Chẩn đoán và điều trị đái tháo nhạt

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Ngoại tiết niệu - Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Đái tháo nhạt là một rối loạn đặc trưng bởi tình trạng khát và sự bài tiết của lượng lớn nước tiểu (polyuria). Trong hầu hết trường hợp, đái tháo nhạt là kết quả của cơ thể không sản xuất, lưu trữ hoặc phát hành một hormone quan trọng, nhưng đái tháo nhạt cũng có thể xảy ra khi thận không thể đáp ứng đúng hormone đó.

1. Chẩn đoán bệnh đái tháo nhạt

1.1. Chẩn đoán xác định

Với bệnh lý đái tháo nhạt bạn sẽ có cảm giác khát, uống nhiều, đái nhiều, lượng nước tiểu trong ngày trên 3 lít, tỷ trọng nước tiểu thấp (1,001-1,005), mất khả năng cô đặc nước tiểu, không có thay đổi bệnh lý trong thành phần nước tiểu. Vasopressin có tác dụng điều trị đặc hiệu.

1.2. Chẩn đoán phân biệt

Hỏi về xuất hiện đái nhiều, tiền sử gia đình giúp chẩn đoán nguyên nhân đái tháo nhạt. Cần làm một số nghiệm pháp sau đây giúp chẩn đoán phân biệt:

Nghiệm pháp nhịn nước:

Chuẩn bị: Bạn được nhập viện từ tối hôm trước.

Chỉ nên tiến hành cho người bệnh có đái nhiều nhược trương, nồng độ natri và độ thẩm thấu huyết tương bình thường. Cách tiến hành như sau:

  • Ngừng các thuốc có ảnh hưởng đến tác dụng và tiết ADH như caffein, rượu, thuốc lá ít nhất 24 giờ, các yếu tố kích thích khác đối với tiết ADH như nôn, hạ huyết áp cần được theo dõi để giúp đỡ cho phân tích kết quả.
  • Nghiệm pháp được tiến hành vào buổi sáng. Theo dõi từng giờ một cân nặng, độ thẩm thấu huyết tương, nồng độ natri huyết tương, độ thẩm thấu và thể tích nước tiểu của bạn.
  • Bạn sẽ được yêu cầu nhịn uống nước tới khi cân nặng cơ thể giảm 5%, nồng độ natri và độ thẩm thấu huyết tương đạt tới giới hạn cao của bình thường (Na > 145 và độ thẩm thấu > 295 mOsm/kg, hoặc độ thẩm thấu niệu đo hàng giờ ổn định (biến thiên < 5% trong vòng 3 giờ).

Đánh giá kết quả:

  • Nếu độ thẩm thấu nước tiểu không đạt được 300mOsm/kg trước khi những thông số này đạt được, loại bỏ khả năng uống nhiều tiên phát.
  • Đái tháo nhạt không hoàn toàn: độ thẩm thấu nước tiểu sẽ lớn hơn độ thẩm thấu huyết tương, nhưng nước tiểu vẫn còn cô đặc dưới mức tối đa.
  • Đái tháo nhạt hoàn toàn: độ thẩm thấu nước tiểu sẽ duy trì thấp hơn độ thẩm thấu huyết tương.

Nghiệm pháp truyền dung dịch natri ưu trương:

Trong trường hợp đái tháo nhạt không hoàn toàn (trung ương hoặc thận) có thể có khả năng cô đặc một phần nước tiểu tương xứng với khiếm khuyết về tiết và tác dụng của ADH. Truyền dung dịch natri ưu trương và đo nồng độ ADH sẽ giúp phân biệt giữa uống nhiều tiên phát, đái tháo nhạt trung ương không hoàn toàn, đái tháo nhạt không hoàn toàn do thận.

Cách tiến hành:

  • Truyền dung dịch natri ưu trương (3%) với tốc độ 0,05-0,1 mL/kg/phút. Trong 1 đến 2 giờ, cứ 30 phút một lần đo natri và độ thẩm thấu huyết tương.
  • Định lượng ADH khi natri và độ thẩm thấu huyết tương đạt đến mức giới hạn trên của bình thường (Na >145 mEq/L và osmolality > 295 mOsm/kg).
  • Lập đường biểu diễn để sau đó phân biệt giữa uống nhiều tiên phát, đái tháo nhạt trung ương hay do thận không hoàn toàn.

Nghiệm pháp này chống chỉ định đối với người có nguy cơ gây tăng gánh thể tích (như người bệnh đang có bệnh tim hoặc suy tim ứ huyết).

2. Điều trị bệnh đái tháo nhạt


Điều trị đái tháo nhạt đầu tiên và quan trọng nhất là phải uống đủ nước
Điều trị đái tháo nhạt đầu tiên và quan trọng nhất là phải uống đủ nước

2.1. Điều trị chung

Điều trị đái tháo nhạt đầu tiên và quan trọng nhất là phải uống đủ nước. Lượng nước uống vào gần tương đương với lượng nước tiểu. Vì thế với những trường hợp đái tháo nhạt nhẹ thì có thể bác sĩ chỉ khuyên uống 2 - 3 lít nước/ngày mà không cần dùng thuốc gì. Những trường hợp đái tháo nhạt đi tiểu nhiều lần khiến bạn mất thời gian và phiền toái nên cần phải được điều trị để hạn chế đái nhiều. Dù đi đâu, làm gì thì bạn cũng phải mang theo hoặc chuẩn bị có đủ nước uống, nhất là trong những ngày hè.

2.2 Điều trị đặc hiệu

Phương thức điều trị phụ thuộc loại đái tháo nhạt:

Đái tháo nhạt trung ương:

Nếu bệnh gây ra bởi các bệnh lý vùng dưới đồi - tuyến yên như u tuyến yên thì cần điều trị bệnh chính này trước, ví dụ phẫu thuật loại bỏ khối u. Vì nguyên nhân của bệnh là thiếu ADH nên bạn sẽ được điều trị đái tháo nhạt thay thế bằng loại hormon tổng hợp có tác dụng tương đương có tên là demopressin dưới dạng thuốc xịt mũi, viên uống (minirin) và cả dạng tiêm. Thuốc có tác dụng tốt và an toàn ở đại đa số trường hợp, giúp bạn có cuộc sống bình thường. Với những trường hợp bị bệnh nhẹ thì có thể chỉ cần dùng thuốc 1 lần vào buổi tối để đảm bảo có giấc ngủ ngon. Điều trị đái tháo nhạt trẻ em thì cần ưu tiên điều trị ban ngày để hạn chế phải đi ra nhà vệ sinh nhiều lần trong giờ học.

Một số thuốc điều trị đái tháo nhạt trung ương:

  • Chlopropamid (Diabinese) là thuốc hạ đường huyết, nó có tác dụng làm tăng tái hấp thu nước qua ADH, liều thông thường 125 đến 500mg một ngày, có thể cho tới 4 ngày với liều tối đa.
  • Carbamazepin, liều 100 đến 300mg hai lần /ngày có tác dụng tăng đáp ứng đối với ADH.
  • Clofibrat liều 500mg cứ 6 giờ cho một lần cải thiện tình trạng đái nhiều do tăng giải phóng ADH.
  • Chế độ ăn giảm muối kết hợp với lợi tiểu thiazid có tác dụng điều trị đái tháo nhạt trung ương do giảm thể tích nhẹ, tăng tái hấp thu natri và nước ở ống lượn gần, thuốc có tác dụng tốt hơn khi điều trị đái tháo nhạt do thận.
  • Indomethacin là thuốc chống viêm không thuộc nhóm steroid có thể làm tăng khả năng cô đặc nước tiểu của thận do ức chế tổng hợp prostaglandin thận, giảm tốc độ lọc và tăng đáp ứng của thận đối với ADH.
  • Một số trường hợp người bệnh đái tháo nhạt có triệu chứng nôn, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, gây rối loạn nước và điện giải, cần bồi phụ nước điện giải đủ và kịp thời.
  • Điều trị các bệnh phối hợp nếu có.
  • Nâng cao thể trạng, bổ sung các vitamin thiết yếu.

Có thể điều trị đái tháo nhạt bằng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ
Có thể điều trị đái tháo nhạt bằng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ

Đái tháo nhạt do thận:

Vì thận không đáp ứng với ADH, dDAVP không có hiệu quả. Nếu đái tháo nhạt do thận mắc phải, tình trạng cô đặc nước tiểu sẽ được cải thiện một cách nhanh chóng sau khi ngừng thuốc gây đái tháo nhạt và điều chỉnh rối loạn điện giải.

Điều trị đái tháo nhạt do thận bằng cách điều chỉnh bằng chế độ ăn hạn chế muối và lợi tiểu thiazid (ví dụ hydrochlorithiazid, 25mg ngày 1-2 lần). Thiazid có tác dụng làm giảm chung bài xuất nước tự do và điện giải do kích thích hấp thụ natri ở ống lượn gần và hạn chế đào thải natri ở ống lượn xa. Theo dõi tình trạng giảm thể tích và hạ kali máu.

Amilorid có thể làm tăng tác dụng của lợi tiểu thiazid do làm tăng bài xuất natri và do tác dụng chống bài niệu đưa đến giảm thể tích còn giảm bài xuất kali. Amilorid cũng dùng để điều trị bệnh đái tháo nhạt do uống lithi kéo dài, vì nó chẹn kênh natri ở ống góp, qua kênh này lithi đi vào và tương tác giữa ống thận với ADH.

Các thuốc chống viêm không thuộc nhóm steroid cũng có tác dụng tốt điều trị đái tháo nhạt do thận vì nó làm giảm mức lọc thận, giảm tổng hợp prostaglandin là đối kháng với tác dụng của ADH.

Vì một số trường hợp đái tháo nhạt do thận là đái tháo nhạt không hoàn toàn, dDAVP cũng có thể có hiệu quả đối với những người bệnh này.

Điều trị đái tháo nhạt ở phụ nữ có thai:

Phần lớn các trường hợp này có đáp ứng tốt với thuốc demopressin. Bệnh sẽ tự hết ngay sau đẻ.

Đái tháo nhạt là bệnh lý ít gặp, có thể điều trị được nhưng lại gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người bệnh, đôi khi cũng có thể gây biến chứng mất nước nặng. Vì thế những người có đái nhiều và khát nước nhiều cần đi khám bệnh sớm. Những người đã được chẩn đoán chắc chắn bị đái tháo nhạt cần nhớ dùng thuốc đều và uống đủ nước.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe