Kháng thể IgE là 1 trong 5 nhóm globulin miễn dịch: IgM, IgA, IgG, IgE, IgD. IgE globulin cuối cùng của họ immunoglobulin. Nó không chỉ có cấu trúc hóa học độc đáo mà còn có một loạt các chức năng sinh lý như quá trình tự miễn dịch, nhiễm ký sinh trùng, phản ứng quá mẫn loại I và thậm chí là bảo vệ nọc độc.
1. Kháng thể ige là gì?
Kháng thể IgE (Immunoglobulin E) là các kháng thể được hệ thống miễn dịch tạo ra. Chúng chủ yếu được tiết ra bởi niêm mạc đường hô hấp và tiêu hóa. Kháng thể IgE có đặc tính cố định trên các tương bào và bạch cầu ưa bazơ, là các tế bào có thể giải phóng các chất trung gian hóa học gây dãn mạch như: Serotonin, histamin và một số chất khác (prostaglandin, tryptase, eosinophil leucotrien.
Vai trò của kháng thể IgE là trung tâm trong dị ứng mẫn cảm và rối loạn dị ứng như: Hen suyễn, viêm mũi dị ứng và viêm da dị ứng. Những rối loạn này biểu hiện do phản ứng quá mẫn loại I liên quan đến kháng thể IgE và các tế bào miễn dịch khác.
Đối với 1 người bị dị ứng thì hệ thống miễn dịch sẽ phản ứng quá mức với chất gây ra tình trạng dị ứng bằng cách sản xuất các kháng thể IgE. Tiếp đó, kháng thể IgE sẽ di chuyển đến các tế bào giải phóng hóa chất gây dị ứng và gây các triệu chứng ở phổi, mũi, cổ họng hoặc da.
Mỗi kháng thể IgE có "radar" riêng cho từng loại chất gây dị ứng. Đây chính là lý do vì sao có người thì bị dị ứng với phấn hoa, người thì dị ứng với lông động vật, trong khi những người khác lại có thể bị dị ứng với nhiều thứ khác nhau.
Ngoài ra, kháng thể IgE cũng có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh lý do ký sinh trùng gây ra.
2. Xét nghiệm IgE để làm gì?
Xét nghiệm IgE giúp đo tổng lượng kháng thể IgE trong máu của 1 người bằng cách sử dụng công nghệ hóa phát quang trên hệ thống máy miễn dịch tự động
Xét nghiệm IgE hiện nay được dùng để:
- Test dị ứng cho người bệnh.
- Tìm ra các bệnh do ký sinh trùng gây ra.
- Chẩn đoán bệnh đa u tủy xương IgE ở người bệnh.
Thường thì nồng độ kháng thể IgE sẽ thay đổi theo độ tuổi. Những người trưởng thành sẽ có nồng độ kháng thể < 100 IU/ml.
Trường hợp nồng độ IgE huyết thanh tăng có thể do:
- Người bệnh mắc phải bệnh dị ứng như: Viêm da dị ứng, dị ứng thuốc, hen phế quản ngoại sinh, dị ứng thức ăn, bệnh sốt cỏ khô hay viêm mũi dị ứng...
- Mắc phải bệnh lý đa u tủy xương loại IgE.
- Mắc phải bệnh lý bọng nước da dạng pemphigus.
- Bị bệnh viêm xoang.
- Mắc các bệnh lý về nhiễm ký sinh trùng như: Giun móc, nhiễm giun đũa, bệnh sán máng hoặc nhiễm nấm echinococcus,...
Nồng độ IgE giảm thì nguyên nhân có thể do:
- Bị thiếu hụt kháng thể IgE bẩm sinh.
- Bị bệnh giãn mạch thất điểu.
- Bị ung thư biểu mô giai đoạn nặng.
- Người bệnh không có gamma globulin máu.
- Mắc phải hội chứng suy giảm miễn dịch (AIDS).
- Mắc bệnh đa u tủy xương không thuộc loại IgE.
3. Vai trò của các thuốc kháng IgE trong điều trị các bệnh dị ứng
Kháng thể IgE có vai trò vô cùng quan trọng trong cơ chế bệnh sinh các bệnh lý dị ứng. Sự kết hợp của kháng thể IgE với kháng nguyên gây bệnh đã giúp khởi động dòng thác viêm dị ứng và gây ra các phản ứng dị ứng muộn ở người bệnh.
Nhiều nghiên cứu gần đây đã chứng minh thuốc kháng IgE có hiệu quả tốt trong điều trị các bệnh dị ứng, không đáp ứng khi điều trị bằng thuốc khác.
Nhìn chung, khi 1 người bị dị ứng thì các triệu chứng sẽ diễn ra rất nhanh và diễn biến từ nhẹ đến nặng, thậm chí là sốc phản vệ nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy, ngay khi thấy xuất hiện những thay đổi bất thường của cơ thể thì hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.