Những năm gần đây, dầu dừa đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Nhiều nhà sản xuất đã bắt đầu sử dụng dầu dừa trong các sản phẩm đóng gói và nhiều người đã dùng dầu dừa nấu ăn. Nhiều sản phẩm, chẳng hạn như thực phẩm chiên, đồ ngọt, dầu gội đầu, cà phê, sinh tố đều có chứa dầu dừa. Vậy dầu dừa ăn có tốt không?
1. Dầu dừa là chất béo gì?
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết, một thìa cà phê dầu dừa chứa:
- Lượng calo: 40
- Chất béo: 4,5g
- Natri: 0mg
- Carbohydrate: 0g
- Chất xơ: 0g
- Đường: 0g
- Chất đạm: 0g
Dầu dừa được tạo ra bằng cách ép chất béo từ “thịt” màu trắng bên trong quả dừa. Khoảng 84% lượng calo của dầu dừa đến từ chất béo bão hòa. Theo các chuyên gia dinh dưỡng giải thích điều này, giống như bơ và mỡ lợn, dầu dừa ở trạng thái rắn ở nhiệt độ phòng, thời hạn sử dụng lâu và có khả năng chịu được nấu ăn ở nhiệt độ cao.
Chất béo bão hòa của dầu dừa được tạo thành phần lớn từ chất béo trung tính chuỗi trung bình hoặc MCT (medium-chain triglycerides). Một số chuyên gia cho rằng cơ thể bạn xử lý chúng khác với chất béo chuỗi dài trong dầu thực vật lỏng, sữa và thịt béo.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho biết, người dân cần hạn chế chất béo bão hòa không quá 13 gam mỗi ngày, tương đương với khoảng một thìa dầu dừa.
Các nghiên cứu cho thấy, chất béo bão hòa MCT trong dừa có thể tăng HDL (HDL - giúp loại bỏ LDL) hoặc cholesterol “tốt” trong cơ thể và điều này ít gây hại cho sức khỏe tim mạch của bạn hơn chất béo bão hòa trong thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như: phô mai, bít tết hoặc các sản phẩm khác có chứa chất béo chuyển hóa. Nhưng dầu dừa cũng làm tăng cholesterol “xấu” LDL (LDL - nguyên nhân hình thành mảng bám làm tắc nghẽn động mạch). Tuy nhiên, dầu dừa có thể làm tăng cholesterol HDL nhưng không có nghĩa là nó tốt cho tim của bạn.
Dựa trên chỉ số dinh dưỡng, dầu dừa không chứa cholesterol cũng như không có chất xơ và chỉ chứa một số vitamin, khoáng chất và sterol thực vật. Sterol thực vật có cấu trúc hóa học mô phỏng cholesterol trong máu và có thể giúp ngăn chặn sự hấp thụ cholesterol trong cơ thể. Tuy nhiên, số lượng dầu dừa được tìm thấy trong một vài thìa quá nhỏ để tạo ra tác dụng có lợi cho cơ thể.
2. Dầu dừa có tác dụng gì?
Để tìm hiểu về dầu dừa có tác dụng gì, nhiều tuyên bố về sức khỏe đối với dầu dừa được đề cập trong các nghiên cứu sử dụng công thức đặc biệt của dầu dừa được làm từ 100% chất béo trung tính chuỗi trung bình (MCTs). Tuy nhiên, đây không phải là loại dầu dừa thương mại có hầu hết trên các kệ siêu thị. MCT có cấu trúc hóa học ngắn hơn các chất béo khác, do đó, cơ thể sẽ nhanh chóng hấp thụ và sử dụng. Sau khi tiêu hóa, MCTs đi đến gan, nơi mà chúng ngay lập tức được sử dụng để tạo năng lượng. Về mặt lý thuyết, hình thức hấp thụ nhanh này thúc đẩy cảm giác no và ngăn ngừa tích trữ chất béo. Dầu dừa chứa chủ yếu là axit lauric, không phải là MCT. Axit lauric được hấp thụ chậm hơn và chuyển hóa giống như các axit béo chuỗi dài khác. Vì vậy, những lợi ích sức khỏe được báo cáo từ dầu dừa MCT có cấu tạo đặc biệt chứa chất béo trung tính chuỗi trung bình khác với axit lauric, nên không thể được áp dụng trực tiếp cho dầu dừa thương mại.
