Đau dạ dày ăn gì, ăn thế nào cho nhanh khỏi?

Đau dạ dày ăn gì là câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm hiện nay. Một chế độ ăn uống phù hợp có vai trò quan trọng giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa và giảm cảm giác khó chịu ở dạ dày. Hãy cùng tìm hiểu về các loại thực phẩm cho bệnh nhân đau dạ dày nên ăn và những điều cần lưu ý để phục hồi nhanh chóng. 

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Thạc sĩ - Bác sĩ Vũ Văn Quân, Phó trưởng khoa ngoại, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. 

1. Người đau dạ dày ăn gì nhanh khỏi?

Các loại thực phẩm nên bổ sung trong chế độ ăn hàng ngày cho người bị đau dạ dày bao gồm: 

1.1. Thực phẩm thô 

Thực phẩm thô như gạo lứt, các loại hạt và đậu,... rất giàu chất xơ, vitamin, khoáng chất, đặc biệt là vitamin nhóm B, đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa các chất và tiêu hóa thức ăn. Ngoài ra, chúng còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ lớp màng trong của dạ dày. 

1.2. Bánh mì nướng 

Bánh mì có khả năng hấp thụ acid dư thừa, giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi tác động ăn mòn của dịch vị. Ngoài ra, ăn bánh mì có thể giúp bệnh nhân giảm viêm sưng và cảm thấy dễ chịu hơn.  

Lưu ý, bệnh nhân không nên dùng bánh mì kèm với các loại mứt, bơ hoặc sữa ngọt do các loại chế phẩm này có chứa lượng lớn chất béo gây hạn chế hoạt động của dạ dày. 

1.3. Ăn nhiều canh hoặc súp 

Các món này với cấu trúc mềm dễ tiêu hóa, không gây áp lực lên hệ tiêu hóa và giúp giảm lượng chất béo được hấp thụ vào cơ thể. Bệnh nhân có thể tham khảo một số loại canh, súp, cháo nấu cùng bí đỏ, long nhãn, bắp cải, thịt nạc… 

1.4. Trà bạc hà 

Trà bạc hà có tác dụng giảm triệu chứng đau dạ dày và chuột rút hiệu quả. Ngoài việc uống trà bạc hà, bệnh nhân có thể nhai trực tiếp một vài lá bạc hà hoặc làm nước ép dùng sau mỗi bữa ăn. 

1.5. Gừng 

Gừng là một trong những loại thực phẩm hàng đầu trong danh sách đau dạ dày ăn gì, vì có tính kháng viêm và khả năng giảm triệu chứng khó tiêu, đầy hơi hiệu quả. Hãy bổ sung gừng vào chế độ ăn hoặc uống một ly trà gừng mỗi ngày để hệ tiêu hóa tốt hơn. 

1.6. Đậu bắp 

Đậu bắp có chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu giúp các đẩy nhanh quá trình phục hồi tổn thương ở dạ dày như vitamin B, C, E, pectin… Đồng thời, khi kết hợp với các chất khác trong dạ dày, chất nhầy trong đậu bắp có khả năng tạo thành lớp bảo vệ vết viêm loét, cải thiện tình trạng đau đáng kể. 

1.7. Thì là 

Hạt thì là có tác dụng giảm triệu chứng đầy hơi và co thắt dạ dày hiệu quả. Bệnh nhân nên uống trà hạt thì là sau mỗi bữa ăn giúp giảm cảm giác khó chịu và thúc đẩy quá trình tiêu hóa hiệu quả. 

1.8. Chuối 

Chuối là loại thực phẩm phổ biến dành cho những bệnh nhân đang thắc mắc đau dạ dày ăn gì. Trong chuối có chất pectin dạng chất xơ hòa tan có tác dụng giảm triệu chứng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy hoặc táo bón đi kèm đau dạ dày. Ngoài ra, chuối còn giúp trung hòa acid trong dịch vị, giảm viêm sưng ở những tổn thương của niêm mạc dạ dày.  

1.9. Ăn táo hoặc uống nước ép táo 

Lớp ngoài vỏ táo có chứa pectin giúp thúc đẩy hoạt động tiêu hóa và bài tiết khi vào dạ dày. Ngoài ra, táo cũng có khả năng làm giảm triệu chứng đau dạ dày, tiêu chảy, táo bón và rối loạn tiêu hóa hiệu quả. Hãy thường xuyên ăn táo hoặc uống nước ép táo để cải thiện tình trạng đau dạ dày tốt hơn.

Táo là lựa chọn hàng đầu khi thắc mắc đau dạ dày ăn gì.
Táo là lựa chọn hàng đầu khi thắc mắc đau dạ dày ăn gì.

1.10. Trà thảo dược 

Các loại trà thảo dược như trà hoa cúc hay trà xanh có tác dụng hỗ trợ hệ thống tiêu hóa hoạt động tốt hơn và giảm đáng kể triệu chứng đau, đầy bụng, khó chịu ở dạ dày. Ngoài ra, trong trà xanh có chứa catechin, là hợp chất chống oxy hóa có khả năng chống viêm dạ dày hiệu quả. 

1.11. Nước dừa 

Trong nước dừa có chứa hàm lượng lớn các ion khoáng như Mg, Ca, Ka… giúp cải thiện tình trạng đau dạ dày, đồng thời giảm các vấn đề về đường tiết niệu và hoạt động của vi khuẩn. 
Tuy nhiên, bệnh nhân chỉ nên uống tối đa 3-4 trái/tuần để tránh tình trạng ớn lạnh và đầy bụng do nước dừa gây ra, 

1.12. Sữa chua 

Probiotics có trong sữa chua có thể cung cấp các vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa, tăng cường khả năng miễn dịch. Các thực phẩm như sữa chua, kim chi hay dưa cải muối chứa một lượng lớn các vi khuẩn có lợi giúp chống viêm loét dạ dày hiệu quả. 

2. Chú ý khi ăn để dạ dày sớm hồi phục

  • Thức ăn nên được thái nhỏ và nấu chín kỹ để đảm bảo mềm, giảm áp lực đối với dạ dày. Các phương pháp như luộc, hấp, hay om sẽ giúp thức ăn dễ tiêu hóa hơn so với xào hay rán.
  • Ăn chậm và nhai kỹ giúp tăng tiết nước bọt, từ đó trung hòa axit trong dạ dày. Chia nhỏ bữa ăn sẽ giúp dạ dày luôn có thức ăn để trung hòa acid.
  • Tránh ăn thức ăn khô và đặc, không nên ăn cơm chan canh, để tránh việc nhai không kỹ làm tăng gánh nặng cho dạ dày.
  • Ăn thức ăn ở nhiệt độ ấm và sau khi ăn không nên vận động mạnh ngay lập tức, để ưu tiên năng lượng cho quá trình co bóp, tiêu hóa thức ăn. Điều này càng quan trọng khi dạ dày đang có vấn đề. 

Bệnh nhân đau dạ dày ăn gì là vấn đề cần được chú ý nhiều hơn, vì các bệnh liên quan đến dạ dày đang ngày càng phổ biến. Bệnh nhân nên chú ý chế độ ăn uống hợp lý để cải thiện tình trạng đau dạ dày và phòng tránh các triệu chứng nghiêm trọng hơn có thể xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe