Đặt tư thế đúng cho người bệnh tổn thương tuỷ sống giúp giữ cân bằng những lực cơ trái nghịch nhau trong cơ thể có thể gây hại cho người bệnh gây ra các trạng thái rối loạn thăng bằng, tăng trương lực cơ... đồng thời gây cản trở người bệnh tiếp cận một cách đúng đắn với môi trường, do đó làm hạn chế khả năng còn lại của người bệnh. Hơn nữa, đặt tư thế đúng còn giúp phòng ngừa và hạn chế hoặc sửa đổi các biến chứng do loét hoặc cứng khớp.
1. Tổn thương tuỷ sống
Tuỷ sống đường thần kinh đi từ não xuống dưới dọc theo cột sống và tủy sống nằm trong ống sống. Cùng với tuỷ sống, các dây thần kinh tỏa ra khắp nơi trên cơ thể. Các luồng thông tin về cảm giác hay vận động đều có thể đi qua tuỷ sôngs. Khi tổn thương tuỷ sống xảy ra sẽ làm giảm hoặc mất các chức năng về cảm giác, vận động của cơ thể ở vị trí tổn thương.
Tổn thương tuỷ sống xuất hiện bởi tình trạng một phần tủy sống bị tổn thương dẫn đến ảnh hưởng các phần cơ thể tương ứng được tủy sống kiểm soát. Mức độ tổn thương tuỷ sống bao gồm:
- Tổn thương tuỷ sống ở vùng cổ gây liệt tứ chi bao gồm hai tay hai chân không cử động được và các cảm giác ở hai tay hai chân cũng biến mất, những trường hợp này có thể bị liệt tủy hoàn toàn.
- Nếu tổn thương vị trí khu vực lưng trở xuống sẽ bị liệt vận động và mất cảm giác ở cả hai chân cũng như phần cơ thể ở dưới vị trí tủy sống bị tổn thương, những trường hợp này bị liệt tuỷ.
Tuỷ sống thổng thương chủ yếu do các trường hợp như tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn do sinh hoạt hàng ngày. Bệnh liên quan đến tủy sống chẳng hạn như những người bệnh liệt tuỷ ngày càng gia tăng do các trường hợp bị tổn thương tuỷ sống cũng tăng nhanh.
2. Những khó khăn mà người bị tổn thương tuỷ sống có thể gặp phải
Những khó khăn mà người bị tổn thương tuỷ sống gặp phải trong quá trình vận động:
- Người bệnh bị tổn thương tuỷ sôngs cổ sẽ khó khi cử động được hai chân hai tay và phần cơ thể ở vị trí thấp hơn với mức tủy sống bị tổn thương
- Người bị tổn thương từ lưng trở xuống sẽ không thể cử động được hai chân và một phần cơ thể. Do người bệnh không cử động được nên không thể đi lại và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày.
- Người tổn thương tuỷ sống có thể bị mất cảm giác ở da nên da người bệnh có thể dễ dàng bị loét, bị mỏng đi mà không hay biết.
Những khó khăn mà người bị tổn thương tuỷ sống gặp phải trong quá trình tự chăm sóc bản thân
- Những người bị tổn thương tuỷ sống sẽ gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như: đánh răng, rửa mặt, đi vệ sinh, tắm và chăm sóc cơ thể. Nhưng, người bệnh cũng có thể chăm sóc bản thân và làm được nhiều việc phục vụ cho bản thân nếu được hướng dẫn đúng và có sự trợ giúp của các thành viên trong gia đình.
Những khó khăn mà người bị tổn thương tuỷ sống gặp phải bởi sự thay đổi về tâm lý
- Đa số những người bị tổn thương tuỷ sống là trẻ lớn hoặc người trẻ đang ở trong độ tuổi lao động. Khi tủy sống bị tổn thương thì người bệnh mất hết khả năng vận động và cảm giác ở một phần cơ thể như phần đã chết. Gia đình người bệnh và bản thân người bệnh không dễ dàng chấp nhận điều này. Họ cảm thấy vô cùng lo sợ và không biết sẽ sống trong cuộc sống tương lai như thế nào. Họ trở nên chán nản, thất vọng, cáu gắt và thậm chí không hợp tác với bất kỳ ai, họ thậm chí còn từ chối sử dụng xe lăn bởi vì nếu thực hiện điều đó, đồng nghĩa với việc họ sẽ chấp nhận sự thật họ không thể đi lại được.
Những khó khăn mà người bị tổn thương tuỷ sống gặp phải bởi hoạt động học tập có thể bị gián đoạn và ảnh hưởng
- Khi người bị tổn thương tuỷ sống là trẻ em đang trong độ tuổi đi học thì có thể gây nên gián đoạn hoặc không thể tiếp tục học được ở trường do đi lại khó khăn hoặc do các vấn đề về da, đường tiết niệu, đường ruột, mà trẻ không thể kiểm soát được. Mặt khác, do sự thay đổi về tâm lý khiến cho chính bản thân trẻ và gia đình của trẻ không muốn tiếp tục học nữa.
Những khó khăn mà người bị tổn thương tuỷ sống gặp phải khi duy trì các công việc trước đây có thể tự thực hiện được
- Những người bệnh bị liệt hai chân hoặc đặc biệt liệt tú chi thì sẽ rất khó khăn trong việc đi lại, làm việc. Vì vậy, cần giúp họ tìm được những công việc thích hợp với hoàn cảnh hiện tại của họ.
Những khó khăn mà người bị tổn thương tuỷ sống gặp phải thuộc xã hội và gia đình
- Người tổn thương tuỷ sống khó tham gia các công việc trong gia đình hay ngoài xã hội, và họ sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì vậy, nếu giúp họ có được công việc phù hợp sẽ giúp cho họ cảm thấy tự tin vào bản thân và sẽ cố gắng tốt hơn.
3. Kỹ thuật tư thế đúng cho người tổn thương tuỷ sống, và liệt tuỷ
Kỹ thuật tư thế đúng thực hiện chỉ định cho người tổn thương tủy sống gây liệt tứ chi hoặc hai chân. Tuy nhiên, với trường hợp người bệnh còn đang trong tình trạng cấp cứu thì sẽ không thực hiện kỹ này.
3.1. Đặt tư thế đúng trên giường cho người bệnh tổn thương tuỷ sống, liệt tuỷ
Đối với hai chi trên: Đặt cánh tay dọc theo thân người bệnh, cố gắng đảm bảo cho cả cánh tay được nâng đỡ để tránh phù nề và tránh gây đau cho người bệnh. Vai và bả vai sẽ được nâng đỡ để tránh thực hiện một tư thế gắng sức như vậy có thể gây đau cho bệnh nhân. Hai bàn tay được đặt sao cho có tác dụng khoá gân - động tác gập duỗi cổ tay: gấp cuộn tròn các ngón tay lại, cổ tay ở tư thế duỗi nhẹ khoảng 30 độ, các xương bàn- đốt ngón tay và các khớp trung gian đốt ngón tay giữ ở tư thế gập 90 độ, các khớp trung gian đốt ngón xa ở tư thế trung tính 0 độ. Hoặc tư thế bàn tay ở tư thế nghỉ ngơi với cổ tay duỗi 30 độ, xương bàn tay-đốt ngón tay gập 45 độ, các khớp trung gian đốt thì gập nhẹ.
Đối với chi dưới: Hông và gối được đặt thẳng và hông được đặt ở 30 độ có sử dụng gối để chêm. Tư thế nằm nghiêng có thể sử dụng thêm gối chêm, giữa hai gối, đồng thời sát cả dưới lưng để giảm tay cho phần xương cùng và giữ cho hai bàn chân có thể xoay trở đều đặn về ban đêm. Đồng thời giảm tải dưới gót chân bằng cách duy trì gập mu cổ chân với góc 90 độ.
3.2 Đặt tư thế ngồi đúng trên ghế hoặc trên xe lăn
Tư thế ngồi đúng lý tưởng trên một mặt phẳng nằm ngang và tạo với hông gập 90 độ, gối gập 90 độ, mu bàn chân gập 90 độ, bàn chân được đặt sát vào chỗ tựa. Khung chậu sẽ trải qua ba mặt phẳng không gian: hai gai chậu trước trên ngang bằng nhau và nằm ngang trên mặt phẳng, gai chậu trước trên thẳng đứng so với các mấu chuyển lớn ở mặt phẳng đứng, hai gối ngang nhau so với mặt phẳng trán. Hai chân được nâng đỡ bằng hai tấm để chân sao cho phần dưới đùi có thể tiếp xúc với nơi tựa của chỗ ngồi, và có thể sử dụng thêm một miếng mút hoặc gối chêm để bảo vệ hai gót chân. Cột sống cần được giữ thẳng và vững vàng. Chiều cao chỗ tựa lưng của xe lăn nên được điều chỉnh tuỳ theo mức độ thăng bằng và mức độ tổn thương của tủy ở vị trí cao hay thấp. Hai chi trên được giữ vững và đối xứng nhờ vào sự điều chỉnh chỗ gác tay. Đối với người bệnh bị liệt tứ chi: hai bàn tay phải luôn được đặt ở tư thế bàn tay chức năng. Cổ và đầu đều tránh những tư thế gập, duỗi, nghiên hoặc mọi trạng thái căng thẳng. Có thể sử dụng thêm chỗ tựa đầu để giúp nâng đỡ và tạo thoải mái cho người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.