Đậu nành được tìm thấy trong các sản phẩm thực phẩm hàng ngày có thể làm giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung, một dạng ung thư tử cung phổ biến ở phụ nữ.
1. Nguy cơ ung thư nội mạc tử cung là gì?
Ung thư nội mạc tử cung xuất phát từ lớp tế bào hình thành lớp lót của tử cung (nội mạc tử cung). Ung thư nội mạc tử cung đôi khi cũng được gọi là ung thư tử cung. Loại ung thư khác có thể hình thành trong tử cung là sarcoma tử cung, nhưng chúng ít phổ biến hơn nhiều so với ung thư nội mạc tử cung.
Ung thư nội mạc tử cung có thể được phát hiện ở giai đoạn sớm vì nó thường gây ra hiện tượng chảy máu âm đạo bất thường. Nếu được phát hiện sớm, phẫu thuật cắt bỏ tử cung thường chữa khỏi ung thư nội mạc tử cung.
Hiện tại, các bác sĩ không biết nguyên nhân gì gây ra ung thư nội mạc tử cung. Điều được biết tới là các tế bào bất thường của nội mạc tử cung phát triển và nhân lên ngoài tầm kiểm soát và không chết vào một thời điểm nhất định. Các tế bào này tích tụ tạo thành một khối u. Sau đó, tế bào ung thư có thể xâm lấn các mô lân cận và tách ra khỏi khối u ban đầu để di căn sang nơi khác trong cơ thể.
Mặc dù các yếu tố nhất định có thể làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung của phụ nữ, nhưng không phải lúc nào chúng cũng gây ra bệnh. Nhiều phụ nữ có các yếu tố nguy cơ nhưng không bao giờ phát triển ung thư nội mạc tử cung.
Một số phụ nữ bị ung thư nội mạc tử cung không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào đã biết. Ngay cả khi một phụ nữ bị ung thư nội mạc tử cung có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ, không có cách nào để biết được yếu tố nào trong số đó đã gây ra bệnh.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung gồm có:
- Mất sự cân bằng của nội tiết tố nữ trong cơ thể: Buồng trứng tạo ra hai nội tiết tố nữ chính đó là estrogen và progesterone. Sự dao động trong một khoảng nhất định của các hormone này gây ra những thay đổi trong nội mạc tử cung. Một căn bệnh hoặc tình trạng nào đó làm tăng lượng estrogen, nhưng không làm tăng progesterone trong cơ thể của bạn có thể làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Như tình trạng rụng trứng không đều, có thể xảy ra trong hội chứng buồng trứng đa nang, béo phì và tiểu đường. Sử dụng hormone sau khi mãn kinh có chứa estrogen nhưng không chứa progesterone sẽ làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
- Có kinh nguyệt nhiều năm: Bắt đầu hành kinh ở độ tuổi sớm trước 12 tuổi, hoặc bắt đầu mãn kinh muộn hơn sẽ làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Bạn càng có nhiều kỳ kinh, nội mạc tử cung của bạn càng phải tiếp xúc nhiều hơn với estrogen.
- Chưa bao giờ có thai: Phụ nữ chưa từng mang thai có nguy cơ bị ung thư nội mạc tử cung cao hơn so với người đã từng mang thai ít nhất một lần.
- Tuổi lớn hơn: Phụ nữ càng lớn tuổi, nguy cơ ung thư nội mạc tử cung càng tăng. Ung thư nội mạc tử cung thường xuyên xảy ra sau khi mãn kinh.
- Béo phì: Có thể do lượng mỡ thừa trong cơ thể làm thay đổi sự cân bằng hormone của cơ thể bạn, nên béo phì làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
- Liệu pháp hormone trong điều trị ung thư vú: Việc sử dụng thuốc điều trị hormone tamoxifen cho bệnh ung thư vú có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư nội mạc tử cung. Nếu bạn đang sử dụng tamoxifen, hãy thảo luận với bác sĩ về nguy cơ này. Đối với hầu hết bệnh nhân, lợi ích của tamoxifen lớn hơn nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
- Hội chứng Lynch: Là ung thư đại trực tràng di truyền (HNPCC), một hội chứng làm tăng nguy cơ ung thư ruột già và các bệnh ung thư khác, trong đó có cả ung thư nội mạc tử cung. Hội chứng Lynch là do đột biến gen truyền từ cha mẹ sang con cái. Nếu một thành viên trong gia đình của bạn đã được chẩn đoán mắc hội chứng Lynch, hãy thảo luận với bác sĩ về nguy cơ mắc hội chứng di truyền của bạn. Nếu bạn được chẩn đoán mắc hội chứng Lynch, hãy hỏi bác sĩ những xét nghiệm tầm soát ung thư mà bạn nên thực hiện.
2. Đậu nành có thể giúp làm giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung
Ung thư nội mạc tử cung là sự phát triển nhanh chóng và không kiểm soát của các tế bào trong niêm mạc tử cung. Không rõ nguyên nhân gây bệnh nhưng các chuyên gia tin rằng nó có liên quan đến việc tiếp xúc kéo dài với estrogen mà không có bất kỳ progesterone nào.
Phytoestrogen là các hợp chất không steroid được tìm thấy trong thực vật có các hoạt động giống như estrogen hoặc được cơ thể phân hủy thành các hợp chất có hoạt tính giống như estrogen. Chúng được tìm thấy trong các loại thực phẩm làm từ đậu nành. Nghiên cứu cho thấy phytoestrogen có thể ngăn chặn các tác động gây ung thư mà mức độ cao của estrogen tự nhiên có thể có đối với tử cung.
Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Ung thư Bắc California đã đánh giá mối liên quan giữa chế độ ăn uống có 3 loại phytoestrogen (isoflavone - loại phổ biến nhất, coumestans và lignans) và nguy cơ ung thư nội mạc tử cung ở hơn 1.000 phụ nữ từ 35 - 79 tuổi.
Các nhà nghiên cứu không chỉ đánh giá khẩu phần ăn mà còn đánh giá các yếu tố như hoạt động thể chất, đặc điểm chu kỳ kinh nguyệt, tần suất và mức độ mà các tình nguyện viên ăn thực phẩm có chứa phytoestrogen.
Kết quả cho thấy rằng tiêu thụ isoflavone và lignans, nhưng không phải coumestans, có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung, đặc biệt là ở phụ nữ sau mãn kinh. Phụ nữ béo phì sau mãn kinh tiêu thụ hàm lượng isoflavone hoặc lignans thấp có nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung cao nhất.
Thực phẩm có chứa isoflavone và lignans cũng bao gồm:
- Các loại ngũ cốc;
- Hoa quả sấy khô;
- Đậu hũ;
- Nước cam;
- Cà phê.
Hầu hết các trường hợp (77%) ung thư nội mạc tử cung được chẩn đoán ở giai đoạn sớm nhất khi ung thư chỉ có trong tử cung và có thể được chữa khỏi. Phương pháp điều trị chính cho bệnh ung thư này là cắt bỏ tử cung để loại bỏ tử cung, cổ tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng một số phytoestrogen nhất định được tiêu thụ ở mức độ trong chế độ ăn uống điển hình của người Mỹ có liên quan đến việc làm giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Do đó, phụ nữ ăn nhiều thực phẩm từ đậu nành thì nguy cơ ung thư nội mạc tử cung càng thấp.
Không hoàn toàn rõ ràng tại sao thực phẩm đậu nành có thể chống ung thư. Bởi vì các tế bào mỡ sản xuất estrogen, những phụ nữ nặng cân có xu hướng có nhiều estrogen hơn những phụ nữ mảnh mai. Điều này ủng hộ quan điểm rằng đậu nành bằng cách nào đó bảo vệ chống lại các tác động gây ung thư của estrogen.
Nhưng đậu nành dường như bảo vệ phụ nữ cả trước và sau khi mãn kinh và liệu pháp hormone estrogen không làm giảm tác dụng bảo vệ. Các nguồn đậu nành tuyệt vời bao gồm sữa đậu nành, hạt đậu nành non sống (edamame), đậu phụ, tempeh và hạt đậu nành khô (hạt đậu nành).
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com, ncbi.nlm.nih.gov