Tương tự như tiểu đường thai kỳ, đái tháo nhạt thai kỳ cũng là một trong các bệnh lý nội tiết mắc phải trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ ba. Tuy nhiên, tình trạng này có tỷ lệ hiếm gặp trong cộng đồng.
1. Đái tháo nhạt thai kỳ là gì?
Khi mắc đái tháo nhạt thai kỳ, bạn sẽ bị khát nước đến mức bạn uống rất nhiều nước mỗi ngày. Hệ quả là bạn cần phải đi vệ sinh từ một hoặc hai lần trong một giờ.
Mang thai không phải là nguyên nhân gây ra bệnh. Song, tình trạng xáo trộn các loại hormone trong cơ thể sản phụ khiến bệnh dễ khởi phát hơn. May mắn là bệnh sẽ lui khỏi khi ra ngoài giai đoạn hậu sản. Dù vậy, không ít các trường hợp lại mắc phải suốt đời.
2. Nguyên nhân của đái tháo nhạt thai kỳ
Phụ nữ mang thai là một trong các yếu tố nguy cơ mắc phải bệnh đái tháo nhạt. Căn bệnh này đã tiềm tàng từ khi nhau thai hình thành để hỗ trợ thai nhi đang phát triển bên trong bụng mẹ. Nhau thai là sợi dây liên kết giúp vận chuyển chất dinh dưỡng và chất thải giữa mẹ và con. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bất thường, một loại enzyme mà chính nhau thai sản xuất ra sẽ phá hủy hormone của cơ thể người mẹ, một loại nội tiết tố có vai trò kiểm soát lượng nước bài tiết qua thận và ra khỏi cơ thể.
Hormone này được gọi là Vasopressin và còn có tên gọi là hormone chống lợi tiểu, hay ADH. Khi bạn cảm thấy khát, lượng ADH sẽ tăng cao hơn trong cơ thể, ngăn chặn cơ thể đào thải nước tiểu. Ngược lại, khi mức ADH thấp đi, bạn sẽ phải đi tiểu thường xuyên hơn.
Khi bị bệnh đái tháo nhạt trong thai kỳ, enzyme mà nhau thai sản sinh ra sẽ phá hủy Vasopressin, khiến cho cơ thể sản phụ bị mất nước và cảm thấy khát nước rất nhiều. Điều này khiến người mẹ sẽ cần uống nhiều nước hơn, sau đó lại tạo ra nhiều nước tiểu hơn, tạo thành một vòng luẩn quẩn. Hậu quả đôi khi là khiến người mẹ tiểu thiếu kiểm soát, có thể bị đái dầm và dễ bị nhiễm trùng tiểu.
3. Các triệu chứng của đái tháo nhạt thai kỳ như thế nào?
Hầu hết phụ nữ mang thai thường xuyên phải đi tiểu nhiều lần vào ban đêm do áp lực của đầu em bé đang lớn dần đặt lên bàng quang. Tuy vậy, nếu bạn đi nhiều lần kèm với khát nước dữ dội, cần sớm nghĩ đến bệnh đái tháo nhạt thai kỳ.
Ngoài ra, sản phụ có thể có các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn ói, chóng mặt và cảm giác yếu cơ toàn thân. Đây chính là biểu hiện của tình trạng rối loạn nước – điện giải.
4. Đái tháo nhạt thai kỳ được chẩn đoán bằng cách nào?
Các bác sĩ thường sẽ yêu cầu kiểm tra mẫu nước tiểu ngay trong lần đầu tiên đi khám với kết quả bị pha loãng rất nhiều lần. Các câu hỏi về thói quen ăn uống của bạn cũng sẽ được đặt ra. Hơn nữa, một số xét nghiệm máu cần thiết khác cũng được thực hiện nhằm loại trừ các bệnh lý khác cũng có triệu chứng tương tự. Ngoài ra, những người phụ nữ đến khám vì biểu hiện của bệnh đái tháo nhạt cũng có thể được thử thai nếu bác sĩ nghi ngờ khả năng đái tháo nhạt thai kỳ.
