Đau thượng vị đại tiện phân đen là bệnh gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Dương Xuân Lộc - Bác sĩ Ngoại tiêu hóa - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Đau thượng vị và đại tiện phân đen là các dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm. Vì vậy, người bệnh cần hết sức thận trọng với các triệu chứng này, nên đi khám để chẩn đoán chính xác và can thiệp điều trị kịp thời.

1. Nguyên nhân gây đau thượng vị

Thượng vị là vùng nằm ở trên rốn và dưới mũi xương ức. Đau thượng vị là tình trạng đau âm ỉ, đau ngay sau khi ăn hoặc khi người bệnh nằm xuống sau khi ăn. Ở một số trường hợp, người bệnh bị đau thượng vị quằn quại, đôi khi đau nhói ra phía sau lưng.

Tình trạng đau thượng vị thường đi kèm với các triệu chứng phổ biến khác ở đường tiêu hóa như đầy hơi, ợ nóng,...

Những nguyên nhân thường gặp gây đau thượng vị gồm:

  • Ăn quá nhiều: Khi ăn quá nhiều, dạ dày sẽ giãn ra vượt quá kích thước bình thường, gây áp lực lên các cơ quan xung quanh, gây triệu chứng đau ruột, khó thở, ợ nóng, trào ngược axit, đau tức vùng thượng vị;
  • Dùng đồ uống gây đau tức thượng vị: Nhiều người bị khó tiêu hóa các sản phẩm từ sữa, phô mai do không dung nạp được lactose, gây triệu chứng tiêu chảy, đau thượng vị, đầy hơi, buồn nôn,... Bên cạnh đó, việc uống quá nhiều rượu có thể gây viêm niêm mạc dạ dày, dẫn tới xuất huyết dạ dày, viêm tụy, bệnh gan,... làm đau tức vùng thượng vị;
  • Khó tiêu: Thường xảy ra sau khi ăn, đi kèm với các triệu chứng ợ, đầy hơi, buồn nôn. Khi ăn, dạ dày sẽ tiết ra axit để tiêu hóa thức ăn, đôi khi axit có thể kích ứng niêm mạc của đường tiêu hóa, gây đau tức vùng thượng vị;
  • Trào ngược dạ dày: Axit dạ dày hoặc thức ăn trong dạ dày đi ngược lên thực quản, gây đau ở ngực, cổ họng, đau vùng thượng vị. Tình trạng này lặp lại với tần suất trên 2 lần/tuần có thể gây bệnh trào ngược dạ dày thực quản;
  • Viêm thực quản: Tình trạng viêm thực quản gây triệu chứng đau tức vùng thượng vị. Nếu không điều trị sớm, bệnh có thể dẫn tới sẹo, gây chít hẹp thực quản, dẫn tới khó nuốt;
  • Thoát vị khe hoành: Xảy ra khi một phần của dạ dày bị đẩy lên qua cơ hoành vào thành ngực, gây đau vùng thượng vị. Ngoài ra, bệnh còn có các triệu chứng khác như khó nuốt, viêm họng, kích thích trong cổ họng, khó chịu ở ngực,...;
  • Loét dạ dày – tá tràng: Xảy ra khi vi khuẩn hoặc thuốc làm tổn thương niêm mạc dạ dày, ruột. Triệu chứng của bệnh gồm đau vùng thượng vị, buồn nôn, nôn ói, đầy hơi, chậm tiêu, đầy bụng
  • Rối loạn túi mật: Gây triệu chứng vàng da, buồn nôn và nôn, ăn không ngon, đau thượng vị, tiêu chảy kéo dài, phân màu đất sét, đau bụng dữ dội sau khi ăn;
  • Viêm dạ dày: Xảy ra khi niêm mạc dạ dày bị nhiễm khuẩn, rối loạn hệ thống miễn dịch hoặc chịu các tổn thương liên tục tới dạ dày. Viêm dạ dày có thể cấp tính hoặc mãn tính nếu không điều trị. Các triệu chứng phổ biến của bệnh gồm đau vùng thượng vị hay vùng ngực, buồn nôn, nôn mửa, nôn ra máu, đi ngoài phân đen;
  • Mang thai: Phụ nữ mang thai cũng thường gặp cơn đau vùng thượng vị do bào thai phát triển tạo áp lực lên vùng bụng. Ngoài ra, phụ nữ mang thai cũng có sự thay đổi về hormone và hệ tiêu hóa nên có triệu chứng ợ nóng thường xuyên. Tuy nhiên, đau tức vùng thượng vị khi mang thai đôi khi là triệu chứng của tiền sản giật nên thai phụ cần cẩn trọng, theo dõi chặt chẽ;
  • Nguyên nhân khác: Do thủng dạ dày, giun chui ống mật, viêm tụy, ung thư đầu tụy, viêm đại tràng cấp hoặc mạn tính, bệnh về gan hoặc đường mật.

2. Nguyên nhân gây đại tiện phân đen

  • Chảy máu từ đường tiêu hóa trên (thực quản, dạ dày, ruột non);

Tình trạng xuất huyết đường tiêu hóa có thể gây đại tiện phân đen
Tình trạng xuất huyết đường tiêu hóa có thể gây đại tiện phân đen
  • Chảy máu tai mũi họng (bệnh nhân nuốt máu xuống đường tiêu hóa nên đi ngoài phân đen);
  • Chấn thương bụng hoặc thực quản;
  • Bất thường về mạch máu;
  • Chảy máu do giãn tĩnh mạch thực quản (liên quan tới bệnh xơ gan);
  • Chảy máu từ dạ dày tá tràng bị viêm, loét;
  • Tổn thương dạ dày, tá tràng do sử dụng các thuốc kháng viêm không steroid, corticoid hoặc sử dụng bia rượu, stress,...;
  • Chảy máu đường mật do các bệnh lý liên quan giữa đường mật và các mạch máu như viêm đường mật, sỏi túi mật, viêm túi mật xuất huyết, chấn thương gan mật hoặc thực hiện các thủ thuật tại gan mật như sinh thiết gan, dẫn lưu đường mật xuyên gan qua da,...;
  • Viêm túi thừa: Các túi thừa nhỏ có thể hình thành ở bất kỳ vị trí nào trên ống tiêu hóa, chủ yếu xuất hiện ở phần cuối đại tràng. Khi các túi thừa bị vi khuẩn xâm nhập, nó có thể bị viêm, vỡ, gây chảy máu và đại tiện phân đen;
  • Nguyên nhân khác: Thiếu máu cục bộ đường ruột, bệnh viêm ruột, ảnh hưởng của xạ trị, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, sử dụng thuốc bổ sung sắt, sử dụng cam thảo đen, ăn tiết canh hoặc tiết gà, vịt nấu chín,...

3. Đau thượng vị, đại tiện phân đen là bệnh gì?

Bệnh lý kết hợp cả 2 triệu chứng đau thượng vị và đại tiện phân đen có thể là xuất huyết dạ dày mạn tính. Các vết tổn thương nhỏ và rỉ máu này nếu không được điều trị sớm có thể gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Những biến chứng có thể gặp phải gồm:

  • Thiếu máu: Các vết tổn thương sẽ ăn sâu vào niêm mạc dạ dày, làm vỡ các mạch máu, gây chảy máu ồ ạt, bệnh nhân bị mất máu và rơi vào tình trạng choáng váng, nôn ra máu, ngất lịm,...;
  • Thủng dạ dày: Tổn thương ăn sâu, vượt qua thành dạ dày sẽ khiến dịch dạ dày thoát ra ngoài ổ bụng gây hoại tử các cơ quan khác trong cơ thể;
  • Ung thư dạ dày: Tổn thương do loét trong thời gian dài khiến các tế bào ở vị trí tổn thương bị biến đổi ác tính, phát triển thành tế bào ung thư.

Hình ảnh nội soi ung thư dạ dày
Hình ảnh nội soi ung thư dạ dày

4. Biện pháp phòng ngừa đau thượng vị, đi ngoài phân đen

  • Ăn nhiều rau, thực phẩm giàu chất xơ tự nhiên, giảm thực phẩm chứa chất béo bão hòa để giảm nguy cơ táo bón, trĩ, túi thừa đại tràng và ung thư ruột kết;
  • Tránh kéo dài hoặc sử dụng quá nhiều thuốc kháng viêm như naproxen, ibuprofen và aspirin;
  • Hạn chế uống rượu vì việc uống nhiều rượu có thể làm kích ứng, tổn thương niêm mạc thực quản và dạ dày;
  • Không hút thuốc lá vì đây là tác nhân gây viêm loét dạ dày - tá tràng và ung thư đường tiêu hóa.

Khi bị đau thượng vị kèm theo các triệu chứng như đi ngoài phân đen, hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi,... bệnh nhân nên đi khám càng sớm càng tốt để được làm các xét nghiệm cần thiết, giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có phương hướng điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe