Dấu hiệu của ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu

Ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 được xác định là giai đoạn khi tế bào ung thư chỉ mới bắt đầu phát triển và chưa di căn đến các bộ phận xung quanh. Việc phát hiện các dấu hiệu và điều trị ung thư cổ tử cung ở giai đoạn đầu có thể tăng tỷ lệ sống sót và giảm nguy cơ tái phát.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Ơn - Khoa Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

1. Ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 là gì?

Các giai đoạn của bệnh phản ánh sự tiến triển của khối u và tình trạng di căn của tế bào ung thư đến các bộ phận khác của cơ thể. Việc xác định giai đoạn giúp cho các bác sĩ có thể đưa ra quyết định lựa chọn những phương pháp điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân.

Hệ thống phân loại của Hội Sản Phụ khoa Quốc tế (FIGO) thường được áp dụng để phân loại giai đoạn của ung thư cổ tử cung, bao gồm 4 giai đoạn được đánh số La Mã từ I đến IV.

Ung thư cổ tử cung giai đoạn 1, bao gồm ung thư cổ tử cung giai đoạn IA và IB, được chẩn đoán khi bệnh chỉ tập trung trong cổ tử cung mà chưa lan sang các mô xung quanh hoặc các cơ quan khác.

2. Triệu chứng của ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu

Ung thư cổ tử cung được phân thành bốn giai đoạn chính, giai đoạn đầu được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ. Trong giai đoạn này, tế bào ung thư chỉ mới xuất hiện ở lớp bề mặt, chưa xâm nhập sâu vào các mô, và thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Do đó, người bệnh không thể biết cơ thể mắc bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 nếu không thực hiện kiểm tra định kỳ tại phòng khám phụ khoa. Khi bệnh tiến triển đến những giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng như sau:

  • Xuất huyết âm đạo bất thường: Phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh một thời gian dài bỗng nhiên gặp phải tình trạng xuất huyết âm đạo không lý do, thường là lượng máu ít và không đi kèm với đau bụng hoặc đau lưng.
  • Tiết dịch âm đạo nhiều: Sự thay đổi về lượng và tính chất của tiết dịch âm đạo, có mùi và có thể thay đổi màu sắc.
  • Đau vùng chậu và lưng: Cơn đau từ vùng chậu có thể lan xuống đùi và gây ra sưng phù ở hai chân khi bệnh trở nên nặng hơn.
  • Chuột rút: Cảm giác đau ở vùng chậu hoặc chuột rút đột ngột, thậm chí cả trong những ngày không hành kinh.
  • Bất thường trong tiểu tiện: Rò rỉ nước tiểu khi hắt hơi, vận động mạnh, hoặc có máu trong nước tiểu, cũng như đau buốt khi tiểu tiện.
  • Chu kỳ kinh nguyệt bất thường: Trễ kinh, kinh nguyệt kéo dài, hoặc máu kinh có màu sắc đen sẫm.

3. Các giai đoạn trong ung thư cổ tử cung giai đoạn 1

Ở giai đoạn IA của ung thư cổ tử cung, khối u phát triển rất nhỏ, chỉ có thể được quan sát dưới kính hiển vi. Giai đoạn này có thể được chia thành hai nhóm:

  • Giai đoạn IA1: Độ sâu tổn thương dưới 3mm.
  • Giai đoạn IA2: Độ sâu tổn thương dao động từ 3 đến 5mm.

Ở giai đoạn IB, khối u có kích thước lớn hơn nhưng vẫn giới hạn tại cổ tử cung và chưa di căn ra xa. Giai đoạn này có thể được chia thành ba nhóm:

  • Giai đoạn IB1: Độ sâu tổn thương từ 5mm trở lên và có độ rộng dưới 2cm.
  • Giai đoạn IB2: Độ sâu tổn thương từ 5mm trở lên và có độ rộng từ 2 đến 5cm.
  • Giai đoạn IB3: Độ rộng tổn thương từ 4cm trở lên.

4. Tại sao cần sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung?

Ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, do đó, việc thực hiện sàng lọc định kỳ là biện pháp tốt nhất để phát hiện và điều trị ung thư cổ tử cung kịp thời.

Một vài nghiên cứu khuyến nghị rằng, ngay cả khi đã tiêm vaccine HPV, việc thực hiện sàng lọc vẫn là một bước quan trọng để phụ nữ phát hiện các dấu hiệu tiền ung thư và ung thư giai đoạn đầu cũng như phòng tránh bất kỳ trường hợp xấu nào xảy ra. 


Đừng lo lắng khi xét nghiệm sàng lọc ung thư bởi việc phát hiện và xử lý sớm đã cứu sống được hàng trăm ngàn người mỗi năm
Đừng lo lắng khi xét nghiệm sàng lọc ung thư bởi việc phát hiện và xử lý sớm đã cứu sống được hàng trăm ngàn người mỗi năm

Nhiều phụ nữ có thể cảm thấy lo lắng trước khi thực hiện các xét nghiệm này. Tuy nhiên, thực hiện các xét nghiệm này để phát hiện và điều trị sớm các biến đổi bất thường trước khi tình trạng trở nên nghiêm trọng đã cứu sống hàng trăm nghìn người mỗi năm.  

5. Khi nào cần sàng lọc ung thư cổ tử cung?

Các bác sĩ đều khuyến cáo tất cả phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 49 nếu đã có quan hệ tình dục, nên thực hiện xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung sớm. Tuy nhiên, nếu bản thân cảm thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì các chị em phụ nữ có thể quyết định xét nghiệm sớm hơn. 

Tất cả phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 49 nếu đã có quan hệ tình dục, nên thực hiện xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung giai đoạn 1.
Tất cả phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 49 nếu đã có quan hệ tình dục, nên thực hiện xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung giai đoạn 1.

Việc bắt đầu sàng lọc nên thực hiện sau 2 năm tính từ lúc có quan hệ tình dục và thời điểm tốt nhất để thực hiện xét nghiệm sàng lọc là khoảng 2 tuần sau ngày bắt đầu của chu kỳ kinh nguyệt. Khoảng cách thời gian giữa các lần sàng lọc sẽ được quyết định dựa trên tư vấn của bác sĩ và phụ thuộc vào kết quả của các xét nghiệm trước đó.

6. Cách chẩn đoán  

6.1 Kiểm tra Pap

Khám phụ khoa định kỳ kết hợp với xét nghiệm Pap có khả năng phát hiện phần lớn các trường hợp ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm Pap (hay còn gọi là Pap smear) là phương pháp thu thập mẫu tế bào từ cổ tử cung, sau đó kiểm tra để phát hiện các dấu hiệu tiền ung thư, ung thư hoặc các bệnh lý lành tính khác.

6.2 Xét nghiệm HPV

Trong trường hợp kết quả xét nghiệm Pap không bình thường, bác sĩ thường sẽ chỉ định bệnh nhân tiến hành xét nghiệm HPV bổ sung. Đây là xét nghiệm nhằm đánh giá virus HPV có xuất hiện trong các tế bào từ cổ tử cung hay không.

Người bệnh nằm ngửa trên bàn khám phụ khoa, một dụng cụ được gọi là mỏ vịt được đưa vào âm đạo để mở ra và tiến hành thu mẫu. Bác sĩ sử dụng dụng cụ tương tự như bàn chải để lấy mẫu tế bào hoặc nạo cổ tử cung, thu thập mẫu để tiến hành xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV.

6.3 Sinh thiết

Nếu có nghi ngờ về việc mắc phải khối u ác tính, bác sĩ cũng có thể tiến hành kiểm tra cổ tử cung và thu mẫu mô để làm sinh thiết. Có nhiều kỹ thuật khác nhau có thể được sử dụng để thu thập mẫu, bao gồm cả việc sử dụng bấm kim sinh thiết hoặc khoét chóp.

7. Cách điều trị

Phương pháp điều trị chính cho ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 là phẫu thuật. Lựa chọn loại phẫu thuật phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tuổi tác, giai đoạn của bệnh và mong muốn sinh sản của bệnh nhân.

7.1 Phẫu thuật

Phẫu thuật khoét chóp cổ tử cung: Phương pháp này thường được áp dụng cho phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn IA1 và vẫn mong muốn sinh con.

Mô bị tổn thương sẽ được loại bỏ và mô xung quanh cổ tử cung sẽ được đánh giá giải phẫu bệnh để xác định phạm vi của bệnh. Nếu không có tế bào ung thư còn sót lại trong mô cổ tử cung, bệnh nhân có thể không cần phải điều trị bổ sung.

Tuy nhiên, nếu phát hiện tế bào ung thư trong mạch máu hoặc mạch bạch huyết… hoặc khối u quá lớn, người bệnh có thể cần phải tiếp tục điều trị bổ sung.

Phẫu thuật cắt cổ tử cung: Phương pháp này bao gồm việc loại bỏ cổ tử cung, phần trên của âm đạo, một số cấu trúc và mô xung quanh cổ tử cung cũng như các hạch bạch huyết trong vùng chậu.

Phương pháp điều trị này phù hợp với các trường hợp ung thư cổ tử cung giai đoạn IA2 và IB1 với kích thước nhỏ (dưới 2cm) khi người bệnh vẫn mong muốn sinh con trong tương lai.

Phẫu thuật cắt bỏ tử cung: Loại bỏ hoàn toàn tử cung và cổ tử cung, bao gồm các phương pháp như cắt tử cung bán phần hoặc toàn phần, có hoặc không kèm việc nạo vét hạch, cắt tử cung toàn phần và 2 phần phụ (buồng trứng, vòi tử cung), hoặc cắt tử cung triệt căn.

Phương pháp cắt tử cung toàn phần là phổ biến nhất cho phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 mà không mong muốn sinh con.

7.2 Sinh thiết hạch cửa

Phương pháp này nhằm lấy mẫu hạch bạch huyết từ vùng hạch gần nhất mà tế bào ung thư có thể di căn tới, sau đó kiểm tra xem hạch đó có chứa tế bào ác tính hay không, từ đó giúp bác sĩ quyết định mức độ nạo vét hạch.

7.3 Xạ trị

Xạ trị chiếu ngoài đơn thuần hoặc kết hợp với xạ trị áp sát được sử dụng để điều trị ung thư cổ tử cung.

Xạ trị chiếu ngoài thường được thực hiện 5 ngày một tuần trong khoảng thời gian từ 6 đến 7 tuần. Xạ trị áp sát thường được thêm vào vào những tuần cuối hoặc sau khi kết thúc xạ trị chiếu ngoài.

7.4 Hóa trị

Hóa-xạ trị đồng thời được sử dụng nếu phẫu thuật không khả thi hoặc bệnh nhân từ chối phẫu thuật.

Đây cũng là phương pháp điều trị chính cho ung thư cổ tử cung giai đoạn IB2 trở lên, cũng như trong trường hợp có nguy cơ tái phát cao, như: tế bào ung thư còn lại sau mổ, tế bào ung thư đã xâm nhập vào mạch máu hoặc mạch bạch huyết.

8. Ưu điểm khi sàng lọc ung thư cổ tử cung tại Vinmec

Hiện nay, Vinmec là Bệnh viện Đa khoa tư nhân tiên tiến đầu tiên tại Việt Nam có khả năng thực hiện xét nghiệm gen để sàng lọc ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 ngay tại cơ sở mà không cần gửi mẫu ra nước ngoài, đảm bảo chất lượng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn Châu Âu. Đội ngũ chuyên gia của Vinmec được đào tạo kỹ lưỡng về công nghệ gen, từ đó có khả năng thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm gen tiên tiến nhất trên thế giới. 


Vinmec là Bệnh viện Đa khoa tư nhân đầu tiên ở Việt Nam có khả năng triển khai xét nghiệm gen để sàng lọc ung thư ngay tại chỗ, không cần phải chuyển mẫu ra nước ngoài
Vinmec là Bệnh viện Đa khoa tư nhân đầu tiên ở Việt Nam có khả năng triển khai xét nghiệm gen để sàng lọc ung thư ngay tại chỗ, không cần phải chuyển mẫu ra nước ngoài

Vinmec cung cấp dịch vụ xét nghiệm sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung như một phần quan trọng của gói chăm sóc sức khỏe phụ nữ hoặc theo yêu cầu riêng của quý khách. Dựa trên từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ đề xuất các xét nghiệm để chẩn đoán sớm bệnh lý ung thư cổ tử cung.

Tại Vinmec, các phương pháp và thủ thuật hiện đại đảm bảo điều kiện vô khuẩn nhằm mang lại kết quả xét nghiệm chính xác nhất. Kết quả của quá trình sàng lọc sẽ được gửi đến tận nhà kèm theo tư vấn và khuyến nghị cụ thể.

Sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 được xem là "chìa khóa vàng" giúp phát hiện kịp thời và lựa chọn các phương pháp điều trị hiệu quả, giúp giảm nguy cơ tử vong và chi phí điều trị cho người bệnh.

Nếu quý khách cần thêm thông tin hoặc muốn thăm khám tại các Bệnh viện thuộc hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, vui lòng đặt lịch trực tuyến trên trang web để được hỗ trợ và phục vụ tận tình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe