Dị ứng chuối là tình trạng dị ứng với các protein nhất định có trong chuối. Phản ứng dị ứng với chuối có thể từ nhẹ đến nguy hiểm đến tính mạng. Bất kỳ trẻ em hoặc người lớn nào có các triệu chứng dị ứng chuối cần phải được kiểm tra y tế để đánh giá các yếu tố nguy cơ gây sốc phản vệ và dị ứng tiềm ẩn với những chất khác. Bài viết cung cấp những thông tin bạn cần biết về các triệu chứng dị ứng chuối và biện pháp cần tránh.
Chuối là một loại trái cây khá phổ biến trên toàn cầu. Chúng là một món ăn nhẹ lành mạnh, là sự lựa chọn tuyệt vời cho bữa sáng và chúng rất ngon khi được chế biến thành món sinh tố. Hầu hết mọi người đều nghĩ chuối là một trong những thực phẩm rắn đầu tiên mà họ có thể cho trẻ ăn. Tuy nhiên, một số người có thể muốn tránh tiếp xúc với chuối vì lý do dị ứng. Dị ứng chuối thường liên quan tới dị ứng mủ. Điều này là do một số protein trong mủ cây cao su tạo được cho là có khả năng gây dị ứng và chúng tương tự như protein có trong một số loại hạt, trái cây và bao gồm cả chuối. Hội chứng này sẽ được gọi là hội chứng thực phẩm cao su hoặc dị ứng mủ trái cây.
Dị ứng chuối tương đối ít phổ biến và không được xếp vào hàng những bệnh dị ứng phổ biến nhất. Ở hầu hết các khu vực trên thế giới, thường ít hơn 1 phần trăm dân số bị dị ứng chuối. Tuy nhiên, những người bị dị ứng với các chất có chứa protein tương tự như trong chuối có nguy cơ cao hơn.
Rất hiếm khi em bé có phản ứng dị ứng mạnh đối với chuối. Tuy nhiên, hãy thận trọng nếu trong gia đình có người có tiền sử bị dị ứng thực phẩm. Mặc dù chuối không đứng đầu danh sách những thực phẩm gây dị ứng nhưng dị ứng thực phẩm là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra sốc phản vệ ở trẻ em. Trẻ em bị dị ứng với các loại hạt có thể bị phản ứng khi ăn hoặc chạm vào chuối sống. Trẻ nhỏ thường dễ bị dị ứng thức ăn hơn, vì vậy hãy thảo luận cách kiểm tra khả năng dung nạp với bác sĩ trước khi cho trẻ ăn bất kỳ món đồ lạ nào mà trước đó chúng chưa từng thử qua.
1. Triệu chứng và biến chứng của tình trạng dị ứng chuối
1.1. Triệu chứng
Các dấu hiệu dị ứng đầu tiên có thể xuất hiện rất sớm sau khi ăn hoặc nếm chuối, tùy thuộc vào mức độ dị ứng của người ăn. Một số người cũng có phản ứng do da tiếp xúc với chuối, thậm chí gồm cả vỏ chuối. Dưới đây là những triệu chứng điển hình cần chú ý:
- Ngứa hoặc sưng môi, lưỡi và cổ họng
- Mắt sưng, ngứa hoặc đỏ
- Chảy nước mũi hoặc hắt hơi
- Hụt hơi
- Thường bị đau bụng, nôn mửa hoặc tiêu chảy
1.2. Biến chứng
Trong một số trường hợp nghiêm trọng, người bị dị ứng nhựa chuối có thể bị sốc phản vệ, nguy hiểm đến tính mạng. Các triệu chứng của sốc phản vệ rất nghiêm trọng và cần được chú ý cũng như xử trí ngay lập tức. Chúng bao gồm:
- Phát ban và ngứa
- Da ửng đỏ
- Sưng lưỡi
- Bít tắc đường thở, gây thở khò khè hoặc khó thở
- Cổ họng sưng và giọng nói khàn
- Tụt huyết áp (sốc phản vệ)
- Đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu
Nếu gặp phải bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
2. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây ra dị ứng chuối
Dị ứng chuối có thể xuất hiện như một hậu quả của dị ứng mủ. Rất ít người sinh ra đã dị ứng với nhựa mủ, nhưng họ có thể phát triển bệnh này sau này do tiếp xúc. Nguy cơ này tăng lên ở một số người, gồm có:
- Trẻ bị nứt đốt sống hoặc các dị tật bẩm sinh khác phải phẫu thuật nhiều lần bằng cách sử dụng thiết bị y tế có chứa cao su
- Những người làm việc trong các lĩnh vực thường xuyên sử dụng găng tay cao su hoặc các vật dụng bằng cao su khác
- Những người đang làm việc trong ngành công nghiệp cao su
Các dấu hiệu thường gặp nhất của dị ứng mủ cao su bao gồm ngứa ngáy, mẩn đỏ và sưng cục bộ. Mọi người cũng có thể phản ứng với bột được sử dụng trong găng tay cao su ngay cả khi bạn không tiếp xúc trực tiếp.
Cây chuối và cây cao su có thành phần protein gây dị ứng tương tự nhau, vì vậy những người bị dị ứng với nhựa mủ cũng có thể phản ứng với chuối. Chúng cũng có thể phản ứng với các loại thực phẩm khác có chứa các thành phần gây dị ứng tương tự. Đây được gọi là phản ứng chéo.
Nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu của dị ứng mủ cao su, hãy loại bỏ chuối khỏi khẩu phần ăn của mình. Tương tự đối với bơ, kiwi và hạt dẻ. Những thực phẩm này có thể gây ra phản ứng ở những người bị dị ứng của mủ trái cây.
Những người bị dị ứng với phấn hoa thường cũng có thể phản ứng với một số loại thực phẩm. Thông thường loại phản ứng này được phát triển ở trẻ lớn hơn, thanh thiếu niên và người lớn. Dị ứng phấn hoa ít xảy ra hơn ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi.
Những người bị dị ứng với chuối dễ bị dị ứng với các chất khác cũng như chuối. Có hai lý do cho việc này. Thứ nhất, dị ứng là một dấu hiệu của hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức và cũng có thể phản ứng với các chất khác có vẻ vô hại. Thứ hai, protein có trong chuối tương tự như protein trong một số chất tự nhiên khác, đặc biệt là nhựa mủ, được sử dụng trong những thứ như là găng tay vệ sinh, bóng bay và bao cao su.
3. Điều trị và phòng ngừa dị ứng chuối
3.1. Điều trị
Nếu chỉ bị dị ứng ở mức độ nhẹ, thuốc kháng histamin không kê đơn có thể là đủ để chống lại các triệu chứng dị ứng tức thì như ngứa, chảy nước mắt, mũi, và phát ban. Thường thì những triệu chứng này có thể biến mất mà không cần bất kỳ phương pháp điều trị nào.
Một số người có thể bị sốc phản vệ sau khi ăn chuối. Nếu tình trạng dị ứng của bạn nghiêm trọng đến mức này, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng bơm epinephrine (EpiPen) để bạn luôn mang theo bên mình.
Nếu bạn nghi ngờ rằng con mình phản ứng với chuối, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn cách phòng ngừa dị ứng cho bé.
3.2. Phòng tránh dị ứng chuối
Những thứ nên tránh nếu bị dị ứng chuối
Nếu bạn bị dị ứng chuối, hãy làm theo những lời khuyên sau để giữ cho sức khỏe an toàn và khỏe mạnh :
- Tránh bất cứ thứ gì có chuối, kể cả các sản phẩm có hương vị như thực phẩm, thuốc hoặc son dưỡng môi.
- Luôn kiểm tra thành phần của sinh tố và các món tráng miệng lành mạnh vì chuối thường được sử dụng trong các món ăn này.
- Tránh các loại thực phẩm gây phản ứng chéo khác, chẳng hạn như: Bơ, hạt dẻ, kiwi, táo, cà rốt, cần tây, đu đủ, khoai tây, cà chua và dưa.
- Nếu bạn nhạy cảm với chuối và mủ cao su, hãy tránh tiếp xúc với các đồ vật làm từ mủ cao su, bao gồm bóng bay, dụng cụ tập thể dục, găng tay, bao cao su và các miếng dán nha khoa.
- Tránh một số đồ chơi làm từ cao su, kể cả là núm vú giả vì chúng cũng có thể chứa mủ.
Những loại thực phẩm thay thế cho những người dị ứng chuối
Chuối được chế biến có thể khử hoạt tính của protein gây dị ứng, điều này có thể làm cho chúng trở nên an toàn cho người ăn. Tuy nhiên, bạn nên thảo luận với bác sĩ xem liệu việc ăn chuối có an toàn hay không. Nếu tình trạng dị ứng của bạn nghiêm trọng, bạn nên tránh ăn chuối hoàn toàn. Các lựa chọn thay thế an toàn gồm có:
- Quả mọng
- Trái cây họ cam quýt
- Bí ngô và bí, có thể nướng hoặc dùng trong món tráng miệng và sinh tố
- Khoai lang và khoai lang nấu chín
Nếu bạn bị mẫn cảm với nhiều loại thực phẩm, bác sĩ sẽ tiến hành một cuộc kiểm tra toàn diện để xác định tình trạng dị ứng của bạn và liệt kê danh sách những thực phẩm có thể sử dụng được trong chế độ ăn hàng ngày.
4. Dị ứng chuối ở trẻ sơ sinh
Các triệu chứng của dị ứng chuối ở trẻ sơ sinh cũng tương tự như đối với bất kỳ người trưởng thành nào khác.
Các bà mẹ nên luôn thận trọng khi giới thiệu thức ăn mới cho trẻ sơ sinh, đặc biệt là với các chất gây dị ứng phổ biến như đậu phộng. Nếu một đứa trẻ bị chàm hoặc dị ứng khác, nguy cơ bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng với thực phẩm hoặc chất khác sẽ lớn hơn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ngăn hoàn toàn việc trẻ tiếp xúc với các loại thực phẩm trên. Chúng ta vẫn nên cho trẻ sơ sinh ăn các chất gây dị ứng thực phẩm thông thường, bao gồm đậu phộng, hạt cây, đậu nành và trứng khi trẻ từ 5 đến 7 tháng tuổi. Việc trì hoãn giới thiệu những thực phẩm này sẽ khiến tăng nguy cơ dị ứng thực phẩm. Cha mẹ và người giám hộ nên theo dõi trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để tìm ra các dấu hiệu của hội chứng dị ứng được gọi là hội chứng viêm ruột bởi protein thực phẩm (FPIES).
Trẻ bị viêm ruột do protein thực phẩm phát triển các triệu chứng tiêu hóa nghiêm trọng, bao gồm nôn mửa và tiêu chảy 2 – 3 giờ sau khi ăn phải chất gây dị ứng. Các xét nghiệm dị ứng máu không có khả năng chẩn đoán được tình trạng bệnh. Nhiều trẻ sơ sinh và trẻ em bị FPIES ban đầu có dấu hiệu bị dị ứng với sữa mẹ hoặc sữa công thức. FPIES sau đó thường gây ra dị ứng với nhiều loại thực phẩm khi chúng bắt đầu được ăn, mặc dù sữa và đậu nành là những nguyên nhân phổ biến nhất.
Trẻ em mắc chứng rối loạn này thường cần ăn một chế độ ăn hạn chế và hội chứng viêm ruột do protein thực phẩm nếu không được điều trị có thể gây tình trạng suy dinh dưỡng và mất nước nghiêm trọng.
Những người bị dị ứng với mủ cao su nói chung nên tránh ăn chuối và tránh xa bất kỳ đồ vật nào được làm từ cao su. Bên cạnh đó, hãy đọc kỹ nhãn hoặc hỏi về danh sách thành phần trước khi ăn bất cứ thứ gì. Thậm chí, tránh chạm vào chuối, bao gồm cả vỏ và bỏ qua món tráng miệng nếu bạn không chắc chắn về phản ứng của mình với chuối đã chế biến. Những người bị dị ứng chuối thường khá nhạy cảm với các thực phẩm khác. Hãy đến gặp bác sĩ để biết thông tin về tình trạng dị ứng của mình để biết những gì cần tránh và sau đó sử dụng nhiều lựa chọn thay thế ngon và an toàn.
Nếu bạn có bất cứ thắc mắc nào liên quan đến chủ đề dinh dưỡng cho cơ thể cần bác sĩ tư vấn, bạn có thể để lại câu hỏi ở mục HỎI BÁC SĨ VINMEC trực tiếp trên website bệnh viện. Câu hỏi của bạn sẽ được gửi đến bác sĩ và bạn sẽ nhận được tư vấn trong thời gian sớm nhất!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com, medicalnewstoday.com