Ung thư vòm họng nằm trong 10 nhóm bệnh ung thư thường gặp ở Việt Nam, đặc biệt là nam giới trong độ tuổi từ 40-60. Mặc dù có thể điều trị khỏi bằng xạ trị nếu phát hiện sớm nhưng do đặc tính diễn tính thầm lặng và triệu chứng không điển hình mà người bệnh thường đến cơ sở y tế khi ở giai đoạn muộn. Do đó việc nhận thực được ung thư vòm họng triệu chứng ra sao sẽ giúp người bệnh được điều trị sớm và gia tăng khả năng khỏi bệnh.
1. Ung thư vòm họng là gì?
Ung thư vòm họng hay ung thư biểu mô vòm họng là loại ung thư phát sinh từ các tế bào vòm họng (phần cao nhất của hầu họng, sau mũi). Đây là một trong những ung thư chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại ung thư vùng đầu mặt cổ và gây tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời. Mặc dù nguyên nhân gây ra ung thư vòm họng chưa được xác định rõ nhưng các yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới ung thư vòm họng gồm:
- Tiếp xúc với khói bụi, hóa chất, phóng xạ, cao su, nhựa tổng hợp
- Ăn nhiều các loại cá muối, thức ăn lên men, đồ muối chua, thịt hun khói
- Hút thuốc lá, nghiệm rượu bia, sử dụng chất kích thích
- Nhiễm virus EBV
- Tiền sử gia đình có người bị ung thư vòm họng
2. Ung thư vòm họng có triệu chứng như thế nào?
Triệu chứng ung thư vòm họng giai đoạn đầu rất khó phát hiện vì không điển hình, dễ nhầm lẫn với các viêm nhiễm thông thường của đường hô hấp như cảm cúm, viêm họng, viêm mũi theo mùa, khối u lại nằm sâu trong hốc mũi nên khám thông thường không phát hiện ra. Tuy nhiên có thể phát hiện và theo dõi ung thư vòm họng nếu người bệnh có các triệu chứng sau:
- Ngạt mũi, chảy máu mũi, hay xì ra nhầy mũi lẫn máu
- Đau rát họng thường xuyên ngay cả khi nuốt nước bọt, nuốt nghẹn khi ăn, có máu trong nước bọt
- Đau đầu, thường nhức đầu âm ỉ một bên liên tục
- Ù tai, mất thính lực một bên do u làm tắc vòi Eustache
- Giảm hoặc mất thị lực, sụp mi, nhìn đôi
- Có máu trong nước bọt, khó nuốt
- Xuất hiện hạch ở cổ là triệu chứng điển hình và thường gặp nhất của ung thư vòm họng, hạch phát triển ngày càng lớn khiến người bệnh đau nhức
- Biến đổi giọng nói thường gặp khi khối u đã lớn làm biến đổi dây thanh ôm, người bệnh thường khàn tiếng trong thời gian dài không rõ nguyên nhân và cũng không đáp ứng với điều trị.
Nếu có nghi ngờ bệnh nhân mắc ung thư vòm họng, bác sĩ sẽ cần nội soi thanh quản để đánh giá tổn thương, nếu xuất hiện bất thường thì cần lấy mẫu để kiểm tra hay còn gọi là sinh thiết. Các phương pháp sinh thiết có thể thông qua chọc hút bằng kim nhỏ, sinh thiết thường hoặc nội soi.
3. Điều trị và tiên lượng ung thư vòm họng:
Có nhiều phương pháp điều trị ung thư vòm họng tùy thuộc vào giai đoạn cũng như thể trạng của người bệnh như sau:
- Xạ trị: Dùng để tiêu diệt tế bào ung thư bằng chùm tia năng lượng cao
- Hóa trị: Dùng thuốc viên hoặc truyền tĩnh mạch để tiêu diệt tế bào ung thư
- Phẫu thuật loại bỏ ung thư hạch bạch huyết ở cổ họng
- Các phương pháp hiện đại khác: công nghệ gen, miễn dịch học
Ở giai đoạn sớm (I và II) tỷ lệ sống của người bệnh ung thư vòm họng khá cao và có thể khỏi hẳn. Tuy nhiên ở giai đoạn III trở đi tiên lượng sống trên 5 năm chỉ vào khoảng 40% và giai đoạn muộn là 15%. Để dự phòng ung thư vòm họng người bệnh cần phải:
- Không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu, chất kích thích
- Điều trị tích cực các bệnh viêm nhiễm đường mũi
- Khám chuyên khoa Tai mũi họng khi phát hiện triệu chứng bất thường đã đề cập
- Tập thể dục và ăn uống điều độ
Hiện nay, sàng lọc ung thư sớm được coi là biện pháp hoàn hảo trong việc phát hiện và điều trị kịp thời các loại ung thư. Giảm chi phí điều trị và nhất là giảm tỷ lệ tử vong ở người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.