Đặc điểm da, cơ, xương ở trẻ sơ sinh

Đặc điểm da trẻ sơ sinh thể hiện qua các chức năng bảo vệ, bài tiết, điều hòa,... Đặc điểm cơ trẻ sơ sinh thể hiện qua cơ lực và trương lực cơ. Còn đặc điểm xương trẻ sơ sinh là tùy vào xương như xương sọ, xương cột sống, xương lồng ngực và răng.

1. Đặc điểm da trẻ sơ sinh

1.1 Cấu tạo

Về mặt cấu tạo, da của trẻ sơ sinh có những đặc điểm sau:

  • Chứa nhiều nước
  • Mỏng và xốp
  • Sợi cơ và sợi đàn hồi ít phát triển

Lúc mới sinh, lớp thượng bì trên da bong ra, hay còn gọi là chất gây, có màu trắng ngà, giúp bảo vệ, miễn dịch và giảm mất nhiệt. Sau sinh, trẻ có thể gặp các hiện tượng sinh lý như đỏ da hoặc vàng da (chiếm tỷ lệ 80 - 85%) hoặc vàng da bệnh lý.

Bên dưới da là lớp mỡ được hình thành khi thai nhi được 7 – 8 tháng. Sau khi sinh, lớp mỡ dưới da của trẻ phát triển đặc biệt mạnh mẽ trong 6 tháng đầu.

1.2 Chức năng sinh lý

Về mặt sinh lý, đặc điểm da trẻ sơ sinh thể hiện qua các chức năng sau:

Bảo vệ: Da có chức năng bảo vệ những lớp tổ chức sâu trước các tác nhân bên ngoài. Ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, chức năng này yếu hơn so với người lớn, vì vậy da trẻ nhỏ rất dễ bị nhiễm trùng và tổn thương.


Da của trẻ yếu nên rất dễ bị tổn thương
Da của trẻ yếu nên rất dễ bị tổn thương

  • Bài tiết và hô hấp: Ngược lại với chức năng bảo vệ, chức năng hô hấp ở trẻ nhỏ mạnh hơn so với người lớn. Tuy nhiên, da của trẻ chưa thực hiện chức năng bài tiết mồ hôi trong những tháng đầu do tuyến mồ hôi chưa hoạt động.
  • Điều hoà nhiệt: Tương tự như chức năng bài tiết, đặc điểm da trẻ sơ sinh trong những tháng đầu là các tuyến mồ hôi chưa hoạt động và hệ thần kinh chưa hoàn thiện, vì vậy chức năng điều hoà nhiệt kém hơn so với người lớn, trẻ rất dễ bị nóng hoặc lạnh.
  • Chuyển hóa: Ngoài các chức năng trên, da còn thực hiện chức năng chuyển hóa. Dưới tác dụng của tia cực tím, da sẽ chuyển hóa để tạo thành vitamin D.

2. Đặc điểm cơ trẻ sơ sinh

2.1. Cấu tạo

Về mặt cấu tạo, hệ cơ của trẻ sơ sinh có những đặc điểm sau:

  • Chứa nhiều nước
  • Ít đạm, mỡ và các muối vô cơ

Ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, nếu bị tiêu chảy sẽ khiến trẻ dễ bị sụt cân.

2.2 Đặc điểm sinh lý

Về mặt sinh lý, đặc điểm cơ trẻ sơ sinh thể hiện qua hai yếu tố sau:

  • Cơ lực: Ở trẻ nhỏ, cơ lực thường yếu hơn so với người lớn, vì vậy tránh cho trẻ lao động hoặc tập luyện quá sức. Cơ lực bên phải thường mạnh hơn cơ lực bên trái.
  • Trương lực cơ: Trong khoảng 2 - 4 tháng đầu sau sinh, trẻ có hiện tượng tăng trương lực cơ sinh lý, thể hiện rõ ở chi trên và chi dưới.

Trương lực cơ của trẻ sẽ phát triển thấy rõ trong khoảng 2-4 tháng đầu sau sinh
Trương lực cơ của trẻ sẽ phát triển thấy rõ trong khoảng 2-4 tháng đầu sau sinh

3. Đặc điểm xương trẻ sơ sinh

3.1 Cấu tạo

Về mặt cấu tạo, xương của trẻ sơ sinh có những đặc điểm sau:

  • Giai đoạn bào thai nhi: Trong giai đoạn bào thai, xương của thai nhi chủ yếu là tổ chức sụn. Xương tiếp tục được hình thành và phát triển đến khi 20 - 25 tuổi.
  • Giai đoạn sơ sinh: Ở trẻ sơ sinh, xương chứa nhiều nước và ít muối khoáng. Vì vậy, xương của trẻ sơ sinh rất mềm và có độ giãn. Thành phần của xương thay đổi khi trẻ lớn, tăng muối khoáng và giảm nước. Để xác định tuổi của trẻ có thể dựa vào điểm cốt hóa.

3.2 Đặc điểm của một số xương

Tùy vào loại xương sẽ có đặc điểm khác nhau. Dưới đây là đặc điểm xương trẻ sơ sinh của một số loại xương:

  • Xương sọ: Ở trẻ sơ sinh, xương sọ phần đầu có đặc điểm là dài hơn phần mặt, kích thước hộp sọ của trẻ cũng tương đối to hơn so với cơ thể và so với người lớn. Trong những năm đầu tiên, kích thước hộp sọ phát triển rất nhanh. Hộp sọ của trẻ sơ sinh có 2 thóp trước và sau. Thóp sau có kích thước nhỏ hơn thóp trước và đóng kín sớm trong 3 tháng đầu, trong khi đó, thóp trước đóng kín khi trẻ khoảng 12 – 18 tháng tuổi.
  • Xương cột sống: Xương cột sống chưa ổn định là đặc điểm xương trẻ sơ sinh. Lúc mới sinh, xương cột sống của trẻ rất thẳng. Tuy nhiên, đặc điểm xương thay đổi qua từng tháng tuổi. Khi trẻ 2 tháng tuổi, trục của cột sống lưng quay về phía trước, 6 tháng tuổi thì trục cột sống lưng quay về phía sau. Và khi trẻ được 1 tuổi thì cột sống vùng lưng lại cong về phía trước.

Sự thay đổi xương cột sống của trẻ qua các năm
Sự thay đổi xương cột sống của trẻ qua các năm

  • Xương lồng ngực: Ở trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi, xương lồng ngực có đường kính trước – sau bằng với đường kính ngang.
  • Răng: 6 tháng tuổi là độ tuổi trẻ bắt đầu mọc răng. Cho đến 2 tuổi, trẻ sẽ hoàn thành việc mọc răng sữa (20 cái).

Nhận biết các đặc điểm da trẻ sơ sinh cũng như cơ, xương sẽ giúp cha mẹ hiểu và chăm sóc trẻ tốt hơn trong những năm tháng đầu đời.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe