Điều gì quyết định thời hạn miễn dịch khi tiêm vắc-xin?

Mỗi loại vắc-xin có một thời hạn miễn dịch khác nhau, có loại vắc-xin cần tiêm nhắc lại hàng năm, có loại lại tạo miễn dịch suốt đời. Mức độ đáp ứng miễn dịch của vắc-xin được xác định bằng cách đo lường lượng kháng thể có trong máu.

1. Miễn dịch là gì?

Miễn dịch đối với bệnh tật đạt được thông qua việc có sự hiện diện của kháng thể chống lại căn bệnh đó trong hệ miễn dịch. Kháng thể là các protein được cơ thể sản xuất để trung hòa, tiêu diệt độc tố hoặc các vi sinh vật gây bệnh. Mỗi loại kháng thể đặc hiệu cho một bệnh. Ví dụ, kháng thể chống lại bệnh sởi chỉ bảo vệ cơ thể khỏi bệnh sởi, nó không có tác dụng nếu người đó nhiễm bệnh quai bị. Có 2 loại miễn dịch là miễn dịch chủ động và miễn dịch thụ động.

  • Miễn dịch chủ động: Miễn dịch chủ động được tạo ra khi cơ thể tiếp xúc với vi sinh vật gây bệnh và kích thích hệ miễn dịch tạo kháng thể đối với căn bệnh đó. Phơi nhiễm vi khuẩn gây bệnh có thể xảy ra qua nhiễm bệnh trực tiếp (miễn dịch tự nhiên) hoặc đưa vi sinh vật đã bị giết chết, giảm độc lực vào cơ thể (miễn dịch vắc-xin). Dù bằng cách nào thì khi một người đã có miễn dịch tiếp xúc với bệnh đó trong tương lai, hệ thống miễn dịch trong cơ thể họ sẽ nhận dạng và ngay lập tức tạo ra lượng kháng thể cần thiết để chống lại vi sinh vật gây bệnh.

Phơi nhiễm vi khuẩn gây bệnh có thể xảy ra qua nhiễm bệnh trực tiếp
Phơi nhiễm vi khuẩn gây bệnh có thể xảy ra qua nhiễm bệnh trực tiếp

  • Miễn dịch thụ động: Miễn dịch thụ động được tạo ra khi một người được cung cấp kháng thể thay vì kích thích hệ miễn dịch tạo kháng thể. Trẻ sơ sinh có thể nhận được miễn dịch thụ động từ mẹ qua nhau thai. Miễn dịch thụ động còn được cung cấp qua các chế phẩm máu có chứa kháng thể như globulin miễn dịch để phòng bệnh tật ngay. Đây chính là lợi ích của miễn dịch thụ động, tạo miễn dịch ngay lập tức, trong khi miễn dịch chủ động cần thời gian (thường là vài tuần) để hình thành miễn dịch. Tuy nhiên, miễn dịch thụ động chỉ kéo dài từ vài tuần đến vài tháng trong khi miễn dịch chủ động có tác dụng bảo vệ lâu dài.

2. Thời hạn miễn dịch của vắc-xin

Thời hạn miễn dịch thay đổi tùy theo các bệnh tật và các loại vắc-xin khác nhau. Miễn dịch suốt đời không phải lúc nào cũng được tạo ra bởi nhiễm trùng tự nhiên (mắc bệnh) hoặc tiêm chủng. Khoảng thời gian giữa những lần tiêm vắc-xin được khuyến cáo nhằm mục đích đạt được miễn dịch cao nhất trong các giai đoạn có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.

  • Nhiều loại vắc-xin được sử dụng ngày nay còn khá mới và dữ liệu liên quan đến khoảng thời gian vắc xin bảo vệ liên tục đang được cập nhật
  • Đối với nhiều bệnh, miễn dịch được hình thành sau nhiễm trùng tự nhiên
  • Thời hạn miễn dịch được cung cấp bởi vắc-xin thay đổi tùy thuộc vào một loạt các yếu tố, nguyên nhân chính là do vắc-xin.
  • Vắc-xin sống thường tạo ra khả năng miễn dịch lâu hơn vắc-xin tiểu đơn vị
  • Vắc-xin tiểu đơn vị thường xuyên yêu cầu tiêm liều bổ sung
  • Vắc-xin polysaccarit không được các tế bào miễn dịch ghi nhớ trong thời gian lâu dài
  • Nếu khoảng cách giữa các liều quá ngắn, thời gian miễn dịch có thể bị ảnh hưởng. Do đó khoảng thời gian tối thiểu là bắt buộc
  • Ở trẻ nhỏ và người già, thời gian miễn dịch có thể bị hạn chế

Mỗi loại vắc-xin có miễn dịch khác nhau
Mỗi loại vắc-xin có miễn dịch khác nhau

3. Các yếu tố quyết định thời hạn miễn dịch của vắc xin

3.1 Mức độ đáp ứng miễn dịch

Mức độ đáp ứng miễn dịch của vắc-xin được xác định bằng cách đo lường lượng kháng thể có trong máu. Đối với một số, không phải tất cả các loại vắc-xin, ngưỡng nồng độ kháng thể tồn tại trong cơ thể có liên quan đến khả năng bảo vệ chống lại bệnh tật. Tuy nhiên, dù ngưỡng kháng thể đạt chuẩn cũng không thể xác định chắc chắn người này có được bảo vệ hoàn toàn khỏi bệnh đã được tiêm chủng không. Nếu trí nhớ miễn dịch tốt, nồng độ kháng thể sẽ tăng nhanh chỉ sau một mũi vắc-xin tăng cường.

3.2 Hiệu lực và hiệu quả bảo vệ của vắc-xin

Hiệu lực và hiệu quả của vắc-xin là hai biện pháp được xác định qua việc so sánh tỷ lệ mắc bệnh giữa người được tiêm chủng và người chưa được tiêm chủng. Hiệu lực của vắc-xin được đo lường trong các thử nghiệm lâm sàng có kiểm soát, trong khi hiệu quả của vắc-xin được đo trong cộng đồng khi vắc-xin được chấp thuận sử dụng. Từ những điều này, có thể xác định tỷ lệ người được tiêm chủng được bảo vệ bởi vắc-xin.

Miễn dịch cộng đồng là đáp ứng miễn dịch của vắc-xin đối với các cộng đồng đã được tiêm chủng. Đối với một số bệnh, nếu trong cộng đồng có mật độ tiêm chủng cao thì nguy cơ bị nhiễm bệnh sẽ giảm hoặc không còn. Điều này đặc biệt đúng đối với các bệnh như rubella và bệnh phế cầu. Mật độ bảo vệ của vắc-xin phải được duy trì ở mức cao để ngăn ngừa bệnh tái phát trong cộng đồng.

Không có vắc-xin nào đạt hiệu quả 100%. Một tỷ lệ nhỏ người không tạo được phản ứng miễn dịch sau khi tiêm vắc-xin. Số khác có hình thành phản ứng miễn dịch nhưng mức độ miễn dịch giảm dần theo thời gian. Ngoài ra, một số người không thể tiêm vắc-xin do một số điều kiện sức khỏe không cho phép như sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, mắc các bệnh gây suy giảm miễn dịch, v.v. Cách tốt để bảo vệ những đối tượng này là duy trì miễn dịch cộng đồng ở mức cao.


Tiêm phòng vắc-xin là phương pháp phòng bệnh khoa học nhất
Tiêm phòng vắc-xin là phương pháp phòng bệnh khoa học nhất

4. Thời hạn miễn dịch của một số loại vắc xin

Tên bệnh Thời gian bảo vệ của vắc xin Chú thích
Ho gà 4 - 6 năm Nhiễm trùng từ miễn dịch tự nhiên cũng bị suy giảm. Cần tiêm mũi vắc-xin nhắc lại ở tuổi 11
Bạch hầu Khoảng 10 năm Tiêm mũi nhắc lại được khuyên dùng ở độ tuổi 45 - 65
Uốn ván 96% được bảo vệ 13-14 năm, 72% > 25 năm Tiêm mũi nhắc lại được khuyên dùng ở độ tuổi 45 - 65
Bệnh bại liệt Lớn hơn 99% được bảo vệ trong ít nhất 18 năm Tiêm mũi nhắc lại được đề nghị cho những người đi du lịch đến các nước có nguy cơ
Haemophilusenzae loại B > 9 năm Khả năng miễn dịch tuyệt vời, quan sát thấy loại vắc-xin này cho miễn dịch lâu dài
Bệnh viêm gan B > 20 năm Có khả năng suốt đời cho những người đã chuyển đổi huyết thanh trung bình > 20 năm
Bệnh sởi Miễn dịch suốt đời với > 96% số người tiêm chủng Bảo vệ cộng đồng là rất quan trọng để ngăn chặn lây truyền cho những người còn quá trẻ để được chủng ngừa hoặc những người không thể chủng ngừa MMR
Quai bị > 90% được bảo vệ trong 10 năm và khả năng miễn dịch giảm dần theo thời gian Thời gian miễn dịch khác nhau trong các quần thể khác nhau. Nó không tồn tại lâu như sởi hoặc rubella
Rubella >90% được bảo vệ trong 15 - 20 năm Bảo vệ cộng đồng là rất quan trọng để ngăn chặn lây truyền cho những người còn quá trẻ để được chủng ngừa hoặc những người không thể chủng ngừa MMR
Phế cầu > 4-5 năm đối với vắc-xin liên hợp Cho đến nay nồng độ kháng thể vẫn còn cao trong vắc-xin. Bảo vệ cộng đồng có nghĩa là tiêm chủng cho trẻ em làm giảm bệnh ở mọi lứa tuổi trong cộng đồng
Vi rút gây u nhú ở người > 5-8 năm Phản ứng sau thử thách kháng nguyên cho thấy khả năng miễn dịch với vắc-xin có thể sẽ rất lâu dài
Miễn dịch cộng đồng đã được quan sát
Thủy đậu Một liều - không rõ
Hai liều > 14 năm
Bệnh nhẹ có thể xảy ra trong vòng 2 năm khi chỉ tiêm một liều. Khả năng miễn dịch được tăng cường khi vi rút vẫn còn lưu hành
Miễn dịch cộng đồng đóng vai trò quan trọng là kiểm soát dịch bệnh

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec sử dụng nguồn vắc xin chất lượng cao, có xuất xứ rõ ràng, phù hợp theo độ tuổi cần tiêm chủng, đảm bảo an toàn từ khâu kiểm nhập, bảo quản đến khi sử dụng. Trước khi tiêm phòng, tất cả khách hàng được khám sàng lọc trước tiêm với các bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo sức khỏe tốt khi tiêm chủng. 100% khách hàng tiêm chủng được theo dõi và đánh giá lại sức khỏe trước khi ra về. Đặc biệt, Phòng theo dõi sau tiêm chủng được trang bị đầy đủ các phương tiện cấp cứu; đội ngũ bác sĩ - điều dưỡng được đào tạo về xử trí cấp cứu phản vệ nhằm đảm bảo xử lý kịp thời, đúng phác đồ khi có sự cố xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: immune.org.nz, sciencemag.org, ncbi.nlm.nih.gov, cdc.gov

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe