Ăn nhiều rau là một trong những cách đơn giản nhất để để tăng cường sức khỏe toàn diện. Tất cả các loại rau đều chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ có lợi cho sức khỏe. Vậy cụ thể ăn rau nhiều có tác dụng gì và nếu không ăn rau sẽ ra sao?
1. Ăn rau nhiều có tác dụng gì?
Chế độ ăn nhiều rau và trái cây có thể làm giảm huyết áp, giảm nguy cơ bệnh tim và đột quỵ, ngăn ngừa một số loại ung thư, giảm nguy cơ mắc các vấn đề về mắt và tiêu hóa, đồng thời có tác động tích cực đến lượng đường trong máu, giúp duy trì cảm giác thèm ăn. Ăn rau và trái cây không chứa tinh bột như táo, lê và rau lá xanh thậm chí có thể thúc đẩy giảm cân. Lượng đường huyết thấp trong các loại thực phẩm này ngăn chặn sự tăng vọt của lượng đường trong máu có thể dẫn đến làm tăng cảm giác đói.
Ít nhất chín họ rau quả khác nhau tồn tại, mỗi họ có hàng trăm hợp chất thực vật khác nhau có lợi cho sức khỏe. Ăn nhiều loại rau và rau có nhiều màu sắc cung cấp cho cơ thể đồng thời nhiều chất dinh dưỡng cần thiết. Điều này không chỉ đảm bảo cơ thể nhận được các chất hóa học thực vật có lợi mà còn tạo ra bữa ăn hấp dẫn.
2. Nếu không ăn rau thì cơ thể sẽ như thế nào?
2.1 Bạn có thể bị thiếu vitamin và khoáng chất
Trái cây và rau quả chứa một số chất dinh dưỡng quan trọng nhất đối với sức khỏe của chúng ta, tuy nhiên theo nghiên cứu từ Đại học Johns Hopkins cho thấy chỉ 11% người lớn ăn ba phần rau và hai phần trái cây theo khuyến nghị của USDA mỗi ngày. Một nghiên cứu gần đây từ Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) cho thấy kết quả tương tự. Vậy điều gì có thể xảy ra nếu bạn không ăn đủ rau?
Ăn quá ít rau có thể dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng. Theo các chuyên gia dinh dưỡng tại Đại học trung tâm khoa học y tế Texas cho biết, việc thiếu hụt các chất dinh dưỡng có thể gây ra những tác dụng phụ khó chịu. Mặc dù bạn có thể nhận được nhiều chất dinh dưỡng từ các loại thực phẩm khác, nhưng rau chứa hàm lượng cao và do đó là nguồn tuyệt vời của các chất dinh dưỡng và chất khoáng.
2.2 Bệnh về đường tiêu hóa
Nếu không có rau, bạn sẽ dễ mắc các bệnh về tiêu hóa như táo bón, trĩ và bệnh túi thừa. Lý giải cho vấn đề này là do rau quả có chứa xenluloza, giúp làm tăng trọng lượng phân, giảm tốc độ di chuyển và giảm thời gian vận chuyển. Ngoài ra, chúng còn chứa chất xơ giúp giảm bớt hoặc ngăn ngừa táo bón, kích thích các cơ đường tiêu hóa để chúng giữ được sức mạnh, giảm nguy cơ hình thành ra các túi phình (bệnh túi thừa) và giảm áp lực lên đường ruột ở phía dưới, làm cho tĩnh mạch ở trực tràng ít bị phồng lên (gây ra bệnh trĩ). Một nghiên cứu từ Trường Y Harvard cho thấy rằng chế độ ăn giàu chất xơ từ rau làm giảm nguy cơ mắc bệnh túi thừa.
2.3 Nguy cơ ung thư tăng lên
Theo Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ (AICR), không có một loại thực phẩm nào có thể bảo vệ bạn chống lại bệnh ung thư, nhưng chế độ ăn uống có nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật có thể giúp giảm nguy cơ ung thư. Một số chất như vitamin E, vitamin C và carotenoid có tác dụng chống oxy hóa có thể bảo vệ các tế bào khỏe mạnh khỏi các gốc tự do, từ đó giảm nguy cơ ung thư. Carotenoids là các sắc tố chứa beta-carotene có trong rau bina, các loại rau lá xanh đậm khác, trái cây màu cam đậm, khoai lang, bí và cà rốt, có thể bảo vệ cơ thể chống lại tổn thương tế bào và có liên quan đến việc giảm tỷ lệ ung thư. Ngoài ra, tiêu thụ quá nhiều chất béo có liên quan đến ung thư; vì vậy thay thế những thực phẩm không lành mạnh đó bằng một chế độ ăn nhiều rau tươi và hoa quả sẽ giúp bạn và gia đình làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
2.4 Nguy cơ tăng cân
Thay vì không ăn trái cây và rau, có thể bạn đang ăn thực phẩm có hàm lượng chất béo và mật độ calo cao hơn. Một nghiên cứu do các nhà nghiên cứu tại Đại học Y khoa Albert Einstein dẫn đầu đã chỉ ra rằng, những người trưởng thành ở Hoa Kỳ có thừa cân và béo phì ăn ít trái cây và rau hơn so với các nhóm có trọng lượng bình thường. Thông thường, chế độ ăn uống chứa thực phẩm có mật độ năng lượng cao, nghĩa là nhiều calo hơn mỗi gam sẽ dẫn đến ăn quá nhiều và tăng cân. Do đó, một người có thể ăn nhiều hơn và cảm thấy hài lòng hơn với trái cây và rau có hàm lượng calo thấp và mật độ năng lượng thấp.
2.5 Tăng khả năng mắc bệnh tiểu đường
Do tăng cân có liên quan đến bệnh tiểu đường, nên bạn sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường khi ăn thực phẩm có mật độ cao thay vì trái cây và rau quả. Thừa cân là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất đối với bệnh đái tháo đường týp 2, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tăng cường ăn rau và trái cây có thể gián tiếp làm giảm tỷ lệ mắc bệnh mãn tính này. Một nghiên cứu như vậy từ Đại học Tulane cho thấy, tiêu thụ rau lá xanh và trái cây có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, nếu bạn đã mắc bệnh tiểu đường và không ăn trái cây và rau có thể khiến bệnh trầm trọng hơn. Đối với bệnh nhân tiểu đường, tiêu thụ các loại carbohydrate như bánh mì, gạo, mì ống và thực phẩm chế biến sẵn có thể khiến lượng đường trong máu tăng cao ngoài tầm kiểm soát. Thay thế những thực phẩm này bằng các loại rau có hàm lượng carbohydrate thấp như rau lá xanh đậm, bông cải xanh, súp lơ trắng, cà chua, cà tím và cả trái cây có thể giúp điều chỉnh lượng đường.
2.6 Tăng huyết áp
Chế độ ăn giàu natri, ít trái cây và rau quả sẽ góp phần làm tăng huyết áp. Nghiên cứu về Chế độ dinh dưỡng ngăn ngừa tăng huyết áp (DASH) đã chứng minh rằng chế độ ăn nhiều trái cây và rau có thể làm giảm huyết áp, kể cả những người đã bị tăng huyết áp, chế độ ăn này làm giảm huyết áp của họ nhiều như dùng thuốc. Thực hiện một chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả có giàu chất dinh dưỡng như kali, canxi và magiê và ít natri, giúp làm giảm natri trong chế dinh dưỡng, do đó làm giảm huyết áp.
2.7 Tăng nguy cơ mắc bệnh tim
Một phần vì tác dụng hạ huyết áp, nên ăn nhiều rau quả có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Nghiên cứu lớn về sức khỏe của các điều dưỡng và các chuyên gia y tế có trụ sở tại Harvard đã chỉ ra rằng, so với những người ăn ít hơn 1,5 phần trái cây và rau mỗi ngày, những người ăn tám phần hoặc nhiều hơn trên một ngày ít có nguy cơ mắc đau tim hoặc đột quỵ hơn 30%.
2.8 Nguy cơ mắc trầm cảm
Các nhà nghiên cứu chỉ mới bắt đầu xem xét mối liên hệ giữa những gì chúng ta ăn và sức khỏe tâm thần. Một nghiên cứu lớn ở Tây Ban Nha gần đây đã tiết lộ rằng những người có chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả có tỷ lệ phát triển trầm cảm thấp hơn. Mặc dù nhóm nghiên cứu vẫn chưa biết chính xác tại sao trái cây và rau có thể có tác dụng bảo vệ sức khỏe tâm thần này, nhưng có thể là thiếu hụt các chất dinh dưỡng như axit pantothenic và vitamin B6 có thể là nguyên nhân gây ra trầm cảm ở những người không ăn đủ rau và trái cây.
Nếu bạn vẫn đang băn khoăn không biết mỗi ngày mình nên ăn bao nhiêu rau, bao nhiêu trái cây là đủ hoặc nên bổ sung những thực phẩm nào giàu chất xơ hoặc không biết nên xây dựng chế độ dinh dưỡng nhiều rau xanh cho bé yêu ra sao thì có thể tìm hiểu thông tin trong những bài viết dưới đây của Vinmec:
- Hàng ngày nên ăn trái cây, rau củ thế nào?
- 14 thực phẩm giàu chất xơ, ít carb
- Rau và trái cây thân thiện với trẻ em
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: tasteofhome.com, healthline.com