Bài viết được viết bởi ThS.BS Vũ Thị Tuyết Mai - Bác sĩ Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Bệnh mạch vành thường được cho là vấn đề của nam giới. Tuy nhiên, bệnh động mạch vành là nguyên nhân gây tử vong trên thế giới ở cả nam và nữ. Thời điểm bệnh tiến triển nặng, có triệu chứng ở nữ thường cao hơn nam giới 7-10 năm. Triệu chứng ở nữ thường không có cơn đau tim điển hình, cơn đau mơ hồ, thường kèm theo vã mồ hôi, khó thở, buồn nôn, nôn, chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến chẩn đoán và điều trị không kịp thời, tỷ lệ tử vong ở nữ cao hơn nam giới.
1. Bệnh động mạch vành là gì?
Động mạch vành là những mạch máu mang máu đến nuôi cơ tim. Bệnh động mạch vành (còn gọi là bệnh tim thiếu máu cục bộ hay thiếu máu cơ tim ) được gây ra bởi sự dày lên của lớp lót trong (nội mạc) động mạch vành. Sự dày lên này thường do xơ vữa động mạch. Mảng bám tạo thành từ mỡ tích tụ bên trong thành động mạch làm chậm hoặc tắc nghẽn dòng máu. Nếu cơ tim không nhận được đủ máu để hoạt động, chúng ta sẽ bị cơn đau tim, nhồi máu cơ tim.
2. Triệu chứng cơn đau tim ở nữ giới như thế nào?
Triệu chứng đau tim thường gặp nhất ở nữ giới cũng giống như ở nam giới - cảm giác như tim bị bóp chặt, thắt nghẹt, đè ép hoặc đôi lúc khó chịu âm ỉ trong lồng ngực. Vị trí đau thường gặp là sau xương ức, vùng giữa ngực hoặc vùng tim, có thể xuất hiện tại chỗ hoặc lan lên vùng cổ, hàm, vai, cánh tay trái. Cơn đau thường chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn chừng vài phút, có thể đến và đi.
Nhưng đau ngực không phải lúc nào cũng điển hình, đặc biệt là ở nữ giới, triệu chứng có thể mơ hồ, thường được mô tả như áp lực hoặc đè chặt vùng ngực. Và có thể bị cơn đau tim mà không có triệu chứng đau ngực, thường gặp hơn so với nam giới, chẳng hạn như:
- Đau ở cổ, hàm, vai, lưng trên hoặc bụng khó chịu
- Khó thở
- Đau ở một hoặc cả hai cánh tay
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Đổ mồ hôi
- Chóng mặt
- Mệt mỏi bất thường
- Khó tiêu
Những triệu chứng này có thể mơ hồ và không được chú ý, có thể là do phụ nữ có xu hướng bị tắc nghẽn không chỉ trong các động mạch chính mà còn ở những mạch máu nhỏ - tình trạng này gọi là bệnh vi mạch vành.
Triệu chứng ở nữ xuất hiện thường xuyên khi nghỉ ngơi, hoặc thậm chí khi ngủ, hơn là ở nam giới. Căng thẳng lo lắng, cũng đóng một vai trò trong việc khởi phát cơn đau tim ở phụ nữ.
Do triệu chứng không điển hình, nên nữ giới thường không được chẩn đoán đúng hoặc được chẩn đoán trễ, tổn thương tim đã xảy ra.
Nếu chúng ta nghĩ rằng mình có thể đang bị cơn đau tim, thì nên đến bệnh viện ngay lập tức và không tự lái xe đến phòng cấp cứu trừ khi không có chọn lựa nào khác.
3. Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh mạch vành ở nữ giới?
Nguy cơ mắc bệnh mạch vành được chia làm 2 nhóm: những yếu tố nguy cơ không thay đổi được như tuổi, giới, di truyền, và nguy cơ có thể thay đổi được như hút thuốc, tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng cholesterol máu, béo phì, bệnh lý tự miễn.
Hút thuốc lá ở nữ giới làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành lên 5 lần so với người không hút. Và nếu kết hợp hút thuốc lá và dùng thuốc ngừa thai đường uống, nguy cơ mắc bệnh mạch vành có thể tăng cao đến 13 lần người bình thường. Ngoài ra hút thuốc lá còn dẫn đến mãn kinh sớm hơn khoảng 2 năm, làm giảm lượng estrogen ở nữ giới, mà chất này, tác dụng giúp giãn mạch vành, do đó việc hút thuốc lá ở nữ giới làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn so với nam giới, đặc biệt ở phụ nữ trên 50 tuổi.
Ngoài ra các nghiên còn cho thấy ở phụ nữ mãn kinh, tỷ lệ tăng huyết áp, đặc biệt là huyết áp tâm thu, cũng như tăng cholesterol máu LDL cao hơn nam giới, mà tăng huyết áp và tăng LDL- cholesterol được chứng minh là 2 yếu tố nguy cơ quan trọng gây bệnh mạch vành.
Bên cạnh đó, tỷ lệ mắc các bệnh lý tự miễn như Lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp ở nữ giới cũng cao hơn nam giới, các bệnh lý này gây ra các phản ứng viêm mạn tính, làm phát triển các mảng xơ vữa động mạch.
Ngoài ra căng thẳng lo âu, trầm cảm, thói quen ít vận động cũng làm tăng nguy cơ ở nữ cao hơn so với nam giới.
4. Có phải bệnh tim là điều mà chỉ phụ nữ lớn tuổi nên lo lắng?
Không. Phụ nữ ở mọi lứa tuổi nên coi trọng bệnh tim. Phụ nữ dưới 65 tuổi - đặc biệt là những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim - cũng cần hết sức chú ý đến các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim.
5. Phụ nữ có thể làm gì để giảm nguy cơ mắc bệnh tim?
Sống một lối sống lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim:
- Từ bỏ hút thuốc hoặc tránh tiếp xúc với khói thuốc lá
- Tập thể dục thường xuyên: ít nhất 150 phút mỗi tuần cho hoạt động aerobic vừa phải, 75 phút hoạt động aerobic mạnh mẽ mỗi tuần hoặc kết hợp cả hai.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
- Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều loại trái cây và rau quả, các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc không béo, và thịt nạc. Tránh chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa, đường và lượng muối cao.
- Tránh căng thẳng lo âu
- Hạn chế rượu. Nếu bạn có nhiều hơn một ly uống mỗi ngày, hãy cắt giảm. Một ly là khoảng 360ml bia, 150ml rượu vang hoặc 45ml rượu mạnh chưng cất, như rượu vodka hoặc rượu whisky.
- Kiểm soát tốt huyết áp, cholesterol máu, và đường huyết.
6. Phương pháp điều trị bệnh tim ở phụ nữ khác với nam giới?
Nhìn chung, điều trị bệnh mạch vành ở nữ và nam giới là tương tự nhau. Bao gồm các biện pháp sử dụng thuốc, nong mạch vành và đặt stent, hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.
Các nghiên cứu cho thấy ở nữ thường ít được chỉ định điều trị bằng statin để phòng ngừa cơn đau tim trong tương lai so với nam giới.
Tạo hình mạch và đặt stent, có tác dụng như nhau ở cả nam và nữ. Nhưng đối với phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, phụ nữ có thể bị biến chứng cao hơn so với nam giới.
Khách hàng có thể nhận biết sớm nguy cơ mắc bệnh mạch vành tim khi thực hiện Gói khám mạch vành tại bệnh viện Vinmec. Với đội ngũ y bác sĩ, dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp, Gói khám mạch vành đã giúp tầm soát phát hiện sớm rất nhiều trường hợp bệnh mạch vành.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.