Đa polyp túi mật có nguy hiểm không là câu hỏi mà rất nhiều người bệnh đặt ra khi nhận được kết quả xét nghiệm. Sự xuất hiện của nhiều polyp trong túi mật khiến họ không khỏi lo lắng về tình trạng sức khỏe của mình. Do đó, việc theo dõi và đánh giá tình trạng polyp túi mật định kỳ là vô cùng quan trọng để tìm ra phương án điều trị tốt nhất.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Huy Bình - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ đã có 09 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội soi tiêu hóa.
1. Bệnh đa polyp túi mật là gì?
Bệnh đa polyp túi mật là gì? Tình trạng có nhiều polyp trong túi mật được gọi là đa polyp túi mật, trong đó chỉ khoảng 5% có nguy cơ là u ác tính, còn lại 95% là lành tính. Hầu hết các trường hợp đều không có triệu chứng rõ ràng và thường được phát hiện tình cờ khi siêu âm kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Cách phân biệt polyp lành hay ác tính có thể dựa vào kích thước. Các polyp nhỏ hơn 10mm và không thay đổi qua thời gian dài thường là lành tính và không nhất thiết phải điều trị. Tuy nhiên, nếu polyp tăng kích thước và số lượng nhanh chóng, polyp có chân lan rộng kèm theo các triệu chứng như đau nhức, sốt thường xuyên,… bác sĩ có thể nghi ngờ đây là polyp ác tính và sẽ tư vấn phẫu thuật cắt túi mật nhằm giảm nguy cơ.
2. Đa polyp túi mật có nguy hiểm không?
Nhiều người thường thắc mắc đa polyp túi mật có nguy hiểm không. Phần lớn các polyp trong túi mật là lành tính, do đó không nhất thiết phải phẫu thuật cắt bỏ. Tuy nhiên, đối với những người trung niên trên 50 tuổi có polyp túi mật lớn hơn 1 cm và kèm theo sỏi mật, việc phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ túi mật là điều cần thiết.

Đối với những polyp có nguy cơ tiến triển ác tính, bác sĩ thường chỉ định phương pháp cắt túi mật nội soi. Phương pháp này phù hợp với các trường hợp polyp nhỏ hoặc đơn độc. Ngoài ra, mọi người nên khuyến khích người thân đi khám định kỳ tại bệnh viện để bác sĩ thực hiện siêu âm, theo dõi diễn tiến bệnh và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
Nếu qua siêu âm phát hiện polyp túi mật nhưng bệnh nhân không có triệu chứng bất thường như đau hay sốt, thì bệnh nhân cần được theo dõi định kỳ và tái khám sau khoảng 6 tháng hoặc một năm để quyết định biện pháp xử lý. Sau thời gian đó, nếu không còn phát hiện polyp, bệnh nhân không cần phải điều trị thêm. Ngược lại, nếu hình ảnh polyp vẫn rõ ràng, bệnh nhân nên đi khám và làm siêu âm định kỳ mỗi 6 tháng.
Đối với vấn đề “Đa polyp túi mật có nguy hiểm không” thì trong trường hợp là polyp lớn hơn 10mm hoặc có dấu hiệu ác tính qua xét nghiệm máu hoặc bệnh nhân xuất hiện triệu chứng như đau và sốt tái phát, thì câu trả lời là có, lúc này bệnh nhân cần tiến hành phẫu thuật sớm.
Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ quyết định phẫu thuật nội soi hoặc mổ mở để cắt bỏ túi mật chứa nhiều polyp. Nhìn chung, phẫu thuật nội soi được ưa chuộng hơn vì đây là phương pháp ít xâm lấn, giúp giảm đau, hồi phục nhanh và ít gây biến chứng. Chỉ sau 1-2 ngày nếu sức khỏe ổn định, bệnh nhân có thể ra viện.
Sau khi cắt bỏ túi mật, cơ thể cần thời gian thích nghi. Ban đầu, dịch mật sẽ đi thẳng xuống ruột, có thể gây tiêu chảy, chướng bụng. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường hết sau vài tuần và hiếm khi kéo dài hơn. Thời gian hồi phục hoàn toàn còn phụ thuộc vào sức khỏe của từng người.

3. Chăm sóc người bệnh sau khi phẫu thuật cắt túi mật
Chế độ ăn uống đóng vai trò quyết định trong quá trình phục hồi sau phẫu thuật cắt túi mật. Việc lựa chọn thực phẩm phù hợp sẽ giúp giảm thiểu các triệu chứng khó chịu như tiêu chảy, đầy bụng và hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động ổn định.
- Ngay sau khi phẫu thuật, bệnh nhân nên ưu tiên các loại thực phẩm dễ tiêu hóa như cháo, súp... Dần dần, khẩu phần ăn có thể được đa dạng hóa với các loại rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt.
- Bệnh nhân cần lưu ý hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo bão hòa, đường và muối.
- Bên cạnh đó, việc uống đủ nước cũng rất quan trọng. Nước giúp người bệnh nhanh chóng đào thải thuốc mê sót lại trong cơ thể sau ca phẫu thuật.
- Để quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi, người bệnh cũng nên kết hợp với chế độ sinh hoạt khoa học, bao gồm việc vận động nhẹ nhàng, nghỉ ngơi hợp lý và giữ gìn vệ sinh cá nhân.
Do polyp túi mật có nguy cơ dẫn đến ung thư và thường không có dấu hiệu rõ ràng, mọi người nên khám sức khỏe tổng quát định kỳ 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện và can thiệp sớm. Bệnh nhân cũng cần kiểm soát các yếu tố làm tăng khả năng hình thành polyp túi mật như điều trị rối loạn chức năng gan mật, kiểm soát lượng đường và mỡ máu cao và phòng tránh viêm gan do virus.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.