Rạn da trên hông là tình trạng rất phổ biến, chúng thường xảy ra ở phụ nữ nhưng đôi khi cũng xuất hiện ở nam giới. Có thể có nhiều nguyên nhân và yếu tố gây ra rạn da hông, nhưng nguyên nhân chính là sự tăng cân đột ngột làm cho da không kịp căng giãn.
1. Tổng quan rạn da trên hông
Rạn da là tình trạng da bị kéo căng nhanh hơn mức có thể phát triển, lớp giữa của da có thể bị rách, gây ra các đường vân trên da. Nhiều người xuất hiện bắt đầu bằng những đường vân hồng, hơi tía, rồi nhạt dần ở cuối vết rạn, các vết rạn thành các vân song song nhau. Mặc dù rạn da trên hông có thể gặp ở mọi đối tượng nhưng thường thấy ở phụ nữ hơn so với nam giới
Một số nguyên nhân dẫn tới da hông bị rạn, bao gồm:
- Sự tăng trưởng nhanh chóng trong độ tuổi dậy thì.
- Phát triển cơ bắp nhanh do tập luyện thể thao và thể hình.
- Tăng cân nhanh chóng hoặc mắc bệnh béo phì.
- Mang thai: Vùng bụng phát triển to nhanh chóng nhất là những tháng cuối thai kỳ, khiến phụ nữ mang thai rất dễ bị rạn da trên hông.
- Nguyên nhân do sự hình thành collagen bất thường
- Bệnh nhân lạm dụng quá nhiều kem bôi da có chứa cortisone
- Sử dụng một số loại thuốc ngăn chặn sự hình thành collagen
- Tiền sử gia đình bị rạn da, thì khi tăng cân hay thay đổi trọng lượng sẽ dễ bị rạn da hơn.
- Một số bệnh lý có thể gặp gây rạn da như: Hội chứng cushing gây giữ nước và da bị mỏng nên dễ hình thành vết rạn, xơ cứng bì hệ thống.
2. Những biện pháp cải thiện vết rạn trên da
Một số các biện pháp như dùng kem hay can thiệp có thể giúp làm mờ vết rạn da ở hông.
2.1 Dùng kem trị rạn da trên hông
Sau khi tìm hiểu và chẩn đoán các nguyên nhân gây ra vết rạn da, có thể bác sĩ sẽ kê một số loại kem để bôi trên da nhằm làm mờ vết rạn như:
- Kem tretinoin: Đây là một dẫn xuất của vitamin A, có tác dụng chống oxy hóa. Theo một số nghiên cứu cho thấy sự cải thiện về biểu hiện của các vết rạn liên quan đến thai nghén khi sử dụng loại kem này.
- Kem Trofolastin và kem Alphatria: Kem Trofolastin chứa chiết xuất từ cây rau má (Centella asiatica), là một loại dược thảo được cho là có tác dụng tăng sản xuất collagen. Kem alphatria là sự kết hợp các thành phần như axit béo, vitamin với axit hyaluronic, có tác dụng kích thích sản xuất collagen. Cả hai loại kem này đều cho thấy tác dụng tốt với rạn da trên những nghiên cứu. Tuy nhiên chú ý cần hỏi ý kiến bác sĩ khi dùng cho phụ nữ mang thai và cho con bú.
- Gel silicon: Là một thành phần thường được dùng trị sẹo. Giúp tăng mức collagen, giảm sự tăng sắc tố da trên vết rạn và giúp giảm ngứa.
2.2 Một số biện pháp điều trị khác
Nếu như bạn muốn loại bỏ hoàn toàn vết rạn trên hông, thì có nhiều phương pháp điều trị khác nhau đã được chứng minh là có hiệu quả. Tuy nhiên, trên thực tế thì không có phương pháp nào chắc chắn sẽ loại bỏ hoàn toàn những vết rạn, nó có thể giúp vết rạn khó nhìn thấy hơn. Một số lựa chọn cho bạn bao gồm:
- Liệu pháp laser. Liệu pháp sử dụng tia laser được dụng để sửa chữa và giúp tái tạo tế bào da. Từ đó có thể làm mềm và làm phẳng sự xuất hiện của một số vết rạn trên da. Nó có thể không xóa bỏ hoàn toàn các vết rạn da, nhưng đối với một số người nó có thể làm mờ và ít gây chú ý hơn, khiến cho bạn cảm thấy tự tin hơn.
- Huyết tương giàu tiểu cầu: Một số nghiên cứu đánh giá cho thấy nó có thể giúp xây dựng lại collagen, khiến vết rạn da khó phát hiện hơn. Cùng một nghiên cứu chỉ ra rằng tiêm huyết tương tiểu cầu có hiệu quả hơn so với dùng kem tretinoin.
- Lăn kim vi điểm: Giúp kích hoạt tạo elastin và collagen bằng cách chọc thủng lớp trên cùng của da với các mũi kim siêu nhỏ. Từ đó giúp cải tạo và làm mờ vết rạn. Phương pháp này cần khoảng tối đa sáu lần điều trị trong khoảng sáu tháng để đạt kết quả tối ưu.
- Phương pháp mài mòn da vi điểm Microdermabrasion : Sử dụng một công cụ mài mòn để mài một lớp da bên ngoài của da. Sau những nghiên cứu đánh giá thì người ta kết luận rằng phương pháp mài da vi điểm có cùng mức độ tác động lên vết rạn da tương tự như dùng kem tretinoin.
2.3 Các biện pháp tự chăm sóc vết rạn da tại nhà
- Tránh các loại kem có chứa thành phần corticoid. Những loại kem này có thể làm giảm khả năng căng da của bạn, tạo điều kiện có thể hình thành vết rạn da.
- Chế độ ăn nên cung cấp đầy đủ các chất cũng giúp giảm hình thành các vết rạn. Cần bổ sung các loại thực phẩm giàu các chất như vitamin C, vitamin E, kẽm giúp ngăn ngừa rạn da.
- Uống đủ nước giúp cung cấp đủ nước cho da, giúp da luôn mềm mại và hoạt động co giãn linh hoạt hơn.
- Thoa một số loại dầu trên da giúp hạn chế việc hình thành vết rạn như dầu dừa, dầu ô liu, dầu hạnh nhân... Đặc biệt với những người mang thai, thì việc sử dụng loại dầu này giúp hạn chế sự rạn da khi bạn tăng cân hoặc vùng bụng to ra nhanh chóng. Một nghiên cứu trên phụ nữ mang thai cho thấy việc kết hợp massage với dầu hạnh nhân có kết quả tích cực trong việc giảm sự phát triển của các vết rạn da.
3. Hông bị rạn khi nào cần khám bác sĩ
Hầu hết vết rạn da trên hông đều lành tính, nhưng cũng có đôi khi là yếu tố bệnh lý. Những trường hợp sau bạn nên tới thăm khám bác sĩ:
- Nếu thấy những vết rạn da ở hông của mình một cách tình cơ, mà không phải trải qua những thay đổi về thể chất như tăng cân nhanh chóng hoặc phát triển cơ bắp thì có thể liên quan tới một vấn đề bệnh lý nào đó cần thăm khám.
- Ngoài ra, một số người cảm thấy rất tự ti về những vết rạn trên bắp tay của mình gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày thì hãy nói chuyện với bác sĩ để giúp các biện pháp cải thiện.
Rạn da trên hông không phải tình trạng hiếm gặp, nó khá phổ biến nhất là với phụ nữ. Tuy nhiên, nếu điều này gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bạn nên thăm khám bởi các bác sĩ da liễu để được điều trị hiệu quả nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.