Chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu là những triệu chứng tiêu hóa thường gặp gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Những biểu hiện này có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, từ thói quen ăn uống không khoa học đến các vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng. Vậy khi bị đầy bụng thì người bệnh cần làm gì, xử lý như thế nào?
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu là gì?
Chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu là cảm giác căng tức và khó chịu do áp lực tăng lên trong vùng bụng. Tình trạng này có thể nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng và thường tự biến mất sau một thời gian. Nguyên nhân có thể là do rối loạn tiêu hóa hoặc thay đổi sinh lý, chẳng hạn như biến đổi hormon theo chu kỳ ở phụ nữ. Các triệu chứng kèm theo bao gồm buồn nôn, nôn, ợ chua, đau bụng và táo bón. Chướng bụng đầy hơi có thể xuất hiện đột ngột và bất thường (cấp tính) hoặc kéo dài và trở thành mối lo ngại về sức khỏe (mạn tính).
2. Nguyên nhân gây đầy hơi, khó tiêu và chướng bụng
Chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu có thể xuất hiện do ăn uống không đúng cách, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý tiêu hóa mãn tính kéo dài.
2.1 Nguyên nhân tức thời gây đầy hơi, khó tiêu
Ăn uống không đúng cách: Việc nuốt nhiều không khí do thói quen ăn uống không đúng cách như ăn quá nhanh, uống thức uống có gas, sử dụng ống hút, nhai kẹo cao su, ăn kẹo cứng hoặc mang răng giả không phù hợp, có thể tạo ra nhiều hơi trong bụng. Thói quen hút thuốc và thường xuyên sử dụng các chất kích thích như cafe, rượu, bia cũng có thể dẫn đến tình trạng đầy hơi và chướng bụng.
Ăn nhiều thực phẩm tạo hơi: Một số thực phẩm, mặc dù rất tốt cho sức khỏe, nhưng nếu sử dụng thường xuyên, có thể gây đầy hơi và khó tiêu. Những thực phẩm này bao gồm đậu, các sản phẩm từ sữa, ngũ cốc và cải.
Người bệnh đang bị chứng táo bón: Táo bón gây tích tụ phân và chất thải trong đường tiêu hóa, dẫn đến tình trạng chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu.
Người thường xuyên bị căng thẳng hoặc bệnh mãn tính: Căng thẳng kéo dài và các bệnh mãn tính có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, làm tăng nguy cơ đầy hơi và chướng bụng.
2.2 Nguyên nhân lâu dài gây đầy hơi, chướng bụng
Khó tiêu do cơ thể không dung nạp thực phẩm: Khó tiêu có thể xuất phát từ việc cơ thể không dung nạp một số chất trong thực phẩm như gluten, lactose, hay fructose.
- Không dung nạp gluten: Còn được gọi là bệnh Celiac, là một rối loạn tự miễn dịch gây viêm ruột non và giảm khả năng hấp thu gluten từ thực phẩm.
- Không dung nạp lactose: Tình trạng này xảy ra khi cơ thể không thể tiêu hóa lactose, một loại đường có trong sữa và các sản phẩm từ sữa, dẫn đến đầy hơi và khó tiêu.
- Không dung nạp fructose: Tình trạng xuất hiện khi cơ thể không tiêu hóa được fructose, một loại đường có trong trái cây và một số loại rau, cũng gây ra đầy hơi và khó tiêu.
Vi khuẩn đường ruột phát triển quá mức: Khi lượng axit trong dạ dày giảm hoặc cơ ruột non giảm co bóp, vi khuẩn trong dạ dày và ruột non có thể phát triển quá mức, dẫn đến dư thừa vi khuẩn trong ruột non. Tình trạng này không chỉ gây đầy bụng và khó tiêu mà còn có thể gây ra các triệu chứng khác như đau bụng, tiêu chảy, khó chịu ở bụng và mệt mỏi
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Axit dạ dày trào ngược lên thực quản không chỉ gây ợ chua mà còn có thể dẫn đến đau tức vùng bụng và ngực, đầy hơi, khó tiêu, nghẹn thức ăn, hôi miệng và đau họng.
Hội chứng ruột kích thích (IBS): Hội chứng này liên quan đến sự nhạy cảm với dây thần kinh trong ruột, căng thẳng, stress, yếu tố di truyền hoặc thời gian thức ăn ở ruột già quá lâu hoặc quá ngắn. IBS ảnh hưởng đến ruột và quá trình tiêu hóa, có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng. Các triệu chứng bao gồm đầy hơi, khó tiêu, chướng bụng, đau quặn bụng (có thể giảm sau khi đại tiện), tiêu chảy và táo bón.
Bên cạnh đó, còn một số bệnh lý nghiêm trọng khác trong hệ tiêu hóa có thể gây ra các triệu chứng chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, bao gồm viêm loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày, tắc ruột, nhiễm ký sinh trùng Giardia, viêm ruột mãn tính (bệnh Crohn), và nhiều bệnh lý khác.
Ngoài ra, việc sử dụng hoặc đang điều trị bệnh bằng một số loại thuốc như thuốc giảm đau, kháng viêm, thuốc huyết áp, thuốc tiểu đường, kháng sinh và thuốc tránh thai cũng có thể dẫn đến đầy hơi, khó tiêu và chướng bụng.
Xem thêm: Enterpass: Thuốc điều trị chứng đầy hơi, khó tiêu
Trắc nghiệm: Thử hiểu biết về chứng táo bón mạn tính
Táo bón mạn tính không chỉ gây khó chịu, chướng bụng mà còn làm ảnh hưởng lớn đến công việc, cuộc sống, tốn nhiều thời gian và tài chính. Đặc biệt có những trường hợp bị táo bón xảy ra liên tục trong nhiều năm. Vậy táo bón mạn tính là gì? Bạn có hiểu về chứng táo bón mạn tính là gì không? Những câu hỏi trắc nghiệm sau sẽ thử hiểu biết về chứng táo bón mạn tính và giúp bạn hiểu hơn về căn bệnh này.
Bài dịch từ: webmd.com
3. Cách xử lý khi bị đầy hơi khó tiêu, chướng bụng
Thông thường các triệu chứng đầy hơi và chướng bụng do sinh lý sẽ tự biến mất sau vài ngày mà không cần can thiệp y tế. Để nhanh chóng hồi phục, việc điều chỉnh chế độ ăn uống là rất cần thiết, nhằm ổn định hệ tiêu hóa.
Nếu nguyên nhân là bệnh lý, việc xác định chính xác và điều trị kịp thời nguyên nhân gây ra tình trạng này là điều bắt buộc. Đối với các trường hợp cấp tính, việc điều trị hiệu quả nguyên nhân gốc rễ sẽ giúp giải quyết triệu chứng đầy hơi và chướng bụng một cách nhanh chóng.
Dưới đây là một số phương pháp khắc phục tình trạng chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu hiệu quả:
3.1 Thuốc điều trị chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu
Thuốc chứa Alpha-galactosidase, bao gồm các sản phẩm như Beano, Digesta và Gas-Zyme 3X, được điều chế để giúp phân hủy các loại đường tự nhiên có trong ngũ cốc, các loại đậu, và rau quả. Sử dụng thuốc này trước bữa ăn có thể giảm bớt triệu chứng đầy hơi và khó tiêu do không tiêu hóa được các loại đường này.
Bên cạnh đó, các loại thuốc chứa Simethicone, ví dụ như Mylanta Gas và Gas-X, hoạt động bằng cách giúp khí di chuyển qua hệ tiêu hóa một cách nhanh chóng, qua đó làm giảm các triệu chứng như đầy hơi, khó tiêu và chướng bụng.
Cuối cùng là thuốc có chứa thành phần Lactase giúp phân huỷ đường lactose có trong các sản phẩm, đặc trị cho những người không dung nạp lactose. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thuốc này không phù hợp cho trẻ em dưới 3 tuổi và phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú.
Xem thêm: Cải thìa chữa đầy bụng, khó tiêu
3.2 Điều trị đầy hơi bằng phương pháp tự nhiên
Ngoài việc sử dụng thuốc do bác sĩ kê đơn, người bệnh cũng có thể làm giảm triệu chứng tại nhà một cách tự nhiên bằng những cách sau đây:
Đi bộ: Việc đi bộ đều đặn có thể thúc đẩy nhu động ruột, giúp cải thiện quá trình tiêu hóa và làm giảm tích tụ khí trong ruột. Điều này là rất hữu ích cho những người đang gặp phải các vấn đề như táo bón và đầy hơi. Đi bộ từ 20 đến 30 phút mỗi ngày được khuyến nghị như một biện pháp hiệu quả để cải thiện các triệu chứng khó chịu liên quan đến đường tiêu hóa.
Tập Yoga: Những tư thế yoga đơn giản có thể mang lại lợi ích cho người bị chướng bụng và đầy hơi. Các tư thế như squat (đứng lên ngồi xuống) và tư thế em bé hạnh phúc (nằm ngửa trên sàn, chân hướng lên trần nhà, tay nắm chặt ngón chân và kéo hai chân ra rộng bằng vai) giúp giải phóng khí thừa tích tụ trong đường tiêu hóa. Việc thực hiện những tư thế này từ 5 đến 10 phút mỗi ngày có thể giúp giảm bớt các triệu chứng chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu một cách hiệu quả.
Massage bụng và chườm nóng: Xoa bóp bụng là một phương pháp hiệu quả để kích thích nhu động ruột và hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa. Khi massage bụng, người bệnh hãy nhẹ nhàng massage theo vòng tròn, bắt đầu từ phải sang trái. Thực hiện động tác này trong vài phút có thể giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa và giảm khó chịu. Tuy nhiên, nếu vẫn cảm thấy đau trong quá trình massage, cần ngừng ngay lập tức để tránh làm tổn thương vùng bụng.
Ngoài ra, chườm nóng là một biện pháp hiệu quả để giảm tình trạng đầy hơi và khó tiêu. Sử dụng túi chườm nóng đặt lên vùng bụng có thể giúp làm giãn các cơ, thúc đẩy khí tích tụ trong dạ dày dễ dàng thoát ra ngoài hơn
Tắm nước ấm và thư giãn: Tắm nước ấm là một cách hiệu quả để làm dịu triệu chứng chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu. Ngâm mình trong bồn tắm nước ấm hoặc tắm dưới vòi hoa sen ấm có thể góp phần giảm căng thẳng và mang lại cảm giác thư giãn cho tinh thần, điều này cũng có lợi cho hệ tiêu hóa.
3.3 Khám bác sĩ
Nếu tình trạng chướng bụng và đầy hơi kéo dài quá 5 ngày và có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn, kèm theo đau bụng dữ dội, sốt, nôn mửa, chảy máu hoặc cảm giác có khối u trong bụng, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Các triệu chứng này có thể là dấu hiệu của một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng mà người bệnh chưa biết.
4. Ngăn ngừa chứng đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu
Việc thay đổi lối sống và điều chỉnh chế độ ăn uống là những biện pháp quan trọng để phòng ngừa chứng đầy hơi và khó tiêu, bao gồm:
- Ăn uống đúng cách: Để giảm thiểu triệu chứng chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, người bệnh nên tránh ăn quá nhiều trong một bữa. Ăn nhiều bữa nhỏ hơn trong ngày có thể giúp hệ tiêu hóa không bị quá tải. Quá trình nhai kỹ và ăn chậm cũng rất quan trọng để thức ăn dễ dàng được tiêu hóa khi đến dạ dày. Ngoài ra, việc hạn chế các thực phẩm có thể gây khó tiêu và đầy hơi như sản phẩm từ sữa, bơ, các loại đậu, ngũ cốc, thực phẩm giàu carbohydrate khó tiêu, nhiều chất xơ, thức uống có gas, thức ăn cay nóng, nhiều axit, ....là vô cùng cần thiết.
