Đặt stent trong nhồi máu cơ tim

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Việt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Đặt stent trong nhồi máu cơ tim là thủ thuật nội khoa được áp dụng trong điều trị tim mạch. Đặt stent được chỉ định với trường hợp nhồi máu cơ tim cấp, mạch vành bị tắc hẹp nặng không đáp ứng tốt với điều trị của thuốc.

1. Nhồi máu cơ tim là gì?

Động mạch vành là một mạng lưới cung cấp máu nuôi toàn bộ cơ tim, khi tuổi chúng ta ngày một già đi một số động mạch vành sẽ bị xơ vữa. Xơ vữa động mạch vành có thể khiến nứt vỡ thành động mạch khiến thu hút các tiểu cầu đến bám vào gây nên những huyết khối bên trong thành động mạch vành. Tình trạng này dẫn đến tắc nhánh động mạch vành hay còn gọi là nhồi máu cơ tim.

Trong một số trường hợp các mảng xơ vữa sẽ khiến chít hẹp lòng mạch, gây ra hiện tượng cản trở dòng máu nuôi tim. Dẫn đến thiếu hụt dòng máu đến các mô tim gây ra các cơn đau ngực.


Nhồi máu cơ tim thường xuyên gây ra các cơn đau tức ngực
Nhồi máu cơ tim thường xuyên gây ra các cơn đau tức ngực

2. Tại sao phải đặt stent trong nhồi máu cơ tim?

Có 2 lý do chính để bác sĩ chỉ định bệnh nhân đặt stent nhồi máu cơ tim như sau:

  • Đầu tiên, khi nhồi máu cơ tim xảy ra tức là động mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn, lúc này cần tái thông dòng chảy động mạch.
  • Thứ hai, các mảng xơ vữa lớn gây cản trở đáng kể đến dòng chảy của động mạch vành và có nguy cơ tắc nghẽn dòng chảy mạch vành.

Trong hai trường hợp này nếu thực hiện đặt stent mạch vành sẽ giúp mở lại dòng chảy bị tắc hoặc tái tạo lại khiến dòng chảy trở nên bình thường. Tuy nhiên stent có thế gây ra hiện tượng hình thành các huyết khối làm tắc bên trong lòng stent nếu không điều trị đúng cách. Đây là một biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong cho bệnh nhân.

3. Đối tượng nào không được đặt stent trong nhồi máu cơ tim?

Những đối tượng sau không được bác sĩ chỉ định đặt stent trong nhồi máu cơ tim để đảm bảo sức khỏe cũng như tránh được tối đa biến chứng có thể xảy ra:

  • Mạch vành bị các tổn thương như sau thì không nên đặt stent: tổn thương nặng lan tỏa, tổn thương đoạn xa, tổn thương nhiều thân mạch vành,...
  • Trong quá trình can thiệp động mạch vành bị tắc thì nguy cơ tử vong rất cao.
  • Bệnh nhân thuộc thể trạng dễ chảy máu như rối loạn đông máu hoặc số lượng tiểu cầu thấp.
  • Người bệnh không tuân thủ trước và sau khi điều trị.
  • Bệnh nhân có hiện tượng tái hẹp nhiều vị trí sau khi can thiệp.

Bệnh nhân bị rối loạn đông máu không được chỉ định đặt stent trong nhồi máu cơ tim
Bệnh nhân bị rối loạn đông máu không được chỉ định đặt stent trong nhồi máu cơ tim

4. Quy trình đặt stent trong nhồi máu cơ tim

Đầu tiên bệnh nhân cần được giải thích cặn kẽ về phương pháp đặt stent, kể cả những thông tin như rủi ro sau phẫu thuật. Theo đó các bác sĩ sẽ tiến hành khám cho bệnh nhân để kiểm tra xem có thỏa mãn điều kiện làm thủ thuật hay không. Nếu thuộc một trong các trường hợp đã liệt kê ở trên thì không nên can thiệp stent. Trước khi tiến hành đặt stent bệnh nhân sẽ được cho sử dụng thuốc chống ngưng kết tiểu cầu.

Quy trình thực hiện thủ thuật như sau:

Bước 1: Mở đường vào mạch máu

  • Sát khuẩn vị trí mở đường vào máu.
  • Mở đường vào máu qua động mạch đùi hoặc động mạch quay.

Bước 2: Đặt ống can thiệp

  • Sau khi chụp động mạch vành chọn lọc xác định ra vị trí cần phải can thiệp
  • Đặt ống thông can thiệp vào động mạch vành.
  • Kết nối đường đo áp lực với ống thông can thiệp,

Bước 3: Can thiệp mạch vành

  • Bác sĩ tiến hành nong bóng để mà nở rộng lòng mạch vị trí thương tổn.
  • Đặt stent để tránh tình trạng động mạch vành hẹp lại sau khi nong bóng.
  • Kiểm tra xem stent đã nở tốt hay không.
  • Sau khi đặt stent xong cần chụp lại động mạch vành để đảm bảo không có biến chứng xảy ra.
  • Thao tác cuối cùng là rút dây dẫn ra khỏi động mạch vành.

5. Chăm sóc bệnh nhân sau khi đặt stent trong nhồi máu cơ tim

Sau khi đặt stent trong nhồi máu cơ tim Y tá cần phải theo dõi các yếu tố sau nửa giờ một lần để đảm bảo tình trạng cho bệnh nhân:

  • Mạch, huyết áp, theo dõi dấu hiệu của sốc giảm thể tích.
  • Quan sát vùng đùi thực hiện tiểu thuật để phát hiện dấu hiệu chảy máu hoặc tụ máu.
  • Kiểm tra mạch mu chân, màu sắc và nhiệt độ của da chân nơi chọc mạch để tránh tình trạng thiếu máu chi.

Kiểm tra mạch và huyết áp bệnh nhân thường xuyên sau khi đặt stent
Kiểm tra mạch và huyết áp bệnh nhân thường xuyên sau khi đặt stent

Ngoài ra bệnh nhân cần lưu ý, cần cố gắng nằm yên tại giường trong 6 giờ đầu, nếu chọc mạch đùi thì cần giữ thăng bằng chân trong 2 giờ đầu. Ấn giữ vị trí thực hiện tiểu phẫu khi ho hoặc hắt hơi. Nếu chảy máu hoặc đau ở vùng can thiệp thì phải gọi ngay cho cán bộ y tế. Nên uống nhiều nước để phòng trường hợp tụt huyết áp hoặc bệnh thận do thuốc cản quang.

6. Những biến chứng có thể xảy ra sau khi đặt stent

Một số biến chứng có thể xảy ra sau khi đặt stent như sau:

  • Rối loạn nhịp tim, chảy máu.
  • Tràn máu màng tim do tách, vỡ, thủng động mạch vành.
  • Tái thu hẹp lòng động mạch.
  • Tắc mạch quay, tắc mạch đùi, tắc mạch não.
  • Tách thành động mạch chủ nguyên nhân do thành động mạch.
  • Nhồi máu cơ tim sau thủ thuật.
  • Bị suy thận cấp do ảnh hưởng của thuốc cản quang.
  • Nhiễm trùng vết tiểu phẫu, tuy nhiêm trường hợp này hiếm gặp.

Đặt stent trong nhồi máu cơ tim là kỹ thuật đòi hỏi cần có trình độ kinh nghiệm cao của bác sĩ thực hiện cùng với sự phối hợp hoàn hảo của bệnh nhân. Ngoài ra bệnh nhân cần lưu ý đến vị trí thực hiện thủ thuật sau mổ để tránh những trường hợp không may xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe