Bài viết bởi Bác sĩ Bùi Hạnh Tâm - Khoa Gây mê giảm đau, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Đau ở vùng lưng thấp, căng cơ và co cứng cơ khu trú vùng lưng từ bờ dưới sườn đến phần trên thắt lưng có hoặc không kèm theo hiện tượng đau tham chiếu xuống mặt sau đùi hoặc lan xuống chân.
1. Thế nào là đau lưng vùng thấp cấp tính?
Gọi là đau cấp tính nếu thời gian đau dai dẳng đến 12 tuần (3 tháng). 90% đau lưng thấp cấp tính là đau không đặc hiệu và không có dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm đến tính mạng cần phải xử trí cấp cứu bằng phẫu thuật. Chỉ khoảng 10% còn lại là đau lưng thấp kèm theo các dấu hiệu thần kinh như: hội chứng đuôi ngựa (yếu cơ, giảm hoặc mất cảm giác chân, rối loạn tiểu tiện- đại tiện), xẹp đốt sống hoặc hẹp ống sống trung tâm hoặc một bên gây chèn ép cấp tính, viêm cột sống dính khớp vùng lưng. Ngoài ra, còn một tỉ lệ nhỏ liên quan đến chấn thương hoặc bệnh ác tính gây gãy vỡ cột sống hay chèn ép cấp tính dây thần kinh, tuỷ sống (1-2%).
Trên lâm sàng, đau lưng thấp cấp tính không đặc hiệu gồm 3 dấu hiệu nhận biết: đau, co cứng khối cơ lưng và ngại - sợ việc di chuyển.
Tỉ lệ đau lưng cấp tính cao, hay xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt tuổi lao động nên người ta đã từng dùng từ “dịch bệnh đau lưng cấp” để nói đến tính phổ biến trong cộng đồng. Đau gây ảnh hưởng đến các hoạt động sống nên người ta đã xây dựng lên một thang điểm Quebec với 20 dấu hiệu như: không thể ra khỏi giường, bị thức giấc giữa đêm, không thể trở mình trên giường, không thể thu gấp chăn màn, không thể lái xe, không thể đứng lâu, không thể ngồi yên trên ghế, không thể xách vật nặng, không thể tự đi tất...
2. Các con số biết nói về đau lưng thấp cấp tính
Đau lưng thấp cấp tính không đặc hiệu ảnh hưởng đến khoảng 70% dân số ở các nước phát triển tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Tuy nhiên, 90% có thể tự hồi phục với thời gian từ 2 đến 6 tuần và chỉ có 10% trở thành đau mãn tính (kéo dài hơn 3 tháng)
Loại đau lưng này gây hạn chế các hoạt động cá nhân như làm việc, đi lại, chơi thể thao, hoạt động tình dục. Mức độ đau sẽ giảm đi 50-80% trong giai đoạn đầu nhưng tỉ lệ tái phát rất cao. Những năm tiếp theo, thì có khoảng 1/3 số người đau lưng vẫn còn đau ở mức trung bình và 15% ở mức đau nặng.
Đau lưng thấp cấp tính là nguyên nhân hàng đầu gây thất nghiệp ở Mỹ đối với người trẻ < 45 tuổi, là nguyên nhân thứ 2 gây nghỉ việc và đứng thứ 5 trong các lý do thông thường khiến người bệnh cần đi gặp bác sĩ.
Đau lưng cấp tính khiến 40% người bệnh bỏ luyện tập các môn thể thao như chạy bộ, tennis, bóng bàn, golf, tập gym, thể dục dụng cụ, khiêu vũ thể thao...
Có 20% các bố mẹ không thể chơi với con vì đau lưng.
12 % người đau lưng không thể duy trì các hoạt động tình dục.
3. Điều trị ngay, đừng chờ đợi để tự hồi phục
Bệnh nhân được giảm đau hiệu quả khi có thể đi lại bình thường mà không đau.
Đau lưng cấp có khả năng tự hồi phục trong thời gian 2 đến 6 tuần, đặc biệt ở người trẻ. Điều trị thông thường là nghỉ ngơi, dùng thuốc và tập vật lý trị liệu.
Việc dùng thuốc uống hoặc tiêm giúp giảm đau khi nằm yên hoặc ngồi yên một chỗ. Thuốc uống thông thường như paracetamol, giảm đau nhóm chống viêm hoặc thuốc chống co giật không có tác dụng giảm đau khi người bệnh xoay trở hoặc di chuyển nên không giúp đưa người bệnh về nhịp sống thường ngày. Đôi khi việc dùng thuốc giảm đau nhóm chống co giật làm cho người bệnh suốt ngày có cảm giác ngầy ngật, mệt mỏi, yếu đuối, không muốn làm gì.
Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây vào năm 2017 được công bố trên tạp chí Giảm đau Nội khoa đã chỉ ra rằng với đau lưng thấp cấp tính:
- Nhóm thuốc acetaminophen không hiệu quả
- Thuốc giãn cơ có hiệu quả ngắn hạn nhưng gây tác dụng phụ là an thần
- Thuốc nhóm corticoid dường như không có tác dụng
- Không có bằng chứng về tác dụng giảm đau lưng cấp tính của nhóm chống co giật.
Vậy, làm sao để giảm đau một cách nhanh chóng hiện tượng đau lưng thấp cấp tính?
Dựa vào cơ chế gây đau: 2 hiện tượng xảy ra ngay tại vị trí đau là: cơ cứng khối cơ lưng gồm 3 cơ gây nên, khởi phát do:
- Cơ chế chấn thương cơ học có nguyên nhân do quá tải, sử dụng quá mức gây giãn cơ và dây chằng quá mức.
- Cơ chế chấn thương cơ học xảy ra đồng thời gây cơn đau dữ dội gây nên áp lực và mất sức.
Đau và ngại cử động vùng lưng do co cứng cơ không đồng đều hai bên cột sống gây nên sự xoắn vặn cột sống như hình ảnh cái bánh xe đạp bị “sang vành” theo ngôn ngữ dân gian. Vì vậy, nguyên tắc chung của việc can thiệp điều trị đau là nhanh chóng giúp thư giãn khối cơ lưng thấp giúp tạo nên một sự cân bằng mới của khối lưng hai bên cột sống thắt lưng thấp giúp thư giãn, từ đó giảm đau cơ và dễ dàng cho cử động hơn.
Một mũi tiêm phong bế nhánh thần kinh chi phối cảm giác bản thể của chính khối cơ lưng đi ra từ rễ sau thần kinh tủy sống sẽ giúp giảm đau ngay lập tức được gọi là tiêm phong bế mặt phẳng cơ dựng sống (Erector Spinae Plane Block, ESPB)
4. Làm gì để hạn chế tái phát?
Một tình trạng đau lưng thấp cấp tính có liên quan đến việc co cứng và kéo dãn quá mức của khối cơ, bao cơ. Vì vậy, nếu đau liên quan đến công việc hay một hoạt động cụ thể thì nên tránh các động tác gây khởi phát, ví dụ: tránh mang vật nặng, ngồi đúng tư thế khi làm việc, tránh động tác khom lưng và quay cột sống cùng một lúc, tránh lái xe, đi xe máy đường dài.
Trước khi làm việc gắng sức liên quan đến khối cơ lưng, cần có sự chuẩn bị tư thế tốt, nếu luyện tập thì nên khởi động đủ thời gian để làm ấm các khối cơ, tránh các động tác đột ngột, quá tải.
Quan trọng nhất là luyện tập thường xuyên để có khối cơ lưng khỏe, cân đối và linh hoạt bằng động tác bơi ếch.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, một tính trạng đau lưng cấp tính vùng lưng thấp không đặc hiệu, mới xảy ra sẽ được các chuyên gia điều trị đau thăm khám, đánh giá, loại trừ các nguyên nhân rõ ràng khác trước khi quyết định tiêm phong bế một liều thuốc gây tê - giảm viêm. Công việc này được bác sỹ điều trị đau thực hiện trong thời gian ngắn, dưới hướng dẫn của máy siêu âm chuyên biệt cho điều trị đau, đưa mũi tiêm đến vị trí cần phong bế và người bệnh có thể ngồi dậy, đi lại và về nhà ngay trong ngày.
Vì vậy, nếu như việc dùng thuốc uống hoặc thuốc tiêm mà không giảm đau hoặc người bệnh bị đau lưng tái phát, bạn hay người thân của mình đừng ngần ngại liên hệ với Phòng khám đau (Pain Clinic) để được chăm sóc kịp thời giúp đưa người bệnh về nhịp sống thường ngày một cách nhanh nhất có thể.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ đến Hotline Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.