- Thói quen sinh hoạt: Hút thuốc lá không chỉ gây hại cho phổi mà còn làm tăng tích tụ không khí trong dạ dày, dẫn đến tình trạng đầy hơi và khó tiêu. Từ bỏ hút thuốc là một bước quan trọng để giảm bớt các triệu chứng này và cải thiện sức khỏe tiêu hóa nói chung.
- Ngoài ra, việc hạn chế các chất kích thích khác như rượu, bia và cafe cũng rất quan trọng. Những thức uống này có chứa chất kích thích này cũng sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề tiêu hóa và tăng cảm giác chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu.
- Hoạt động thể chất: Vận động nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga, ... giúp khí trong cơ thể di chuyển tốt hơn và dễ dàng thoát ra ngoài.
- Chườm nóng: Khi bị đầy bụng, mọi người có thể làm giãn cơ bụng bằng cách tắm nước ấm, khi đó hơi tích tụ trong dạ dày sẽ dễ thoát ra ngoài hơn.
Xem thêm: Chữa đầy bụng khó tiêu bằng xoa bóp bấm huyệt
5. Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Đầy bụng và khó tiêu là các triệu chứng thường gặp, khiến người bệnh cảm thấy khó chịu và đôi khi có thể gây đau bụng. Đây là tình trạng có thể tự hết và không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu thường xuyên gặp phải tình trạng đầy hơi, khó tiêu cùng với các dấu hiệu sau, mọi người nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời:
- Cảm giác chán ăn, ăn không ngon miệng.
- Thay đổi thói quen đi đại tiện.
- Phát hiện máu trong phân hoặc nước tiểu.
- Sút cân không rõ nguyên nhân.
- Cảm giác mệt mỏi liên tục và suy nhược cơ thể.
Chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu là những triệu chứng thường thấy của các vấn đề tiêu hóa. Đa số các trường hợp này có thể tự khỏi nếu ăn uống đúng cách và hợp lý. Bên cạnh đó, một số loại thuốc do bác sĩ chỉ định có thể giảm thiểu các triệu chứng này. Nếu việc sử dụng thuốc không mang lại kết quả, người bệnh nên đến bệnh viện chuyên khoa tiêu hóa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec luôn nhận được sự hài lòng và đánh giá cao của khách hàng bởi chất lượng điều trị, trang thiết bị y tế và dịch vụ chăm sóc bệnh nhân.
- Trang thiết bị hiện đại hàng đầu Việt Nam: Máy nội soi tiêu hóa ống mềm độ phân giải cao giúp phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm và các bệnh lý tiêu hóa chính xác. Robot phẫu thuật của Mỹ có độ chính xác cao, ít xâm lấn, thời gian hồi phục của bệnh nhân nhanh.
- Đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao: Các bác sĩ được đào tạo bài bản tại các Trung tâm ngoại khoa hàng đầu của Việt Nam, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, có trình độ chuyên môn cao. Được tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn tại nước ngoài, cập nhật các kỹ thuật, phác đồ điều trị mới nhất trên thế giới.
- Chẩn đoán và điều trị bệnh tiêu hóa với kỹ thuật mới nhất: Phẫu thuật nội soi bằng robot với tỉ lệ thành công lên đến 95%. Nội soi tiêu hóa gây mê không đau, không khó chịu.
- Chăm sóc người bệnh toàn diện: Là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam áp dụng chương trình phục hồi sớm sau phẫu thuật (ERAS), giúp rút ngắn thời gian nằm viện chỉ còn sau 3 - 5. Tỷ lệ biến chứng, chi phí của người bệnh giảm, đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng.
Để khám và điều trị với các bác sĩ hàng đầu của khoa Tiêu hóa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể đến trực tiếp bệnh viện hoặc đăng ký khám trực tuyến.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.