Phục hồi sau phẫu thuật tủy sống như nào?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Bố của em 72 tuổi bị chấn thương dập tủy sống cổ C3, C4, C5, C6 và đã mổ được 07 tháng. Hiện tại thì tứ chi thường bị co rút, tê và hoạt động yếu, đi thì phải có người dìu, tay có thể vận động nhẹ nhưng không cầm nắm được; tiêu, tiểu tự chủ. Bố em đang tự tập vật lý trị liệu tại nhà và uống thuốc giãn cơ, giảm đau. Xin được tư vấn và phục hồi sau phẫu thuật tủy sống như nào ạ?

Anh Thắng (1976)

Trả lời

Được giải đáp bởi Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình - Bác sĩ Phục hồi chức năng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Chào bạn,

Với câu hỏi “Phục hồi sau phẫu thuật tủy sống như nào?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Tổn thương tủy sống là một loại tổn thương thần kinh trung ương nặng nề và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Tủy sống rất nhạy cảm với thương tích, không giống như các bộ phận khác của cơ thể, tủy sống không có khả năng tự sửa chữa nếu bị tổn thương, do vậy tổn thương tủy sống thường làm thay đổi sâu sắc cuộc đời của bệnh nhân. Tổn thương tủy sống có thể là tổn thương hoàn toàn hoặc không hoàn toàn. Trong đa số trường hợp, cả hai bên cơ thể đều bị ảnh hưởng đến chức năng. Các dấu hiệu chính thường gặp trong tổn thương tủy là:

  • Mất vận động hoặc giảm vận động dưới mức tổn thương: liệt tứ chi nếu tổn thương tuỷ sống cổ, liệt hai chân nếu tổn thương tuỷ sống ngực hoặc thắt lưng.
  • Mất hoặc giảm cảm giác dưới mức tổn thương.
  • Rối loạn đại tiểu tiện.
  • Rối loạn dinh dưỡng: loét, phù nề hai chân.
  • Rối loạn thần kinh thực vật: khô da, cơn tăng huyết áp, thay đổi thân nhiệt, tim mạch.

Tổn thương tủy được chia làm ba giai đoạn chính là giai đoạn cấp từ 0- 02 tháng, giai đoạn phục hồi chức năng từ 02 tháng- 02 năm, giai đoạn hòa nhập cộng đồng và duy trì sức khỏe suốt đời.

Trường hợp của bố của bạn là bị tổn thương tủy cổ đã được phẫu thuật 7 tháng, hiện bố của bạn vẫn có thể đi lại được khi có người dìu, tay có thể vận động nhẹ, tự chủ việc tiêu tiểu chứng tỏ bố của bạn bị tổn thương tủy không hoàn toàn, đang ở giai đoạn hai là giai đoạn phục hồi chức năng. Giai đoạn này có thể kéo dài tới 2 năm, nên việc tập luyện tại nhà là hết sức cần thiết để bố của bạn có thể đạt được chức năng di chuyển và sinh hoạt cao nhất trong khả năng hồi phục sau tổn thương tủy.

Các bài tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân tổn thương tủy sống bao gồm:

  • Tập thở và ho: người bị tổn thương tủy sống những đoạn tủy cao ở vùng cổ thường bị mất khả năng ho gây ứ đọng đờm dãi, tăng khả năng mắc bệnh viêm phổi. Đặt hai tay trước ngực bệnh nhân, ấn mạnh xuống ngực khi người bệnh ho. Tập hít sâu, thở ra hết mức để tống đờm dãi ra.
  • Tập vận động toàn thân: sau tổn thương tủy, người bệnh thường nằm bất động, co rút cơ có thể xuất hiện, thường gặp nhất ở vị trí các khớp, thường kèm theo cứng khớp. Vì vậy, những khớp vùng ở các chi bị liệt cần được cử động thường xuyên, khoảng 10 lần/ngày, ở cả hai tư thế ngồi và nằm.
  • Tập tăng sức mạnh các cơ ở chi và thân mình: người bệnh ở tư thế ngồi, hai tay chống thẳng trên 2 hộp gỗ hoặc đệm cứng có bề dày khoảng 15 chiếc hộp gỗ hoặc đệm cứng có bề dày khoảng 15 cm. Khuyến khích người bệnh nâng thân lên nhờ sức mạnh của hai cánh tay và giữ nguyên tư thế trong vòng 10 giây, lặp lại động tác 10 lần. Đặt người bệnh nằm ngửa, khuyến khích họ gập người, đưa bàn tay đến chạm gối, hai chân cố gắng duỗi thẳng, lặp lại động tác 10 lần. Bệnh nhân có thể dùng tạ hoặc túi cát để kéo hoặc nâng lên từ từ, mỗi động tác cần được lặp lại 10 lần.
  • Tập ngồi: giữ người bệnh ở tư thế ngồi, yêu cầu họ duỗi thẳng hai tay đưa về phía trước, lần lượt đẩy vai nhẹ nhàng ra trước, ra sau, sang bên phải và bên trái. Hai chân tách rời, đặt thẳng xuống nền nhà. Luyện tập động tác này giúp giữ được thăng bằng ở tư thế ngồi, về sau bệnh nhân có thể tự ngồi được.
  • Tập đứng và đi lại với dụng cụ trợ giúp của khung đi: hỗ trợ người bệnh đứng dậy để cải thiện lưu thông máu, làm dễ đào thải các chất cặn bã như nước tiểu và phân, tập đi trong thanh song song, sử dụng khung đi hay nẹp trợ giúp.

Nếu bạn còn thắc mắc về phẫu thuật tủy sống, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe