Bài viết bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Đỗ Minh Hùng - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Túi thừa là một túi phồng có thể hình thành trên cơ quan nội tạng. Mặc dù túi thừa thường gặp nhất ở đại tràng, nó có thể phát triển ở bất cứ nơi nào trong đường tiêu hóa của bạn.
1. Túi thừa và đa túi thừa là gì?
Đa túi thừa đại tràng là những túi phồng lồi ra bên ngoài thành đại tràng. Đa túi thừa có thể xảy ra bất cứ nơi nào ở đại tràng nhưng phổ biến nhất là ở gần cuối của đại tràng phía bên trái (đại tràng chậu hông).
2. Viêm túi thừa là gì?
Viêm túi thừa là tình trạng túi thừa bị viêm nhiễm và các mô xung quanh túi thừa sưng phù nề. Nếu viêm trở nặng, túi thừa có thể vỡ, lây lan vi khuẩn từ đại tràng đến các mô xung quanh gây nhiễm trùng được gọi là viêm phúc mạc hoặc tạo thành một ổ nhiễm trùng khu trú gọi là áp-xe.
3. Bệnh đa túi thừa đại tràng có thường gặp?
Bệnh đa túi thừa phổ biến nhất ở các nước công nghiệp phát triển, nơi chế độ ăn ít chất xơ và nhiều carbohydrate chế biến. Mỹ, Anh và Australia có tỉ lệ bệnh đa túi thừa cao hơn những nơi khác như châu Á hoặc châu Phi, nơi mà chế độ ăn giàu chất xơ.
Tại Mỹ, bệnh đa túi thừa chiếm hơn 50% số người trên 60 tuổi. Khoảng 10% - 25% số người mắc bệnh đa túi thừa sẽ trải qua tình trạng viêm túi thừa.
4. Nguyên nhân gây đa túi thừa là gì?
Người ta tin rằng đa túi thừa hình thành khi có tăng áp lực trong đại tràng, có thể do một số nguyên nhân như:
Chế độ ăn uống ít chất xơ làm cho phân cứng và thời gian phân đi qua đại tràng chậm, gia tăng áp lực trong lòng đại tràng. Thêm vào đó, rặn lập đi lập lại trong quá trình đi cầu cũng làm tăng áp lực.
Một số loại thuốc như thuốc hạ huyết áp, thuốc lợi tiểu và thuốc giảm đau gây ngủ có thể làm tăng táo bón và làm tăng áp lực trong lòng đại tràng. Bất kỳ những nguyên nhân gây tăng áp lực có thể dẫn đến sự hình thành của đa túi thừa.
5. Chế độ ăn uống có góp phần gây ra túi thừa?
Chế độ ăn uống ít chất xơ làm cho phân cứng hơn và có thể dẫn đến táo bón, làm tăng áp suất trong ruột, có thể dẫn đến sự hình thành của túi thừa.
Có hai loại chất xơ cần thiết để giữ cho phân mềm và để ngăn ngừa táo bón. Chất xơ hòa tan tan trong nước và tạo thành một chất giống như gel mềm trong đường tiêu hóa. Chất xơ không hòa tan đi qua đường tiêu hóa gần như không đổi và có thể có tác dụng nhuận tràng, giúp phân để vượt qua. Nguồn cung cấp chất xơ bao gồm các loại trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt và các loại rau đậu như đậu lăng.
6. Các triệu chứng thường gặp nhất của bệnh là gì?
Nhiều bệnh nhân bị bệnh đa túi thừa không có triệu chứng. Khoảng 20% bệnh nhân có một số triệu chứng liên quan đến khó đi cầu do đại tràng trái bị hẹp. Các triệu chứng có thể bao gồm đau bụng, đầy hơi, chướng bụng, đau trực tràng, và tiêu chảy.
Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng nghiêm trọng bao gồm:
- Viêm túi thừa nặng (nhiễm trùng)
- Áp xe vùng chậu do vỡ túi thừa
- Viêm phúc mạc toàn thể
- Tắc ruột
- Xuất huyết tiêu hóa dưới (chảy máu vào ruột già)
7. Nguyên nhân gây chảy máu trong bệnh túi thừa?
Khi viêm túi thừa ăn mòn vào trong một mạch máu ở đáy túi thừa có thể dẫn đến chảy máu túi thừa gây ra máu đỏ, đen, hoặc màu nâu sẫm và cục máu đông khi bệnh nhân đi cầu. Bệnh nhân có hay không có thể bị đau bụng. Chảy máu có thể xảy ra và ngưng hoặc kéo dài trong nhiều ngày liên tiếp. Nếu chảy máu đang hoạt động, bệnh nhân thường nhập viện. Chảy máu nặng có thể cần phải phẫu thuật để cắt bỏ đại tràng mang túi thừa.
8. Khi nào tôi nên đi khám bệnh?
Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây và đã được chẩn đoán túi thừa trước đó: Đau bụng; Sốt; Tiêu chảy; Nôn; Chảy máu trực tràng, điều này có thể là một dấu hiệu của đa túi thừa, viêm túi thừa, hoặc các bệnh nghiêm trọng khác.
Đi cấp cứu ngay lập tức nếu bạn đã biết đa túi thừa hoặc các đợt viêm túi thừa trước đó và bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Đau bụng dữ dội
- Sốt dai dẳng kèm đau bụng
- Nôn mửa dữ dội
- Táo bón dai dẳng với chướng bụng hoặc đầy hơi
- Đau dữ đội hoặc các triệu chứng khác mà trước đó bạn đã trải qua trong một đợt viêm túi thừa
9. Làm thế nào để chẩn đoán viêm túi thừa?
Đa túi thừa được chẩn đoán bằng soi đại tràng. Bệnh cũng có thể được chẩn đoán bằng CT scan bụng chậu hoặc X-quang đại tràng cản quang. Trong một đợt viêm túi thừa cấp, CT scan có thể được sử dụng để chẩn đoán mức độ nhiễm trùng.
10. Điều trị bệnh nhân bị đa túi thừa không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ như thế nào?
Bệnh nhân bị đa túi thừa có ít hoặc không có triệu chứng, một chế độ ăn nhiều chất xơ và chất xơ bổ sung được khuyến cáo để ngăn ngừa táo bón và sự hình thành thêm túi thừa.
Có một số loại thuốc có thể điều trị các triệu chứng nhẹ như đau bụng do co thắt cơ. Thuốc chống co thắt có thể sử dụng trong trường hợp này.
11. Kháng sinh được sử dụng trong điều trị viêm túi thừa?
Nếu bạn có viêm túi thừa với các triệu chứng nhẹ, kháng sinh có thể được sử dụng
Nếu bạn đang bị đợt viêm túi thừa cấp, bạn có thể được tư vấn để dùng một chế độ ăn uống chất lỏng và các loại thực phẩm ít chất xơ.
12. Khi nào viêm túi thừa cần phải phẫu thuật?
Nếu viêm túi thừa không đáp ứng với điều trị nội khoa, phẫu thuật có thể cần thiết. Điều này thường bao gồm dẫn lưu ổ áp xe và phẫu thuật cắt bỏ các đoạn đại tràng có túi thừa. Đa túi thừa xuất huyết dai dẳng đòi hỏi phải phẫu thuật cắt bỏ. Phẫu thuật cũng cần thiết trong trường hợp đa túi thừa ăn mòn vào bàng quang gây rò bàng quang – đại tràng, gây nhiễm trùng tiểu tái phát nặng và tiểu ra phân, hơi.
13. Bệnh đa túi thừa có thể được phòng ngừa?
Đa túi thừa là vĩnh viễn một khi đã hình thành và chỉ có thể lấy đi bằng phẫu thuật cắt bỏ. Hiện nay không có bất kỳ một điều trị nào có thể ngăn ngừa bệnh đa túi thừa. Tuy nhiên, chế độ ăn giàu chất xơ được khuyến cáo để tăng khối phân và ngăn ngừa táo bón giúp làm giảm áp lực trong đại tràng và có thể giúp ngăn ngừa hình thành thêm túi thừa hoặc làm bệnh xấu hơn.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park (TP. HCM) hiện áp dụng kỹ thuật mới trong điều trị đa túi thừa đại tràng: Phẫu thuật ít xâm lấn bằng robot (robotic surgery) với robot cầm tay. Phương pháp này đang có nhiều ưu thế so với cả phẫu thuật nội soi kinh điển và mổ robot với:
- Dụng cụ có đầu phẫu thuật hoạt động linh hoạt như khớp cổ tay giúp tiếp cận được những góc hẹp, tăng khả năng bóc tách và ít gây tổn thương cho các vùng lân cận so với phẫu thuật nội soi cổ điển;
- Đèn nội soi tự động hóa qua giọng nói, laser, theo dõi bằng mắt,... giúp bác sĩ chủ động điều khiển và có tầm nhìn và sự kiểm soát tốt hơn, tăng sự chính xác và an toàn trong thực hiện phẫu thuật;
- Với ưu điểm nhỏ gọn, phẫu thuật bằng cánh tay robot ít xâm lấn và có nhiều lợi điểm như đường mổ nhỏ, ít đau, nguy cơ nhiễm trùng thấp, từ đó giúp khách hàng ít mất máu trong phẫu thuật, phục hồi nhanh;
- Chi phí thực hiện thấp hơn nhiều phẫu thuật bằng robot.
>>>> Khách hàng có thể tham khảo thông tin: Phẫu thuật về trong ngày (Day surgery, outpatient surgery)
Người bệnh sẽ được tư vấn và điều trị cùng các bác sĩ nội soi giàu kinh nghiệm và được trực tiếp phẫu thuật bởi bác sĩ Đỗ Minh Hùng – Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp – Bệnh viện ĐKQT Vinmec Central Park. Bác sĩ Hùng đã có hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Ngoại Tổng quát và thực hiện hàng chục công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, công bố nhiều kỹ thuật phẫu thuật độc đáo, mang lại hiệu quả điều trị tích cực.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park, Quý Khách vui lòng liên hệ Hotline: 0283 6221 166 hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.