Đau thần kinh tọa có nguy hiểm không?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa - Bác sĩ Nội thần kinh - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Đau thần kinh tọa thường sẽ tự khỏi khi nghỉ ngơi. Hầu hết các triệu chứng sẽ cải thiện mà không cần phẫu thuật, khoảng một nửa số bệnh nhân sẽ phục hồi trong vòng 6 tuần. Tuy nhiên, nếu cơn đau không thuyên giảm hoặc trầm trọng thêm, hãy đi khám để được điều trị kịp thời.

1. Tổng quan về bệnh đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa là tình trạng dây thần kinh bị tổn thương gây các cơn đau nhức thường xuyên chạy dọc theo vùng hông, mông và cả chân. Đa số bệnh gặp ở những người mắc các bệnh lý liên quan đến đĩa đệm, đặc biệt là thoát vị đĩa đệm.

Đau thần kinh tọa thường xảy ra ở những người đang trong độ tuổi lao động, đặc biệt là những người thường xuyên vận động mạnh hoặc làm các công việc mang vác.

2. Triệu chứng của bệnh đau thần kinh tọa

Triệu chứng ban đầu của đau thần kinh tọa thường là những cơn đau xảy ra từ phần dưới thắt lưng, kéo dài tới mông và chân. Tính chất đau khác nhau ở mỗi người, có người đau nhức, đau dữ dội, có người lại cảm thấy châm chính hoặc nóng rát.

Ngoài ra, một số triệu chứng khác cũng có thể xuất hiện kèm theo như tê hoặc ngứa ran bàn chân, khó cúi người, khó xoay sang bên trái, bên phải, v.v... Đây đều là những dấu hiệu cảnh báo đau thần kinh tọa, do đó, khi xuất hiện triệu chứng bệnh thì cần đi khám và điều trị sớm.

3. Đau dây thần kinh tọa có nguy hiểm không?

Đau dây thần kinh tọa không đe dọa trực tiếp tới tính mạng của người bệnh, nhưng không tự thuyên giảm nếu không điều trị. Việc trì hoãn điều trị có thể khiến cơn đau dữ dội và khó chữa hơn. Những người điều trị sớm thì khỏi bệnh nhanh sau một thời gian ngắn, trong khi đó, những người mắc bệnh ở mức nặng hơn cần được phẫu thuật để kiểm soát tình trạng đau nhức.

Biến chứng đau thần kinh tọa có thể xảy ra ở những người điều trị bệnh muộn. Đã có người bệnh bị tàn phế vì căn bệnh này. Do đó, khi có dấu hiệu, bạn nên đi khám và điều trị tích cực, tránh các biến chứng đau thần kinh tọa xảy ra.

Khi có các triệu chứng liên quan đến thần kinh như yếu chân hoặc hội chứng chùm đuôi ngựa (rối loạn chức năng ruột và bàng quang) thì cần đi bệnh viện để được phẫu thuật ngay lập tức. Bên cạnh đó, nếu đau thần kinh tọa nghi ngờ liên quan đến khối u cột sống hoặc nhiễm trùng cũng cần được điều trị ngay.


Biến chứng đau thần kinh tọa có thể xảy ra ở những người điều trị bệnh muộn
Biến chứng đau thần kinh tọa có thể xảy ra ở những người điều trị bệnh muộn

4. Cách chữa đau thần kinh tọa

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra các cách chữa đau thần kinh tọa khác nhau:

4.1. Tình trạng nhẹ

Đối với đau thần kinh tọa mức độ nhẹ, điều trị nội khoa sẽ được áp dụng điều trị. Cụ thể, người bệnh nhân nên tập trung vào những việc sau:

  • Thay đổi các thói quen sinh hoạt hàng ngày, nghỉ ngơi nhiều hơn
  • Hạn chế vận động mạnh
  • Không giữ một tư thế đứng hoặc ngồi trong khoảng thời gian dài
  • Người bệnh cũng được khuyến khích nên nằm trên giường cứng

4.2. Tình trạng nặng

Đối với đau thần kinh tọa mức độ nặng, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị ngoại khoa, cụ thể là tiến hành phẫu thuật. Bên cạnh đó, một số phương pháp điều trị khác cũng có thể được chỉ định như điều trị bằng vật lý trị liệu hoặc châm cứu, chườm nóng, chườm lạnh.

5. Một số bài tập dành cho người bệnh đau thần kinh tọa

Hiện nay, người bị đau thần kinh tọa được khuyến khích thực hiện một số bài tập đơn giản để giảm bớt tình trạng đau nhức. Đây là phương pháp đơn giản, tiết kiệm lại phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau.

Một số bài tập mà bạn có thể tham khảo gồm kéo giãn lưng hoặc là vặn người trên thảm với động tác tương đối đơn giản, dễ thực hiện. Bạn nên luyện tập trong khoảng 10 - 15 phút mỗi ngày để cơ thể trở nên dẻo dai hơn. Và nghỉ ngơi 5 - 10 giây sau mỗi lần thực hiện động tác, việc tập luyện vừa sức sẽ đem lại hiệu quả cao, giúp cải thiện tình hình sức khỏe.

6. Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh đau thần kinh tọa bao gồm:

  • Tuổi tác: Khi bạn già đi, các bệnh lý về cột sống như thoát vị đĩa đệm và gai cột sống cũng theo đó mà xuất hiện, đây chính là những nguyên nhân phổ biến nhất của đau thần kinh tọa
  • Nghề nghiệp: Những công việc mang vác, xoay trở nhiều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đau thần kinh tọa
  • Ngồi không đổi tư thế trong một thời gian dài
  • Béo phì
  • Bệnh tiểu đường

XEM THÊM: Đau thần kinh tọa có nên đi bộ, tập thể dục không?


Công việc mang vác có thể làm tăng nguy cơ mắc đau thần kinh tọa
Công việc mang vác có thể làm tăng nguy cơ mắc đau thần kinh tọa

7. Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?

Đau thần kinh tọa nhẹ thường biến mất trong vòng một vài tuần. Tuy nhiên, bạn hãy liên hệ với bác sĩ nếu các biện pháp tự chăm sóc tại nhà không thể làm giảm bớt các triệu chứng hoặc nếu cơn đau ngày càng tồi tệ và kéo dài hơn.

Bạn nên đến khám bác sĩ khi gặp các triệu chứng dưới đây:

  • Đột ngột đau nặng ở vùng thắt lưng hoặc chân
  • Tê hoặc yếu cơ ở chân
  • Đau sau một chấn thương mạnh, ví dụ như tai nạn giao thông
  • Đi tiểu mất kiểm soát

8. Làm thế nào để phòng ngừa đau thần kinh tọa?

Một số nguyên nhân gây đau thần kinh tọa là không thể ngăn chặn được như tai nạn, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm và áp lực lên cột sống khi mang thai. Dù không thể ngăn chặn tất cả các nguyên nhân gây đau thần kinh tọa, nhưng bạn có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh bằng cách:

  • Nâng đồ vật đúng cách: Khi nâng đồ vật dù nặng hay nhẹ, bạn cũng cần phải nâng theo kỹ thuật sau: Luôn giữ lưng thẳng và ngồi xuống ngang tầm với đồ vật, giữ đồ vật và đứng lên bằng sức mạnh ở cơ chân và hông, giữ đồ vật sát ngực nhất có thể
  • Ngừng hút thuốc lá, vì thuốc lá thúc đẩy quá trình thoái hóa cột sống
  • Tránh ngồi trong thời gian dài
  • Duy trì những tư thế tốt khi ngồi, đứng và ngủ. Tư thế tốt là những tư thế giúp giảm áp lực lên lưng
  • Có thói quen tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức mạnh cơ bắp của lưng và bụng.

Đau dây thần kinh tọa không đe dọa trực tiếp tới tính mạng của người bệnh, nhưng không tự thuyên giảm nếu không điều trị. Việc trì hoãn điều trị có thể khiến cơn đau dữ dội và khó chữa hơn. Vì thế, khi mắc bệnh thì bệnh nhân cần tuân thủ theo phác đồ điều trị đau thần kinh tọa của bác sĩ và kiên trì trong thời gian điều trị để quá trình đẩy lùi bệnh được thuận lợi và dễ dàng hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe