Gãy xương cẳng tay, cánh tay là tổn thương phổ biến do va chạm, tai nạn, ẩu đả. Việc nắm rõ các dấu hiệu như đau đớn, sưng tấy, biến dạng, hạn chế vận động... là chìa khóa để chẩn đoán và điều trị gãy xương kịp thời.
Bài viết được viết dưới sự hướng dẫn của các Bác sĩ chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình thuộc Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
1. Gãy xương cánh tay, cẳng tay là gì?
Cánh tay được cấu tạo bởi 3 xương chính: xương trụ, xương quay và xương cánh tay. Gãy xương cánh tay, cẳng tay xảy ra khi một hoặc nhiều xương trong số này bị gãy, thường do tai nạn như ngã xe, ngã chống tay, tai nạn giao thông, ẩu đả,...
Gãy xương cẳng tay có thể là gãy một hoặc cả hai xương trụ và xương quay ở phần cẳng tay.
Các kiểu gãy xương cẳng tay phổ biến:
- Gãy cả hai xương quay và xương trụ.
- Gãy đơn thuần: Chỉ gãy một trong hai xương, xương quay hoặc xương trụ.
- Gãy 1/3 đầu trên xương trụ.
- Gãy 1/3 đầu dưới xương quay.
2. Nguyên nhân gây gãy xương cẳng tay, cánh tay là gì?
Nguyên nhân gây gãy xương cánh tay, cẳng tay là gì là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Tình trạng gãy xương cẳng tay, cánh tay có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, thường được chia thành hai loại chính: nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân gián tiếp.
- Nguyên nhân trực tiếp: Gãy xương cẳng tay do va đập mạnh trực tiếp như bị đánh trực diện, tai nạn giao thông hoặc áp lực lên tay.
- Nguyên nhân gián tiếp: Khi ngã, do phản xạ tự nhiên, bàn tay có xu hướng duỗi thẳng ra để chống đỡ cơ thể, dẫn đến gãy xương ở vị trí từ cổ tay đến vai.
Những đối tượng có nguy cơ cao bị gãy xương cẳng tay:
- Người cao tuổi: Do quá trình lão hóa khiến xương dễ gãy hơn.
- Người bị loãng xương.
- Người thường xuyên chơi thể thao đối kháng: Những môn điển hình, dễ gây va chạm như đá bóng, bóng rổ, bóng bầu dục, trượt ván,...
3. Dấu hiệu bệnh nhân bị gãy xương cánh tay, cẳng tay
Gãy xương cẳng tay, cánh tay có thể gây ra nhiều triệu chứng như:
- Đau nhức trong xương cánh tay, đau tăng mạnh khi cử động.
- Có thể nghe thấy tiếng gãy răng rắc khi xảy ra va chạm.
- Sưng đau.
- Bầm tím.
- Biến dạng cánh tay, cổ tay cong lại.
- Khó khăn hoặc không thể cử động cánh tay như bình thường.
- Có thể xuất hiện những cử động kỳ lạ hoặc không tự chủ ở cẳng tay.
Cấp cứu kịp thời khi gãy xương cẳng tay, cánh tay là điều vô cùng quan trọng để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm và rút ngắn thời gian hồi phục sau phẫu thuật, tránh tổn thương kéo dài làm ảnh hưởng quá trình hồi phục giải phẫu cánh tay
4. Biến chứng có thể xảy ra
Hầu hết các trường hợp gãy xương cẳng tay nếu được xử trí kịp thời và hợp lý sẽ có tiên lượng rất tốt. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách, một số biến chứng có thể xảy ra bao gồm:
- Tăng trưởng không đồng đều ở trẻ: Xương của trẻ em vẫn đang trong giai đoạn phát triển, do đó gãy xương ở đĩa tăng trưởng, khu vực gần đầu của xương trụ hay xương quay, có thể làm cản trở quá trình phát triển của xương đó.
- Viêm xương khớp: Gãy xương lan vào khớp có thể tiềm ẩn nguy cơ viêm khớp tại vị trí đó nhiều năm sau.
- Giảm linh hoạt: Việc cố định bằng khung kim loại để hỗ trợ lành xương cẳng tay bị gãy nặng có thể gây hạn chế vận động khớp khuỷu tay và vai.
- Nhiễm trùng xương: Khi một phần xương gãy nhô ra qua da, vết thương hở này tạo điều kiện cho vi trùng xâm nhập, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng. Việc điều trị kịp thời tình trạng gãy xương này là rất quan trọng.
- Chấn thương thần kinh hoặc mạch máu: Khi xương gãy thành nhiều mảnh, các đầu xương gãy sắc nhọn có khả năng gây tổn thương cho các dây thần kinh và mạch máu xung quanh vị trí gãy.
- Hội chứng chèn ép khoang: Cánh tay bị thương sưng tấy quá mức có thể gây nguy hiểm do cản trở lưu thông máu, dẫn đến đau đớn và tê liệt. Tình trạng này thường xảy ra từ 24 đến 48 giờ sau khi bị thương và cần được phẫu thuật.
5. Phương pháp chẩn đoán
5.1 Chẩn đoán lâm sàng
Khi khám gãy xương cẳng tay, bác sĩ sẽ kiểm tra xem bệnh nhân có các dấu hiệu như đau đớn, sưng tấy, biến dạng hay vết thương hở hay không. Bác sĩ cũng sẽ hỏi về các triệu chứng và nguyên nhân gây ra chấn thương. Dựa trên thông tin này, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang để xác định vị trí và mức độ nghiêm trọng của gãy xương.
5.2 Chẩn đoán cận lâm sàng
Chụp X-quang là phương pháp phổ biến để xác định vị trí và mức độ tổn thương. Tuy nhiên, trong trường hợp nghi ngờ gãy xương ảnh hưởng đến mạch máu, dây thần kinh hoặc mô mềm khác, bác sĩ có thể yêu cầu thêm chụp cộng hưởng từ MRI để có hình ảnh chi tiết hơn.
6. Khi nào cần thăm khám bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và điều trị kịp thời:
- Đau dữ dội: Bệnh nhân đang chịu đựng cơn đau dữ dội, dai dẳng và không thuyên giảm hoặc chỉ giảm nhẹ khi sử dụng thuốc giảm đau.
- Sưng tấy và biến dạng: Cẳng tay bị sưng tấy rõ rệt hoặc có hình dạng khác biệt so với cẳng tay bên kia.
- Hạn chế vận động: Đau khiến bệnh nhân không thể cử động tay bình thường.
- Đau nhói: Khi ấn vào một điểm cụ thể trên cẳng tay, bệnh nhân thấy đau nhói.
- Xương gãy hở: Nhìn thấy đầu xương gãy nhô ra dưới da.
- Chảy máu: Chảy máu ồ ạt và không thể cầm máu tại vị trí vết thương.
- Mất ý thức: Bị bất tỉnh sau chấn thương.
- Có các tổn thương khác đi kèm.
7. Phương pháp điều trị
7.1 Sơ cứu gãy xương cẳng tay
- Dùng túi nước đá bọc trong khăn mềm, sau đó đặt túi nước đá lên vùng bị thương trong tối đa 20 phút. Lặp lại hành động này sau mỗi 2-3 giờ cho đến khi bệnh nhân thấy bớt đau và sưng.
- Khi gãy xương kèm theo chảy máu, việc đầu tiên cần làm là cầm máu bằng cách ấn chặt lên vết thương bằng miếng vải hoặc băng sạch nếu có sẵn.
- Hãy tháo bỏ tất cả đồ trang sức như nhẫn và đồng hồ của bệnh nhân.
- Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
7.2 Cố định xương gãy
Tại bệnh viện, cánh tay bị gãy sẽ được cố định bằng thanh nẹp để hỗ trợ và ngăn xương di lệch. Khác với bó bột toàn bộ, thanh nẹp có thể điều chỉnh siết chặt hơn hoặc nới lỏng ra, giúp kiểm soát tình trạng vết thương hiệu quả hơn.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể sử dụng thêm bột thạch cao để cố định hoàn toàn cánh tay cho đến khi lành hẳn. Việc bó bột có thể được thực hiện sau khi nẹp vài ngày để đợi vết sưng tấy giảm bớt.
7.3 Dùng thuốc
Bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau như paracetamol hoặc thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) để giúp bệnh nhân giảm đau sau khi gãy tay. Thời gian hồi phục sau gãy tay thường mất khoảng 6 đến 8 tuần, vì vậy bệnh nhân có thể sử dụng thuốc giảm đau từ khi ở bệnh viện cho đến khi về nhà.
7.4 Phẫu thuật
Để xác định có vết nứt xương hay không và mức độ nghiêm trọng của vết nứt dựa trên kết quả chụp X-quang hoặc MRI, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp phẫu thuật như:
- Cố định ngoài.
- Mổ kết hợp xương nẹp vít.
- Mổ đóng đinh nội tủy.
7.5 Những biện pháp khác
Sau khi tình trạng gãy xương cẳng tay đã được cải thiện đáng kể, bác sĩ sẽ khuyến nghị bệnh nhân tham gia thêm các buổi vật lý trị liệu nhằm hỗ trợ phục hồi chức năng vận động cho cẳng tay.
Ngoài ra, tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của mỗi người, bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp điều trị bảo tồn khác cho gãy xương cẳng tay như sau:
- Bột cánh tay treo.
- Băng tam giác.
- Nẹp bột chữ U.
- Bột ngực vai cánh tay.
- Bao ôm cánh tay.
8. Phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng tay như thế nào?
Thời gian phục hồi sau gãy cẳng tay phụ thuộc vào vị trí gãy, mức độ nghiêm trọng của chấn thương.
- Người lớn: Thông thường cần 3 - 6 tháng để xương lành, có khi lên tới 12 tháng để hồi phục hoàn toàn chức năng vận động.
- Trẻ em: Thường có thời gian lành xương nhanh hơn người lớn.
Quá trình phục hồi chức năng cho gãy xương cánh tay (trong trường hợp không phẫu thuật) sẽ bắt đầu sau khi tháo bột khoảng 2 tuần. Bác sĩ sẽ hướng dẫn các bài tập vận động nhẹ nhàng để tăng cường khả năng cử động của cánh tay, sau đó là các bài tập tăng cường sức mạnh cánh tay.
9. Cách phòng tránh
Tuy không thể hoàn toàn ngăn chặn khả năng bị gãy xương cẳng tay nhưng mọi người có thể áp dụng các biện pháp sau để giảm thiểu nguy cơ:
- Chế độ ăn uống: Ăn nhiều thực phẩm giàu canxi như sữa, sữa chua, phô mai và thực phẩm giàu vitamin D như cá hồi, sữa, nước cam.
- Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào sáng sớm cũng giúp cơ thể tổng hợp vitamin D.
- Tập luyện thể chất thường xuyên giúp xương chắc khỏe và giảm nguy cơ gãy xương. Càng lớn tuổi, việc duy trì vận động càng quan trọng.
- Sử dụng giày phù hợp, loại bỏ vật cản trong nhà, đảm bảo nhà cửa đủ ánh sáng, lắp đặt thanh vịn trong nhà tắm và cầu thang nếu cần thiết để ngăn ngừa té ngã.
- Sử dụng đồ bảo hộ: Đeo đồ bảo hộ cổ tay khi tham gia các hoạt động như trượt patin, bóng rổ, bóng đá, …
- Tránh hút thuốc lá.
10. Vì sao nên điều trị gãy xương cẳng tay, cánh tay tại Vinmec?
Phẫu thuật kết hợp xương trên màn hình tăng sáng được thực hiện thường quy tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn, mang lại nhiều lợi ích vượt trội cho bệnh nhân:
- Ít tổn thương phần mềm xung quanh.
- Thời gian mổ ngắn.
- Bộc lộ chính xác vị trí ổ gãy.
- Giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng.
- Không cần nằm viện quá lâu sau mổ.
- Giảm đau trong khi phẫu thuật và sau phẫu thuật: Vinmec áp dụng kỹ thuật giảm đau tiên tiến kết hợp với siêu âm để đảm bảo hiệu quả giảm đau và độ chính xác tối ưu.
- Bệnh nhân có thể phục hồi chức năng sớm và tái sinh hoạt bình thường.
- Vinmec sử dụng thường quy các loại đinh, nẹp khóa tiên tiến, giúp cố định xương gãy chắc chắn theo đúng trục giải phẫu, giảm nguy cơ gãy nẹp vít, giảm các nguy cơ khớp giả.
Đội ngũ chuyên gia dày dặn kinh nghiệm tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Vinmec Times City luôn tận tâm điều trị các bệnh lý liên quan đến hệ thống cơ xương khớp và dây chằng. Trung tâm tự hào sở hữu thế mạnh vượt trội trong lĩnh vực:
- Thay thế một phần hoặc toàn bộ đoạn xương và khớp nhân tạo;
- Thay khớp háng, gối, khuỷu tay;
- Thay khớp vai đảo ngược, các khớp nhỏ bàn ngón tay ;
- Phẫu thuật nội soi khớp tái tạo và sửa chữa các tổn thương dây chằng, sụn chêm;
- Ung thư xương, u xương và mô mềm cơ quan vận động;
- Phục hồi chức năng chuyên sâu về Y học thể thao;
- Phân tích vận động để chẩn đoán, theo dõi và cải thiện thành tích cho các vận động viên; chẩn đoán và hỗ trợ phục hồi cho người bệnh.
Trung tâm đang áp dụng các công nghệ hiện đại, tối tân vào điều trị như công nghệ tái tạo hình ảnh 3D và in 3D xương, khớp nhân tạo, công nghệ trợ cụ cá thể hóa được chế tạo và in 3D, công nghệ chế tạo và ứng dụng xương khớp nhân tạo bằng các vật liệu mới, kỹ thuật phẫu thuật chính xác bằng Robot.
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là chuyên khoa chuyên điều trị các chấn thương và tình trạng bệnh liên quan đến hệ thống cơ xương khớp và dây chằng.
Trung tâm có thế mạnh chuyên môn trong phẫu thuật, điều trị các bệnh lý:
- Thay thế một phần hoặc toàn bộ đoạn xương và khớp nhân tạo;
- Thay khớp háng, gối, khuỷu tay;
- Thay khớp vai đảo ngược, các khớp nhỏ bàn ngón tay ;
- Phẫu thuật nội soi khớp tái tạo và sửa chữa các tổn thương dây chằng, sụn chêm;
- Ung thư xương, u xương và mô mềm cơ quan vận động;
- Phục hồi chức năng chuyên sâu về Y học thể thao;
- Phân tích vận động để chẩn đoán, theo dõi và cải thiện thành tích cho các vận động viên; chẩn đoán và hỗ trợ phục hồi cho người bệnh.
Trung tâm đang áp dụng các công nghệ hiện đại, tối tân vào điều trị như công nghệ tái tạo hình ảnh 3D và in 3D xương, khớp nhân tạo, công nghệ trợ cụ cá thể hóa được chế tạo và in 3D, công nghệ chế tạo và ứng dụng xương khớp nhân tạo bằng các vật liệu mới, kỹ thuật phẫu thuật chính xác bằng Robot.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.