Kết quả của các xét nghiệm sẽ quyết định chẩn đoán được nghĩ đến nhiều nhất. Nếu enzyme từ nhau thai làm phá hủy nồng độ ADH trong máu sản phụ, đây là nguyên nhân cơ bản gây ra đái tháo nhạt thai kỳ. Ngược lại, nếu nồng độ hormone hoàn toàn bình thường, sản phụ có thể cần phải xét nghiệm nguyên nhân thuộc di truyền học và để loại trừ khả năng bệnh có nguy cơ truyền cho trẻ hay không.
5. Đái tháo nhạt thai kỳ được điều trị như thế nào?
Đối với phần lớn các sản phụ mắc phải đái tháo nhạt thai kỳ, không có một phác đồ điều trị cụ thể nào được đặt ra ngoài việc cần khám thai định kỳ và xét nghiệm thường xuyên hơn, nhằm tầm soát khả năng rơi vào tình trạng rối loạn nước và điện giải. Trong cơ thể người bình thường, đây là hai thành phần tạo nên và giúp giữ vững môi trường nội môi, giúp sự trao đổi chất diễn ra thuận lợi, hiệu quả. Mọi sự mất cân bằng của nước và điện giải ở mức độ trầm trọng đều có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng người mẹ và cả thai nhi.
Mặc dù vậy, hầu hết các phụ nữ đều có thể giữ cán cân thăng bằng này rất tốt nhờ vào việc uống nhiều nước, tương đương với lượng nước mất đi cho đến hết thời gian hậu sản. Lúc này, các bác sĩ sẽ chỉ muốn đảm bảo cơ thể mẹ không bị giữ nước hay có nguy cơ bị nhiễm độc nước. Để được như vậy, sản phụ cần được hướng dẫn luôn có sẵn sàng một lượng nước uống nhất định ngay bên cạnh để dùng bất cứ khi nào họ cảm thấy khát.
Nếu bệnh đái tháo nhạt thai kỳ gây mất nước quá nặng, có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng mẹ hay sự phát triển của bào thai, gây thiểu ối, bác sĩ cần cân nhắc chỉ định một loại hormone tổng hợp có tên là Desmopressin. Chất này hoạt động giống như Vasopressin, giúp kiểm soát việc đi tiểu, bảo vệ cơ thể hấp thụ nhiều chất lỏng mà không đào thải hết ra ngoài. Thuốc này thường dùng ở dạng xịt mũi hoặc dạng viên, dạng tiêm chích.
6. Diễn tiến đái tháo nhạt thai kỳ ra sao?
Hầu hết các trường hợp đái tháo nhạt thai kỳ sẽ tự khỏi sau 4 - 6 tuần sau khi chấm dứt thai kỳ. Dù vậy, một số trường hợp hiếm gặp có thể kéo dài không rõ thời hạn xác định và cần lập phác đồ điều trị liên tục.
Bên cạnh đó, một người phụ nữ một khi đã có một lần mắc bệnh đái tháo nhạt thai kỳ sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn trong các lần mang thai tiếp theo.
Nói tóm lại, đái tháo nhạt thai kỳ mặc dù hiếm gặp nhưng lại gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của mẹ và sức khỏe bào thai. Mặc dù triệu chứng khá điển hình nhưng vẫn cần có những thông tin cơ bản trên đây để định hướng bệnh sớm, hướng dẫn người mẹ biết cách thích nghi. Chỉ những trường hợp biểu hiện nặng nề với cần điều trị đặc hiệu, giúp đảm bảo an toàn trong thai kỳ.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có dịch vụ thai sản trọn gói như một giải pháp giúp mẹ bầu an tâm vì đã có sự đồng hành của đội ngũ y bác sĩ trong suốt thai kỳ. Khi lựa chọn Thai sản trọn gói, thai phụ được:
- Quá trình mang thai được theo dõi bởi đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn
- Thăm khám đều đặn, phát hiện sớm các vấn đề bất thường
- Thai sản trọn gói giúp thuận tiện cho quá trình sinh đẻ
- Trẻ sơ sinh được chăm sóc toàn diện
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.