Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trương Thành Tâm - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Trong 24 giờ đầu tiên của em bé mới sinh, trẻ sẽ có những thay đổi nhất định. Nắm rõ những đặc điểm của trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu như cân nặng, hình dáng, nhiệt độ cơ thể,... sẽ giúp cha mẹ đánh giá được con mình đã chào đời và phát triển hoàn toàn bình thường.
1. Những mốc hoạt động quan trọng đầu tiên của bé từ khi chào đời
Em bé mới sinh sẽ trải qua 8 mốc phát triển quan trọng để bắt đầu một hành trình tự ăn, tự thở và thích nghi với môi trường bên ngoài bụng mẹ. Đó là:
- 0 giây đầu tiên khi em bé ra đời: Trẻ sẽ khóc rất to để phổi được làm sạch và lấy không khí vào cơ thể;
- 2 phút sau khi em bé chào đời: Trẻ thư giãn, trấn tĩnh hơn sau khi khóc thoải mái;
- 2,5 phút sau khi chào đời: Bé bắt đầu mở mắt lần đầu tiên, chóp chép miệng và cử động đầu qua lại;
- 8 phút sau đó: Bé sẽ chuyển động nhiều hơn, chân tay cựa quậy qua lại, có cảm giác đói và đưa tay tới gần miệng;
- 18 phút sau khi chào đời: Em bé im ắng và trấn tĩnh hơn vì đây là thời điểm bé đang nghỉ ngơi;
- 36 phút sau sinh: Trẻ bắt đầu tìm kiếm bầu vú mẹ và được cho bú;
- 62 phút sau sinh: Bé vẫn tiếp tục bú mẹ và bé cần được bú càng nhiều càng tốt. Điều này giúp tử cung của sản phụ sớm trở về vị trí ban đầu, giúp người mẹ mau có sữa cho bé;
- 70 phút sau khi ra đời: Trẻ sơ sinh có giấc ngủ chính thức đầu tiên.
Những mốc thời gian trung bình trên đây chỉ là con số tương đối, trẻ có thể thực hiện những hoạt động này sớm hơn hoặc muộn hơn.
2. Đặc điểm của em bé sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu tiên
2.1 Cân nặng của trẻ
Trong những giờ đầu tiên sau sinh, em bé sẽ được tiếp xúc với thế giới bên ngoài với nhiệt độ, trọng lực khác hẳn so với trong bụng mẹ. Trẻ sơ sinh đủ tháng thường có cân nặng khoảng 2,9 - 3,8kg, da đỏ hồng, tươi sáng và có tiếng khóc to.
2.2 Hình dáng của bé
Đầu của bé có thể bị méo hoặc dài hơn một chút vì lực kéo đẩy trong lúc chuyển dạ (với sản phụ sinh thường). Với sản phụ sinh con lần đầu hoặc sản phụ lớn tuổi thì đầu bé thường méo nhiều hơn. Tuy nhiên, trong vòng 2 - 3 tuần sau đó, đầu bé sẽ trở lại bình thường và tự nhiên nên cha mẹ không cần quá lo lắng.
Khi mới sinh, khuôn mặt của bé thường bị sưng hơn, nhất là phần mí mắt. Thậm chí, một số trẻ còn có gỉ mắt nên cần được bác sĩ hoặc y tá nhỏ thuốc sát khuẩn ngay từ khi mới ra đời. Mũi của trẻ cũng thường thấp hơn so với bình thường. Tuy nhiên, mũi của bé sẽ cao dần khi con lớn lên.
2.3 Việc ị, tè của trẻ
Thông thường, lần tè, ị đầu tiên của một em bé mới sinh sẽ xuất hiện trong vòng 24 giờ đầu đời. Tuy vậy, vẫn có những trẻ tè, ị muộn hơn. Màu nước tiểu của bé là màu hồng gạch do có muối từ axit uric, còn phân của bé sẽ có màu tro hoặc màu xanh rêu - còn gọi là phân su. Đây là những dấu hiệu bình thường nên phụ huynh không cần lo lắng.
2.4 Vùng kín của bé trai, bé gái
Khi mới sinh, bộ phận sinh dục của bé trai hoặc bé gái thường sưng và đỏ hơn so với bình thường. Ở bé gái, có thể có hiện tượng rỉ ra một chút dịch trong âm đạo, có màu trắng trong hoặc lẫn với một chút máu. Đây là hiện tượng hết sức bình thường, là kết quả của việc trẻ tiếp xúc với hormone của người mẹ trong thời gian sinh nở.
2.5 Dáng ngủ của em bé mới sinh
Trẻ mới sinh trong vòng 24 giờ đầu tiên thường ngủ rất nhiều, chỉ thức giấc khi đi vệ sinh hoặc đòi ăn. Em bé vẫn giữ tư thế ngủ giống như khi đang nằm trong bụng mẹ. Nếu lúc sinh đầu bé chui ra trước thì bé sẽ nằm với tư thế hơi co người lại, cằm kéo sát vào ngực, tay nắm chặt và tứ chi co lại về phía người.
2.6 Làn da của em bé mới sinh
Sau khi được tắm lần đầu, cha mẹ có thể thấy da trẻ vẫn còn bám gây. Da của bé cũng nhăn nheo, có một vài đốm đỏ cỡ hạt gạo trên cơ thể (cổ, mũi, mí mắt), ở lưng hoặc mông có thể có vết bớt xanh. Những đặc điểm này sẽ biến mất khi bé lớn hơn.
2.7 Thân nhiệt, hô hấp của trẻ
Khi mới ra đời, bé chưa có mồ hôi và chưa thể chảy nước dãi vì các tuyến này chưa thực sự đi vào hoạt động. Nhiệt độ cơ thể của em bé mới sinh sẽ bằng thân nhiệt của mẹ, sau đó sẽ giảm xuống khoảng 1 - 3°C. 8 tiếng sau khi chào đời, nhiệt độ cơ thể trẻ lại tăng lên, ở mức 36,8 - 37,2°C. Bé thở khoảng 34 - 35 lần/phút và mạch đập 120 - 130 lần/phút.
2.8 Thị lực của trẻ
Trong 24 giờ đầu đời, mắt của trẻ chưa thể nhìn rõ được các vật, chưa nhận biết được các màu sắc cụ thể. Bé chỉ có thể nhìn thấy 2 màu đen, trắng với tầm nhìn rất gần. Trong các tuần sau, thị lực của bé sẽ dần dần phát triển.
Trắc nghiệm: Thế nào là trẻ sơ sinh đủ tháng?
Đặc điểm bên ngoài của trẻ sơ sinh đủ tháng được thể hiện qua các tiêu chuẩn như: Cân nặng, chiều dài và hình thể. Theo dõi bài trắc nghiệm dưới đây sẽ giúp các bậc cha mẹ hiểu thế nào là trẻ sơ sinh đủ tháng, qua đó có thể đánh giá tổng trạng sức khỏe và sự phát triển của bé yêu nhà mình.Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Ma Văn Thấm , chuyên khoa Nhi , Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)
3. Lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu
3.1 Da kề da ngay sau khi sinh
Tiếp xúc da kề da giữa bé và mẹ ngay sau khi chào đời giúp bé tránh được tình trạng hạ thân nhiệt, suy hô hấp. Đồng thời, em bé có xu hướng ít khóc hơn và bú sữa mẹ nhiều hơn. Còn đối với người mẹ, việc tiếp xúc da kề da với bé sẽ giúp mẹ giảm bớt tình trạng đau ngực sau sinh, giảm căng thẳng và lo lắng.
3.2 Cho trẻ bú mẹ càng sớm càng tốt
Ngay sau sinh, nên cho trẻ bú mẹ càng sớm càng tốt để kích thích tuyến sữa của người mẹ hoạt động hiệu quả, tránh được tình trạng cương sữa và tắc sữa sau sinh. Sữa non của người mẹ trong vòng 72 giờ sau sinh giúp con tăng sức đề kháng và có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
3.3 Bổ sung vitamin K và tiêm phòng
- Trẻ sơ sinh có nguy cơ bị xuất huyết ngoài da, cuống rốn, màng não và não. Vì vậy, trong vòng 6 giờ đầu sau sinh nên bổ sung vitamin K cho trẻ để giúp đông máu;
- Bé sơ sinh cần được tiêm phòng mũi viêm gan B đầu tiên trong vòng 24 giờ sau sinh. Nếu được, nên lấy máu gót chân của trẻ để xét nghiệm, phát hiện sớm một số dị tật bẩm sinh.
3.4 Đặt bé nằm ở tư thế thoải mái nhất
Cấu tạo đường thở của trẻ sơ sinh rất mềm, khí quản hẹp nên cha mẹ hoặc người chăm sóc cần chú ý tới tư thế bồng bế, tư thế đặt bé nằm. Nên cho bé nằm ở tư thế nằm ngửa, đặt 2 gối nhỏ ở 2 bên và đặt nằm gần mẹ để bé đỡ giật mình, ngủ ngon hơn.
3.5 Theo dõi việc bé đi vệ sinh
Với những trẻ bình thường, việc ị, tè sẽ diễn ra thường xuyên sau khoảng 6 - 8 tiếng sau khi chào đời. Nếu sau 24 giờ chào đời vẫn chưa thấy bé đi ị phân su, cha mẹ nên báo cho bác sĩ để kịp thời xử lý.
Cha mẹ cần tìm hiểu kỹ những đặc điểm trong vòng 24 giờ đầu tiên của em bé mới sinh để chuẩn bị sẵn sàng và chu đáo hơn trong quá trình chăm sóc trẻ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.