Đặc điểm hệ tiêu hoá ở trẻ em

Các cơ quan ở cơ thể trẻ em có rất nhiều điểm khác biệt so với người lớn, trong đó có hệ tiêu hóa. Cấu tạo hệ tiêu hóa ở trẻ em rất đặc biệt, có những đặc điểm không giống với hệ tiêu hóa của người trưởng thành dẫn đến chức năng hoạt động của nó cũng khác xa. Vì vậy, cần tìm hiểu rõ về đặc điểm hệ tiêu hóa trẻ em để có thể chăm sóc sức khỏe cho hệ tiêu hóa của của trẻ một cách tốt nhất.

1. Đặc điểm cấu tạo hệ tiêu hóa ở trẻ em

Cũng như người trưởng thành, cấu tạo hệ tiêu hóa ở trẻ em cũng bao gồm các cơ quan như miệng, thực quản, dạ dày, ruột, gan, tụy... nhưng cấu tạo riêng của từng cơ quan sẽ có một số điểm khác biệt nhất định:

  • Miệng, khoang miệng

Miệng và khoang miệng của trẻ em thường nhỏ, xương hàm trên chưa phát triển, hòn mỡ Bichat còn lớn, lợi trẻ có nhiều nếp nhăn, lưỡi dày, rộng, cơ môi, cơ nhai rất phát triển khiến cho trẻ có được phản xạ bú. Phản xạ bú của trẻ sẽ mất dần khi trẻ được 6 tháng tuổi. Trong trường hợp trẻ mắc một số bệnh lý do suy thai, viêm màng não mủ, xuất huyết não màng não gây ra thì phản xạ bú có thể bị mất đi do tổn thương thần kinh trung ương.

Tuyến nước bọt ở trẻ sơ sinh chưa được biệt hóa một cách rõ ràng mà cần thời gian khoảng 3 đến 4 tháng mới có thể phát triển một cách toàn diện. Nước bọt do trẻ tiết ra tăng dần từ những ngày đầu sau sinh đến khoảng tháng thứ 4 hoặc tháng thứ 5 thì sẽ hình thành sự chảy nước bọt sinh lý, nguyên nhân là do trong giai đoạn này, mầm răng của trẻ phát triển sẽ kích thích hoạt động của dây thần kinh số V, lúc này pH nước bọt nằm trong khoảng 6 – 7.8.


Tuyến nước bọt của trẻ sơ sinh sau 3-4 tháng mới phát triển một cách toàn diện
Tuyến nước bọt của trẻ sơ sinh sau 3-4 tháng mới phát triển một cách toàn diện

Trẻ xuất hiện chiếc răng đầu tiên khi được 5 – 6 tháng tuổi và đến 24 tháng tuổi, trẻ sẽ mọc chiếc răng sữa cuối cùng, chuẩn bị cho quá trình mọc răng vĩnh viễn. Khi trẻ đến tuổi mọc đủ số răng thì cha mẹ cần cho trẻ ăn những thức ăn phù hợp để hàm và răng phát triển đúng theo tự nhiên, tránh gặp phải tình trạng xương hàm chậm phát triển gây ra tình trạng răng ở 2 hàm trên dưới không khớp vào nhau khi thực hiện động tác cắn.

  • Thực quản

Hình dáng của thực quản ở trẻ sơ sinh thường là hình chóp hoặc hình trụ với vách rất mỏng, cơ chun và những cấu trúc đàn hồi chưa phát triển hoàn toàn. Sự xuất hiện của các tuyến rất ít nhưng thay vào đó, thực quản ở hệ tiêu hóa trẻ em có rất nhiều mạch máu. Một số kích thước của thực quản theo độ tuổi của trẻ em như sau:

Trẻ em nhỏ hơn 2 tháng tuổi: đường kính thực ống thực quản khoảng 0.9cm;

Trẻ em 2 – 6 tháng tuổi: đường kính ống thực quản khoảng 0.9 – 1.2cm;

Trẻ em 9 – 18 tháng tuổi: đường kính ống thực quản khoảng 1.2 – 1.5cm;

Trẻ em 2 – 6 tuổi: đường kính ống thực quản khoảng 1.3 – 1.7cm.

  • Dạ dày

Về vị trí thì dạ dày trong hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh thường nằm ngang và ở vị trí khá cao, cho đến khi trẻ bắt đầu biết đi thì dạ dày sẽ chuyển sang vị trí dọc. Về hình dáng bên ngoài thì lúc mới sinh, dạ dày trẻ sẽ có hình tròn, sau đó sẽ dài ra khi trẻ được tuổi và có hình dạng tương tự như dạ dày người lớn khi trẻ bước sang độ tuổi 7 – 11 tuổi.


Dạ dày trẻ sơ sinh thường nằm ngang ở vị trí khá cao
Dạ dày trẻ sơ sinh thường nằm ngang ở vị trí khá cao

Ngoài ra, sự phát triển của dạ dày còn phụ thuộc vào các lớp cơ dạ dày cũng như loại thức ăn được đưa vào dạ dày của trẻ. Sức chứa của dạ dày trẻ sơ sinh khoảng 30 – 35ml, tăng lên 100ml khi trẻ được 3 tháng tuổi và đạt 250ml khi trẻ đủ 1 năm tuổi.

Cơ thắt tâm vị ở dạ dày của trẻ phát triển kém, ngược lại cơ thắt môn vị phát triển tốt nên trẻ hay bị nôn sau khi ăn trong giai đoạn này. Nếu trẻ trong thời kỳ bú mẹ thì khoảng 25% lượng sữa được hấp thu tại dạ dày trong khoảng thời gian là 2 – 2.5 giờ với sữa mẹ, còn sữa bò khoảng 3 – 4 giờ đồng hồ.

  • Ruột

Ruột của trẻ sơ sinh thường dài hơn ruột người lớn, kích thước ruột dài hơn kích thước cơ thể khoảng 6 lần trong giai đoạn 6 tháng đầu sau sinh. Niêm mạc ruột thường có rất nhiều nhung mao và nếp nhăn, đồng thời số lượng mạch máu tại nơi đây cũng rất nhiều nên trẻ có khả năng hấp thụ một số chất trung gian và vi khuẩn dễ xâm nhập vào ruột trong giai đoạn này.

Mạc treo ruột ở trẻ sơ sinh dài nhưng manh tràng khá ngắn, di động nên trẻ thường có hiện tượng xoắn ruột. Trực tràng trong hệ tiêu hóa trẻ em dài, lớp niêm mạc thường lỏng lẻo nên khi trẻ mắc phải hội chứng lỵ hoặc bệnh lý ho gà thì dễ gặp phải tình trạng sa trực tràng.

Một số men tiêu hóa có mặt ở ruột trẻ em đó là Erepsin, Amylase, Lipase, Maltase... có thể tiêu hóa thức ăn trong 12 – 16 giờ. Trong 10 – 12 giờ đầu sau sinh thì ruột trẻ trong trạng thái vô trùng hoàn toàn, sau đó có thể nhiễm một số loại vi khuẩn như tụ cầu, liên cầu, phế cầu... nên cần duy trì bú mẹ trong thời gian này vì trong sữa mẹ có một số chất có khả năng tác dụng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn như đường Lactose có thể ức chế sự hoạt động của vi khuẩn E.Coli.

  • Gan

Gan của trẻ lớn, chiếm khoảng 4.4% trọng lượng cơ thể, thường thì thùy gan trái sẽ to hơn thùy gan phải nhưng một thời gian sau thì tốc độ phát triển của gan phải sẽ nhanh hơn. Tế bào gan chưa phát triển toàn diện khi trẻ chưa đạt 8 tuổi, có nhiều mạch máu trong gan, dễ phản ứng khi trẻ có tình trạng nhiễm khuẩn nhiễm độc.


Gan của trẻ chiếm đến 4.4% trọng lượng của cả cơ thể
Gan của trẻ chiếm đến 4.4% trọng lượng của cả cơ thể

Gan ở trẻ sơ sinh có khả năng trao đổi một số chất như protid, glucid, lipid hoặc vitamin, tiết mật tiêu hóa mỡ, sản sinh tế bào máu ngay khi trẻ còn nằm trong bụng mẹ, có khả năng chống độc và là một nguồn sản sinh nhiệt của cơ thể.

  • Tụy

Tụy phát triển ngay khi trẻ vừa chào đời trong đó dịch tụy được bài tiết sau bữa ăn của trẻ. Một số men có mặt ở tụy như: Trypsin, Amylase, Maltase.... Tụy có khả năng sản sinh Insulin và một số men ngoại tiết được đưa vào tá tràng sau đó.

2. Kết luận

Cấu tạo hệ tiêu hóa ở trẻ em rất phức tạp và chi tiết, đòi hỏi phải tìm hiểu kỹ để biết được những phản ứng tiêu hóa xảy ra với trẻ trong thời gian những năm đầu đời. Vì đặc điểm hệ tiêu hóa trẻ em có rất nhiều điểm khác với hệ tiêu hóa người lớn nên việc chăm sóc hệ tiêu hóa ở trẻ cũng rất khác, không nên chủ quan và cần thận trọng trong vấn đề ăn uống, vệ sinh cũng như bảo vệ hệ tiêu hóa ở trẻ em.


Vệ sinh răng miệng cho trẻ giúp phòng tránh các bệnh liên quan đến tiêu hóa của bé
Vệ sinh răng miệng cho trẻ giúp phòng tránh các bệnh liên quan đến tiêu hóa của bé
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe