ý bỏ thuốc, đổi thuốc. Việc tuân thủ điều trị giúp bệnh nhân sống chung với động kinh, có thể sinh hoạt, học tập, vui chơi bình thường. Ngoài ra, cần hạn chế một số yếu tố làm khởi phát cơn động kinh như xem tivi quá lâu và không nên cho trẻ chơi gần sông, suối, biển, lửa, ga, hay ở trên cao.

Đối với động kinh mức độ nặng: Việc điều trị thường kéo dài, thậm chí có trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc chống động kinh. Một tỷ lệ bệnh nhân động kinh kháng thuốc cần các can thiệp khác như phẫu thuật.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe