Điều gì xảy ra khi cơ thể chịu nhiệt độ quá lạnh?

Không khí, gió, hoặc nước lạnh có thể khiến bạn ốm. Điều này được gọi là Hạ thân nhiệt, nó ảnh hưởng đến bạn theo nhiều cách, phụ thuộc vào điều kiện khí hậu nơi bạn sống, trang phục, tình trạng sức khoẻ của bạn và thời gian bạn ở ngoài trời trong bao lâu.

1. Sự giảm nhiệt độ bên trong cơ thể

Nhiệt độ bên trong cơ thể của một người thường dao động trong khoảng 37 độ C (98,6 độ F). Hạ thân nhiệt thường diễn ra khi nhiệt độ bên trong cơ thể hạ xuống khoảng 35 độ C (95 độ F) hay thấp hơn. Một điều đáng ngạc nhiên là cơ thể con người có thể bị hạ thân nhiệt trong môi trường tương đối mát – không lạnh cóng, nhiệt độ không khí vào khoảng -1 cho đến 10 độ C (30 đến 50 độ F) – đặc biệt là khi cơ thể đang bị ướt (do mưa, đổ mồ hôi hay ngâm mình trong nước lạnh) theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ. “Cơ thể giảm nhiệt độ trong nước nhanh hơn 25 lần so với trong không khí”, ông Micheal Sawka, Trưởng Phân khoa Y học về Nhiệt độ và Vùng núi tại Viện Y Học Môi Trường của Quân đội Mỹ, đã nói với Live Sciene trong một buổi phỏng vấn vào năm 2010.

Nhưng việc bị hạ thân nhiệt trong những nền nhiệt độ tương đối mát trên là khá hiếm.

Tuy nhiên với những nhiệt độ dưới ngưỡng 0 độ C thì “lại là một chuyện khác” – trích dẫn từ bác sĩ Robert Glatter, một bác sĩ cấp cứu tại bệnh viện Lenox Hill (New York).

“Ở nhiệt độ âm 34 độ C, nếu một người không mang đồ chống lạnh thì trong vòng 10 phút sẽ phải chịu tình trạng hạ thân nhiệt. Và ở ngưỡng âm 40 đến âm 45 độ C thì tình trạng hạ thân nhiệt sẽ diễn ra chỉ trong vòng 5 đến 7 phút”, bác sĩ Glatter cho biết.

Theo Mayo Clinic, nhiệt độ cơ thể giảm khiến cho các cơ quan quan trọng ngừng làm việc hiệu quả - bao gồm não và tim. Việc hoạt động không hiệu quả của tim khiến lượng máu được bơm đến nhiều cơ quan bị sụt giảm, đưa cơ thể vào tình trạng sốc cũng như gia tăng các rủi ro về suy gan, suy thận. Trẻ em và người già có nguy cơ bị hạ thân nhiệt lớn hơn bởi họ có cơ tim yếu. Hơn nữa, người già thường sử dụng các thuốc ức chế Beta làm chậm nhịp tim, điều làm gia tăng rủi ro khiến họ bị hạ thân nhiệt trong cái lạnh.

Những dấu hiệu của tình trạng hạ thân nhiệt nhẹ thường diễn ra khi nhiệt độ bên trong cơ thể chạm xuống ngưỡng 35 độ C như rùng mình, yếu ớt, đờ đẫn. Sau đó, “Khi cơ thể bạn bắt đầu hạ nhiệt hơn nữa, chuyện xấu mới bắt đầu xảy ra”, ông Sawka cho biết.

  • Ở 33 độ C, bạn có thể mất đi trí nhớ.
  • Ở 28 độ C, bạn có thể mất đi nhận thức.
  • Dưới 21 độ C, có thể nói rằng bạn đã bị hạ thân nhiệt sâu và cái chết có thể xảy đến, theo ông Sawka.

Ghi nhận về mức nhiệt độ cơ thể thấp nhất mà một người trưởng thành đã trải qua và sống sót là 13,7 độ C, khi người này đắm mình trong nước lạnh và buốt trong một khoảng thời gian – theo ông John Castellani, đến từ viện USARIEM, người cũng từng trao đổi với Live Science vào 2010.

Nếu không được can thiệp điều trị kịp thời, hạ thân nhiệt có thể dẫn đến suy tim triệt để, thậm chí tử vong, theo thông tin từ Phòng khám Mayo.