Trên thực tế, các nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra rằng, nhóm đối tượng sử dụng dừa trong chế độ ăn hằng ngày (ví dụ: Ấn Độ, Philippines, Polynesia) có tỷ lệ mắc bệnh tim mạch thấp, nhưng điều quan trọng cần lưu ý đến những yếu tố khác cũng có thể góp phần vào lợi ích này như là đặc điểm của người dân, chế độ ăn uống và các chế độ khác. Ngoài ra, phải xem xét đến loại dừa mà những đối tượng này ăn khác với loại dừa được sử dụng trong chế độ ăn uống phổ thông của phương Tây. Những nhóm người dân này không ăn dầu dừa đã qua chế biến, mà họ ăn toàn bộ dừa như cơm dừa hoặc nước cốt dừa ép, cùng với chế độ ăn bản địa giàu chất xơ, ít thực phẩm chế biến sẵn và đường.
Nghiên cứu tổng quan tài liệu về việc sử dụng các sản phẩm từ dừa (dầu, sữa, thịt hoặc kem) bao gồm 21 nghiên cứu quan sát và lâm sàng cho thấy:
- Các nghiên cứu dịch tễ học đã quan sát trên người từ Samoa, Philippines, New Zealand và New Guinea tiêu thụ toàn bộ dừa trong chế độ ăn uống truyền thống của họ. Nhìn chung, chế độ ăn của người dân ở đây tương tự nhau, ví dụ có cơm dừa và sữa, trái cây tươi, rau và cá. Các nghiên cứu cho thấy những người ăn nhiều dầu dừa hơn đã tăng mức cholesterol HDL có lợi nhưng cũng làm tăng tổng lượng cholesterol và chất béo trung tính.
- Tám thử nghiệm lâm sàng kéo dài từ 5-8 tuần với khoảng 9-83 người tham gia thực hiện chế độ ăn có dầu dừa. Nhóm tác giả đã so sánh với chế độ ăn kiêng có bơ hoặc chất béo không bão hòa (dầu ô liu hoặc dầu rum), chế độ ăn có dầu dừa làm tăng tổng mức cholesterol, HDL và LDL có hại nhiều hơn so với dầu không bão hòa, nhưng không nhiều hơn bơ. Dầu dừa cũng được phát hiện là làm tăng tổng số và LDL cholesterol ở mức độ cao hơn hoặc tương tự như các chất béo bão hòa khác như mỡ bò và dầu cọ.
- Các tác giả kết luận rằng vì tác dụng của dầu dừa đối với việc tăng cholesterol trong máu bao gồm cả LDL có hại và trong một số trường hợp là chất béo trung tính nên tác dụng tăng cholesterol của nó tương đương với các chất béo bão hòa khác, do đó, dầu dừa không nên được sử dụng để có tác dụng tốt cho tim mạch và nên được hạn chế trong chế độ ăn uống.
Trong nghiên cứu phân tích tổng hợp của 16 thử nghiệm lâm sàng, dầu dừa được phát hiện làm tăng cả mức cholesterol LDL và HDL ở những người tham gia, so với các loại dầu thực vật không nhiệt đới (non tropical vegetable oils) ví dụ như hướng dương, dầu cải, dầu ô liu. Dầu dừa làm tăng tổng lượng cholesterol lên khoảng 15 điểm, LDL lên 10 điểm và HDL lên 4 điểm. Tuy nhiên, nghiên cứu này chưa tìm ra, liệu dầu dừa so với các loại dầu thực vật khác thì có bất kỳ ảnh hưởng đáng kể nào đến trọng lượng cơ thể, vòng eo hoặc tỷ lệ mỡ trong cơ thể hay không.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) đã đưa ra tuyên bố tư vấn khoa học vào năm 2017, thay vì sử dụng chất béo không bão hòa, người dân nên để thay thế chất béo bão hòa (bao gồm dừa và các loại dầu nhiệt đới khác). Dựa trên đánh giá của bảy thử nghiệm đối chứng, dầu dừa được phát hiện là làm tăng mức cholesterol LDL có hại. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyên người dân không nên sử dụng dầu dừa và nên hạn chế tất cả chất béo bão hòa. Đối với những người có nguy cơ mắc bệnh tim, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyên không nên ăn quá 6% tổng lượng calo từ chất béo bão hòa, hoặc khoảng 13 gam dựa trên chế độ ăn 2000 calo. Một muỗng canh dầu dừa gần đạt đến 12 gam chất béo bão hòa.
Dầu dừa có hương vị đặc trưng nên được sử dụng tốt nhất với lượng nhỏ như một sản phẩm thay thế cho các loại dầu khác trong nướng và nấu ăn.
Dựa trên nhiều kết quả nghiên cứu có thể thấy, dầu dừa có khá nhiều lợi ích cho sức khỏe và những công dụng trong cuộc sống như dùng dầu dừa nấu ăn. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe, khi sử dụng dầu dừa người bệnh nên đến các cơ sở y tế hoặc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để thăm khám và nhận được sự tư vấn về cách dùng, liều lượng dùng đảm bảo sức khỏe. Bởi dầu dừa chỉ mang đến tác dụng khi chúng được sử dụng đúng mục đích.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: hsph.harvard