Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Trần Quốc Tuấn - Trưởng đơn nguyên hồi sức - ICU - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Cơn bão giáp trạng là tình trạng mất bù của cường giáp có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Chẩn đoán cơn bão giáp trạng dựa trên triệu chứng lâm sàng gợi ý và phải điều trị ngay trước khi có các xét nghiệm cận lâm sàng
1. Cơn bão giáp trạng là gì?
Cơn bão giáp trạng hay còn gọi là cường giáp kịch phát là tình trạng ngộ độc giáp xuất hiện kịch phát (do mất bù cường giáp) gây nguy hiểm đến tính mạng và người bệnh cần được cấp cứu. Mặc dù rất hiếm gặp nhưng bệnh nhân lên cơn cường giáp kịch phát nếu không được điều trị kịp thời đối mặt với nguy cơ tử vong cao.
Cơn bão giáp trạng thường xuất hiện ở những bệnh nhân phẫu thuật tuyến giáp, tuyến cận giáp hoặc bị chấn thương, nhiễm trùng, sau sinh. Và cũng có thể xảy ra ở những bệnh nhân cường giáp (do bệnh Basedow, bướu giáp, u tuyến giáp) tiến triển lâu ngày nhưng không được chẩn đoán và điều trị phù hợp, đầy đủ và kịp thời.
Nhận biết các dấu hiệu và chẩn đoán phát hiện sớm cơn bão giáp trạng giúp điều trị kịp thời giúp hạn chế nguy cơ tử vong. Bên cạnh đó, bệnh nhân trước khi phẫu thuật tuyến giáp nếu được chuẩn bị tốt sẽ hạn chế khả năng cơn bão giáp trạng.
2. Dấu hiệu nhận biết cơn bão giáp trạng
Cơn bão giáp trạng có dấu hiệu nhận biết trên toàn thân, thần kinh, tim mạch, tiêu hóa thường gặp sau:
- Dấu hiệu toàn thân: Sốt cao trên 39 độ C, thậm chí có thể lên đến 41 độ C, đổ mồ hôi nhiều gây mất nước.
- Dấu hiệu thần kinh: Rối loạn cảm xúc, kích động, loạn thần, hôn mê.
- Dấu hiệu tim mạch: Thở nhanh, thở gấp, tim đập nhanh (>140 lần/phút), rối loạn nhịp tim, rung nhĩ, suy tim xung huyết (thường gặp ở người già). Huyết áp không ổn định, trường hợp hạ huyết áp có thể dẫn đến hậu quả xấu. Cường giáp kịch phát nếu không được xử trí và điều trị có thể dẫn đến suy tim, tử vong trong tình trạng phù phổi cấp, suy tim xung huyết, trụy tim mạch.
- Dấu hiệu tiêu hóa: Đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy. Kèm theo tiêu hóa là biểu hiện vàng da, tế bào gan bị hoại tử hoặc xung huyết tế bào gan.
- Dấu hiệu nhược cơ: Chủ yếu là các cơ trung tâm, nhưng nếu nặng bệnh nhân có thể bị nhược cơ các cơ đầu chi, cơ mặt và cơ thân, co kéo cơ mi.
3. Chẩn đoán cơn bão giáp trạng
Dấu hiệu trên lâm sàng là cơ sở để chẩn đoán cơn bão giáp trạng. Hiện nay, vẫn chưa thống nhất tiêu chuẩn chẩn đoán cơn bão giáp trạng. Các xét nghiệm cận lâm sàng được chỉ định nhưng được dùng để tham khảo kết hợp với bảng đánh giá khả năng cơn bão giáp trạng của Wartofsky. Theo bảng này, tổng điểm càng cao thì nguy cơ bão giáp trạng càng lớn.
- Các xét nghiệm cận lâm sàng chẩn đoán cường giáp kịch phát gồm:
- Thyroxine (T4) toàn phần và tự do: Tăng. Triiodothyronine (T3) toàn phần và tự do có thể bình thường hoặc giảm, TSH giảm. Xét nghiệm này cho thấy có cường giáp nhưng không phải là xét nghiệm đặc hiệu dùng để chẩn đoán.
- Rối loạn chức năng gan: Nồng độ bilirubin trong máu tăng, AST và ALT tăng, men gan tăng.
- Số lượng bạch cầu, hồng cầu: Bạch cầu tăng, trong khi hồng cầu giảm.
- Đường huyết: Tăng. Nếu hạ đường huyết có thể báo hiệu tình huống xấu
- Nồng độ canxi trong máu: Tăng
Ngay khi được chẩn đoán cơn bão giáp trạng, bệnh nhân cần được điều trị ngay lập tức.
Cơn bão giáp trạng mặc dù hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Vì vậy, bệnh nhân ngay khi có dấu hiệu nhận biết và chẩn đoán cần được điều trị ngay.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.