Những dấu hiệu sớm của việc Hạ thân nhiệt bao gồm rùng mình. Điều này thường là dấu hiệu đầu tiên cho ta biết rằng nhiệt độ đang hạ thấp. Cùng với những triệu chứng hạ thân nhiệt nhẹ dưới đây:

  • Cảm thấy chóng mặt và đờ đẫn
  • Bắt đầu có vấn đề về cử động và nói
  • Cảm thấy đói và mệt
  • Buồn nôn
  • Nhịp tim tăng nhanh

Những dấu hiệu diễn biến nặng của Hạ thân nhiệt bao gồm việc cơn rùng mình dừng lại và:

  • Giọng nói trở lên lắp bắp. Bạn có thể lầm bầm
  • Trở nên buồn ngủ và bắt đầu không đoái hoài đến sự việc đang diễn ra
  • Hơi thở trở nên chậm và không sâu
  • Nhịp tim chậm xuống và trở nên yếu dần

Hạ thân nhiệt gây suy gan, suy thận
Hạ thân nhiệt gây suy gan, suy thận

2. Chống lạnh phối hợp

Vì cơ thể con người không mạnh mẽ trong cái lạnh, chúng ta có 2 cơ chế phối hợp các cấu tạo chống lạnh để bảo vệ bản thân khỏi các điều kiện giá rét.

Ngay khi làn không khí tê tái đó chạm vào gương mặt bạn, cơ thể bạn sẽ cố cô lập chính nó bằng cách ngừng cấp máu cho làn da và các chi bên ngoài như ngón tay và chân, và hướng máu về phần trung tâm. Quá trình này được gọi là co mạch và nó giúp giới hạn lượng nhiệt cơ thể thoát ra môi trường, ông Castellani cho biết.

Phản ứng thứ hai của cơ thể là rùng mình, điều này giúp sản sinh ra lượng nhiệt làm ấm cơ thể.

3. Hiểm nguy từ bỏng lạnh

Dù một người khỏe mạnh chỉ có thể bị hạ thân nhiệt khi trải qua những điều kiện khắc nghiệt, sự tê cóng thường xảy ra trong các điều kiện thời tiết ít khắc nghiệt hơn. “Sẽ phải tốn rất nhiều thời gian để nhiệt độ trung tâm cơ thể hạ xuống, nhưng sẽ không tốn là bao đối với nhiệt độ ngoại vi (nhiệt độ đo được ở da)”, ông Castellani chia sẻ.

Ngón tay và ngón chân của bạn thường dễ bị tê cóng hơn bởi vì đây là những nơi bị cơ thể cắt giảm lượng máu để giữ ấm cho phần trung tâm của nó. Mặc dù bàn chân của bạn thường được bảo vệ bởi giày, nhiệt độ của các ngón chân vẫn có thể trở nên rất thấp, và nếu như bạn đổ mồ hôi, trạng thái ướt này thậm chí sẽ toả mất nhiều nhiệt ra môi trường hơn. Vì sự tê cóng xảy ra khi nhiệt độ ở mức đóng băng, bạn sẽ không thể bị tê cóng nếu nhiệt độ không khí ở ngưỡng trên 0 độ C.

Việc bạn mất bao nhiêu thời gian để bị tê cóng phụ thuộc vào nhiều điều kiện. Ví dụ, nếu nhiệt độ đang là âm 18 độ C với đợt gió lạnh âm 28 độ C thì bạn có thể bắt đầu bị tê cóng trong 30 phút tới; nhưng nếu nhiệt độ đang âm 26 độ C với đợt gió lạnh âm 48 độ C thì bạn có thể bị tê cóng trong vòng 5 phút, theo nhiên cứu của Cơ quan Thời tiết Quốc gia Hoa Kỳ. Mặc cho những rủi ro này, “loài người vẫn có thể ra ngoài những môi trường cực kì lạnh và còn làm điều này rất tốt”, ông Castellani nói. Con người từng chinh phục những ngọn núi cao, thám hiểm Bắc cực và bơi tại eo biển Măng-sơ, là những nơi có nhiệt độ rất thấp.

Dù vậy, bạn vẫn cần phải ăn mặc đúng cách khi đối mặt với điều kiện thời tiết lạnh. Ông Glatter khuyến nghị rằng mọi người nên mặc ít nhất 3 lớp – một lớp vải hút ẩm để ngăn khí ẩm vào da, một lớp vải cách nhiệt và một lớp bảo vệ bên ngoài để bảo vệ bạn khỏi gió và các yếu tố khác. Hơn nữa, Glatter còn khuyến cáo mọi người hãy mặc một đôi giày ống dày dặn cách nhiệt vì bàn chân và những ngón chân là những nơi có nguy cơ bị tê cóng nhất.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC cũng khuyến nghị rằng mọi người hãy mang mũ, khăn quàng cổ, hay khẩu trang nhằm che chắn cho mặt và miệng, một chiếc áo khoác không thấm nước, găng tay và giày bốt chống thấm để bảo vệ cơ thể.

Tình trạng này gây khó khăn vì bạn không thể cảm nhận nó. Vùng da bị ảnh hưởng và mô trở nên tê liệt. Nó thường tác động đến những điểm như cằm, má và những phần nhô ra trên cơ thể như :Tai, mũi, ngón tay, ngón chân. Tình trạng này có thể dẫn đến tổn thương nghiêm trọng. Những ca tệ nhất có thể phải cắt bỏ các bộ phận bị bỏng lạnh trên cơ thể.

Khi bạn phải đến những vùng khí hậu khắc nghiệt, hay chỉ đơn giản là nhiệt độ bên ngoài đang giảm, hay luôn cẩn trọng quan sát màu da nếu chuyển sang màu vàng – xám hay trắng bệch, kèm cảm giác cứng hoặc dính, hay mất cảm giác của một phần cơ thể. Để phòng tránh, hãy mặc trang phục thích hợp với thời tiết, đặc biệt nếu bạn bị chứng tuần hoàn máu kém.

Dưới đây là sự phân tích tỉ mỉ về những bệnh lý có liên quan nhất đến nhiệt độ lạnh.

Bệnh cước

Bệnh cước xảy ra khi những mạch máu nhỏ bên dưới da bị viêm do cơ thể tiếp xúc với không khí lạnh ( nhưng không cóng ). Những cụm mạch máu nhỏ này (mao mạch) trở nên đỏ, gây ngứa hay sưng lên. Mảng da đỏ thường xuất hiện trên những ngón tay, ngón chân, tai hoặc má của người bệnh. Những mụn nước cũng có thể bị vỡ.

Bệnh cước có thể khiến bạn bất ngờ vì không cần nhiệt độ bên ngoài phải lạnh cóng để gây bệnh. Triệu chứng có thể xuất hiện khi làn da của bạn tiếp xúc quá lâu với nhiệt độ ngưỡng 15 độ C (60 độ F).

Và trong một vài trường hợp bệnh nặng, người bệnh có thể bị loét da. Chúng thường biến mất trong khoảng từ 1 đến 3 tuần – khi thời tiết trở nên ấm áp hơn. Nhưng những mảng đỏ và sự ngứa ngáy vẫn sẽ trở lại với đợt khí lạnh tiếp theo.


Bệnh cước để lâu dài cho thể gây loét da
Bệnh cước để lâu dài cho thể gây loét da

Bệnh mề đay do lạnh

Những thanh niên là những người dễ nằm trong tình trạng bệnh lý này nhất. Tình trạng này xảy ra khi làn da phản ứng với khí lạnh và các nốt sẩn phù xuất hiện. Các vùng da trở nên ửng đỏ, ngứa ngáy như mề đay. Tay bạn sẽ trở nên sưng húp khi cầm nắm đồ uống lạnh, hoặc thậm chí cổ họng và môi của bạn sẽ sưng lên khi bạn ăn uống các loại thực phẩm lạnh buốt.

Bệnh lý này thường biến mất dần theo tuổi tác, nhưng những phản ứng của nó có thể gây đau đớn . Bơi trong nước lạnh có thể dẫn đến những tình trạng nghiêm trọng. Giá lạnh cũng là một nguyên nhân cho bệnh mề đay và gây nguy hiểm trầm trọng.


Bệnh mề đây do lạnh sẽ gây ngứa ngáy, ửng đỏ
Bệnh mề đây do lạnh sẽ gây ngứa ngáy, ửng đỏ

Chứng bợt da chân (do dầm nước lâu)

Chứng bợt da chân này xảy ra khi bàn chân của bạn bị ngâm quá lâu trong môi trường lạnh và ướt. Nếu bàn chân của bạn đã ướt sẵn, bợt da chân có thể xảy đến kể cả khi nhiệt độ đã lên tới 15 độ C (60 độ F).

Bàn chân bị ướt làm mất nhiệt rất nhanh – nhanh hơn 25 lần so với bàn chân khô ráo . Vì vậy cơ thể của bạn bắt đầu bảo vệ nhiệt lượng bằng việc cắt bớt sự lưu thông ( chẳng hạn như oxi và dinh dưỡng ) đến bàn chân của bạn.

Những dấu hiệu của bợt da chân bao gồm:

  • Da đỏ ửng lên, tê tái và sưng phồng
  • Cảm giác kiến bò
  • Chuột rút
  • Xuất hiện bọng nước và lở loét
  • Hoại thư ( các mô trong bàn chân của bạn bắt đầu chết dần, khiến chúng chuyển thành màu xanh, xám, tím đậm )

Bợt da chân xuất hiện triệu chứng chuột rút
Bợt da chân xuất hiện triệu chứng chuột rút

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Bài viết tham khảo nguồn: livescience.com, webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe