Đau bụng có thể do những nguyên nhân nào gây nên?

Đau bụng có rất nhiều kiểu khác nhau như đau quặn bụng, đau vùng bụng phía dưới, quanh rốn, bên trái, bên phải…Trong đó, mỗi kiểu lại có nguyên nhân riêng biệt gây ra. Dù đây là tình trạng thường gặp nhưng người bệnh không nên chủ quan mà hãy đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau nhé!

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

1. Đau bụng là gì?  

Đau bụng là một triệu chứng bệnh lý rất phổ biến, xuất phát từ những bất thường ở các cơ quan trong ổ bụng hoặc từ những khu vực gần đó như ngực, xương chậu hoặc lưng. Tình trạng đau bụng có thể xảy ra do các cơ quan bị viêm nhiễm, căng thẳng hoặc do quá trình cung cấp máu cho các cơ quan bị giảm sút.

Nhìn chung, hầu hết các đau bụng hiếm khi bắt nguồn từ những nguyên nhân nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu đau bụng có kèm theo những triệu chứng bất thường có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nguy hiểm cần chẩn đoán và điều trị kịp thời.

2. Các vị trí đau bụng nhận biết bệnh gì?

2.1 Đau liên tục vùng bụng phía dưới

Một trong những triệu chứng của Hội chứng ruột kích thích (IBS) là đau bụng vùng phía dưới liên tục.  

Nếu cảm thấy đau quặn bụng liên tục ở vùng bụng dưới giống như chuột rút, kèm theo chướng bụng, đầy hơi, rối loạn tiêu hóa, táo bón hoặc tiêu chảy, người bệnh rất có thể đã mắc Hội chứng ruột kích thích (IBS) hay còn gọi là “đại tràng co thắt". Đây là một trong những chứng rối loạn tiêu hóa phổ biến nhất hiện nay, có liên quan đến ruột và dạ dày.

Do không có nguyên nhân cụ thể, căn bệnh này thường được điều trị nhằm giảm thiểu triệu chứng, từ đó giúp cải thiện cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã phát hiện rằng sự nhạy cảm quá mức của ruột kết là yếu tố gây ra IBS.

Người bệnh có thể chung sống với hội chứng IBS vì bệnh lý này không gây sụt cân hay chảy máu trực tràng. Nếu mắc phải, người bệnh cần tìm đến bác sĩ để được tư vấn kỹ lưỡng và có thể sử dụng các liệu pháp tự nhiên để hỗ trợ điều trị như duy trì một lối sống cân bằng, khoa học.

2.2 Đau bụng chuột rút kèm theo chảy máu trực tràng

Các triệu chứng như đau bụng co chuột rút kèm chảy máu trực tràng có thể xuất phát từ bệnh viêm ruột (IBD).

IBD là thuật ngữ dùng để chỉ các bệnh liên quan đến tình trạng viêm mãn tính ở đường tiêu hóa như viêm loét đại tràng và bệnh Crohn. Những loại bệnh này thường có triệu chứng tương tự nhau khiến việc chẩn đoán chính xác trở nên khó khăn.

IBD là tình trạng hiếm gặp và nghiêm trọng hơn IBS (hội chứng ruột kích thích), do đó mọi người không nên nhầm lẫn hai bệnh này.

2.3 Đau bụng quanh rốn

Những cơn đau quặn bụng khó chịu quanh vùng rốn thường do bệnh sỏi mật gây ra, kèm theo đó là cảm giác đau âm ỉ ở vùng gần vai, đặc biệt rõ ràng sau khi tiêu thụ các loại thực phẩm nhiều chất béo.

Nguy cơ mắc sỏi mật ở người ngoài 40 tuổi cao hơn so với nhóm người trẻ tuổi. Nguyên nhân là sự gia tăng của hormone estrogen, đặc biệt trong giai đoạn thai kỳ dễ dẫn đến hình thành sỏi mật.

Những viên sỏi này khó phát hiện vì hình thành trong túi mật qua nhiều năm và thường không gây đau bụng. Tuy nhiên, khi bị kẹt trong ống nang, các viên sỏi sẽ gây đau thắt hoặc thỉnh thoảng gây ra cơn đau quặn bụng theo chu kỳ. 

Bệnh sỏi mật thường là nguyên nhân gây ra những cơn đau bụng khó chịu ở vùng quanh rốn.
Bệnh sỏi mật thường là nguyên nhân gây ra những cơn đau bụng khó chịu ở vùng quanh rốn.

2.4 Đau quặn bụng kèm đầy hơi

Các triệu chứng đầy hơi, ợ nóng, chán ăn, sụt cân và xuất hiện các cơn đau quặn bụng ở vùng niêm mạc dạ dày hoặc phần đầu ruột non đều có thể do viêm loét đường tiêu hóa gây ra.

Nguyên nhân gây đau quặn bụng kèm đầy hơi không phải là căng thẳng mà chủ yếu đến từ hai yếu tố: tác động của vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) - loại vi khuẩn gây hại cho lớp niêm mạc dạ dày và sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) như aspirin hoặc ibuprofen quá mức.

Quá trình xét nghiệm máu ở người bệnh sẽ có giúp phát hiện nguyên nhân gây đau quặn bụng, nhất là khi có sự tồn tại của vi khuẩn H. pylori. 

Tác động của vi khuẩn HP là một trong những nguyên nhân gây đau quặn bụng.
Tác động của vi khuẩn HP là một trong những nguyên nhân gây đau quặn bụng.

2.5 Đau bụng dưới bên trái kèm đầy hơi

Khi cơn đau bụng đột ngột xảy ra ở vùng bụng dưới bên trái kèm theo đầy hơi, sau đó cơn đau bụng đột ngột tạm ngưng thì rất có thể nguyên nhân là do bệnh viêm túi thừa, tức là các túi nhỏ nằm trong ruột già.

Đây là một hiện tượng rối loạn tiêu hóa khá phổ biến và thường gặp ở người cao tuổi. Khoảng 10-20% bệnh nhân sẽ gặp phải triệu chứng như đầy hơi quá mức, đau bụng, chuột rút và táo bón. Viêm túi thừa còn được miêu tả như những "ổ gà" trong ruột già và tình trạng này thường xảy ra do chế độ ăn uống thiếu chất xơ.

2.6 Cơn đau bụng dưới bên phải

Cơn đau bụng dữ dội ở phía dưới bên phải rốn là dấu hiệu người bệnh có thể đang mắc bệnh viêm ruột thừa, đặc biệt khi kèm theo các triệu chứng như sốt nhẹ, không thể xì hơi, bị táo bón hoặc tiêu chảy.

Nếu bị viêm ruột thừa, cơn đau quặn bụng sẽ trở nên nặng hơn khi đi lại, hít thở sâu, ho, hắt hơi hoặc khi có áp lực lên vùng bụng. Theo thông tin từ Viện Y học quốc gia Mỹ, viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm và xuất hiện mủ. Bệnh thường yêu cầu phải phẫu thuật cấp cứu ổ bụng và can thiệp ngay để cắt bỏ ruột thừa trước khi vỡ.

Để xác định nguyên nhân gây đau quặn bụng chính xác và điều trị kịp thời, người bệnh nên tìm đến bác sĩ khi gặp các triệu chứng đau bụng nêu trên. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe