Van tim nhân tạo

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Hồng Nhật - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Bệnh van tim là bệnh lý tim mạch thường gặp, người bệnh cần được điều trị và theo dõi tốt để tránh những biến chứng nguy hiểm gây tàn phế hay tử vong.

1. Bệnh lý van tim

Ở giai đoạn đầu, người bệnh van tim thường không có triệu chứng đặc biệt. Khi bệnh tiến triển nặng, người bệnh có cảm giác mệt mỏi, tim đập nhanh, đau ngực, khó thở với mức độ của các triệu chứng tăng dần.

Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh van tim sẽ gây ra nhiều biến chứng như: suy tim, suy thận, rối loạn nhịp tim, tai biến mạch máu não, nhồi máu phổi ...

Các phương pháp cận lâm sàng giúp xác định bệnh lý van tim như:

  • Điện tim đồ: chẩn đoán được các rối loạn nhịp tim và biểu hiện tăng gánh tim ở các giai đoạn bệnh
  • Chụp X- quang: cho biết các tổn thương như giãn buồng tim, vôi hóa van tim, ứ huyết ở phổi, các tổn thương phối hợp khác
  • Siêu âm tim: giúp xác định tổn thương van tim như hẹp hở van, mức độ hẹp hở van tim, tình trạng dày hoặc vôi hóa van và tổ chức dưới van.
  • Các xét nghiệm cận lâm sàng khác như: xét nghiệm huyết học, sinh hóa, chụp CT scanner ngực, chụp cộng hưởng từ, thông tim... có thể sử dụng để bổ sung cho việc chẩn đoán mức độ và nguyên nhân gây bệnh chính xác nhất.

Dựa trên các triệu chứng lâm sàng và kết quả cận lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh điều trị nội khoa hoặc thực hiện phẫu thuật sửa hay thay thế van tim.


Điện tim đồ giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh lý van tim
Điện tim đồ giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh lý van tim

2. Phẫu thuật thay van tim

Khi tình trạng van tim của người bệnh bị tổn thương nặng, người bệnh cần được can thiệp phẫu thuật thay thế bằng van tim nhân tạo để ngăn chặn diễn tiến nguy hiểm của bệnh. Một số trường hợp mức độ tổn thương chưa quá nhiều, có thể được sửa van để làm giảm bớt tình trạng hở hay hẹp van tim.

Van tim thay thế thường có hai loại là van cơ học và van sinh học. Bác sĩ phẫu thuật sẽ quyết định chọn loại van nào dựa trên các yếu tố như tuổi đời bệnh nhân, kích thước van, khả năng tài chính, khả năng tuân thủ điều trị, nhu cầu có thai, sinh con.

2.1 Van sinh học là gì?

Van sinh học là loại van có nguồn gốc từ động vật, đã được xử lý. Chúng được đặt lên một khung đỡ bằng kim loại để giúp đặt, cố định vào cơ thể người bệnh.

Sử dụng van sinh học với ưu điểm là sự tương tự như van tim của người được thay nên bệnh nhân không cần sử dụng thuốc chống đông kéo dài sau thủ thuật. Thời gian dùng thuốc chống đông chỉ 3 tháng sau mổ. Tuy nhiên tuổi thọ của van sinh học không lâu bởi có thể diễn ra quá trình thoái hóa, trung bình van sinh học có thể hoạt động từ 8- 10 năm sau khi được thay thế.

2.2 Van cơ học là gì?

Van cơ học là van nhân tạo được chế từ vật liệu như kim loại, carbon, ceramic và chất dẻo với ưu điểm có tuổi thọ rất cao. Nhưng van cơ học có thể gây hoạt hóa quá trình đông máu, hình thành các huyết khối bám vào van gây hẹp tắc van. Người bệnh cần sử dụng thuốc chống đông lâu dài để duy trì mức đông máu phù hợp

Bệnh nhân có van tim cơ học phải sử dụng thuốc chống đông cả đời, nên thường xuyên xét nghiệm đánh giá chức năng đông máu để chỉnh liều thuốc chống đông. Mức đông máu phải đảm bảo nằm trong giới hạn cho phép, để ngăn ngừa hình thành huyết khối, cũng như không quá mức để gây ra biến chứng chảy máu, tụ máu.


Hình ảnh van tim sinh học và van tim cơ học
Hình ảnh van tim sinh học và van tim cơ học

2.3 Lưu ý sau khi phẫu thuật hay van tim

Sau khi phẫu thuật thay van tim thuận lợi và phục hồi người bệnh cần xác định làm quen với cuộc sống với van tim mới. Cần hết sức lưu ý giữ gìn, đảm bảo cho van tim mới thay thế hoạt động bình thường và khỏe mạnh với các điểm chú ý sau:

  • Tái khám đều đặn theo lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa tim mạch điều trị cho bạn. Trong 3 tháng đầu sau mổ, bạn cần được khám đều đặn, để kiểm tra chế độ dùng thuốc, điều chỉnh liều phù hợp. sau đó định kỳ kiểm tra ít nhất 2 lần/ năm. Kiểm tra cân nặng hàng ngày, ổn định cân nặng. không nên quá lo lắng khi có thể bạn sẽ sút cân trong 3 tuần đầu sau mổ. Nếu bạn tăng hơn 2.5 kg thì cần đi khám ngay bởi đây là dấu hiệu xấu sau mổ.
  • Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để đảm bảo phục hồi sau phẫu thuật. Hạn chế ăn muối và các thực phẩm chứa nhiều muối (dưa, cà muối, cá khô, các loại đồ hộp, đồ ăn nhanh...) sau mổ thay van tim. Bạn nên chú ý đến các loại rau bởi những loại rau có màu xanh thẫm cũng có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc chống đông mà bạn đang dùng.
  • Hoạt động thể lực phù hợp như thường xuyên đi bộ, nhẹ nhàng tránh bắt tim hoạt động gắng sức. tăng dần cường độ hoạt động qua mỗi này, sau phẫu thuật, phần lớn mọi người có thể đi bộ 3 - 4 km mỗi ngày.
  • Làm việc trở lại sau 4-6 tuần bình phục sau phẫu thuật. Một vài trường hợp vẫn còn suy tim đáng kể sau phẫu thuật, họ không thể trở lại làm công việc trước đây.
  • Hoạt động tình dục tránh các tác động mạnh lên ngực trong thời gian xương ức của bạn đang liền
  • Bạn nên uống thuốc đúng theo đơn bác sĩ kê, không dùng thêm bất cứ loại thuốc nào mà không có chỉ định.
  • Sau mổ cần sử dụng thuốc chống đông đều đặn để phòng huyết khối do van tim nhân tạo. Bạn cần tuân thủ sử dụng thuốc một cách cẩn thận, hãy uống thuốc đúng theo đơn. Nếu quên uống thuốc hãy nhờ bác sĩ tư vấn cụ thể.

Phẫu thuật van tim là phương pháp điều trị bệnh van tim hiệu quả, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Tình trạng sức khoẻ của bạn có thể được cải thiện tốt lên mỗi ngày. Sự phục hồi của bạn phụ thuộc nhiều vào chế độ tập luyện hoạt động thể lực và sự tuân thủ điều trị.

Thay van tim nhân tạo là một trong những ca phẫu thuật lớn, cần có đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, các thiết bị máy móc hiện đại. Chỉ với một sai sót nhỏ, người bệnh cũng sẽ gặp nguy hiểm. Bởi vậy, khi quyết định thay van tim nhân tạo, bạn nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín, chất lượng.


Người mắc bệnh lý tim mạch cần định kỳ kiểm tra sức khỏe giúp phát hiện và điều trị kịp thời
Người mắc bệnh lý tim mạch cần định kỳ kiểm tra sức khỏe giúp phát hiện và điều trị kịp thời

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe