Bệnh lý tim mạch luôn đặt ra những thách thức cho cả bệnh nhân lẫn chuyên gia y tế, đặc biệt trong đó là các bất thường về van tim. Đối với những người có van tim bị tổn thương, thoái hóa cần đến phẫu thuật thay van tim sẽ có chung câu hỏi là “ai cần thay van tim và điều kiện thay van tim là gì?”.
1. Hệ thống van tim và các bất thường về van tim
Tim có 4 hệ thống lá van tim bao gồm: Van hai lá (ngăn cách tâm nhĩ trái và tâm thất trái), van ba lá (ngăn cách tâm nhĩ phải và tâm thất phải), van động mạch chủ (ngăn cách tâm thất trái và động mạch chủ), van động mạch phổi (ngăn cách tâm thất phải và động mạch phổi). Bất kỳ van tim nào cũng có thể bị hẹp hoặc hở, gây ra biến đổi huyết động trong thời gian dài trước khi có biểu hiện triệu chứng trên lâm sàng. Khi van bị hẹp (tức lá van mở không hết) máu không qua được hết sẽ gây ứ trệ tuần hoàn, giãn các buồng tim về lâu dài gây suy tim. Khi van bị hở (tức lá van đóng không kín), máu không xuôi theo một chiều mà chảy ngược lại về buồng tim, do vậy tim phải làm việc nhiều hơn trong một thời gian dài dẫn đến giãn buồng tim và suy tim.
Các bất thường van tim:
- Hở van động mạch chủ: Đóng không kín van động mạch chủ gây chảy ngược dòng máu từ động mạch chủ về thất trái trong thời kỳ tâm trương
- Hẹp van động mạch chủ: Sẽ gây sự cản trở dòng máu từ thất trái đến động mạch chủ ở thời kỳ tâm thu
- Hở van hai lá: Đóng không kín van hai lá gây dòng máu từ thất trái (LV) vào nhĩ trái trong thời kỳ tâm thu.
- Hẹp van hai lá: Hẹp van hai lá ngăn cản sự lưu thông máu từ nhĩ trái tới thất trái
- Sa van 2 lá: Sa các lá van của van hai lá vào tâm nhĩ trái trong thì tâm thu
- Hở van động mạch phổi: Đóng không kín van động mạch phổi tạo ra dòng máu từ động mạch phổi vào thất phải trong suốt tâm trương
- Hẹp van động mạch phổi: Hẹp đường ra động mạch phổi gây cản trở lưu lượng máu từ thất phải tới động mạch phổi trong thời kỳ tâm thu
- Hở van ba lá: Đóng không kín van ba lá gây ra dòng máu từ thất phải đến nhĩ phải trong thời tâm thu
- Hẹp van ba lá: Hẹp lỗ van ba lá làm tắc nghẽn dòng máu từ nhĩ phải tới thất phải
Chẩn đoán bệnh van tim bao gồm thăm khám lâm sàng kết hợp với siêu âm tim. Kỹ thuật siêu âm 2 chiều giúp đánh các hình ảnh giải phẫu của tim. Doppler siêu âm tim đánh giá chênh áp và dòng chảy.
Đánh giá bệnh nhân tổn thương van tim bao gồm: Điện tâm đồ (phát hiện sự thay đổi nhịp tim và các buồng tim), chụp X-quang ngực (phát hiện bất thường ở các buồng tim và các bệnh lý của phổi).
2. Khi nào cần thay van tim? Có những loại van tim nào?
Tùy mức độ hẹp hay hở van và sự ảnh hưởng do tình trạng tổn thương van gây ra, người bệnh có thể được chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau. Nếu tổn thương ở mức độ nhẹ – vừa, người bệnh có thể chỉ cần điều trị bằng thuốc nhưng cần theo dõi sát tiến triển của bệnh. Nhưng khi mức độ hẹp nặng, thì người bệnh sẽ phải can thiệp bằng các kỹ thuật như thay van qua da hoặc phẫu thuật sửa van, thay van tim (đây là phương pháp phổ biến).
Phẫu thuật sửa hoặc thay van tim được chỉ định khi van tim bị tổn thương nặng, các buồng tim đã giãn rộng, ảnh hưởng đến chức năng của tim (suy tim). Phẫu thuật van tim sẽ giúp điều trị tận gốc của bệnh, giảm các triệu chứng, ngăn ngừa rối loạn nhịp tim và các biến chứng như tai biến mạch não, nhồi máu phổi, tắc mạch thận... kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
Các loại van tim được sử dụng hiện nay để thay thế van tim bị tổn thương bao gồm: Van tim cơ học, van tim sinh học và van tim tự thân. Các chuyên gia căn cứ vào tuổi tác, tình trạng bệnh (mức độ tổn thương van tim và cơ tim), điều kiện theo dõi điều trị sau phẫu thuật thay van tim để tư vấn loại van phù hợp với từng bệnh nhân.
Van tim cơ học:
- Van cơ học là van nhân tạo có thành phần gồm carbon hoặc titan.
- Ưu điểm: Van cơ học có độ bền cao ( từ 20 năm) nếu như người bệnh tuân thủ điều trị sau phẫu thuật theo đúng sự hướng dẫn của bác sĩ. Do vậy, van cơ học được khuyến cáo cho người trẻ tuổi để hạn chế thay van nhiều lần. Van cơ học có giá rẻ hơn so với van sinh học.
- Nhược điểm: Người bệnh cần phải dùng thuốc chống đông máu suốt đời để phòng ngừa nguy cơ hình thành huyết khối (gây kẹt van, tắc mạch não, tắc mạch thận, tắc mạch chi...). Khi dùng thuốc chống đông (thuốc kháng vitamin K) bệnh nhân phải xét nghiệm chỉ số INR định kỳ để chỉnh liều thuốc và cũng dễ bị chảy máu hơn người không dùng thuốc. Ngoài ra đối với phụ nữ có thai, thuốc cũng làm tăng nguy cơ gây dị tật thai nhi trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Van tim sinh học:
- Van sinh học được sản xuất từ van tim động vật (lợn hoặc bò), đã loại bỏ các thành phần gây thải ghép.
- Ưu điểm: Bệnh nhân không phải dùng thuốc chống đông suốt đời (thường chỉ sử dụng 3-6 tháng sau phẫu thuật).
- Nhược điểm: Bản chất là mô tự nhiên nên van sẽ dần thoái hóa theo thời gian, ảnh hưởng đến chức năng lá van, có thể tái hẹp hoặc hở van. Tuổi thọ trung bình của van sinh học từ 8 – 10 năm. Mức độ thoái hóa van còn tùy thuộc vào áp lực lên van và tuổi tác; đối với người trẻ thì tốc độ thoái hóa nhanh hơn, đặc biệt là phụ nữ mang thai, do đó van sinh học thường được chỉ định ở những người bệnh trên 60 tuổi.
Van cơ học có tỷ lệ biến chứng chảy máu cao hơn còn van sinh học có nhiều khả năng phải can thiệp lại. Sau phẫu thuật, cả hai loại van đều cần phải đánh giá bằng cách sử dụng siêu âm tim trong 30 ngày, 1 năm và mỗi 1 - 3 năm tiếp theo.
Van tim tự thân:
Kỹ thuật thay van tim bằng van tự thân ra đời từ phương pháp Ozaki tại Nhật Bản, sử dụng chính màng tim của bệnh nhân để tái tạo van động mạch chủ. Đây là một bước tiến vượt bậc, mang lại nhiều ưu điểm như:
- Bạn không cần sử dụng thuốc chống đông suốt đời.
- So với van nhân tạo, van tự thân giúp làm giảm nguy cơ xuất huyết và nhiễm trùng sau mổ.
- Thời gian van tim tồn tại gần như suốt đời.
- Ở người bệnh trẻ tuổi, tỷ lệ không phải mổ lại sau 10 năm đối với van sinh học là 85%, trong khi đó nếu áp dụng kỹ thuật Ozaki lên tới 95% – 98%.
- Giảm chi phí điều trị cho người bệnh vì không cần mua van nhân tạo và tái phẫu thuật.
3. Điều kiện thay van tim là gì?
Đối với thay van cơ học: Thường được sử dụng ở những bệnh nhân không dự tính có thai mà đáp ứng một hoặc nhiều tiêu chí sau:
- Đã dùng thuốc kháng vitamin K (ví dụ điều trị rung nhĩ) và bệnh nhân tuân thủ tốt điều trị.
- Người bệnh dưới 55 tuổi (đối với thay van động mạch chủ).
- Người bệnh dưới 70 tuổi (đối với thay van hai lá).
Đối với thay van sinh học:
- Người trên 60 tuổi được ưu tiên chỉ định thay van tim sinh học hơn van tim nhân tạo cơ học, vì tốc độ thoái hóa của van chậm hơn so với đối tượng là người bệnh trẻ tuổi.
- Phụ nữ có dự định sinh con trong thời gian gần, tuy nhiên cần giải thích cho người bệnh hiểu rõ rằng sự thoái hóa van tim sinh học diễn ra nhanh hơn.
- Bệnh nhân không có đủ điều kiện theo dõi và chăm sóc ý tế tốt, đặc biệt là việc dùng thuốc kháng đông máu sau phẫu thuật, như người dân tộc thiểu số; vùng sâu vùng xa, hải đảo; người bệnh bị thiểu năng trí tuệ,...
- Người bệnh có tiền sử dị ứng hoặc chống chỉ định với thuốc kháng đông như đang bệnh lý dễ gây chảy máu: Xuất huyết não, xuất huyết dạ dày...
Đối với thay van tim tự thân:
- Phương pháp này đặc biệt phù hợp với đối tượng người bệnh là phụ nữ có dự định mang thai, trẻ em trong giai đoạn phát triển, người bệnh không muốn bị phụ thuộc vào thuốc kháng đông sau phẫu thuật và tiết kiệm chi phí điều trị tái phẫu thuật.
- Kỹ thuật điều trị tiên tiến, đòi hỏi phẫu thuật viên phải được đào tạo bài bản, huấn luyện kỹ lưỡng, tay nghề cao thì mới thực hiện kỹ thuật tỉ mỉ và chính xác.
Trên đây là một số thông tin được cập nhật mới nhất các vấn đề về điều kiện và chỉ định thay van tim. Đây là một phương pháp điều trị tiên tiến, phải được thực hiện bởi chuyên gia có chuyên môn cao, tay nghề thành thạo và đào tạo bài bản, kỹ lưỡng. Do vậy để nâng cao hiệu quả điều trị, người bệnh cần phải đến cơ sở y tế đúng chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn điều trị phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.