Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm khá phổ biến ở trẻ nhỏ nhưng cho đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh. Trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường có biểu hiện sốt kèm theo một số triệu chứng đặc trưng như phát ban ngoài da và loét miệng. Vậy sốt tay chân miệng có đặc điểm gì nhận diện và thường kéo dài bao nhiêu ngày?
1. Tay chân miệng là gì?
Tay chân miệng là bệnh lý truyền nhiễm hay gặp ở trẻ nhỏ, đặc trưng bởi triệu chứng phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và loét miệng. Tác nhân gây bệnh là các virus đường ruột, trong đó thường gặp nhất là virus Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71). EV71 mặc dù là nguyên nhân ít phổ biến hơn nhưng có nguy cơ gây ra các biến chứng tay chân miệng nặng nề hơn. Virus gây bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan nhanh chóng và dễ dàng, có thể truyền trực tiếp từ người sang người thông qua dịch tiết mũi, miệng hoặc do tiếp xúc trực tiếp với phân, nước bọt hoặc dịch tiết từ phỏng nước của trẻ bệnh. Trong các giai đoạn của tay chân miệng thì thời gian ủ bệnh được xem là lý tưởng nhất để virus phát tán thông qua các con đường phổ biến như sau:
- Tiếp xúc trực tiếp với trẻ nhiễm bệnh;
- Cầm nắm đồ chơi, các vật dụng của trẻ bị bệnh;
- Tiếp xúc với dịch tiết mũi, dịch của phỏng nước hoặc phân của trẻ nhiễm bệnh.
2. Các giai đoạn của tay chân miệng
Virus gây bệnh tay chân miệng rất dễ lây lan và có nguy cơ cao dẫn đến bùng phát thành dịch nếu không kiểm soát tốt. Vì vậy, một trong những biện pháp kiểm soát bệnh lý này chính là phát hiện sớm các dấu hiệu của tay chân miệng để phòng ngừa, điều trị và cách ly tránh lây lan. Do là bệnh truyền nhiễm nên đa số trẻ mắc bệnh đều có triệu chứng sốt tay chân miệng, bên cạnh đó còn có các dấu hiệu đặc trưng khác tùy theo từng giai đoạn của bệnh, cụ thể như sau:
- Giai đoạn ủ bệnh: Kéo dài 3-6 ngày kể từ khi phơi nhiễm với virus, giai đoạn này trẻ thường không có bất cứ triệu chứng nào;
- Giai đoạn khởi phát: Kéo dài khoảng 1-2, trẻ bị tay chân miệng bắt đầu có những triệu chứng sau:
- Sốt tay chân miệng kèm mệt mỏi, trẻ có thể sốt nhẹ 37.5-38 độ C hoặc một số trẻ bị tay chân miệng sốt cao đến 39-40 độ C;
- Cảm giác đau rát ở nướu răng và trong khoang miệng;
- Một số bé gặp triệu chứng đau họng, tăng tiết nhiều nước bọt, đôi khi kèm theo tình trạng tiêu chảy;
- Giai đoạn toàn phát: Kéo dài khoảng 3-10 ngày với những biểu hiện đặc trưng của tay chân miệng như:
- Phát ban dạng phỏng nước ở các vị trí khá đặc trưng như lòng bàn chân, lòng bàn tay, mông, gối, mông... Phỏng nước có đường kính khoảng 2-10mm, hình bầu dục, có thể lồi lên hoặc ẩn dưới da, không gây đau hay ngứa;
- Loét miệng: Niêm mạc má, lợi, lưỡi của trẻ bị tay chân miệng xuất hiện các bóng nước đường kính 2-3mm, rất dễ vỡ tạo thành các vết loét miệng và khiến trẻ đau, đặc biệt là khi ăn uống;
- Toàn thân: rối loạn tri giác, giật mình, co giật hoặc mê sảng...;
- Giai đoạn lui bệnh: Thường xảy ra vào ngày thứ 7 từ giai đoạn toàn phát, trẻ giảm sốt hoặc hết sốt hoàn toàn, tổng trạng cải thiện, bé khỏe mạnh và phục hồi nếu không xảy ra các biến chứng nguy hiểm.
Tay chân miệng thường sốt bao nhiêu ngày, thời gian sốt tay chân miệng thường kéo dài khoảng 7 ngày (dao động từ 4-12 ngày). Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý là không phải trường hợp tay chân miệng nào cũng trải qua các giai đoạn với những triệu chứng như trên, có trẻ chỉ xuất hiện loét miệng (dễ gây nhầm lẫn với những tình trạng loét miệng lành tính thông thường), có trẻ mọc rất ít bóng nước, xen kẽ với các nốt hồng ban và thậm chí có trường hợp chỉ phát ban mà không có bóng nước.
3. Đặc điểm của sốt tay chân miệng
Đa số trường hợp tay chân miệng thường ở mức độ nhẹ, triệu chứng sốt tay chân miệng chỉ diễn ra trong vài ngày bên cạnh các triệu chứng khác cũng ở mức độ tương đối nhẹ.
Tuy nhiên khi trẻ bị tay chân miệng sốt cao trên 39 độ C, sốt kéo dài kèm theo một vài biểu hiện của biến chứng như giật mình lúc ngủ, co giật, khó thở... thì cha mẹ cần nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện.
Hiện nay, trên thế giới vẫn chưa có thuốc điều trị tay chân miệng đặc hiệu. Biện pháp điều trị hiện nay chủ yếu là điều trị triệu chứng, hỗ trợ nâng đỡ thể trạng và điều trị biến chứng nếu có. Do đó cha mẹ cần biết các dấu hiệu tay chân miệng chuyển nặng để nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời khi cần.
Những triệu chứng cảnh báo tay chân miệng chuyển nặng bao gồm:
- Trẻ bị tay chân miệng sốt cao liên tục không đáp ứng thuốc hạ sốt: Mặc dù hầu hết trẻ có triệu chứng sốt tay chân miệng nhưng thường ở mức độ nhẹ và đáp ứng với hạ sốt, do đó những bé sốt cao có thể gợi ý một vấn đề khác, có thể là sốt do các biến chứng của tay chân miệng;
- Giật mình lúc ngủ hoặc ngay cả khi trẻ đang chơi đùa;
- Trẻ mệt mỏi nhiều, không chơi đùa, ngủ nhiều, tri giác thay đổi sang lơ mơ hoặc ngủ gà;
- Vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc khu trú ở tay chân;
- Nhịp thở nhanh hoặc kiểu thở bất thường như có cơn ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực hoặc khò khè;
- Run chi hoặc run toàn thân, dáng đi loạng choạng hoặc ngồi không vững.
4. Chăm sóc và điều trị tay chân miệng
Đa số trường hợp tay chân miệng ở mức độ nhẹ, trẻ thường hết sốt tay chân miệng, không phát ban thêm và phục hồi hoàn toàn trong vòng 7 – 10 ngày, trừ những trường hợp có biến chứng nguy hiểm.
Những với trẻ mắc tay chân miệng thể nhẹ có thể được bác sĩ cho điều trị và chăm sóc tại nhà, đồng thời tái khám định kỳ theo lịch hẹn để phát hiện biến chứng kịp thời.
Do chưa có thuốc đặc trị nên việc chăm sóc trẻ đúng cách sẽ hỗ trợ quá trình hồi nhanh diễn ra nhanh và hiệu quả hơn, đồng thời hạn chế tối đa nguy cơ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm. Trong quá trình chăm sóc, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý 4 vấn đề sau đây:
4.1. Cách ly trẻ đúng cách
Tay chân miệng rất dễ lây lan ở nơi đông người như nhà trẻ, trường học hoặc nơi công cộng. Vì thế, ngay khi trẻ được xác định mắc bệnh tay chân miệng phải được tiến hành cách ly với các trẻ lành và người thân trong nhà. Cha mẹ không nên cho trẻ đến trường học trong khoảng thời gian 10 – 14 ngày kể từ ngày phát bệnh, đồng thời thông báo với nhà trường để có biện pháp xử lý phù hợp và tránh lây nhiễm cho bạn bè cùng lớp học.
4.2. Chế độ dinh dưỡng phù hợp
Sốt tay chân miệng kèm các triệu chứng khác như loét miệng thường khiến trẻ biếng ăn, do khi ăn sẽ bị đau và khó chịu. Vì thế, cha mẹ nên chuẩn bị cho con những món ăn mềm, dễ nuốt và dễ tiêu hoá để trẻ hỗ trợ bé ăn nhiều hơn. Chế độ dinh dưỡng cần đảm bảo đủ các nhóm chất, vừa bổ sung các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể hoạt động vừa hỗ trợ quá trình hồi phục diễn ra nhanh hơn.
Cha mẹ cần hạn chế cho con ngậm vú giả quá cứng hay ăn bằng các dụng cụ có cạnh sắc bén, đồng thời không cho con ăn thức ăn quá nóng hoặc đồ chua cay vì có thể loét miệng nghiêm trọng hơn. Trẻ tay chân miệng sốt cao cần được chú ý tăng cường bổ sung nước để hạn chế nguy cơ mất nước.
4.3. Giữ gìn vệ sinh
Giữ vệ sinh cẩn thận cho trẻ bệnh và người chăm sóc sẽ hạn chế virus lây lan ra diện rộng, đồng thời hỗ trợ quá trình điều trị và hồi phục đạt hiệu quả nhanh hơn.
Trẻ phải được vệ sinh cá nhân sạch sẽ, không được hạn chế tắm rửa khi mắc bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, do cơ thể đang suy yếu nên cha mẹ cần cho trẻ tắm trong phòng kín gió với xà phòng sát khuẩn.
Các vật dụng cá nhân như bình sữa, dụng cụ ăn uống, đồ dùng sinh hoạt, đồ chơi cho trẻ bệnh cần được tách biệt và vệ sinh thường xuyên để khử khuẩn. Quần áo, tã lót cho trẻ bệnh cần được thay mới thường xuyên, sau đó xử lý bằng cách ngâm với các dung dịch sát khuẩn chuyên dụng.
4.4. Sử dụng thuốc đúng cách
Tay chân miệng là bệnh do virus gây ra, do đó cha mẹ không nên tùy tiện cho con uống các loại thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt trong đó là các loại kháng sinh. Loại thuốc này không tác động đến virus và trên thực tế cũng không mang lại bất kỳ tác dụng nào. Trường hợp trẻ bị tay chân miệng sốt cao có thể dùng thuốc hạ sốt (Paracetamol) với liều lượng thích hợp hoặc các thuốc khác theo kê đơn của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.