Rối loạn chức năng tuyến giáp ở trẻ sơ sinh nguy hiểm như thế nào?

Hỏi

Chào bác sĩ!

Rối loạn chức năng tuyến giáp ở trẻ sơ sinh nguy hiểm như thế nào, có thể điều trị khỏi không? Cường giáp ở trẻ sơ sinh hướng điều trị như thế nào, có thể điều trị khỏi bệnh không? Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi. Tôi xin cảm ơn.

Câu hỏi ẩn danh

Chào bạn! Với câu hỏi của bạn bác sĩ xin được trả lời như sau:

Với bệnh lý Suy giáp

Suy giáp là tình trạng tuyến giáp giảm hoặc không hoạt động hoàn toàn, dẫn đến thiếu hụt hormone giáp trong máu. Suy giáp có thể phát triển từ khi mới sinh ra (suy giáp bẩm sinh) hay tuyến giáp ban đầu bình thường nhưng vì một bệnh lý nào đó gây tổn thương tuyến giáp về sau (suy giáp mắc phải).

Hormone giáp tham gia vào quá trình phát triển não bộ từ trong bào thai rồi xuyên suốt giai đoạn trẻ còn nhỏ, do đó suy giáp bẩm sinh là một trong những nguyên nhân chính gây thiểu năng trí tuệ. Nếu được phát hiện sớm và được bổ sung hormone giáp (levothyroxine) kịp thời, trẻ sẽ phát triển trí tuệ cũng như thể chất tương tự như người bình thường.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác gây suy giáp có thể phát hiện ở lứa tuổi lớn hơn là viêm giáp Hashimoto. Bệnh lý này xuất hiện ở nữ nhiều hơn nam và đôi khi gặp với tần suất cao hơn nếu trong gia đình của trẻ đã có người mắc bệnh này. Giai đoạn đầu, chức năng tuyến giáp còn bình thường, tuy nhiên bố mẹ cần cho trẻ theo dõi định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để kịp thời phát hiện suy giáp và điều trị đúng mức. Ngoài ra, bác sĩ có thể khám và thực hiện các xét nghiệm để phát hiện một số bệnh lý thường đi kèm với viêm giáp Hashimoto như đái tháo đường type 1, viêm gan tự miễn, bệnh Crohn, thiếu máu...

Với bệnh lý Cường giáp

Cường giáp là tình trạng tuyến giáp tăng hoạt động quá mức, trong đó nguyên nhân thường gặp ở trẻ em là bệnh Graves. Bệnh hay xuất hiện nhất ở trẻ nữ quanh khoảng tuổi dậy thì. Ngoài một số đặc điểm như đánh trống ngực, run tay, đổ mồ hôi, sụt cân, tiêu chảy, trẻ có thể biểu hiện lồi mắt, tuy nhiên ít nặng và rõ như người lớn. Những triệu chứng này ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ, đặc biệt với trẻ đang còn học tập tại trường. Các biện pháp điều trị bao gồm thuốc kháng giáp, phẫu thuật và iod phóng xạ.

Thuốc kháng giáp là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất do tính sẵn có, giá cả phù hợp và khả năng đáp ứng lui bệnh cao. Iod phóng xạ ít khi được dùng lúc trẻ còn nhỏ, đặc biệt với trẻ <5 tuổi, do nguy cơ ảnh hưởng đến những cơ quan khác, tuy nhiên bác sĩ vẫn có thể cân nhắc chỉ định ở trẻ lớn hơn nếu như không đáp ứng khi điều trị thử với thuốc kháng giáp. Phẫu thuật cắt tuyến giáp là biện pháp cuối cùng khi tình trạng cường giáp không kiểm soát được hoàn toàn với hai phương tiện nêu trên.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng Hệ thống Y tế Vinmec, rất mong có thể gặp trực tiếp bạn để có thể được tư vấn kỹ càng hơn. Trân trọng!

Được tư vấn bởi Bác sĩ nội trú Dương Văn Sỹ - Bác sĩ nội trú nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe